Elizabeth Berkley trong Showgirls (1995): Vai chính Nomi Malone - một vũ nữ bốc lửa với tham vọng đổi đời - trong Showgirls đánh dấu sự lột xác của Elizabeth Berkley. Nữ diễn viên từ bỏ kiểu hình tượng ngoan hiền, được lòng khán giả đại chúng sang hình ảnh trưởng thành, gợi cảm trên màn ảnh rộng.
Tại thời điểm phát hành, khán giả lạnh nhạt với Showgirls do cốt truyện u tối và sự lạm dụng yếu tố tình dục cũng như các cảnh khoe thân. Nhiều năm sau, tác phẩm bắt đầu được công chúng đón nhận bằng ánh mắt bớt khắt khe hơn. Về phía Elizabeth Berkley, Showgirls đã không tạo ra bước đột phá cần có cho sự nghiệp của cô. Kể từ 2009, nữ diễn viên hoàn toàn vắng bóng trên màn ảnh rộng.
Joaquin Phoenix trong I’m Still Here (2010): I’m Still Here là bộ phim chính kịch do Joaquin Phoenix viết kịch bản và sản xuất cùng bạn diễn kiêm đạo diễn Casey Affleck. Trong phim, Phoenix thủ vai phiên bản hư cấu của chính mình. I’m Still Here không phải mốc son trong sự nghiệp nghệ thuật của hai ngôi sao, nhưng nó gây ấn tượng nhờ chiến dịch truyền thông lý thú.
Tất cả bắt đầu khi Joaquin Phoenix thông báo giải nghệ để tập trung cho sự nghiệp âm nhạc vào năm 2008. Trong hai năm sau đó, anh xuất hiện trước truyền thông với vẻ ngoài nhếch nhác và thái độ phớt lờ xung quanh. Phoenix thậm chí đã trình diễn rap tại một hộp đêm. Khi công chúng bắt đầu tin nam diễn viên đã hoàn toàn mất trí thì I’m Still Here ra mắt. Từ đây, trò chơi khăm khán giả của Phoenix chính thức hạ màn. Tuy nhiên, phản ứng của khán giả với I’m Still Here vẫn khá lạnh nhạt, cho thấy nỗ lực quảng bá của nam diễn viên đã đổ sông đổ bể.
Ashton Kutcher trong Jobs (2013): Nỗ lực đầu tiên của Hollywood nhằm tái hiện cuộc đời Steve Jobs lên màn ảnh trở thành thảm họa. Để vào vai một cách nhuần nhuyễn, Ashton Kutcher quyết định ăn kiêng theo đúng phương pháp Jobs từng thực hiện khi còn sống. Suốt thời gian dài, anh chỉ ăn trái cây, các loại hạt và uống nước. Kết quả, vài ngày trước khi phim bấm máy, Kutcher phải nhập viện vì viêm tụy.
Nỗ lực, cũng như tham vọng ghi danh vào hàng ngũ những diễn viên không ngại "hành xác" để hóa thân thành nhân vật của Ashton Kutcher, nhanh chóng tan thành mây khói khi Jobs chỉ nhận được cái lắc đầu của cả giới phê bình lẫn công chúng sau khi ra mắt. Không mấy người còn nhớ đến phiên bản Steve Jobs của Kutcher, nhất là sau khi bộ phim Steve Jobs (2015) ra mắt với Michael Fassbender trong vai người sáng lập hãng Apple
Chris Hemsworth trong In the Heart of the Sea (2015): Chris Hemsworth đã giảm gần 16 kg khi vào vai chàng thủy thủ lênh đênh sóng nước giữa thế kỷ XIX trong In the Heart of the Sea. Nam diễn viên ví von chế độ ăn kiêng để đạt được vóc dáng tiều tụy với vỏn vẹn 500 calo nạp vào cơ thể mỗi ngày khi ấy với khẩu phần của người bị trôi dạt trên biển.
Dù quy tụ nhiều gương mặt sáng giá của Hollywood như Chris Hemsworth, Tom Holland, Cillian Murphy, In the Heart of the Sea vẫn thua lỗ nặng nề khi ra rạp với 93 triệu USD doanh thu toàn cầu - tức chưa chạm mốc 100 triệu USD kinh phí sản xuất - và nhanh chóng rơi vào quên lãng. Về phần Hemsworth, khi In the Heart of the Sea đóng máy, anh phải gấp rút tăng cân và cơ bắp trở lại để kịp ghi hình Thor: Ragnarok.
John Travolta trong Battlefield Earth (2000): Battlefield Earth nuôi tham vọng trở thành tác phẩm viễn tưởng vĩ đại, nhưng cuối cùng bị liệt vào hàng những bộ phim dở nhất mọi thời đại. John Travolta đảm nhận vai trò sản xuất kiêm diễn viên chính trong bộ phim sau thành công vang dội của Pulp Fiction (1994)
Thành quả lao động của Travolta - trong đó có việc phải ngồi nhiều giờ hóa trang - và đoàn phim là một tác phẩm lê thê, vô nghĩa, với hàng loạt khuyết điểm trong cốt truyện cũng như diễn xuất. Theo What Culture, Battlefield Earth kéo sự nghiệp của Travolta xuống vũng bùn khi vô tình trở thành tác phẩm được công chúng biết đến rộng rãi nhất trong sự nghiệp điện ảnh của ông.