Sau 2 tuần ra mắt, Cô Dâu Hào Mônhiện đang thu về gần 60 tỷ đồng (theo số liệu của Box Office Vietnam lúc 12h ngày 26/10). Đây là một con số không tồi nhưng lại chẳng lý tưởng khi đặt lên bàn cân so sánh với các thành tích trước đó của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng với Bố Già (đồng đạo diễn với Trấn Thành) - hơn 400 tỷ hay Chị Chị Em Em 2 - 121 tỷ đồng. Cô Dâu Hào Môn khó có thể đạt được cột mốc trăm tỷ khi phim đã bước vào giai đoạn hạ nhiệt, hầu như không đủ sức cạnh tranh khi phòng vé đang bị thâu tóm bởi hai "chiến binh" mới trình làng là Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình và Venom: Kèo Cuối.
Sự thất bại của dự án hợp tác với Thái Hoà trước đó được lý giải bằng việc phim phải đối đầu trực tiếp với siêu phẩm Lật Mặt 6: Tấm Vé Định Mệnh dù sở hữu chất lượng kịch bản không hề tệ. Nhưng ở lần này, việc "ngã ngựa" của nam đạo diễn lại bắt nguồn từ chính một kịch bản đầy "sạn", nhiều lỗ hổng về tình tiết lẫn tâm lý nhân vật.
(Bài viết có tiết lộ nội dung phim)
Nam chính là mama boy, chỉ biết nói đạo lý
Hình tượng nhân vật nam chính Bảo Hoàng do Samuel An thủ vai được xây dựng đầy "bất ổn" khiến người xem khó chịu thay vì cảm thông. Bảo Hoàng là cậu thiếu gia sinh ra đã ngậm thìa vàng nên có tất cả mọi thứ. Dù bị mẹ liên tục tiêm nhiễm vào đầu về sự khác biệt giữa người giàu - người nghèo nhưng cậu lại có một trái tim đầy yêu thương và bao dung. Đúng, đó là suy nghĩ mà đoàn phim muốn khán giả nghĩ khi tạo nên một nam chính như Bảo Hoàng. Nhưng oái ăm thay, Bảo Hoàng trong phim lại cả tin, mơ mộng và...dại gái một cách khó hiểu.
Vừa chia tay người yêu được 2, 3 ngày, Bảo Hoàng đã nhanh chóng sa vào lưới tình của Tú Lạc (Uyển Ân thủ vai) dù chỉ bắt gặp cô dắt một đám trẻ nhỏ đường. Sau đó, nam chính lại chẳng khác gì "biến thái" khi cứ lái xe theo để được nhìn người đẹp. Ngoài đời, nếu không phải một anh chàng đẹp trai, chắc nhân vật này đã bị công an bắt vì tội bám đuôi, rình mò người khác.
Hành động của Bảo Hoàng chẳng khác gì một trap boy chính hiệu, nhưng vì Tú Lạc có "hào quang nữ chính" nên khi cô bị bà Phượng vạch trần và bắt cả hai chia tay, Bảo Hoàng lại tỏ ra yêu Tú Lạc rất sâu đậm và sẵn sàng tha thứ cho cô, với lý do "khó tin" rằng anh đã biết nhà gái nói dối từ trước. Tình yêu của Bảo Hoàng với người cũ thì hời hợt qua loa, nhưng với nữ chính thì nồng nhiệt, sâu sắc. Khán giả chẳng hiểu Tú Lạc đã làm gì để anh phải say đắm tới vậy khi trước đó, những phân cảnh cả hai bên nhau chỉ là tán tỉnh, ôm hôn và cảnh nóng.
Chung cư cũ nói giải toả là tin
Biên kịch của bộ phim có vẻ như ưu ái cho nhân vật nữ chính quá nhiều khi mỗi chiêu trò, mánh khoé của gia đình cô đều có thể qua mặt người khác dễ dàng. Điển hình như tình huống Tú Lạc giả làm tiểu thư đến kiểm tra tình hình giải toả căn chung cư cũ. Nhân vật này chỉ cần thuê một nhân viên mặc quần tây, áo sơ mi, thắt cà vạt, nói vài câu là Bảo Hoàng tin răm rắp. Sau đó, Bảo Hoàng có phát hiện cô nói dối, nhưng cách giải thích vẫn chưa đủ thuyết phục.
Nếu đặt 2 giả thiết, giả thiết 1 Bảo Hoàng phát hiện ra khi hai người đang cưa cẩm nhau, thì Bảo Hoàng lấy tình yêu, niềm tin ở đâu ra để tiếp tục mối quan hệ với Tú Lạc và chấp nhận im lặng với sự lừa dối này. Khi hai người chỉ mới biết nhau thì tình yêu chẳng thể nào đủ lớn để cao thượng đến thế. Giả thiết 2, nếu Bảo Hoàng phát hiện sự thật khi đang yêu Tú Lạc, thì rõ ràng ban đầu anh đã thực sự bị lừa chỉ bằng một mánh khoé đơn giản đến "trẻ con" mà cô bày ra. Việc biên kịch "ép" tâm lý Bảo Hoàng phải tin khiến tính cách nhân vật này trở nên ngáo ngơ, ngây thơ khó chấp nhận.
Đồ hiệu cứ "chôm" là được
Hai mẹ con bà Kỳ (NSND Hồng Vân thủ vai) được miêu tả là kiểu người "giàu xổi" trong phim. Vai trò của họ là để cho gia đình bà Mạt "mượn" đồ và vạch trần tội lỗi của gia đình này với bà Phượng. Nhưng dù là kiểu người giàu cỡ nào, họ cũng không thể mất cảnh giác đến mức để bà Mạt muốn lấy bất kỳ trong nhà đi là được.
Quần áo có thể hiểu là do hai mẹ con nhà này bắt giúp việc đem đi giặt nên bà Mạt mới có thời cơ để trộm. Nhưng còn dây chuyền, trang sức, giày, một đống phụ kiện khác, liệu bà Mạt dùng cách gì để đem ra ngoài? Gia đình bà Mạt cũng không có hành động giấu giấu giếm giếm mà còn khoác lên người và tung tăng đi khắp Sài Gòn. Việc mất đi đống tài sản lên đến hàng trăm triệu nhưng cả bà Kỳ lẫn Luna Đào đều không mảy may nghi ngờ?
Đánh nhau ngoài công viên
Tình huống đánh nhau ngoài công việc không chỉ xuất hiện một mà đến hai lần và nạn nhân là hai mẹ con bà Phượng. Lần thứ 1, khi Bảo Hoàng đi cùng Tú Lạc thì bị người yêu cũ đến đánh ghen. Cô gái này nhanh chóng bị Tú Lạc hạ "knock out" chỉ bằng một đòn. Chi tiết này xem qua có vẻ bình thường nhưng khi suy đi ngẫm lại, Tú Lạc lấy niềm tin ở đâu ra rằng chỉ cần một cuộc gọi điện thoại là nhân vật này sẽ chắc chắn đến đánh mình, huống hồ là cô còn đánh thắng.
Tình huống đánh nhau thứ 2 xuất hiện khi bà Phượng đang đi bộ ngoài công viên và bị một người phụ nữ lạ mặt chặn đường "hỏi tội" vì tắc trách trong công việc. Một nữ doanh nhân giàu có được miêu tả luôn có người đưa kẻ đón, chẳng ai hiểu vì sao đoạn này bà ta lại phải đi bộ ngoài đường, và dù bị đánh "sấp mặt", công viên đông người nhưng tuyệt nhiên chỉ có một mình bà Mạt đến cứu.
Thầy phong thuỷ hoá ra cũng dễ lừa như người thường
Các nhân vật trong Cô Dâu Hào Môn hầu như đều được xây dựng ngây thơ đến mức khó hiểu. Các nhân vật ở dưới đáy xã hội cũng chỉ cần khoác lên vài bộ đồ sang trọng, dùng đôi ba lời ngon tiếng ngọt là có thể qua mặt được thầy phong thuỷ của giới siêu giàu. Nhân vật này là một người mà bà Phượng hết mực tin tưởng nên bà Mạt và Tú Lạc mới tiếp cận, nhưng bà ta lại mất cảnh giác và nhanh chóng giới thiệu Tú Lạc là cô con dâu trong mơ mà bà Phượng đang tìm kiếm, bất chấp việc chưa tìm hiểu nguồn gốc, xuất thân của cô này có đúng không hay chỉ toàn lời bịa đặt.
Giữa giới tài phiệt, việc kiểm tra, hỏi thăm danh tính một tiểu thư cành vàng lá ngọc rõ ràng không hề khó, nhưng cả thầy phong thuỷ hay bà Phượng cũng chẳng mảy may điều tra cho kỹ mà tin răm rắp. Đến khi gia đình bà Kỳ đến và vạch trần, bà Phượng mới tỏ vẻ nguy hiểm rằng "kịch sắp hạ màn".
Nhầm lẫn giữa phạt hành chính và đi tù mọt gông?
Một tình tiết khác liên quan đến pháp luật nhưng lại vô tình tố cáo sự thiếu chỉn chu, nghiên cứu của người viết kịch bản. Trong phim, bà Kỳ và Luna Đào giàu lên nhờ trồng cây cần sa và bị gia đình bà Mạt "nắm thóp". Nhưng trên thực tế, không phải trường hợp nào cũng sẽ quy vào trách nhiệm hình sự, và phải đi tù mấy chục năm mà còn có cái gọi là phạt hành chính.
Như trong bối cảnh của bộ phim, gia đình bà Kỳ chỉ trồng tầm 400 cây cần sa - tức là sẽ xử phạt hành chính: mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân (theo Điều 247 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017). Tình tiết tăng nặng và bị phạt tù sẽ áp dụng khi trồng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây và cũng ngồi sau song sắt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Như vậy, lời thoại hăm doạ đầy tự tin của gia đình bà Mạt hoá ra lại là một hạt sạn về việc thiếu hiểu biết về pháp luật.
Hai lần thoát nạn thần kỳ của gia đình bà Mạt
Kịch bản Cô Dâu Hào Môn cố gắng tạo nên những tình huống mang tính plot twist nhưng đáng tiếc, hầu như chẳng có cái nào thành công, mà chỉ khiến người xem cảm thấy hoang mang vì "ngoài đời đâu có dễ dàng đến vậy".
Lần đầu tiên, khi gia đình bà Mạt bị đẩy vào thế bị hai mẹ con bà Kỳ gọi công an đến bắt, bà đã lấy việc gia đình nhà này trồng cần sa để thoát nạn. Lần đầu may mắn, khán giả có thể nhắm mắt làm ngơ, nhưng ở tình huống thứ hai khi đối mặt với bà Phượng, ông Hoà (Kiều Minh Tuấn thủ vai) cũng tung ra "chiêu bài" nắm thóp người giàu để "chữa cháy" cho gia đình. Ông đã để một máy ghi âm và nghe lén được cuộc hội thoại mất nhân tính của bà Phượng với hội đồng cổ đông bệnh viện. Nhưng tương tự với thắc mắc trước đó, ông Hoà có bao nhiêu phần trăm tự tin rằng biết bà Phượng hoá ra cũng giàu nhờ cách làm ăn phi pháp, nếu không có cuộc nói chuyện sai trái đó, liệu ông Hoà lấy gì để bảo vệ gia đình?
Biên kịch cố gắng tạo ra tình tiết đẩy bà Phượng trở thành người xấu để "cứu" gia đình bà Mạt, bất chấp nó khá "sượng trân" và cũng hên xui như cách Tú Lạc "mồi chài" Bảo Hoàng.
Chi phí lừa đảo hàng trăm triệu nhưng tán gia bại sản vì 100 triệu
Nhìn lại quá trình đầu tư chi phí từ việc set up đồ ăn, mua chuộc thầy phong thuỷ,...số tiền này có thể lên đến hơn 100 triệu. Liệu số tiền này gia đình Tú Lạc lấy ở đâu ra để bày binh bố trận "mượt" đến vậy khi các thành viên đều được miêu tả là nghèo rớt mồng tơi, thất nghiệp? Sau đó, ông Hoà lại dùng ánh mắt căm hận nói với bà Phượng rằng việc đền 100 triệu do tông vào xe bà trong quá khứ là nguồn cơn của việc khiến ông và con trai túng quẫn phải đi trộm cắp, gia đình ly tán vì trụ cột duy nhất đi tù. Sự mâu thuẫn trong lời nói và thực tế khiến khán giả khó lòng mà đồng cảm được với những bất hạnh mà nhân vật đang hứng chịu.
Nhìn chung, Cô Dâu Hào Môn không phải là một tác phẩm tệ nhưng nếu để gọi là một tác phẩm chất lượng thì lại không hẳn. Việc bộ phim sa đà vào những tình huống hài hước, đẩy mạnh tính giải trí mà hời hợt trong kịch bản, đạo cụ khiến đứa con tinh thần của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng mất điểm trầm trọng, vì khán giả xem xong chỉ thấy vui nhưng lại chẳng đọng lại được gì.
Cô Dâu Hào Môn hiện đang công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.