Những ngày gần đây, nhận định Netflix là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng diễn viên Hàn Quốc thất nghiệp hàng loạt đang trở thành chủ đề nóng trên các nền tảng mạng xã hội xứ Kim Chi. Tuy chỉ mới chỉ mới gia nhập thị trường phim ảnh Hàn Quốc vào năm 2016 nhưng Netflix đã nhanh chóng trở thành "ông lớn" dẫn đầu các nền tảng OTT (Over The Top, tạm dịch: dịch vụ phát trực tuyến đa phương tiện) khi là nơi ra đời của hàng loạt siêu phẩm đình đám như Sweet Home, Squid Game, Kingdom,...Nhưng Netflix lại đang nhận bão chỉ trích của người trong ngành vì lạm dụng quyền lực. Vậy nguyên nhân do đâu?
"Bão chỉ trích" nhắm đến Netflix?
Cụ thể, truyền thông Hàn Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi số lượng phim truyền hình lẫn điện ảnh sản xuất cho mỗi năm đều đang có dấu hiệu đi xuống. Cụ thể, năm 2022, số lượng phim được ghi hình và lên kế hoạch phát sóng là 135 phim, đến năm 2023 con số này là 125, đến năm 2024 thì chỉ quanh quẩn dưới 100 phim.
Về phần doanh thu, năm 2023, doanh thu phát sóng trong nước giảm 4,7% so với năm trước, xuống còn 1,897 nghìn tỷ KRW (1,4 tỷ USD). Doanh thu truyền hình mặt đất giảm 10,2%, truyền hình cáp giảm 3,9%, phát sóng vệ tinh giảm 2,7%, mua sắm tại nhà giảm 5,9% và các nhà cung cấp chương trình chung giảm 7,7%. Chẳng ai ngờ rằng, thị trường phim ảnh gây bão một thời như xứ kim chi lại đi đến bước đường có nguy cơ suy thoái và sụp đổ khi có dấu hiệu tăng trưởng âm trong một thập kỉ. Nhiều người đặt ra nghi vấn phải chăng truyền hình Hàn Quốc đang thất thế trước một nền tảng phát sóng trực tuyến đến từ Mỹ?
Theo Naver trích dẫn, nguồn cơn của sự khủng hoảng là do sự ảnh hưởng của Netflix đến sự phát triển chung của phim ảnh xứ Hàn. "Chúng ta đang trải qua tình hình tồi tệ nhất trong 10 năm qua", một số ý kiến nhận định.
Kim Ha Neul - nữ chính của 18 Again, gần đây đã xuất hiện trên một kênh YouTube đã chia sẻ về tình thế hiện tại của bản thân. "Trước đây, tôi nhận được rất nhiều lời mời đóng phim đến nỗi tôi phải nói rằng tôi chỉ muốn nghỉ ngơi. Nhưng giờ đây, số lượng kịch bản đã giảm đi đáng kể. Tôi chợt nhận ra mình rất trân quý những kịch bản tìm đến".
Nữ diễn viên Go Hyun Jung cũng bày tỏ mối quan tâm tương tự. Sao nữ Mask Girl tiết lộ: "Hiện tại, tôi không nhận được bất kỳ lời mời đóng vai nào. Tôi không cần phải là vai chính, thậm chí tôi sẵn sàng giảm thù lao chỉ để được xuất hiện trước công chúng".
Trong một hội thảo chung được tổ chức từ ngày 26 đến 27 tháng 9 về "Nguyên nhân và giải pháp cho cuộc khủng hoảng thị trường phát thanh truyền hình", Hiệp hội Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông Hàn Quốc, Hiệp hội Phát thanh truyền hình Hàn Quốc và Hiệp hội Chính sách Truyền thông Hàn Quốc tuyên bố rằng "thị trường truyền thông trong nước đang trong tình trạng khẩn cấp".
Giáo sư Lee Heon Yul của Đại học Hàn Quốc giải thích: "Ngân sách sản xuất khổng lồ do các nền tảng OTT toàn cầu như Netflix đặt ra đã buộc các đài truyền hình phải cắt giảm việc sáng tạo nội dung để tồn tại. Kết quả là, chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh về số lượng phim truyền hình được sản xuất và chỉ một số ít diễn viên được các nền tảng này lựa chọn mới kiếm được tiền".
Giáo sư Lee Sang Won của Đại học Kyung Hee cũng nêu lên mối lo ngại, tuyên bố rằng: "Tác động của Netflix đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về doanh thu phát sóng, trong khi chi phí sản xuất nội dung lại tăng cao. Sự sụp đổ này trong hệ sinh thái phát sóng có thể sớm trở thành một cuộc khủng hoảng đối với Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu)".
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng cần đưa ra các giải pháp để giải quyết tình trạng mất cân bằng do nền tảng toàn cầu này gây ra. Thêm vào đó, đài truyền hình trong nước nên ít chịu giám sát về các quy định hơn và đề nghị tăng trách nghiệm cũng như quy định đối với dịch vụ OTT toàn cầu như Netflix. Điều này sẽ khôi phục lại sự công bằng trong ngành.
Khán giả phẫn nộ vì chỉ trích vô lý, lỗi tại diễn viên?
Ý kiến từ chuyên gia trong buổi hội nghị đã vấp phải sự chỉ trích lớn từ công chúng bởi nó vô lý và chỉ hướng đến việc có lợi cho các nhà làm phim Hàn Quốc. Nhiều khán giả lên tiếng phản đối về việc giới truyền thông chỉ trích Netflix là nguồn cơn gây ra thảm hoạ mà không thẳng thắn nhìn vào vấn đề thực sự.
Một số bình luận của công chúng:
- Ai cũng có thể nhìn ra được vấn đề củaviệc sản xuất phim truyền hình rất khó khăn là vì phí diễn viên quá đắt, nhưng họ lại nói ngược lại? Là do ngân sách Netflix hay do thù lao diễn viên quá đắt nên đài truyền hình sản xuất phim trả không nổi?
- Hãy ngừng đổ lỗi cho Netflix và nhìn vào gốc rễ của vấn đề đi. Diễn viên nước ta đang kiếm được hàng tỷ đô la cho một lần xuất hiện. Giá trị thương mại của họ thực sự cao đến vậy à? Con số 3 tỷ cho mỗi tập xuất hiện đã "ngốn" quá nhiều tiền.
- Các diễn viên khoe khoang về việc mua các tòa nhà và căn hộ trị giá hàng trăm tỷ, nhưng bây giờ người nổi tiếng và giới làm phim lại lo lắng về tương lai của họ?
- Chỉ cần giảm tiền thù lao xuống thì các đài truyền hình lại sản xuất tiếp được mà. Liên quan gì Netflix?
- Họ muốn công bằng nhưng lại muốn tạo thế bất lợi cho Netflix chỉ vì nền tảng này giàu?
Sau khi bài báo được đăng tải trên Naver, nhiều người chỉ ra điểm bất thường của việc "đổ lỗi" của giới truyền thông. Thứ nhất, ngân sách to lớn của Netflix không chỉ đáp ứng được yêu cầu chất lượng cao của bối cảnh, kỹ xảo, mà còn có thể "cân" được thù lao cao ngất ngưỡng của diễn viên mà họ hướng đến. Trong khi đó, với nền tảng công cộng, do chi phí hạn hẹp, họ ít cơ hội để tiếp cận với các tên tuổi lớn. Việc này xuất phát từ tiềm lực khác nhau giữa các đơn vị sản xuất, hay nói đúng hơn là các cuộc đua cạnh tranh mạnh được yếu thua giữa tư bản trong nước và nước ngoài.
Một số giải pháp được đưa ra hướng đến việc cắt giảm thù lao của diễn viên sẽ tối ưu được chi phí sản xuất, khi ở thời điểm hiện tại, cát-xê đang "gánh" phần lớn phần ngân sách của một bộ phim. Nền công nghiệp phim ảnh được thế giới biết đến là một trong những quốc gia có mức trả cát-xê cao ngất ngưỡng. Ngọc nữ màn ảnh Hàn Song Hye Kyo xuất hiện trong The Glory với mức chi phí 200 triệu won (khoảng 162.595 USD) cho mỗi tập phim, cát-xê này cũng tương tự với Jun Ji Hyun. Một ví dụ khác, theo như truyền thông Hàn Quốc đưa tin, để có thể chi trả cho một tập Kim Soo Hyun xuất hiện trong Queen of Tears, mức chi phí đã lên tới 800 triệu won (khoảng 596.000 USD), 16 tập nam diễn viên đã bỏ túi 12,8 tỷ won (khoảng 9,54 triệu USD). Tính đến thời điểm hiện tại, Kim Soo Hyun là một trong những sao nam có mức cát-xê đắt đỏ nhất của xứ kim chi.
Chưa kể, sau thành công của loạt siêu phẩm có sự góp mặt của nam/nữ diễn viên chính mà mức thù lao của họ còn có thể tăng thêm. Theo tiêu chuẩn của ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc, một diễn viên có thể tăng thù lao từ 1,2-1,3 lần nếu tác phẩm trước đó thành công.
Nhưng cũng thật phiến diện nếu cho đỗ lỗi này cho diễn viên, khi giá trị thương mại của họ gắn liền với lợi ích của nhà sản xuất. Một kịch bản không hay, một vài trường hợp lại được "cứu" bởi một diễn viên tên tuổi, ví dụ như trường hợp của Legend Of The Blue Sea - giai đoạn năm 2016-2017, dự án này bị đánh giá là nội dung nhàm chán, cũ kỹ nhưng rating luôn ở mức hai chữ số vì sự góp mặt của Lee Min Ho và Jun Ji Hyun. Tương tự, Queen of Tears - bộ phim bị chê bai nhiều tình tiết phi lý, lạm dụng drama nhưng vẫn ghi nhận rating cao ngất ngưởng vì quy tụ hai ngôi sao hàng đầu châu Á là Kim Soo Hyun và Kim Ji Won.
Nhưng Hàn Quốc cũng không thiếu những tác phẩm hay góp phần đưa tên tuổi lên tầm cao mới như Lovely Runner (Byeon Woo Seok, Kim Hye Yoon) hay loạt series truyền hình Reply 1997, 1994 và bùng nổ nhất là Reply 1988.
Như vậy, có thể thấy mối quan hệ giữa diễn viên - nhà sản xuất là đôi bên hợp tác cùng có lợi, và bài toán của nhà sản xuất là làm thế nào để cân bằng mức chi phí này. Tất nhiên, quy trình làm ra một bộ phim của Netflix cũng không nằm ngoài quy luật này. Quay lại câu hỏi của netizen? Vậy Netflix có trách nhiệm gì trong câu chuyện này khi họ cũng đối mặt với vấn đề chi phí, có chăng là Netflix dễ dàng có được những diễn viên mà họ ưng ý bởi tiềm lực tài chính vượt trội hơn hẳn.
Netflix có góp phần lan toả làn sóng Hallyu?
Bên dưới phần bình luận, một ý kiến nhận được sự đồng tình rất lớn từ công chúng: "Đừng quên nhờ có Netflix nên phim ảnh Hàn Quốc mới bùng nổ trên khắp thế giới". Năm 2016 đánh dấu cột mốc Netflix tiến vào thị trường Hàn Quốc. Lúc này, xứ củ sâm đang là sân chơi của các nền tảng trực tuyến như TVING của CJ ENM, Seezn của KT và Wavee của SKT. Bên cạnh các đài truyền hình công cộng, họ cũng đang cạnh tranh để thống trị thị trường.
Nhưng trước khi Netflix xuất hiện, các nền tảng trả phí của Hàn Quốc đều ít có khả năng tiếp cận với khán giả quốc tế. Vì vậy, Netflix được ca ngợi là ứng dụng mở ra cánh cửa kết nối giúp người dùng trên toàn thế giới biết đến làn sóng Hallyu, vị thế của phim ảnh Hàn Quốc không còn bó hẹp ở châu Á mà lan toả trên khắp toàn cầu. Đơn cử như trường hợp của Squid Game, bộ phim này được đánh giá là hiện tượng toàn cầu góp phần đưa loạt tên tuổi của Jung Ho Yeon, Lee Jung Jae thăng hạng. Trong 2 tháng phim công chiếu Instagram của Jung Ho Yeon tăng từ 400.000 lên 21,4 triệu người. Về phía tài tử Lee Jung Jae, anh đạt một triệu người theo dõi chỉ sau một ngày mở tài khoản Instagram. Thời trang, công nghệ, hay du lịch Hàn Quốc đều vì tiếng vang của Squid Game mà phát triển mạnh mẽ.
Nhưng bên cạnh những hiệu ứng tích cực, "sự nhúng tay" của Netflix cũng khiến nhiều khán giả chê trách bởi sự xuất hiện của các cảnh nóng vô lý (A Killer Paradox) hay "vắt kiệt" tài nguyên của một siêu phẩm như Sweet Home.
Nhìn chung, bất kỳ vấn đề nào đều có hai mặt đối lập và việc cạnh tranh khốc liệt ở mỗi thị trường là điều hoàn toàn dễ hiểu. Việc cho rằng Netflix là nguồn cơn gây ra sụt giảm số lượng phim sản xuất mọi năm vẫn đang bị khán giả lên án là phiến diện. Trong khi đó, điều thực sự chinh phục khán giả lại là một kịch bản hay đi kèm với diễn xuất ấn tượng chứ không phải là số lượng phim được ra mắt mỗi năm nhưng nội dung nhàm chán, cũ kỹ. Ngay cả với Netflix dù đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng phim dở thì công chúng vẫn chỉ trích và chê bai.
Phải chăng, thứ chúng ta nên quan tâm lúc này là chất lượng thay vì số lượng?