Hiền nhân thuật là hệ thống những kỹ năng của ninja kết hợp chakra của bản thân họ với chakra của tự nhiên để đạt được trạng thái hiền nhân. Khi ở trạng thái hiền nhân, sức mạnh, tốc độ, sức chịu đựng, phản xạ, nhận thức của người sử dụng và độ bền được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, theo lời của cóc đại nhân Fukasaku, chỉ những người sở hữu mức chakra "trâu bò" mới có thể luyện tập Hiền nhân thuật nên trong thế giới nhẫn giả không nhiều ninja có thể sử dụng thuật này.
Từ nguyên lý ban đầu, các loại Tiên Nhân Thuật được biến hóa theo từng người dùng và tạo ra những tuyệt chiêu của riêng họ. Những "gương mặt vàng" sở hữu được thuật này bao gồm Naruto, Kabuto, Hashirama, Jiraiya.
Hôm nay chúng ta hãy cùng điểm lại 5 dạng của loại nhẫn thuật đỉnh cao này nhé.
1. Tiên Nhân Thuật từ Cáp Mỗ Sơn
Cáp Mỗ Sơn hay vùng núi Cóc chính là một trong những lò dậy Tiên Nhân Thuật. Ở đây những vị hiền nhân cóc như Fukasaku và Shima sẽ dậy cách để một người có thể học được nhẫn thuật này. Khi học ở đây thì các ninja phải trải qua một quá trình tập luyện gian khổ, những buổi luyện tập sẽ giúp họ đạt được sự cân bằng hoàn hảo.
Jiraiya và Naruto chính là hai đại diện cho trường phái Tiên Nhân thuật này. Thế nhưng, trạng thái hiền nhân của Jiraiya được cóc đại nhân đánh giá là chưa hoàn thiện. Bởi vì khi ở trạng thái hiền nhân, một số bộ phận của Jiraiya bị biến thành cóc và ông phải triệu hồi nhị vị cóc hiền nhân Fukasaku với Shima nhằm hỗ trợ ông hấp thụ chakra tự nhiên để duy trì Hiền nhân thuật trong lúc chiến đấu.
Còn Naruto thì hoàn thiện hơn khi không bộ phận cơ thể nào bị biến thành cóc. Ngoài ra, Naruto còn đạt tới Lục Đạo Tiên thuật – cảnh giới cao hơn của Tiên nhân thuật bằng cách vận dụng chakra của 9 Vĩ thú trong người tạo nên một trạng thái chakra mới mạnh hơn cả trạng thái Chakra Cửu Vĩ để chiến đấu với Madara.
2. Tiên Nhân Thuật từ động Ryuchi
Đây là loại Hiền Nhân thuật được truyền dạy tại động Rắn. Người luyện thuật cần để cho Bạch Xà Tiên Nhân cắn để truyền nọc độc chứa chakra tự nhiên. Nếu người tu luyện có thể vượt qua thử thách đầu tiên này, họ đã có lượng chakra tự nhiên và được xem như học tập xong thuật Hiền Nhân.
Kabuto là một đại diện cho trường phái này. Trong trạng thái Tiên nhân Rắn, Kabuto có được một số năng lực đặc trưng của loài Rắn như tháo bỏ khớp hàm và hắn cũng trở nên mạnh hơn gấp bội. Ngoài Kabuto, Orochimaru và Mitsuki cũng sở hữu thuật này.
3. Tiên Nhân Thuật của Vĩ Thú
Đây là một dạng đặc biệt khi cả series mới chỉ có Naruto sở hữu nó. Do mang trong mình chakra của Cửu Vĩ nên ngài Hokage đệ Thất có thể kết hợp nó với Hiền Nhân thuật.
Lúc này, con ngươi của Naruto biến thành hình chữ thập. Hoa văn trên tấm áo choàng cũng thay đổi. Toàn bộ nhẫn thuật thi triển lúc này có sức mạnh cực kì khủng khiếp. Chẳng hạn như Bom Vĩ Thú chứa Chakra tự nhiên với sức công phá không gì có thể sánh bằng.
4. Tiên Nhân Thuật của Lục Đạo
Hagoromo là người đã đánh bại Thập Vĩ, lập ra thế giới ninja và cũng là người đầu tiên sáng tạo ra cũng như sử dụng nhẫn thuật. Cái tên Lục Đạo Hiền Nhân đã đủ cho ta thấy sức mạnh khủng khiếp của ông.
Và ông đã để lại một món quà dành cho người có ý chí sắt đá, không bao giờ bỏ cuộc: Naruto Uzumaki. Khi đạt tới Lục Đạo Tiên thuật – cảnh giới cao hơn của Tiên nhân thuật bằng cách vận dụng chakra của 9 Vĩ thú trong người Naruto đã tạo nên một trạng thái chakra mới mạnh hơn cả trạng thái Chakra Cửu Vĩ để chiến đấu với Madara.
5. Hiền Nhân Thuật của Hashirama
Không có thông tin rõ ràng về việc Hashirama học được Tiên Nhân thuật từ đâu. Tuy nhiên, một điều hiển nhiên là nó đã giúp vị Hokage này trở nên vô cùng mạnh mẽ. Ông sở hữu một sức mạnh vô cùng khủng khiếp khi dùng Tiên nhân thuật.
Bằng chứng là ông có thể triệu hồi ra 1 pho tượng gỗ để thi triển nhẫn thuật "Thiên thủ quan âm" hay "Chân pháp thiên thủ" lúc đánh nhau với Uchiha Madara. Ngoài ra, ông cũng có khả năng thực hiện Tiên pháp: Minh Thần Môn - một thuật phong ấn thượng thừa đủ sức phong ấn Thập Vĩ.
Đặc biệt không giống như Jiraiya, Senju Hashirama có khả năng cân bằng hoàn hảo năng lượng tự nhiên với chakra của bản thân nên không hề bị biến đổi hình dạng.