Trong tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" nói riêng, hình tượng của Tào Tháo mặc dù được xây dựng như một vị quân chủ xuất chúng, thế nhưng cũng sở hữu một nhược điểm chí mạng. Đó chính là thói háo sắc.
Thậm chí, sở thích cướp vợ người của nhân vật này cho tới ngày nay vẫn thường khiến hậu thế ngán ngẩm lắc đầu mỗi khi nhắc tới. Bằng chứng là năm xưa khi Hà Tiến rớt đài, ông đã từng chiếm đoạt con dâu họ Hà là Doãn thị.
Không dừng lại ở đó, sau khi đánh chiếm được Nghiệp Thành, Tào Tháo cũng từng có ý đồ với con dâu của Viên Thiệu là Chân Mật, chỉ có điều bị Tào Phi nhanh tay "hớt tay trên" mà thôi.
Thế nhưng hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, với một vị quân chủ sở hữu tính cách như Tào Tháo thì dù cho có háo sắc cũng sẽ không để bất kỳ phụ nữ nào trở thành nhân tố cản đường mình.
Tuy nhiên ít ai có thể ngờ rằng, một Tào Tháo đa nghi, toan tính và lý trí như vậy thậm chí đã có tới 2 lần suýt bị hủy cả cơ nghiệp vì thói háo sắc.
Vậy hai mỹ nhân có bản lĩnh khiến vị quân chủ ấy thiếu chút nữa hỏng cả cơ đồ rốt cục là người thế nào?
Trâu thị - Quả phụ khiến Tào Tháo "nhà tan cửa nát"
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Trâu thị vốn xuất thân là quả phụ của đại tướng Trương Tế dưới quyền Đổng Trác năm xưa và cũng là thím của Trương Tú.
Ban đầu, khi Tào Tháo đem quân chinh phạt Uyển Thành, Trương Tú dưới lời đề nghị của Giả Hủ đã đồng ý xin hàng. Việc chiếm được thành trì này cũng nhờ vậy mà không gặp bất kỳ trắc trở nào.
Thế nhưng không ngờ ngay ở thời điểm mấu chốt, Tào Tháo đã bị sắc dục làm mờ mắt, cố tình cưỡng đoạt Trâu thị, thậm chí còn có dã tâm trừ khử Trương Tú.
Loại chuyện nhục nhã này khiến Trương Tú không còn cách nào nhẫn nhịn, liền thừa lúc Tào Tháo lơ là cảnh giác, phát động kế hoạch đánh lén vào ban đêm. Đây chính là cuộc chiến Uyển Thành mà sau này hậu thế thường nhắc tới.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Điểm đáng nói còn nằm ở chỗ, trận đánh úp năm ấy đã khiến Tào Tháo mất đi một mãnh tướng là Điển Vi – người đã dùng tính mạng của mình để bảo vệ cho ông khỏi quân địch.
Chỉ riêng việc Điển Vi phải bỏ mạng để cứu Tào Tháo đã đủ cho thấy tình cảnh khi ấy hung hiểm tới mức nào. Tào Mạnh Đức có thể giữ được mạng sống mà thoát ra ngoài cũng đã được xem như kỳ tích.
Không chỉ suýt bị vong mạng và mất đi ái tướng, Tào Tháo còn lâm vào cảnh "nhà tan" khi người con trưởng Tào Ngang vì nhường ngựa cho cha mà chết trong đám loạn quân. Cháu trai của ông là Tào An Dân cũng hy sinh trong lần ấy.
Năm xưa, Tào Ngang vốn được chính thất họ Tào là Đinh phu nhân nhận nuôi, cũng được Tào Tháo ngầm công nhận là người thừa kế.
Vì vậy, cái chết của người con trưởng này chẳng những là một đả kích không nhỏ đối với thế lực của ông mà còn khiến nội bộ của Tào gia lâm vào cảnh lục đục.
Cũng sau chuyện này, mối quan hệ của ông và chính thất họ Đinh đã rạn nứt tới mức không thể cứu vãn. Đinh phu nhân sau đó cũng quyết định rời bỏ người chồng vì háo sắc mà hại chết con trai này.
Như vậy, Trâu thị năm xưa chẳng những đẩy Tào Tháo vào cảnh hung hiểm tới mức suýt vong mạng mà còn khiến ông mất đi mãnh tướng, con trai, cháu trai và người vợ cả từng rất mực sủng ái năm nào…
Đỗ thị - Mỹ nhân khiến Quan Vũ ngầm trở mặt với Tào Tháo
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
So với Trâu thị, ảnh hưởng của Đỗ thị tuy nhỏ hơn nhưng cũng không hề thua kém là bao.
Giống như mỹ nhân họ Trâu, Đỗ thị khi bị Tào Tháo nhìn trúng cũng đã là một phu nhân đã có chồng. Điểm khác biệt nằm ở chỗ, nếu Trâu thị là một quả phụ thì chồng của Đỗ thị lúc đó vẫn chưa hề qua đời.
Phu quân của vị mỹ nhân này tên là Tần Nghi Lộc – một thuộc hạ không mấy nổi bật từng làm việc dưới quyền Lữ Bố.
Vì có nhan sắc nức tiếng trong khi người chồng lại chẳng mấy tiếng tăm, Đỗ thị năm xưa từng lọt vào mắt xanh của không ít người, trong đó có cả vị tướng "uy chấn Hoa Hạ" là Quan Vũ.
"Thục ký" và "Ngụy Thị Xuân Thu" từng ghi lại, ban đầu khi Tào Tháo tiến hành vây khốn Lữ Bố ở Từ Châu, Quan Vũ từng nhiều lần thỉnh cầu được ban cho Đỗ thị sau khi đánh hạ thành trì này.
Tào Tháo ban đầu sảng khoái đáp ứng, thế nhưng sau khi tận mắt chứng kiến nhan sắc chim sa cá lặn của mỹ nhân họ Đỗ thì nổi tính háo sắc, liền "hớt tay trên" nạp nàng vào hậu cung của mình.
Tranh minh họa.
Cả Đỗ thị và Tần Nghi Lộc đều không có cách nào phản kháng, con trai của hai người là Tần Lãng thì còn quá nhỏ. Thế nhưng Quan Vũ lại không mấy cam lòng bị cướp đi người tình trong mộng.
Vì vậy, vị tướng này từng có lần lên âm mưu ám sát Tào Tháo. Theo "Hoa Dương quốc chí" ghi lại, ông từng định thừa lúc Lưu Bị cùng Tào Tháo đi săn để hành động.
Chỉ có điều, kế hoạch này của Quan Vũ đã bị Lưu Bị kịp thời ngăn cản. Thế nhưng mối quan hệ của vị tướng họ Quan với Tào Tháo cũng bắt đầu rạn nứt từ đó.
Từ những minh chứng trên đây, không khó để nhận thấy một chư hầu mạnh nhất Tam Quốc như Tào Tháo năm xưa tuy không thể bị Tôn – Lưu đánh bại nhưng lại có tới 2 lần suýt bị hủy hoại bởi nữ sắc.
Trâu thị và Đỗ thị cũng chính là hai mỹ nhân từng suýt chút nữa khiến vị quân chủ họ Tào này phải vong mạng vì thói háo sắc và sở thích cướp vợ người của mình.
Thiết nghĩ nếu năm xưa điều này trở thành sự thật, lịch sử Tam Quốc nói riêng và lịch sử Trung Hoa nói chung rất có thể sẽ được viết lại theo một cách mà khó ai có thể ngờ tới được…
*Theo quan điểm của Qulishi