Năm 2019, Joker ra rạp dưới con mắt ngờ vực của gần như toàn bộ người yêu điện ảnh trên toàn thế giới. Thế rồi ngoài mong đợi, bộ phim của Todd Phillips trở thành hiện tượng toàn cầu, mang về tới 11 đề cử Oscar, trong đó tượng vàng dành cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất được trao cho Joaquin Phoenix. Bộ phim cũng thắng lớn ở mặt trận thương mại với hơn 1 tỷ đô doanh thu phòng vé, trở thành bộ phim nhãn R có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở thời điểm đó, trước khi bị Deadpool & Wolverine soán ngôi trong năm 2024. Kiếm hơn 1 tỷ đô từ kinh phí sản xuất chỉ 70 triệu đô, hàng tá giải thưởng lớn nhỏ, vực dậy dòng phim dựa trên nhân vật truyện tranh vốn đang rơi vào khủng hoảng của hãng, việc Warner Bros nhanh chóng đưa ra quyết định làm phần 2 cho bộ phim là điều có thể dự đoán từ trước. Vậy liệu sau 5 năm, Joker: Folie à Deux có thể tiếp nối di sản quá lớn của người tiền nhiệm hay không?
Joaquin Phoenix vẫn diễn tốt như vậy, Lady Gaga vẫn slay như thế
Joker: Folie à Deux nối tiếp những sự kiện diễn ra ở cuối phần trước. Arthur Fleck lúc này đã bị chuyển đến nhà thương điên Arkham sau những tội ác mà anh ta gây ra trong phần phim trước, bao gồm việc giết chết MC nổi tiếng Murray Franklin ngay trên sóng truyền hình trực tiếp. Từ đây, bộ phim tập trung vào phiên tòa xét xử Joker, đồng thời khai thác vào mối quan hệ kỳ lạ giữa Arthur và Lee Quinzel (Lady Gaga) - một bệnh nhân khác tại Arkham.
Có thể nói, diễn xuất của Joaquin Phoenix chính là một trong những điểm quan trọng nhất kéo khán giả đến rạp và giữ họ lại trên ghế trong suốt hơn 2 tiếng thời lượng phim. Biết rằng chỉ vài tháng trước, nam tài tử vừa tham gia đóng vai chính Napoleon đầy hiên ngang và oai dũng trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Ridley Scott. Thế nhưng khi trở lại vai diễn Joker, Joaquin vẫn hóa thân hoàn hảo vào Arthur Fleck trong tạo hình gầy gò, ốm yếu, gò má hốc hác và đôi mắt sâu thẳm. Biểu cảm đa dạng ở cả gương mặt và hình thể cũng là điểm mạnh của Joaquin Phoenix.
Xuyên suốt bộ phim, khán giả có thể nhận ra lối diễn xuất Arthur thay đổi linh hoạt liên tục tùy vào diễn biến phim. Đó có thể là một Joker với ánh mắt đầy điên dại và căm phẫn ở phiên điều trần, nhưng cũng có thể là Arthur với đôi mắt đong đầy tình yêu và niềm tin sống khi ở bên Lee. Joaquin cũng có cơ hội một lần nữa khoe giọng hát của mình. Nam tài tử cũng từng được đề cử Oscar khi hóa thân vào huyền thoại âm nhạc Johnny Cash trong Walk the Line (2005) nên chắc chắn phần biểu diễn âm nhạc chưa thể làm khó ngôi sao U50 này.
Tuy nhiên, có vẻ công sức của của nam diễn viên đã không được sử dụng một cách xứng đáng. Ở Folie à Deux, kịch bản đã không cho nam diễn viên có đủ những khoảnh khắc để tỏa sáng, nhất là khi Joaquin phải chia sẻ thời lượng xuất hiện với bạn diễn Lady Gaga trong vai Lee Quinzel.
Với Lady Gaga, diễn xuất của cô đã được chứng minh phần nào qua một vài vai diễn thành công trước, điển hình là tác phẩm A Star Is Born đóng cặp cùng Bradley Cooper. Đến với Joker: Folie à Deux, Gaga không khiến khán giả thất vọng khi hóa thân tròn trịa vào vai người tình điên loạn của Joker. Nữ ca sĩ đã tận dụng tối đa sở trường âm nhạc để có những phân cảnh tỏa sáng của riêng mình. Màn hóa thân của Lady Gaga mang đậm tinh thần nhạc kịch, nhưng lại vô cùng tự nhiên, vì căn bản, cá tính của cô trong âm nhạc dường như rất tương đồng với nhân vật Lee Quinzel. Nhìn chung, nhân vật của Lady Gaga phần nào cũng đã có những dấu ấn của riêng mình, thoát ra khỏi những phiên bản Harley Quinn khác từng xuất hiện trên màn ảnh.
Hình ảnh và âm thanh đầy tính nghệ thuật
Một điểm đáng khen nữa của Joker: Folie à Deux là về hình ảnh và kỹ thuật quay phim. Đạo diễn Todd Phillips rõ ràng có tham vọng tiếp tục đưa đến cho khán giả những khung hình mang đậm giá trị nghệ thuật như cách phần 1 đã làm được. Ông mang trở lại quay phim quen thuộc Lawrence Sher, người từng đứng sau những thước phim đẹp như mơ năm 2019. Những khung cảnh nhạc kịch giữa Joker và Harley được dàn dựng cực kỳ công phu và chỉnh chu, dễ khiến người xem liên tưởng đến những La la land của Damien Chazelle ngày nào. Những trường đoạn one shot với những cú máy dài được sử dụng linh hoạt, xen kẽ là những cú máy dõi theo Arthur và Lee, tạo cảm giác nhân vật đang ở một thế giới riêng, hoàn toàn thoát khỏi thực tại xung quanh.
Tham vọng là thế, tuy nhiên, phần hình ảnh của phần này dường như không tạo được tính biểu tượng đủ để sánh ngang với người tiền nhiệm. Bộ phim thiếu những hình ảnh có thể in sâu vào tâm trí khán giả. Như ở phần một chúng ta có vô cùng nhiều những phân cảnh như thế, đơn cử như cảnh nhân vật Joker khiêu vũ trong phòng tắm sau khi giết 3 người ở tàu điện ngầm, cảnh Joker khiêu vũ trên những bậc thang gần khu phố hắn sống, cận cảnh nụ cười đầy máu sau khi hắn bắn chết Murray Franklin,... Có vẻ đó cũng là lý do khiến đạo diễn liên tục đưa những khoảnh khắc gợi nhớ về phần 1, như một lời nhắc nhở cho những sự việc đã diễn ra trước thời điểm trong phim.
Âm nhạc trong phim cũng được làm rất tốt. Việc sở hữu hai diễn viên chính có khả năng ca hát xuất sắc là một điểm cộng lớn cho phim. Soundtrack của phim thậm chí còn được Lady Gaga mang vào album mới của cô mang tên Harlequin, tựa đề rõ ràng được lấy cảm hứng từ bộ phim này.
Thế tại sao dù sở hữu dàn diễn viên thực lực, phần hình ảnh và âm nhạc đỉnh cao, một đạo diễn lành nghề nhưng phần hậu bản này của Joker lại nhận phải nhiều tranh cãi và ý kiến trái chiều như thế? Phần kịch bản rối rắm chính là câu trả lời.
Câu chuyện rời rạc và thiếu thuyết phục
Câu chuyện của Joker: Folie à Deux nửa vời và thiếu trọng tâm, không đưa cho chúng ta thêm một cái nhìn mới nào về Arthur hay bất cứ thứ gì đang diễn ra. Quay ngược một chút về phần phim gốc năm 2019, chúng ta theo chân một nhân vật là một gã đàn ông yếu đuối, bị xã hội ruồng bỏ và khinh miệt, một kẻ tâm thần thất bại, cô độc và bị lãng quên giữa một xã hội quá lạnh lùng và tàn nhẫn, bị đối xử không khác gì rác rưởi,... Tất cả những điều đó vẫn lặp lại cho đến phần phim mới này.
Điểm khác biệt là, phần phim gốc có lối kể chuyện tinh tế hơn rất nhiều. Khi theo dõi Joker 2019, khán giả có thể thấy quá khứ của nhân vật Arthur vẫn như được phủ một lớp bụi mờ, bí ẩn và không rõ ràng. Tất cả chỉ rõ ràng hơn khi quá khứ đó lần lượt được lật mở nhẹ nhàng qua diễn biến phim, cho khán giả từ từ trải qua cảm giác yên bình mong manh để rồi vỡ vụn đầy đau đớn, như chính những gì Arthur đã trải qua, qua đó chúng ta có phần nào đồng cảm và hiểu được điều gì đã đẩy Arthur trở thành Joker.
Còn ở Folie à Deux, nhà làm phim đơn giản là phơi bày tất cả những thứ ấy ngay trước mắt khán giả. Kịch bản chỉ cho khả giả biết những gì họ đã biết, thay vì khai thác sâu hơn nữa vào phần bên trong chứng tâm thần của nhân vật. Điều này vô hình trung đã làm giảm sức hút và sự bí ẩn của Arthur Fleck. Joaquin Phoenix vẫn xuất sắc trong vai Joker, nhưng nhà làm phim không hề khai thác thêm điều gì về anh ta nữa. Nội dung không được phát triển chặt chẽ dẫn đến những diễn biến trong tâm lý và hành động của nhân vật diễn ra quá chóng vánh và không tạo được hiệu ứng như kỳ vọng.
Sự thiếu hụt về nội dung này có lẽ là một phần lý do mà Folie à Deux là được sản xuất một phim nhạc kịch, khi mà đạo diễn hy vọng rằng phần kể chuyện của âm nhạc sẽ bù đắp cho phần nội dung sơ sài và thiếu trọng tâm kia. Đến đây ta lại nói về một phần nữa cũng chưa được làm tốt - phần nhạc kịch.
Phần âm nhạc thuần túy của phim rất tốt, nhưng phần nhạc kịch thì không. Theo như diễn biến và cách giải thích mà phim đưa ra, phần âm nhạc này đại diện cho những điều mà Arthur không thể thốt lên bằng lời, diễn ra bên trong sự tưởng tượng của riêng anh, là cách mà anh và Lee giao tiếp. Mỗi khoảnh khắc âm nhạc vang lên, ranh giới mong manh giữa thực tại và mộng tưởng trở nên mơ hồ, đôi khi cũng tạo cho khán giả cảm giác bối rối, không biết đâu là thực đâu là mơ. Có thể bào chữa rằng sự nhập nhằng trên là chủ đích của nhà làm phim, là cách bộ phim khắc họa suy nghĩ của những kẻ điên. Thế nhưng, có lẽ do chưa đủ kinh nghiệm chỉ đạo một phim âm nhạc, Todd Phillips đã không sử dụng thủ pháp này đủ hiệu quả. Hệ quả là cảm giác như những bài hát được dồn vào và chiếm phần lớn thời lượng, nhưng lại trơ trọi và lạc lõng với tổng thể bộ phim.
Chấm điểm: 3/5
Dễ nhận thấy rằng Joker: Folie à Deux thiếu cho mình một bệ đỡ chắc chắn như phần đầu tiên, khi phần phim 2019 được lấy cảm hứng khá nhiều từ Taxi Driver (1976) và The King of Comedy (1982), đều của Martin Scorsese. Todd Phillips cũng đã quá liều lĩnh khi chuyển mình sang một thể loại nửa nhạc kịch, nửa tâm lý giật gân vốn không phải là thế mạnh của ông.
Công bằng mà nói, Joker: Folie à Deux không phải là một phim tệ. Phần trình diễn của Joaquin Phoenix và Lady Gaga vẫn xuất sắc, hình ảnh và âm nhạc vẫn rất tốt, tuy nhiên việc thiếu một định hướng phát triển câu chuyện phù hợp khiến Todd Phillips có phần loay hoay trong việc triển khai ý tưởng của mình, dẫn đến mỗi thứ đều tỏ ra nửa vời và chưa đủ tới, và kết quả là bộ phim không đạt được đúng tiềm năng mà nó có.