Là nam diễn viên quen mặt trên màn ảnh nhỏ, Doãn Quốc Đam dẫu không sở hữu vẻ ngoài chuẩn soái ca nhưng nhờ lối diễn xuất tinh tế, luôn đầu tư làm mới, các vai của anh trong phim, dù là vai nhỏ, vẫn để lại ấn tượng tốt đối với khán giả. Người xem thường gọi anh là "tắc kè hoa" của màn ảnh nhỏ hoặc “vua vai phụ”.
Mến "trọc" trong Phố trong làng và Làng trong phố
Chia sẻ về vai Mến "trọc", nam diễn viên Quỳnh búp bê nói rằng trong kịch bản không hề mô tả nhân vật Mến phải trọc đầu hay có điểm nhấn về ngoại hình. Và việc để nhân vật xấu hơn là do anh đã thuyết phục đạo diễn. Doãn Quốc Đam muốn nhân vật của mình thực sự chân thực, sống động, "diễn mà như không diễn".
Trong phim, những phân cảnh Mến "nát" hóa thành Chí Phèo sau mỗi lần say xỉn, đánh đập, quát mắng vợ... đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả. Cứ thoát khỏi rượu bia, Mến lại là người cha hết lòng yêu thương con gái và cũng biết hối lỗi vì đã làm vợ con phải đau khổ. Phân cảnh Mến gào khóc tìm con gái vì tưởng con ngã xuống ao bị chết đuối hay cảnh anh quỳ gối mong vợ tha thứ để trở về nhà... thực sự chạm đến trái tim người xem. Vậy nên, dù chỉ là vai phụ nhưng đất diễn của Doãn Quốc Đam trong phim này được đánh giá là đa dạng và thậm chí còn thành công hơn hẳn so với các vai chính.
Sang phần 2 Phố trong làng, Mến "nát" bỗng chốc hóa Mến "khàn". Vẫn là lối diễn sắc sảo, chân thực và thu hút khán giả, tuy nhiên, nhân vật Mến đã bị mất đi hoàn toàn chất giọng "Chí Phèo" từ phần 1. Và thực tế, không chỉ có giọng khàn khó nghe mà đôi chân còn đi khập khễnh. Nam diễn viên Doãn Quốc Đam từng lý giải cho sự thay đổi này: "Kịch bản có chi tiết vợ Mến có con thứ hai không may bị sẩy thai, anh ta quá yêu thương gia đình mình, tìm đến rượu để giải sầu. Vì uống quá đà nên Mến có trận ốm thập tử nhất sinh. Sau đó giọng anh ta khàn và đi đứng khó khăn vì di chứng để lại".
Dẫu vậy, ngay từ những tập đầu lên sóng, trên các diễn đàn phim, nhiều khán giả đã bày tỏ mong mỏi xin đạo diễn trả lại giọng cho anh Mến: "Giọng anh Mến nghe không rõ đạo diễn ơi, căng tai lên mà không nghe được", "Giá mà Mến có giọng nói đừng khàn thì nghe không ức chế", "Giọng ông Mến nghe theo mệt quá"...
Trong phim "Đấu trí": Nháy mắt
Trong phim này, Doãn Quốc Đam vào vai Tuấn, giám đốc của một công ty cung cấp sinh phẩm kit test cho nhiều tỉnh thành. Để có được những hợp đồng lớn, Tuấn phải dùng rất nhiều mánh khóe và kết quả là hắn ta đã bị bắt. Ngay từ những tập đầu phim, khán giả đã đặt biệt danh cho anh là Tuấn “nháy” vì liên tục nháy mắt khi nói chuyện.
Đây là cách mà Doãn Quốc Đam sử dụng để tạo ra nét đặc biệt riêng cho nhân vật của mình. Và chắc chắn, việc duy trì điệu nháy mắt liên tục xuyên suốt bộ phim, nam diễn viên cũng đã phải dành thời gian và sự chú tâm vào đó rất nhiều.
Trong "Hồ sơ cá sấu": Hóa Cương "chột"
Có thể nói mỗi một vai diễn trong VFC, nam diễn viên luôn để lại dấu ấn riêng bằng nét đặc trưng từ ngoại hình của nhân vật. Trong Hồ sơ cá sấu, tính cách nhân vật Cương "chột" được Doãn Quốc Đam thể hiện đa dạng biến hóa nhiều màu sắc.
Đây cũng là vai diễn bản thân anh yêu thích và ấn tượng. Trong phim, anh đóng vai một cảnh sát vì vi phạm trong quá trình công tác phải ra khỏi ngành. Nhưng do vẫn còn máu nghề, nung nấu ý định trả thù những người từng chơi xấu mình nên Cương tiếp tục con đường điều tra độc lập như một thám tử.
Trong Người phán xử: Trần Tú "bặm trợn" với mái tóc búi củ tỏi
Trong phim Người phán xử, vai Trần Tú là con nuôi của ông trùm Phan Quân (cố NSND Hoàng Dũng), trực tiếp đi theo làm việc cho tập đoàn Phan Thị và chơi thân với cậu ấm Phan Hải (Việt Anh).
Chính Doãn Quốc Đam cũng từng chia sẻ nên gọi Trần Tú bằng biệt danh Tú "Rắn" thì hợp hơn, có lẽ chính là vì phần tính cách thâm độc của nhân vật này. Doãn Quốc Đam đã thể hiện rất tốt cốt cách của gã giang hồ tính cách bặm trợn, "coi trời bằng vung" với mái tóc búi củ tỏi và khuôn mặt đầy tính lưu manh.