Diễn viên Việt lăn xả vào vai đời lam lũ

Không có cảnh quần là áo lượt, sống trong cảnh nhà lầu xe hơi, đấu đá tranh giành quyền lực hay những cuộc tình lãng mạn… những bộ phim khắc họa hình ảnh người lao động với phận đời lam lũ vẫn vô cùng hút khách. Và ở đó, các diễn viên - linh hồn của những bộ phim, phải lăn xả thậm chí hy sinh rất nhiều.
Diễn viên Việt lăn xả vào vai đời lam lũ - Ảnh 1.

Cuộc đời vẫn đẹp sao đang gây sốt khi khai thác những phận đời lam lũ

Những bức tranh xù xì vẽ những mảnh đời khốn khó

Sở dĩ mới lên sóng hơn chục tập nhưng Cuộc đời vẫn đẹp sao đã trở thành một bộ phim rất ăn khách là bởi đạo diễn đã chọn khai thác những góc khuất sau cuộc sống mưu sinh của người lao động nơi khu chợ nghèo. Đó là Luyến (Thanh Hương đóng) sống trong khu ổ chuột cũng mẹ chồng (NSƯT Thanh Quý), tần tảo làm nghề cửu vạn, bốc vác thuê ở khu chợ. Là Lưu (Hoàng Hải) bị vợ bỏ, sống ở gầm cầu, làm bốc vác để nuôi con trai học đại học. Điền (Tô Dũng) là anh em cùng phòng trọ với Lưu, hiền lành, nhường nhịn nhưng cũng có hoàn cảnh gia đình ở quê rất khó khăn.

Ở tuyến nhân vật phụ có Bình, làm thuê ở quầy bán hoa quả, đồng bóng, chanh chua hay Hòa, chủ cửa hàng hoa quả hiểu chuyện, thương người...

Mỗi một nhân vật đều có hoàn cảnh riêng với mặt tốt và xấu, đáng trách và đáng thương. Họ khiến khán giả đôi lúc chê trách vì hành động lựa chọn tư lợi nhưng sau đó lại rưng rưng thương cảm hay bật cười thích thú với tình tiết hài hước.

Phim khai thác về cuộc mưu sinh khổ cực nhưng không bi lụy, u ám mà cho thấy được sự lạc quan, khát vọng sống của mỗi người trước nghịch cảnh. Bên trong sự xù xì, gai góc do cuộc sống nhiều khó khăn, cực nhọc mang lại, mỗi người đều có tấm lòng chân thành, lương thiện, tử tế.

Trước Cuộc đời vẫn đẹp sao, một bộ phim cũng từng lấy đi không ít nước mắt của khán giả là Mẹ rơm của đạo diễn Nguyễn Phương Điền. Với bối cảnh từ một làng quê nghèo khó, vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh, mỗi nhân vật trong phim cũng đều có số phận đáng thương.

Thậm chí, có những người không chỉ nghèo vật chất, mà ngay cả một hình hài nguyên vẹn cũng không may mắn có được.

Đó là Mô “gù” (Thái Hòa) với thân hình dị dạng, nghèo khổ, nhưng tốt bụng. Dù hoàn cảnh trớ trêu phải nuôi hộ con người khác nhưng anh luôn yêu thương, thậm chí sẵn sàng hy sinh vì con.

Đó là Loan (Huỳnh Hồng Loan), một cô gái khù khờ bị trưởng thôn dụ dỗ đến chửa hoang và hậu quả không chỉ là tai tiếng mà còn bi kịch hơn từ chính cách hành xử của người anh hai tên Khoản cục súc vừa đi tù về.

Hồng - một cô gái mồ côi có vẻ ngoài dữ dằn, tham lam nhưng ẩn sâu bên trong là quá khứ đau buồn… Mỗi con người ở làng quê nghèo ấy dù tốt hay xấu đều có những nỗi niềm riêng. Các nhân vật trong phim đều được đạo diễn - NSƯT Nguyễn Phương Điền chăm chút, xây dựng nét tính cách rõ rệt.

Đến sau cùng, sau khi trải qua nhiều chuyện dù tốt hay xấu thì các nhân vật trong phim từ những người bần cùng, nghèo khổ như Mô, Loan đến những người có chức, có tiền cũng đã nhận ra rằng tình người là thứ không thể mua được bằng tiền.

Cát đỏ của đạo diễn, NSƯT Lưu Trọng Ninh cũng là một bộ phim khai thác về đề tài “những người khốn khổ”. Phim lấy bối cảnh ở vùng cồn cát Bình Thuận đầy nắng gió, xoay quanh số phận ba người phụ nữ: Đủ, Nhớ và Nhan. Nhớ (Thúy Diễm) chạy trốn khỏi xưởng nước mắm với cái thai trong bụng. Nhan (Thúy Nga) trốn khỏi nhà khi mới 13 tuổi vì bị cha dượng xâm hại. Đủ (Tuyết Hương) có con với ông Tư nhưng không thể kết hôn vì lời thề với vợ quá cố của ông Tư.

Mỗi cô gái một số phận, tưởng chừng họ cứ an phận sống qua ngày ở vùng cát đỏ cằn cỗi, nhưng sâu thẳm bên trong mỗi người là khát khao thay đổi số phận và dám hành động, đấu tranh, vượt qua một hành trình dài để tìm hạnh phúc.

Càng xem, càng đi sâu cảm nhận, người ta sẽ càng rung cảm cùng số phận những con người với những hỷ nộ ái ố. Những câu chuyện tình trong Cát đỏ cũng được khai thác đến tận cùng của yêu thương, ghen tuông, thù hận, nhớ nhung…

Không còn “ở nhà lầu, đi xe hơi”…

Diễn viên Việt lăn xả vào vai đời lam lũ - Ảnh 2.

Diễn viên Thanh Hương có màn “lột xác” cả về ngoại hình lẫn diễn xuất trong Cuộc đời vẫn đẹp sao.

Phần lớn những cảnh quay trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao đều thiếu sáng vì chủ yếu là cảnh bốc vác hàng lúc gần sáng hay trong những căn nhà lắp ghép tạm bợ. Vì thế, các diễn viên cũng phải trải qua sự vất vả, lăn lộn hết sức chân thực.

Các nghệ sĩ Thanh Hương, Hoàng Hải… phải trải qua từ bốc vác, xếp hàng, kéo những chiếc xe đẩy hàng nặng trịch, cho đến bị kéo lê, lăn lộn trên nền đất, nền chợ… Để vào vai này, diễn viên Thanh Hương đã cắt tóc, giảm cân cho phù hợp với tạo hình và hoàn cảnh nhân vật.

“Những ngày mưa gió, chúng tôi quay phim ngay cạnh cống rãnh, bãi rác to. Chúng tôi ăn cơm, nằm ngủ cạnh bãi rác”, cô chia sẻ. Nhiều cảnh phim khiến cho nữ diễn viên rơi nước mắt trước và cả sau khi quay, bởi không hiểu sao lại có phận người khổ quá như vậy.

NSƯT Thanh Quý phải hóa trang già nua, xấu xí, đầu được phun tóc bạc kín để vào vai bà mẹ chồng bán bánh rán. Thuộc hàng “cây đa cây đề” nhưng nữ nghệ sĩ vẫn vui vẻ chấp nhận mọi vất vả như các diễn viên khác, có những hôm ở trường quay đến 2-3 giờ sáng, lúc nào tranh thủ được thì chợp mắt một chút, xong lại dậy diễn bình thường.

Do phim thu thanh đồng bộ trực tiếp tại hiện trường nên nhiều cảnh quay phải quay đi quay lại rất nhiều lần do lẫn tạp âm. Các diễn viên phải quay muộn, ăn trưa vào 3-4 giờ chiều.

“Chúng tôi rất mệt vì kéo xe hàng không dễ chút nào, phải kéo đi kéo lại mà vẫn phải thoại, giữ nguyên cảm xúc. Tuy nhiên tôi không coi đó là sự vất vả bởi đó là trách nhiệm làm nghề của diễn viên”, diễn viên Tô Dũng bày tỏ.

Thoát khỏi những vai thư sinh, bảnh bao và điển trai trên màn ảnh, Tô Dũng đảm nhận vai Điền trong “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Tạo hình nhân vật bụi bặm, nghèo khổ của Điền - một tay bốc vác làm việc nơi chợ đầu mối hoa quả khiến khán giả ngỡ ngàng.

Nói Thái Hòa là “linh hồn” của Mẹ Rơm quả không sai. Ngay từ những tập đầu, diễn xuất của Thái Hòa đã được người xem khen ngợi. Ít ai biết rằng, để hóa thân thành Mô “gù”, nam diễn viên phải trải qua hành trình khổ ải.

Diễn viên Huỳnh Hồng Loan từng tiết lộ Thái Hòa gần như hóa thành Mô “gù” trong suốt thời gian nhận vai này. Một tháng đầu hầu như các cảnh quay diễn ra trong rừng, Thái Hòa phải lội suối, bị côn trùng cắn, vết thương sưng tấy, viêm nhiễm, ai nhìn cũng xót xa. Những vết thương ngày càng sưng to nhưng ngày nào nam diễn viên cũng phải đeo đạo cụ giả gù nặng đến 4-5 kg. Do phải quấn nhiều lớp quần áo nên càng cọ xát đến các vết thương gây đau đớn.

Cát đỏ lần đầu đưa khán giả tới mảnh đất Bình Thuận, nơi những cồn cát quanh năm nắng cháy. Giống như các nhân vật nữ trong những bộ phim lam lũ khác, dàn diễn viên chính của Cát đỏ cũng hoàn toàn phải để mặt mộc khi lên phim.

Thậm chí, sau một thời gian quay phim, cả đoàn gần như được “nhuộm da” mà “không son phấn nào cứu vãn nổi”.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh còn tiết lộ với Tiền Phong: “Các cô diễn viên trắng trẻo từ TPHCM lên thành ra đen như củ súng, khỏi cần hóa trang. Ban đầu chúng tôi còn phải bôi đen cho Diễm, sau Thúy Diễm đen khỏi cần trang điểm”.

Thúy Diễm không thể quên những ngày quay phim, hết đóng đô ở xưởng nước mắm lại chuyển sang xưởng mắm tôm. Ngày nào cũng quay quần quật từ 5h sáng đến tận khuya, bao lần ngã ngựa khi tập cưỡi ngựa trên cát.

“Ban ngày trời nắng nóng, không một bóng cây, chúng tôi cứ thế lăn xả ngoài trời mà không có áo bảo hộ hay kem chống nắng. Ban đêm thì bối cảnh chủ yếu ở sa mạc, giữa rừng, thậm chí giữa biển. Thời tiết rất lạnh, nhiều côn trùng, rắn rết… Rất mệt nhưng ai cũng động viên nhau cố gắng”, nữ diễn viên trải lòng.

Có những hôm trời nắng, cả đoàn phim 30 người chui rúc trong không gian chật chội, đóng kín cửa, thậm chí đứng cạnh những thùng cá vừa mới bắt đầu lên men… là trải nghiệm không thể quên với mỗi thành viên trong đoàn.

Diễn viên Võ Nghi Bình lại bị ám ảnh với những cảnh quay rượt đuổi trên cồn cát.

“Tôi phải chạy, lăn đến hơn 10 lần liên tục trên cát từ sáng đến tận trưa để có được những khung hình đẹp nhất. Hơn nữa, đồi cát đó vừa cao, vừa dốc thẳng đứng. Sức tôi có thể chịu được, chứ như Thuý Nga quay xong cảnh đó chóng mặt, ói luôn”, nam diễn viên chia sẻ.

Nam diễn viên Thanh Tùng thì lần đầu tiên trong đời được trải nghiệm việc tập cưỡi ngựa, cho ngựa ăn và hót phân ngựa hàng ngày, trong suốt nửa năm trời tham gia bộ phim.