Một góc nhìn khác về nhân vật Tào Tháo: Anh hùng hay gian hùng?

Tào Tháo từ chức úy khu vực Bắc Lạc Dương, cấp phó của Huyện lệnh, phụ trách an ninh, binh bị, hình sự khu Bắc Lạc Dương. Từ đó, ông vươn dần lên cao, khi khởi nghĩa Hoàng Cân (hay còn gọi là nạn giặc Khăn Vàng) bùng nổ, ông giữ chức kỵ đô úy, đem binh trấn áp có chiến công...

Tài dùng người xuất chúng

Một góc nhìn khác về nhân vật Tào Tháo: Anh hùng hay gian hùng? - Ảnh 1.

Những nhân vật nổi tiếng thời Tam Quốc được dựng thành phim.

Năm Kiến An thứ 1 (196), Tào Tháo theo kế của mưu sĩ Trình Dục, chào đón vua Hiến Đế về Hứa Đô (nay là phía Đông Hứa Xương, tỉnh Hà Nam), rồi từ đó "dùng danh nghĩa vua Hán lệnh cho chư hầu"; lần lượt đánh bại các thế lực quân phiệt khác như Lữ Bố, Viên Thiệu, Viên Thuật, Trương Tế... và trở thành người có quyền lực nhất ở phương Bắc, cùng Tôn Quyền (Thế lực Đông Ngô ở Giang Đông) và Lưu Bị (nhà Thục Hán ở Tây Thục) tạo thành thế chân vạc tranh hùng (Sử gọi thời kỳ này là Tam Quốc).

Ông là người giỏi sử dụng người theo sở trường, thưởng phạt phân minh, các mưu sĩ của ông như Trình Dục, Tuân Úc, Quách Gia, Giả Hủ, Tư Mã Ý... đều xuất sắc. Ông đã xây dựng được lực lượng đặc nhiệm khét tiếng Hổ báo kỵ và giao cho tướng lĩnh thân tộc chỉ huy như Tào Thuần, Tào Hồng, Tào Hưu, Hạ Hầu Đôn, Tào Nhân.

Cơ quan tình báo, mật vụ cũng được Tháo chú ý từ sớm với danh xưng là "Phủ hiệu sự". Ngoài ra, trong nhân sự Tháo sớm chủ trương ai có tài cũng được dùng, không kể xuất thân (tất nhiên là trừ những vị trí đặc biệt kể trên), vì thế nhân tài theo Tháo rất đông, có thể kể tên các danh tướng: Trương Liêu, Từ Hoảng, Hứa Chử, Điển Vi, Nhạc Tiến, Trương Cáp, Bàng Đức...

Năm 208, Tháo giữ chức thừa tướng, năm 216 được phong Ngụy Vương, năm 220 lâm bệnh nặng và băng hà lòng vẫn hận chưa thống nhất được Trung Nguyên. Con Tháo là Tào Phi phế vua Hán, tự xưng đế, truy phong Tào Tháo là Ngụy Vũ Đế.

Trong thời gian 25 năm (196 - 220), Tào Tháo đã bình định hết các lộ chư hầu phương Bắc, xây dựng chính quyền Tào Ngụy. Ngoài đóng góp về chính trị và quân sự, phải kể tới đóng góp trong khôi phục nông nghiệp thời loạn lạc của Tào Tháo.

Trong khi nhiều quân phiệt chỉ dùng chính sách cướp đoạt của nông dân thì chính sách đồn điền của Tào Tháo đã góp phần khôi phục nông nghiệp bị tàn phá, vừa giải quyết đời sống nông dân, vừa đảm bảo lương thực cho quân đội của ông.

Anh hùng hay gian hùng?

Một góc nhìn khác về nhân vật Tào Tháo: Anh hùng hay gian hùng? - Ảnh 2.

Tào Tháo là một chính khách mang nhiều khuôn mặt, có thể biểu đạt các loại gương mặt vừa chân thật, vừa nghệ thuật tài tình. Có thể hợp nhất những tính cách phức tạp như thẳng thắn, đa nghi, thương yêu kẻ sĩ, độc ác, hiếu sát, thông minh, khoáng đạt, đố kỵ kẻ hiểu mình... trong một con người, là điều vô cùng khó, vậy mà tất cả những thứ ấy đều hội tụ nơi ông - con người tổng hòa của nhiều loại mâu thuẫn trên thế gian.

Tuy không hoàn hảo nhưng ông là một anh hùng, một khuôn mặt lớn của thời đại. Ông dung hợp được 3 loại Pháp - Thuật - Thế trong tranh giành quyền lực, đồng thời có thể vận dụng linh hoạt, tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng và mục đích của mình.

Về mặt chính trị và quân sự, ông đã tiêu diệt hầu hết các thế lực cát cứ, thống nhất đại bộ phận khu vực phương Bắc Trung Quốc, hình thành nền móng cho nhà Tào Ngụy (220 - 265). Trong thi ca, ông cùng hai con trai Tào Phi và Tào Thực (gọi chung là Tam Tào) được coi là những đại biểu của văn học Kiến An, lịch sử gọi là Kiến An phong cốt.

Thơ của Tào Tháo, khí phách hào hùng, bừng bừng hùng tâm tráng chí, chứa nhiều tâm sự, vừa muốn chia sẻ lại có vẻ cảm khái, cô tịch của một tâm hồn lớn lao nhiều giằng xé.

Tuy ngày nay chỉ còn lưu giữ được 26 bài thơ của Tào Tháo đều là nhạc phủ ca từ, có thể thấy, Tháo không những là một nhà thơ, mà còn là người sành nhạc, yêu nhạc.

Tào Tháo hay dùng những thể thơ ca dân gian (thời đó bị các thi sĩ quý tộc coi nhẹ) làm hình thức sáng tác và phương tiện bộc lộ tình cảm, tư duy, thế giới quan của mình.

Có thể kể đến nhiều sáng tác bất hủ của ông như: Giới lộ hành, Cảo lý hành, Khổ hàn hành, Khước Đông Tây môn hành, Đoản ca hành, Quy tuy thọ, Đối tửu, Độ quan sơn, Quan thương hải và Mạch thượng tang...

Chiến tranh trong thơ ông thật thê lương, có sức tố cáo mạnh mẽ: "Đồng hoang xương phơi trắng/Ngàn dặm vắng tiếng gà/ Trăm người sống sót một/ Càng nghĩ càng quặn lòng". (Cảo lý hành)

Đường hành quân gian khó, nhưng cảnh thật đặc tả: "Cỏ cây xơ hiu quạnh/ Gió lạnh rít ù tai

Beo gấu luôn rình rập/ Hổ báo lượn đó đây/ Núi khe bóng người vắng/ Đầy trời tuyết bay bay...". (Khổ hàn hành).

Bi tráng trong thơ ca Tào Tháo luôn gắn với cái hùng. Ông thấy được sự vô thường và hữu hạn của kiếp người cũng như của vạn vật, nhưng ông không bi lụy, than thân trách phận.

Ông tự hào về quân công, thành tựu đời mình đã trôi qua cùng các chiến hữu và có chút tiếc nuối, nhưng chấp nhận quy luật thời gian, ngợi ca buổi hoàng hôn đời mình đang đến.

"Thiên lý mã về già nằm trong chuồng cũ/ Còn hí vang, mang chí hướng bốn phương trời/ Anh hùng nay đầu bạc, vẫn giữ hùng tâm tráng chí khi xưa" (Quy tuy thọ)...