Khi nào thì một bộ phim trở thành tượng đài kinh điển?

Định nghĩa "phim kinh điển" - tưởng không khó mà khó không tưởng!

Thời gian gần đây chúng ta chứng kiến những hiện tượng phòng vé như The Avengers: Endgame, Parasite, Spiderman: Far from home,... Đặc biệt là khi The Avengers: Endgame chính thức đánh bại huyền thoại phim 3D Avatar (2009) để trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Hay khi Parasite (Kí Sinh Trùng) trở thành một trong những “Cành cọ vàng” thành công nhất trong cán cân thương mại - chuyên môn.

Vậy từng đấy yếu tố đã đủ để đưa các bộ phim như vậy đứng chung danh sách huyền thoại điện ảnh với những Casablanca, Titanic hay Pulp Fiction chưa? Liệu có mẫu số chung nào về thể loại, kịch bản, diễn viên cho một bộ phim mang giá trị vượt thời đại không? Hãy cùng Lost Bird suy nghĩ về câu hỏi này qua một buổi phỏng vấn đầy thú vị giữa nữ phóng viên Breeanna Hare của CNN và người dẫn chương trình, nhà phê bình điện ảnh Ben Mankiewicz.

Ben Mankiewicz

Breeanna: Hãy bắt đầu với câu hỏi chính: Điều gì làm nên một bộ phim bất hủ?

Ben: Tôi cho rằng có hai hoặc một trong hai yếu tố:

1. Bộ phim phải mang lại những cảm xúc đọng lại cho người xem ngay cả khi đã kết thúc.

2. Phim phải có bước đột phá về nghệ thuật.

Hãy lấy Cuốn Theo Chiều Gió làm ví dụ. Cũng chẳng sao cả nếu tôi không xem bộ phim này lần nào nữa, vì thực ra tôi không cảm thấy rung động nhiều lắm. Khi Cuốn Theo Chiều Gió ra mắt năm 1939, nó gần như không bị chỉ trích về cách tiếp cận vấn đề nô lệ hết sức qua loa. Nhưng giờ đây, sau 80 năm, chúng ta đồng ý rằng đó là thiếu sót lớn nhất. Với nhiều người, chính thiếu sót ấy đã khiến họ không yêu thích phim này.

Nhưng Cuốn Theo Chiều Gió lại thay đổi cách làm phim, nó đã thay đổi quan niệm của các đạo diễn và nhà sản xuất về một bộ phim. Dựa trên một bối cảnh lịch sử bất kì, có những câu chuyện có thể vĩ đại và nhiều khía cạnh hơn chúng ta tưởng tượng. Đó là điều làm nên bộ phim, dù thích hay không, nó vẫn là một trong những phim hay nhất từng được làm ra.

Cuốn theo chiều gió (1939) - Photo by Clarence Sinclair Bull - © 2013 Getty Images

Breeanna: Nhưng liệu có tồn tại một chuẩn mực ngầm nhất định giữa các nhà phê bình điện ảnh, nhà sử học và những người thích phim hay không? Làm thế nào để những bộ phim như trên lại có được sự đồng thuận như vậy?

Ben: Nói về những thứ tạo nên một tác phẩm kinh điển thực sự không dễ dàng, bởi trong câu trả lời của mình tôi luôn muốn nói rằng “Bộ phim có lẽ sống mãi với thời gian” thay vì “Bộ phim sống mãi với thời gian” - nghe thật sáo rỗng, áp đặt và vô nghĩa.

Nói như vậy thì cũng phải đặt lại câu hỏi: Liệu những tác phẩm trường tồn theo năm tháng có được coi là tuyệt tác hay không? Không hề văn vẻ khi nói rằng chúng chính là những tuyệt tác được tổng hòa bởi rất nhiều yếu tố.

Breeanna: Vậy một bộ phim có cần phải được công nhận là bất hủ hay không?

Ben: Nhìn qua thì có vẻ là không. Nhưng khi mổ xẻ kĩ càng, thì có, vì đó là những bộ phim khiến chúng ta rung động. Khi đó, chúng ta cố gắng chia sẻ cảm xúc ấy với những người khác.

Nếu ai đó ta quan tâm không có phản ứng tương tự như ta khi xem cùng một thước phim, chúng ta sẽ tò mò tại sao. Nếu ai đó xem Casablanca mà không có chút cảm động mà huống chi là người mình quen biết thì tôi cũng tò mò lắm chứ. Tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra với họ và liệu tôi có thể giúp họ không.

Nếu yêu thích một bộ phim, tôi rất mong người khác cũng thích nó. Nhưng dù người ta không thích đi chăng nữa, hoặc nghĩ rằng Paths of Glory (Đường Tới Vinh Quang) quá chán, quá nhiều thoại, thì tôi vẫn không thể phớt lờ họ được. Tôi muốn đến và nói chuyện, kể cả giận dữ, để tranh luận và bảo vệ quan điểm của mình.

Phim là như thế đó, nó khơi gợi những cảm xúc của con người và khơi nguồn cho cả những tranh luận nữa. Nhờ những cuộc tranh luận đó mà chúng ta trở thành những người tốt hơn, yêu điện ảnh hơn.

Breeanna: Ông có nghĩ thời thế thay đổi thì quan niệm về một bộ phim bất hủ cũng thay đổi hay không?

Ben: Xét về khía cạnh văn hóa, khi chúng ta càng phát triển thì càng có xu hướng thay đổi cái nhìn về những giá trị được mặc định là bất biến. Thời gian có thể làm nên sự khác biệt trong cách ta tiếp cận các thông điệp trong phim. Đó là điều bình thường. Nó cũng đồng nghĩa với việc nhiều tác phẩm có thể sẽ không trụ vững trong dòng chảy thời đại, và mất đi vị thế “bất hủ” trước đó của nó.

Breeanna: Vậy nếu được gợi ý cho một người mới bắt đầu xem các bộ phim kinh điển thì tác phẩm nào ông muốn chia sẻ với họ đầu tiên?

Ben: Tôi ghét câu hỏi đó, nhưng nếu phải trả lời thì danh sách đó sẽ như thế này:

Casablanca: Không có ví dụ nào tuyệt vời hơn về sự bài bản trong cách làm phim của một studio hưng thịnh nhất lúc bấy giờ - Warner Bros. Ba nhóm biên kịch cùng làm việc với một đạo diễn tuyệt vời, Michael Curtiz, và dàn diễn viên đáng nhớ gồm Humphrey Bogart, Ingrid Bergman và Paul Henreid để mang đến cho người xem một câu chuyện có sức nặng mà ta có thể nhìn thấy mình trong đó.

Casablanca (1942) (ảnh: Popperfoto - © 2008 Getty Images)

Paths of Glory: phim ra mắt năm 1957. Hai nhà sản xuất - Stanley Kubrick và Kirk Douglas cùng với James B. Harris đã nói về câu chuyện thời chiến hấp dẫn với cả những người không thích xem thể loại chính kịch, chiến tranh.

Random Harvest năm 1942: có sự xuất hiện của Ronald Colman và Greer Garson - một trong những nữ diễn viên xuất sắc nhất mọi thời đại. Nếu bạn không khóc ở cuối phim, thì có lẽ tâm bạn hồn rất khô khan đó.

Out Of Sight: Bộ phim của Steven Soderbergh năm 1998. George Clooney, Jennifer Lopez, Don Cheadle,đều có màn thể hiện tuyệt vời. Ving Rhames thì quá xuất thần. Steve Zahn có diễn xuất hài hước hiếm có. Diễn xuất của Catherine Keener vô cùng thuyết phục dù chỉ là một vai nhỏ. Dàn diễn viên tài năng được cộng hưởng cùng một kịch bản hoàn hảo và chỉ đạo tài tình. Tôi nhớ khi lần đầu xem bộ phim tại rạp, tay tôi đã khư khư nắm đấm rất chặt với suy nghĩ rằng “Tay mình thành ra vậy bởi mọi xúc cảm đều quá mãnh liệt”.

The Godfather (Bố Già): Một bộ phim ai cũng nên xem. Dù chứa nhiều yếu tố bạo lực song Bố Già lại là một phim xoay quanh đề tài gia đình. Tác phẩm để lại tiếng vang khắp nơi cho đến tận bây giờ dù đã ra mắt cách đây gần bốn thập kỷ.

The Godfather II (Bố Già 2): Công bằng mà nói, đây là sequel (phần tiếp theo) hay nhất từng được thực hiện, vì nhiều người còn thích nó hơn cả phần I. Nhưng với tôi, cả hai đều hoàn hảo.

Breeanna: Các phim kinh điển phần lớn thường được chỉ đạo và sản xuất bởi nam giới da trắng. Vậy tại sao những phim của người da màu và phụ nữ hiếm khi được đề cập khi bàn về dòng phim này?

Ben: Đó là sự thật ở Hollywood, và ở châu Âu thì cũng gần như vậy.

Bạn có thể nói rằng đó là một biểu hiện của tình hình xã hội lúc bây giờ, nhưng xét cho cùng đấy lại là một phần chẳng mấy tốt đẹp của lịch sử. Tin tốt là sự ủng hộ dành cho các đạo diễn nữ và đạo diễn da màu không còn là nói suông. Phụ nữ và người da màu có nhiều cơ hội làm phim hơn và làm dày thêm những giá trị văn hóa. Những câu chuyện của họ rất đáng được trân trọng.

Chúng ta đã bỏ lỡ biết bao nhiêu năm để đến bây giờ mới được lắng nghe tiếng nói của họ. Nếu những năm 30,40,50 và 60 họ được cất tiếng nói, chúng ta đã có thể có nhiều tuyệt phẩm hơn nữa như cách mà gần đây, chúng ta có được những người kể chuyện tài năng như Barry Jenkins cho tác phẩm đoạt giải Oscar Moonlight hay là nữ đạo diễn Ava DuVernay.

Moonlight (2016) xoay quanh đề tài sắc tộc và đồng tính (ảnh: David Bornfriend)

Breeanna: Cuối cùng, ai sẽ quyết định một bộ phim trở thành kinh điển?

Ben: Chúng ta, cả xã hội.

Một điều thú vị về phim ảnh trong thời điểm đầy chia rẽ trong xã hội là: khi chúng ta nhìn vào điện thoại hay tờ báo buổi sáng ròi nhận ra ta chẳng có một điểm chung nào với những người hàng xóm, ta ghét họ. Tương tự, họ cũng có thể ghét ta. Nhưng hàng triệu người trong chúng ta cùng yêu thích những bộ phim, và chúng ta có thêm những điểm tương đồng. Điện ảnh kết nối chúng ta. Chưa bao giờ việc chia sẻ sự tương đồng, thông cảm giữa người với người quan trọng hơn lúc này.