"Captain Marvel" đưa chúng ta ngược về quá khứ với bối cảnh của những năm 1990. Điều đó đồng nghĩa với rất nhiều thách thức dành cho nhóm xử lý hiệu ứng hình ảnh, nhưng bầu không khí đầy hoài niệm chắc chắn là thứ mà người xem sẽ vô cùng thích thú. Các diễn viên gạo cội như Samuel L. Jackson và Clark Gregg hẳn nhiên cần tới quá trình "làm trẻ" trong tất cả các phân cảnh, và nó thực sự khá tốn kém. May mắn thay công việc này không ảnh hưởng quá nhiều tới bộ phim.
Ngân sách của "Captain Marvel" rơi vào khoảng 152 triệu đô. Mức kinh phí này là thấp nhất kể từ khi phần phim đầu tiên về Ant-Man được sản xuất (với chỉ 130 triệu đô).
Mặc dù vậy bạn đừng nên ngạc nhiên bởi các tác phẩm solo của MCU thường có ngân sách nhỏ hơn rất nhiều so với các tác phẩm crossover (như Avengers). Một phần bởi Marvel Studios không đặt nhiều kỳ vọng vào doanh số phòng vé, và sự xuất hiện của một nhân vật mới là thứ không nên mang ra đánh cược. Có thể "Captain Marvel" đang được giới điện ảnh dự đoán sẽ trở thành cú hit nhưng nó vẫn phải đi theo truyền thống của hãng. 304 triệu đô là đủ hòa vốn trên toàn thế giới, một con số mà gần như chắc chắn bộ phim có thể vượt qua ngay ở tuần đầu tiên.
Với ngân sách nằm ở giới hạn an toàn để quản lý như vậy, "Captain Marvel" đủ sức mang lại lợi nhuận tốt cho hãng phim. Bên cạnh đó nó còn được ra mắt vào thời điểm có rất ít sự cạnh tranh xứng tầm, cũng như danh tiếng vốn có của MCU cộng thêm sự bảo chứng tới từ giới phê bình khiến chúng ta chẳng có lý do gì mà không tin tưởng vào thành công mà bom tấn này sẽ đạt tới.