Hà Lan Mắt Biếc và Soo Ah của Tầng Lớp Itaewon: Những cô gái thực dụng, không yêu đàn ông nghèo có đáng bị căm ghét?

Một bên điện ảnh, một bên truyền hình nhưng điểm chung lớn nhất của cả phim “Mắt Biếc" và “Tầng Lớp Itaewon" là tạo nên tuyến nhân vật nữ gây ức chế, nam chính thương yêu bao nhiêu thì cũng khiến người xem ghét bỏ bấy nhiêu.

Từ lâu, mô-tuýp nữ phụ trở thành nhân vật phản diện để tôn vinh nữ chính, nữ phụ không có cửa thuộc về nam chính đã không còn mới trong những bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Nhưng một trong những bộ phim hot nhất thời điểm hiện tại - "Tầng Lớp Itaewon" lại đưa khán giả vào thế “tiến thoái lưỡng nan": không biết nên yêu hay ghét, giận hay thương nữ phụ Soo Ah. Và có lẽ cũng hiếm thấy một bộ phim nào chia rẽ người xem sâu sắc đến vậy bởi sau mỗi tập phim lại là sự bùng nổ của hai phe đối địch nhau: một bên ủng hộ cặp đôi Sae Ro Yi và Soo Ah, một bên mong Sae Ro Yi thành đôi với Jo Yi Seo. 

Những phản ứng trái chiều của khán giả trước nhân vật Soo Ah trong "Tầng Lớp Itaewon" đã gợi nhắc đến thời điểm phim điện ảnh "Mắt Biếc" được công chiếu vào dịp tháng 12 năm 2019. Khi ấy, Hà Lan vừa khiến người xem thất vọng, tức giận vì từ chối đón nhận tình cảm của Ngạn, lại vừa làm người ta phải ngậm ngùi nuối tiếc, cảm thông vì bỏ lỡ mối tình đầu. Chia rẽ mạng xã hội thành hai luồng ý kiến, Hà Lan đã trở thành một trong những nhân vật nữ ấn tượng nhất trên màn ảnh rộng Việt Nam. 

Một Hà Lan quan tâm đến vẻ bề ngoài, mê phố thị xa hoa. Một Soo Ah thực dụng, sống hai mặt khi thẳng thắn tuyên bố: "Tôi không yêu đàn ông nghèo". Nhìn từ góc độ của một người bình thường đang ngày ngày mưu cầu hạnh phúc cá nhân, đôi khi phải bon chen để giành lấy cơ hội thành công, liệu những cô gái như Soo Ah và Hà Lan có đáng bị ghét đến vậy? 

Hà Lan Mắt Biếc và Soo Ah của Tầng Lớp Itaewon: Những cô gái thực dụng, không yêu đàn ông nghèo có đáng bị căm ghét? - Ảnh 1.

Ở "Mắt Biếc" và "Tầng Lớp Itaewon", Ngạn và Sae Ro Yi đều là hai nhân vật nam chính si tình, thương yêu cô gái của mình vô điều kiện. Nếu Ngạn say mê đôi mắt biếc của Hà Lan từ thời trẻ dại thì Sae Ro Yi cũng mất đến 15 năm trời để theo đuổi Soo Ah. Thậm chí, đứng trước mọi lựa chọn sai lầm, mọi khước từ và từ chối của người mình yêu, Ngạn và Sae Ro Yi vẫn luôn thông cảm.

Diễn viên Trúc Anh từng nói, khoảnh khắc cô ghét nhân vật của mình nhất là khi Hà Lan có vẻ chối bỏ con gái mình. Đó cũng là một trong những bước ngoặt đẩy cảm xúc đáng giá của phim Mắt Biếc. Sau khi Ngạn lặng lẽ dắt Trà Long đi, buổi tối anh lại tha thiết nói Hà Lan hãy về Đo Đo với mình. Và đó cũng là lần đầu Hà Lan thổ lộ rằng: nhìn Ngạn Hà Lan lại nghĩ đến sai lầm của mình, đến những gì mình đã bỏ lỡ. Để rồi sau đó, Ngạn lại thông cảm, lại thương yêu chờ đợi Hà Lan thêm mười mấy năm nữa. 

Hà Lan Mắt Biếc và Soo Ah của Tầng Lớp Itaewon: Những cô gái thực dụng, không yêu đàn ông nghèo có đáng bị căm ghét? - Ảnh 2.

Si tình không kém gì Ngạn, Sae Ro Yi luôn thấu hiểu cho những hành động của Soo Ah, dù Soo Ah có nhận học bổng và làm việc tại Jangga - nơi có kẻ hại chết bố, khiến Sae Ro Yi bị đuổi học. Thậm chí, khi quán nhậu DanBam của mình phải đóng cửa hai tháng, Soo Ah tự nhận mình chính là người báo cáo với cảnh sát, Sae Ro Yi cũng không hề trách móc nửa lời mà nhẹ nhàng nói: "Cậu chỉ đang nỗ lực sống tốt cuộc đời mình". Ngay từ đầu, Soo Ah đã khẳng định "Cậu không được thích tôi", "Tôi không yêu đàn ông nghèo", Sae Ro Yi vẫn vui vẻ chấp nhận và cũng không ngần ngại thổ lộ: "Tôi thích cậu" hết lần này đến lần khác.

Soo Ah tìm mọi cách để Sae Ro Yi ngừng yêu mình nhưng chàng trai ấy vẫn một lòng theo đuổi.

Sự chung tình, tốt bụng của Ngạn cũng như Sae Ro Yi đã thực sự khiến nhiều khán giả cảm động và ngưỡng mộ. Và càng cảm động bởi nam chính bao nhiêu, khán giả sẽ càng ghét bỏ những cô gái được nhận thứ tình yêu lý tưởng ấy bấy nhiêu. Sự lững lờ, không thẳng thắn từ chối cũng chẳng chính thức chấp nhận tình cảm của Hà Lan và Soo Ah đã thổi bùng sự bực bội, ức chế bên trong người xem "Mắt Biếc" hay "Tầng Lớp Itaewon". 

Thế nhưng Soo Ah và Hà Lan có gì để nam chính thông cảm yêu thương không, hay chỉ đơn giản là... biên kịch muốn thế? Và tại sao bên cạnh số đông phẫn nộ, vẫn có những khán giả thông cảm, bênh vực cho họ như cách nam chính Ngạn và Sae Ro Yi đã làm?

Hà Lan Mắt Biếc và Soo Ah của Tầng Lớp Itaewon: Những cô gái thực dụng, không yêu đàn ông nghèo có đáng bị căm ghét? - Ảnh 4.

Cậu chỉ đang nỗ lực sống tốt cuộc đời mình

PARK SAE RO YI

Hà Lan Mắt Biếc và Soo Ah của Tầng Lớp Itaewon: Những cô gái thực dụng, không yêu đàn ông nghèo có đáng bị căm ghét? - Ảnh 6.

Soo Ah và Hà Lan là những người phụ nữ thực dụng. Điều này không ai có thể phủ nhận. Nhưng cái hay của "Mắt Biếc" hay "Tầng Lớp Itaewon" chính là lý giải hành động và tâm lý của mỗi nhân vật một cách bài bản, đa chiều. Hà Lan và Soo Ah đều có một câu chuyện riêng, một nỗi khổ tâm riêng lý giải cho lựa chọn của mình.

Suốt những tháng ngày tuổi thơ, Hà Lan sống cùng người mẹ đơn thân, không có cha là trụ cột gia đình. Lên thành phố học cấp ba, Hà Lan vướng vào mối tình đầy sai lầm với Dũng và tiếp tục trở thành mẹ đơn thân, giống như người mẹ của mình. Tưởng chừng rơi xuống đáy vực vì một mình mang bầu và sinh con trong căn nhà tồi tàn, không tiền, không người thân ở cạnh, nhưng Hà Lan không gục ngã. Cô không bắt Dũng phải chịu trách nhiệm với mình và con gái mà tự gây dựng tiệm may trên thành phố, kiếm tiền nuôi nấng Trà Long. Trước rất nhiều tủi thân, mặc cảm; một Hà Lan xinh đẹp và yêu thích cuộc sống vui vẻ náo nhiệt thị thành đã phải phấn đấu rất nhiều, đắn đo rất nhiều để tìm cơ hội hạnh phúc cho riêng mình.

Hà Lan đứng dậy sau vấp ngã tuổi 17, mạnh mẽ tiến lên đầy độc lập.

Soo Ah chán ghét cái sự giúp đỡ xuất phát từ sự thương hại của bè bạn.

Thiếu may mắn hơn Hà Lan, Soo Ah trong "Tầng Lớp Itaewon" còn bị cha mẹ ruột vứt bỏ, lớn lên trong một cô nhi viện hoạt động nhờ tiền trợ cấp của các tập đoàn lớn như Jangga. Xã hội này luôn mặc định những đứa trẻ mồ côi là kẻ đáng thương, chúng phải nhận sự giúp đỡ và cam chịu hoàn cảnh. Từ lâu, cái nhìn thương cảm, đầy ái ngại của mọi người khiến một đứa trẻ mồ côi như Soo Ah cảm thấy mặc cảm và chán ghét, điều này thể hiện rất rõ khi Soo Ah cố gắng từ chối sự giúp đỡ của Geun Won (con trai của Jang Dae Hee, chủ tịch tập đoàn Jangga).

Là một cô gái xinh đẹp, kiêu hãnh nhưng lại phải đón nhận ánh mắt thương hại, thiếu sự yêu thương gia đình, Soo Ah dễ dàng trở thành một cô gái thực tế, lạnh lùng. Người duy nhất thương yêu chăm sóc cô là trưởng phòng Park Sung Yeol - bố của Sae Ro Yi thì cô lại phải tận mắt chứng kiến bị vùi lấp bởi thế lực đồng tiền, chết một cách uất ức. Hơn ai hết, Soo Ah hiểu và ý thức được tầm quan trọng của tiền bạc và địa vị trong xã hội. Với sự thông minh và ý thức mình xinh đẹp, Soo Ah không ngừng nỗ lực để có một chỗ đứng vững chắc, không trở thành nạn nhân, không bị thương hại. 

Hà Lan Mắt Biếc và Soo Ah của Tầng Lớp Itaewon: Những cô gái thực dụng, không yêu đàn ông nghèo có đáng bị căm ghét? - Ảnh 9.

Có một hoàn cảnh đáng thương, cả Soo Ah và Hà Lan đều vượt qua cảm giác bị thương hại để mạnh mẽ vươn lên, mạnh mẽ làm chủ cuộc đời. Cả hai đều ý thức được mình xinh đẹp, mình muốn sự sung sướng giàu sang. Điều đó làm cho họ thực dụng, cứng rắn nhưng bên trong lại chông chênh nhiều cảm xúc. Họ đáng nể ở sự tự lực khẳng định chỗ đứng, kiên cường tìm kiếm những gì họ muốn. 

Cả Hà Lan và Soo Ah đều không phải những cô gái nông cạn. Họ từ chối, không tiến tới không phải vì họ không nhìn ra mà ngược lại, vì quá trân trọng nên không dám tiến tới.

Hà Lan Mắt Biếc và Soo Ah của Tầng Lớp Itaewon: Những cô gái thực dụng, không yêu đàn ông nghèo có đáng bị căm ghét? - Ảnh 10.

Hà Lan luôn trăn trở về Ngạn. Với cô, tình cảm của Ngạn vừa là một món nợ quá lớn mà Hà Lan không làm cách nào trả được hết, vừa là điều gì đó đẹp đẽ đến mức xa vời mà cô chưa từng xứng đáng chạm tay vào. Không thể vượt qua được mặc cảm "Chửa hoang thì không xứng đáng có được hạnh phúc!", Hà Lan quyết định giữ khoảng cách với Ngạn - thay vì trao cho anh cơ hội đến với mình thì lại cầu mong anh tìm được người con gái tốt đẹp hơn.

Hà Lan Mắt Biếc và Soo Ah của Tầng Lớp Itaewon: Những cô gái thực dụng, không yêu đàn ông nghèo có đáng bị căm ghét? - Ảnh 11.

Vì tình cảm với Sae Ro Yi nên Soo Ah không thể dứt khoát bước sang một bên mà lại phân vân đứng giữa. Thừa nhận mình chính là người báo cảnh sát khiến quán nhậu Danbam bị đình chỉ kinh doanh, Soo Ah đã thể hiện sự hối lỗi với Sae Ro Yi. Thậm chí, Soo Ah đã tức giận bởi vì Sae Ro Yi quá bao dung với mình, thay vì ghét bỏ và kết thúc tình cảm với cô. Không chỉ vậy, Soo Ah còn thường xuyên đưa ra lời khuyên hữu ích cho công việc của Sae Ro Yi hay trong một khoảnh khắc bị cảm xúc lấn át, cô đã hỏi Sae Ro Yi: "Cậu muốn ngủ lại không?".  Thậm chí, cô là người hiểu thấu Ro Yi hơn cả điên nữ Yi Seo. Nhưng càng ý thức Ro Yi, cô càng giữ khoảng cách vì hai người rất khó hạnh phúc ở bên nhau. 

Hai câu chuyện, hai bối cảnh hoàn toàn khác nhau, nhưng điểm chung lớn nhất ở "Mắt Biếc" và "Tầng Lớp Itaewon" chính là sự nuối tiếc, dằn vặt của hai nhân vật nữ vì không thể tự tin đón nhận chân tình. Sự thiếu quyết đoán của Hà Lan và Soo Ah khiến khán giả phẫn nộ, đồng thời, lại khiến khán giả phải thương cảm nhiều hơn nếu thử một lần suy ngẫm dựa trên hoàn cảnh và trải nghiệm cuộc sống không mấy êm đẹp của họ.

Hà Lan Mắt Biếc và Soo Ah của Tầng Lớp Itaewon: Những cô gái thực dụng, không yêu đàn ông nghèo có đáng bị căm ghét? - Ảnh 12.
Hà Lan Mắt Biếc và Soo Ah của Tầng Lớp Itaewon: Những cô gái thực dụng, không yêu đàn ông nghèo có đáng bị căm ghét? - Ảnh 13.

Trong những bộ phim điện ảnh hay truyền hình, dường như phần đông khán giả đã quen với hình tượng một người con gái lãng mạn, tài giỏi, cuộc sống tốt đẹp gần như tuyệt đối và không có mối trăn trở nào ngoài tình yêu. Công chúng dễ dàng bị cuốn vào một câu chuyện tình đẹp như mơ, vừa hài hước, vừa ngọt ngào, và đó là giá trị tinh thần của những bộ phim Hàn tình cảm lãng mạn.

Nhưng chẳng ở đâu trong cuộc đời này, chúng ta gặp được một cô gái hoàn hảo như Yoon Se Ri của "Hạ Cánh Nơi Anh" hay một cô nàng nổi loạn đến mức điên rồ với IQ 162 như Jo Yi Seo của "Tầng Lớp Itaewon". Mấy ai có thể giàu "Cháu muốn tiêu hết số tiền kiếm được cũng khó" như Yoon Se Ri? Mấy ai đủ thông minh để muốn gì được đấy, không kiêng nể sợ sệt ai như Jo Yi Seo?


Hà Lan hay Soo Ah lại là phần thực tế phũ phàng của cuộc sống hiện diện trong bộ phim.


Hà Lan phải làm mẹ đơn thân và luôn mặc cảm khi tìm hạnh phúc mới. Soo Ah phải đắn đo giữa sự nghiệp và chân tình của anh chàng nghèo khổ mơ mộng Park Sae Ro Yi. Đặt Hà Lan vào một bộ phim lãng mạn như "Mắt Biếc", tất nhiên nhân vật thực dụng phũ phàng này bị ghét bỏ. Trong dòng phim truyền hình Hàn Quốc lãng mạn, một cô gái thực dụng không thanh thuần như Soo Ah là sự thách thức cảm xúc với những ai chờ đợi tình yêu ngọt ngào thuần túy.

Nhưng nếu trước đây, những hình mẫu phụ nữ thực dụng, từ chối tình cảm đều là những nhân vật xấu xa, tồi tệ trên phim, thì giờ đây họ được xây dựng nhiều chiều bằng con mắt cảm thông. Hà Lan được xây dựng đầy đặn hơn, gần gũi hơn rất nhiều qua bàn tay của Victor Vũ và biên kịch Kay Nguyễn nếu so với Hà Lan trong nguyên tác truyện. Và Soo Ah cũng được xây dựng sinh động, cuốn hút với nhiều trăn trở, nhiều sắc thái phức tạp khó đoán hơn nguyên tác webtoon của Itaewon Class. Hà Lan và Soo Ah gợi cảm giác chân thực, khi mà cũng giống như mỗi con người bình thường, Hà Lan và Soo Ah phải đối diện với nỗi băn khoăn về tài chính, phải nắm bắt từng cơ hội nhỏ nhất để tỏa sáng giữa hiện thực cuộc sống khắc nghiệt, phải phân vân giữa việc trở thành người tốt - kẻ xấu và đôi khi, phải từ bỏ người mình yêu. 

Hà Lan Mắt Biếc và Soo Ah của Tầng Lớp Itaewon: Những cô gái thực dụng, không yêu đàn ông nghèo có đáng bị căm ghét? - Ảnh 15.

Bộ phim được đề cử Oscar, "Little Women" (Những người phụ nữ nhỏ bé) cũng gây ấn tượng công chúng với nhân vật Amy. Khán giả thế giới đã tán thưởng không ngớt lời cô em gái út trong 4 chị em, một người phụ nữ thực tế, kiêu hãnh và luôn tìm kiếm một cuộc hôn nhân giàu có.

Một điều đáng chú ý, vào thế kỷ 19 khi tiểu thuyết gốc ra đời, Amy là nhân vật bị ghét nhất. Sự ích kỷ, nghĩ đến bản thân, mê giàu sang đến bất chấp của cô bị lên án. Nhưng qua góc nhìn của các nhà làm phim hiện đại, giờ đây Amy đã trở thành nhân vật được khen ngợi và hâm mộ vì sự kiêu hãnh, tự tôn ý thức rõ giá trị của mình.  

Những sản phẩm giải trí như "Mắt Biếc", "Little Women" và "Tầng Lớp Itaewon" đã thể hiện sự chuyển mình theo xu hướng của xã hội. Giờ đây, người phụ nữ đã không còn là nhân vật chỉ đi tìm tình yêu, chờ nam chính giải cứu hay phải tốt đẹp toàn năng nữa. Họ có thể là những hình mẫu chất chứa nhiều mâu thuẫn, có lúc rất đáng ghét nhưng cùng lúc lại đáng thương, đáng thông cảm, có phần đáng ngưỡng mộ. Sự thay đổi của xã hội đã khiến các nhà làm phim cho họ những góc nhìn đầy cảm thông và thấu hiểu. Hà Lan, Soo Ah và Amy có thể là những cô gái “vượt chuẩn" trong mô-tuýp nhân vật nữ hoàn hảo của phim ảnh nhưng biết đâu, họ lại chính là những người phụ nữ bình thường giữa xã hội hiện đại, được khắc hoạ đa chiều, đa dạng và đa cảm xúc trên màn ảnh. 


Họ là những nhân vật nữ chất chứa nhiều mâu thuẫn, có lúc rất đáng ghét nhưng lại đáng thương, vừa đáng thông cảm lại có phần đáng ngưỡng mộ. Họ không tốt đẹp hoàn hảo, nhưng chân thực và đầy cảm xúc.