Những bộ phim xoay quanh mặt trái của showbiz hay mạng xã hội đã không còn xa lạ khi được các quốc gia khác khai thác nhiều lần, ở Mỹ có Cam (2018), The Neon Demon (2016), Hàn Quốc có Celebrity (2023). Thậm chí, Việt Nam cũng có hai phần Scandal của Victor Vũ từ lâu. Dù ra sau nhưng Fanti vẫn không tạo được sự mới lạ mà còn mang đến một câu chuyện đầy sạn.
Nhân vật chính của Fanti là Ánh Dương (Nguyễn Lâm Thảo Tâm) - một cô gái có 80.000 người theo dõi trên Instagram. Tuy nhiên, cô có tham vọng lớn hơn là trở thành diễn viên. Một ngày nọ, một tài khoản bí ẩn trên Instagram liên tục dùng những biểu tượng cảm xúc nhắn tin cho Dương để báo trước điều sắp xảy ra.
Kẻ giấu mặt này còn hù dọa Kim Khánh (Hồ Thu Anh) - nữ diễn viên chính trong bộ phim Dương đang tham gia - khiến cô này phải bỏ vai. Dương nghiễm nhiên trở thành nữ chính mới. Thế nhưng, kẻ theo dõi này ngày càng táo bạo hơn và đe dọa đến cuộc sống của Dương, khiến hàng loạt tai họa đến với cô gái trẻ.
Góc quay và màu phim không làm nên chất giật gân
Điểm đáng khen chính là việc đạo diễn Andy Nguyễn đã chọn tông màu khá đẹp cho phim. Bối cảnh Fanti chủ yếu diễn ra vào buổi tối hay những địa điểm thiếu sáng. Màu sắc chủ đạo là tím và đỏ, làm gợi nhắc tới The Neon Demon hay Cam, cũng như tăng cảm giác rùng rợn, ma mị. Phim có một số góc quay đẹp, khung hình sắp đặt có ý đồ rõ ràng của đạo diễn.
Nhiều cảnh phim có sự sáng tạo như việc chuyển cảnh bằng biểu tượng cảm xúc, dùng những tin nhắn qua lại trên điện thoại để kể chuyện hay cho thấy góc nhìn qua màn hình livestream. Tuy nhiên, những yếu tố này lại không có đóng góp gì cho sự kịch tính của phim trước một câu chuyện quá nhạt nhòa.
Cảnh tạm gọi là ra dáng giật gân nhất của Fanti là khi Kim Khánh bị hù dọa trong hầm gửi xe để bỏ vai chính mà thôi. Còn lại, mọi thứ trong phim chỉ dừng ở mức "rung cây doạ khỉ" hoặc "ảo giác" do Ánh Dương nghĩ ra. Tác phẩm không tạo ra được cảm giác rằng kẻ rình mò kia có thể xuất hiện ở mọi nơi Dương đến hay thật sự có thể vào nhà của cô.
Bầu không khí phim không mang đến ngột ngạt, sợ hãi cho người xem. Hậu quả mà kẻ theo sau mang đến cho Dương không hề đáng sợ so với một phim giật gân căn bản nhất. Fanti cũng chẳng có một phân đoạn nào là thật sự đẩy được mọi thứ lên cao trào. Ngay cả màn truy tìm nhau trong bóng tối cũng rất mờ nhạt.
Đến cuối cùng, Fanti cứ trôi tuột đi trong trí nhớ người xem, dù có chăm chú theo dõi hay bấm điện thoại cho bớt chán thì trải nghiệm cũng chả khác nhau là mấy. Vì thế mà dường như đạo diễn Andy Nguyễn sợ khán giả buồn ngủ nên còn cố tình chèn thêm những chi tiết hài lạc quẻ. Phải chăng phim nên đổi sang thể loại hài?
Nội dung, nhân vật phi lý
Nếu bạn còn nghĩ Fanti không phải phim hài thì sự phi lý của nhân vật và tình tiết chính là bằng chứng tiếp theo vì ai xem xong cũng phải bật cười. Ban đầu, phim xây dựng Ánh Dương là một kẻ tâm cơ, sẵn sàng ngủ với đạo diễn để có vai trong phim, thay người yêu như thay áo. Nhưng điều khó hiểu là cô lại… đe dọa đòi thêm đất diễn trong lúc phim đang ghi hình và nhân vật của mình đã bị khai tử.
Sau khi Kim Khánh bỏ vai, nhân vật của Ánh Dương được đôn lên làm nữ chính sau khi nhà sản xuất… đọc được bài thơ trên Instagram của cô!?! Quả là một nước đi vào lòng đất, chọn vai chính vì văn vở - mà còn là trích của người khác - thay vì năng lực. Dù phát hiện ra kẻ lạ mặt đăng nhập được tài khoản của mình, Ánh Dương cũng không có hành động cụ thể nào.
Thậm chí, nhân vật này còn hài hước tới mức khi nghi ngờ nhà mình có kẻ đột nhập thì… lại dẫn mẹ sang nhà bạn trai với lý do "em đang cần anh lúc này" thay vì báo cảnh sát. Chỉ tội cho bà Hạnh có đứa con gái tưng tửng nửa đêm bắt mẹ mặc đồ ngủ chở sang nhà người yêu rồi đứng phát "cơm chó".
Ánh Dương thủ đoạn là vậy nhưng bỗng nhiên bị động và thay đổi 180 độ chỉ vì vài lý do trời ơi đất hỡi. Nếu cô có suy nghĩ và hành động như một người bình thường thì có lẽ phim đã không phải lê thê, nhàm chán đến thế. Việc hack mật khẩu tài khoản của các nhân vật cũng được dùng đi dùng lại trong phim như một vũ khí vạn năng để gây ra mọi mâu thuẫn mà chẳng có gì mới mẻ.
Mục đích của kẻ thủ ác cũng không rõ ràng bởi khi thì giúp đỡ, lúc lại hù dọa, khi lại phá hoại. Đến lúc thân phận và động cơ của nhân vật được hé lộ thì mọi thứ càng phi lý hơn. Không ít người sẽ sốc nhưng không phải vì bất ngờ, mà vì khó vậy mà đạo diễn vẫn dám nhét vào phim.
Cuối cùng, khán giả chẳng biết phải đồng cảm với Dương hay bất kỳ ai trong phim này ra sao. Dương là một kẻ tâm cơ bị quả báo hay chỉ là nạn nhân? Cô xứng đáng nổi tiếng hay bị trừng phạt? Phim cũng chẳng có đáp án rõ rệt. Andy Nguyễn quá lạm dụng plot twist để rồi phá hỏng tất cả.
"Diễn viên" là chiếc áo quá khổ với Thảo Tâm
Fanti là câu chuyện về một hot girl muốn làm diễn viên nhưng chưa đủ sức. Và trùng hợp thay, Thảo Tâm cũng vậy. Sau vai phụ cô Hồng trong Mắt Biếc (2019), đây là vai chính đầu tay của nữ diễn viên sinh năm 2000. Và mọi điểm yếu trong diễn xuất của cô đều bộc lộ rõ rệt. Thảo Tâm chỉ có duy nhất biểu cảm nhăn mặt hoặc mếu máo trong mọi tình huống.
Cô không cho thấy được sự tâm cơ của nhân vật hay nỗi sợ mà Ánh Dương phải chịu đựng. Ngay cả cảnh "phim trong phim" mà Thảo Tâm thể hiện cũng chẳng "xuất thần" như thế. Mấy biểu tượng cảm xúc trong phim có khi còn "diễn" hay hơn Thảo Tâm. Trước khi Fanti công chiếu, Thảo Tâm từng nói hãy gọi mình là diễn viên thay vì hot girl. Nhưng phải chăng danh xưng này vẫn còn quá sớm?
Trái ngược với Thảo Tâm, Hồ Thu Anh xuất hiện tuy ít nhưng rất ấn tượng, ra dáng một ngôi sao điện ảnh lớn. Kim Khánh ban đầu có thể gây khó chịu khi liên tục chảnh chọe, châm chọc Ánh Dương. Nhưng càng về sau, khán giả càng dễ đồng cảm với cô hơn khi tính cách thật sự được hé lộ.
Vai của Võ Điền Gia Huy khá ngắn ngủi và không có nhiều đất để thể hiện. Nhân vật bà Hạnh của NSND Lê Khanh lại có những lần thể hiện cảm xúc hơi quá lố. Nếu châm chước, có thể xem lý do vì bà Hạnh từng là diễn viên nhà hát kịch nên nghiệp diễn lậm vào cuộc sống của bà. Song, sự biểu cảm hơi quá lố này lại khiến phim có phần giả tạo, không thật sự cảm xúc.
Chấm điểm: 1/5
Nhìn chung thì Andy Nguyễn có sự nỗ lực và chỉn chu nhất định khi làm Fanti. Tuy nhiên, thứ đáng ra phải chỉn chu nhất là kịch bản thì lại bị ngó lơ. Phim cuối cùng trôi qua một cách nhạt nhòa và chẳng để lại bất kỳ ấn tượng nào cho người xem.