Đây cũng có thể coi là một sự so sánh giữa Tây Du Ký nguyên tác của Ngô Thừa Ân và Tây Du Ký đã được chuyển thể thành phim năm 1986, nhưng ở giới hạn rất nhỏ: Ma tính của Tôn Ngộ Không. Trong lòng người xem từ thế này sang thế hệ khác, Tôn Ngộ Không rất nghịch ngợm, đáng yêu, lại một lòng một dạ với sư phụ, coi trọng các đệ đệ, tuy nhiên tầng lớp nghĩa của Tây Du Ký không thể chỉ có từng đó.
Từ "thiện tính" trở thành "ma tính", giết người trong vui thú
Tôn Ngộ Không sinh ra từ đá, do đất trời tạo thành nên về bản tính vô cùng thuần khiết, nghịch ngợm như một đứa trẻ một mình tự sinh tồn, tự lớn lên, tự khám phá. Ngay cả lần ra đi tìm bí quyết trường sinh bất tử cũng chính là xuất phát từ tình yêu mà hầu tử dành cho đám khỉ ở Hoa Quả Sơn, thế rồi mới bước chân vào biết bao biến cố. Hình ảnh hầu tử quỳ gối cả đêm, thành tâm 1 lòng muốn được Bồ Đề Tổ Sư nhận làm đệ tử chắc hẳn đã lấy đi nước mắt của nhiều người.
Ấy thế nhưng vấn đề là, cái tâm ấy của hầu tử không vững, ngựa non háu đá, càng ngày càng sa đọa biến chất. "Đại Náo Thiên Cung" nghe thì oai phong lẫy lừng nhưng thực chất ở thời điểm đó, hắn không khác gì một yêu tinh man rợ ngông cuồng, trẻ không buông, già cũng không tha, cuối cùng là bị Như Lai trừng phạt.
Cái ma tính chưa tan ấy còn được thể hiện ở những kiếp nạn đầu tiên, khi đó hầu tử về cơ bản là không biết nín nhịn, cậy mình có 72 phép thần thông mà không biết phân biệt giữa "trừng phạt kẻ ác" và "giết hại kẻ ác". Thẳng tay giết sáu tên cướp trong vui thú và hả hê rồi bị sư phụ trách mắng, hầu tử cũng chẳng ngần ngại dùng Cân Đẩu Vân tót cái về chỗ Đông Hải Long Vương, bị chụp Vòng Kim Cô còn toan tới Nam Hải “nện” cho Quan Âm một trận.
Tôn Ngộ Không giết 6 tên cướp, lại còn cười hả hê, muốn khoe công với sư phụ vì nghĩ mình vừa làm được việc tốt
Vòng Kim Cô và hành trình diệt ma tính của Tôn Ngộ Không
Dù còn nhiều lý do khách quan nhưng có thể nói Vòng Kim Cô chính là dấu mốc đánh dấu hành trình tu luyện của Tôn Ngộ Không, trước là biết ôn hòa kiềm chế, sau là sinh tình sinh nghĩa với sư phụ và các đệ đệ. Những ma nạn gặp phải trên đường đi được Thần Phật an bài để Mỹ Hầu Vương diệt trừ ma tính, bồi đắp Phật tính, trải qua từng bước từng bước nhẫn nhục mà thuần hoá bản thân. Tới ngày bái kiến Như Lai nhận chức Đấu Chiến Thắng Phật, Tôn Ngộ Không thực sự đã đạt tới một cảnh giới phi phàm, thoát tục.
Sự ngạo mạn coi thường yêu quái trong bản truyền hình và sự ai oán xót xa trong nguyên tác
Trong Tây Du Ký bản truyền hình, lấy đi nhiều nước mắt của người xem nhất có lẽ là khúc Tôn Ngộ Không 3 lần đánh chết Bạch Cốt Tinh nhưng Đường Tăng lại không nhìn ra, hiểu lầm rồi dứt tình đuổi đại đồ đệ đi. Lúc đó tâm tính Tôn Ngộ Không đã ôn hòa, nín nhịn đến lần thứ ba mới uất ức, tổn thương mà đáp: "Sư phụ mắng oan con rồi (...) Người ta thường nói: “Sự bất quá tam”, con mà không đi, thành ra hạng hạ lưu không biết xấu hổ. Thôi, con đi đây, đi đây! Đi cũng được thôi, chỉ e sư phụ không có thủ hạ giỏi”.
Sau này chỉ thấy Ngộ Không gặp yêu quái nào cũng không không sợ, đánh không lại thì mưu trí sẽ lại, còn nhiều phen "troll" yêu quái khiến người xem cười bể bụng. Tuy nhiên trong nguyên tác của Ngô Thừa Ân, Tôn Ngộ Không lại lòng nhiều trăn trở, không dưới hai lần phải nhỏ giọt lệ, thậm chí là "khóc thất thanh" trước kiếp nạn khó nhằn.
Ở hồi 65 "Yêu ma bày đặt Lôi Âm giả, Thầy trò đều gặp ách nạn to", khi chứng kiến sư phụ, các sư đệ và thiên thần bị yêu quái bắt lại, Tôn Ngộ Không đã "nghiến răng căm giận, nước mắt lã chã, cất tiếng khóc thất thanh ai oán: Sư phụ ơi, sư phụ tạo nghiệp truân chuyên từ đời kiếp nào, mà kiếp này mỗi bước đi đều gặp yêu tinh? Hoạn nạn này khó thoát quá, biết làm thế nào bây giờ?".
Khi Tôn Ngộ Không cuối cùng cũng đã "ngộ không"
Ở những kiếp nạn cuối cùng, nếu như Đường Tăng vẫn còn sợ hãi, Bát Giới và Sa Tăng vẫn không ngưng oán trách, Tôn Ngộ Không lại bình tâm chịu trói, nhận lấy cái tội bị vu oan. Tôn Ngộ Không lúc này đây đã không còn là một Tề Thiên Đại Thánh hung hăng chẳng chịu nổi một điều oan ức nhỏ, cũng không còn là một Mỹ hầu vương dễ dàng rơi lệ vì số kiếp gian truân. Đến bước này, Tôn Ngộ Không thực sự đã “ngộ không”, ngộ ra chỉ cần bình thản đối diện với ma nạn, lòng không gợn nhân tâm chấp trước, thì nhất định vượt qua.
Trong bốn đồ đệ của pháp sư Huyền Trang, chỉ một mình Tôn Ngộ Không là chứng đắc quả vị Phật, được Như Lai phong chức Đấu Chiến Thắng Phật. Hồi nhỏ xem phim thấy hợp lý lắm vì dọc đường là Ngộ Không có công trừ yêu lớn nhất nhưng lớn mới ngộ ra tầng lớp nghĩa: "Quả vị đắc được nhất thiết phải tương đương với cảnh giới tâm tính của người tu luyện, tâm tính cao bao nhiêu thì quả vị lớn bấy nhiêu".
Chú thích: Theo ghi chép trong "Đại Bảo Tích Kinh - quyển thứ 90 - Ưu Ba Ly Hội", Phật giáo có 35 vị Phật và Đấu Chiến Thắng Phật xếp thứ 31. Nếu dựa theo Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không sẽ có đủ danh vọng và địa vị, đi đâu cũng sẽ được người khác tôn kính và xưng là Phật. Ngoài ra còn là một thành viên chiến đấu của giáo phái, đảm nhận những nhiệm vụ chiến trướng binh đao gian khổ. Tuy nhiên nếu không có chiến sự xảy ra thì chức vị này chỉ như hư danh, rất thoải mái nhàn hạ.