Trước thông tin bộ phim điện ảnh Việt với kinh phí hàng chục tỷ đồng là Võ Sinh Đại Chiếnphải rút lui khỏi rạp vì doanh thu quá thấp trong tuần đầu (chỉ khoảng 1,2 tỷ), một số tranh cãi đã nổ ra. Phía nhà sản xuất đã vài lần đăng tải chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về việc phim bị nhà phát hành và các cụm rạp “chèn ép”, chỉ cho xuất hiện vào các khung giờ ít khách như giữa trưa hay tối muộn. Nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng lỗi lớn nhất nằm ở việc phim không nhận được hoạt động PR rầm rộ, hiệu quả mà nó xứng đáng, dẫn đến cái kết buồn khi ra rạp mà chẳng ai biết.
Với nhiều luồng dư luận trái chiều về động thái rút lui của Võ Sinh Đại Chiến, chúng tôi đã liên hệ với ông Thái Bá Dũng - nhà sản xuất của bộ phim để tìm hiểu thêm câu chuyện của người trong cuộc.
Truyền thông của phim bị đánh giá kém, trách nhiệm thuộc về nhà phát hành chứ không phải nhà sản xuất
Khi sự việc thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận, đa số ý kiến đều đánh giá lỗi nằm ở phía bên sản xuất phim đã thất bại trong việc truyền thông. Tuy nhiên, ông Dũng đã thẳng thắn chia sẻ quyền quyết định và thực hiện PR, quảng bá cho phim không phải do phía ông đảm nhiệm.
Nhà sản xuất Thái Bá Dũng (trái)
“Về mặt truyền thông, mình phải làm rõ ai là người chịu trách nhiệm. Khi mà phim lựa chọn một nhà phát hành, vai trò truyền thông sẽ là do nhà phát hành làm. Ngân sách mấy tỷ để truyền thông cũng là nhà phát hành nắm giữ,” ông nói.
“Về thông điệp phát hành, khi làm phim, chúng tôi mong muốn truyền tải thông điệp đây là bộ phim hành động, đề cao nền võ thuật của Việt Nam - là sự tự hào dân tộc. Nhưng mà khi qua phía nhà phát hành, họ quyết định truyền thông phim theo hướng trẻ trung sôi nổi, tình yêu… coi như không đúng với định hướng ban đầu. Họ là người cầm tiền nên họ là người quyết cuối cùng, mình phải theo như vậy.”
Một cảnh hành động trong phim Võ Sinh Đại Chiến
Khi tác phẩm tâm huyết trở thành “con cừu đen” trong gia đình đông đúc
Ông Dũng nhấn mạnh, một điều khiến ông thất vọng và bức xúc với nhà phát hành chính là khi họ đã không thực sự dồn lực để đầu tư, tạo điều kiện cho Võ Sinh Đại Chiến khiến phim rơi vào vòng lặp luẩn quẩn của sự thất bại.
“Một vấn đề phía tôi cảm thấy bất công là trong cùng thời điểm, nhà phát hành ra tới 4 phim. 1 phim nhập từ nước ngoài, 2 phim họ có đầu tư còn phim của tôi chỉ nhận phát hành nhưng không có đầu tư. Cuối cùng, họ tập trung đẩy phim kia còn phim của mình thì như con ghẻ."
“Bản thân nhà phát hành khi phim ra rạp, họ không đẩy phim họ phát hành thì các rạp khác làm sao dám. Như vậy, nó ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phát hành của phim. Khi mọi người nói về quy luật cung-cầu, tôi thừa hiểu quy luật đó nhưng vấn đề là ngay từ lúc đầu tiên phim ra rạp, đã không có cơ hội để quy luật cung-cầu vận hành thì sao mà nói do quy luật được. Khán giả họ đến rạp, muốn coi phim mình mà không có giờ, không có suất thì họ phải xem phim khác. Người ta quay ngược lại nói rằng không ai xem nên rạp buộc phải cắt suất - 1 vòng luẩn quẩn không giải pháp,” ông nhận định về ý kiến “phim yếu nên mới bị ép suất”.
Bài viết bức xúc của nhà sản xuất Thái Bá Dũng
Rút lui là để cho phim còn cơ hội, chứ quyết không để phim chết!
Lý giải cho quyết định rút phim của mình, ông nói: “Với một nhà sản xuất như tôi, phải bảo vệ đứa con của mình và bảo vệ các nhà đầu tư của phim. Bị đối xử không công bằng như vậy, chuyện tụi tôi phải rút phim là đương nhiên phải làm. Mặc dù mất hết mấy tỷ chi phí marketing trước đó, nhưng mà đó là giải pháp cuối cùng. Rút phim thì còn có cơ hội làm lại, chứ cắn răng chấp nhận những chuyện bất công thì phim mình chắc chắn sẽ chết.”
Với ông Dũng, mong muốn hiện tại chỉ là cho khán giả có cơ hội được tiếp cận với phim - khi một số người chia sẻ muốn xem mà không thể chọn được giờ chiếu phù hợp tại rạp. Ông không ngại ngần chia sẻ ý định đưa phim lên Netflix, không quan tâm đến chuyện phim phải lời hay lỗ nữa.
“Tôi đang tìm cách để đưa phim lên Netflix. Thật ra, bán cho Netflix chỉ là cách mang phim ra ngoài thôi chứ phòng vé Việt vẫn là thị trường chính cho doanh thu của phim. Mong muốn của tôi cho phim này, lời lỗ không quan trọng. Dĩ nhiên ai làm kinh doanh thì họ cũng muốn huề vốn hoặc lời, nhưng cái tôi quan trọng nhất là chuyện lời, lỗ đó hãy để khán giả là người có quyền quyết định chứ không phải lỗ vì mình bị ép.”
Xin cảm ơn ông vì các chia sẻ trên!
Nguồn ảnh: NSX, Facebook nhân vật