Có lẽ chưa bao giờ như bây giờ, vấn đề môi trường lại trở thành một chủ đề được thảo luận và tranh cãi rất nhiều bởi con người, nhất là với tình hình thiên tai, bão lũ như hiện nay. Từ những vấn đề trong cuộc sống như mức độ ô nhiễm không khí cho đến cô bé Greta Thunberg làm ầm ĩ trên mặt báo, sự biến đổi khí hậu đang xảy ra rất mạnh mẽ và có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Thế nhưng, những câu chuyện trên màn ảnh lớn lại không thể phản ánh được rõ ràng và bám sát vấn đề thực tế trên.
Hình ảnh từ phim Địa Đạo Cá Sấu Tử Thần (tựa gốc: Crawl)
Vấn đề môi trường bị “biến tướng” khi tìm cách đi vào nền văn hóa đại chúng
Các thảm họa thiên nhiên vẫn diễn ra, từ băng tan, mùa hè nóng hơn hay thậm chí là cả thiên tai ở miền Trung Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Thế nhưng, điện ảnh thế giới dường như vẫn đang coi những vấn nạn liên quan tới môi trường hiện tại là điều gì đó “không đáng cho vào phim”, hoặc nếu đã được đưa vào phim thì lại bị biến tướng thành một thứ rất quá đà.
Những bộ phim kể về Trái Đất thời kỳ diệt vong vì biến đổi khí hậu, ô nhiễm
Thực chất, chủ đề môi trường bị tàn phá vốn cũng đã tồn tại rất lâu trong nhiều bom tấn lớn, có thể kể tên như The Handmaid’s Tale, The Day After Tomorrow, Snowpiercer hay mới đây là cả Tenet. Dẫu vậy, những bộ phim miêu tả một tương lai quá xa vời khi mọi thứ bị hủy diệt nặng nề lại chẳng mang tính liên kết với thực tại. Thành ra, chúng ta khi thưởng thức những tác phẩm ấy chỉ suy nghĩ đơn giản rằng sự tàn phá thiên nhiên trong các bộ phim này “đại diện” cho phe ác mà không nghĩ sâu hơn rằng nếu như vậy, phe ác chính là chúng ta hiện giờ.
Những tác phẩm khoa học - viễn tưởng vẽ nên một tương lai quá sức đen tối của thiên nhiên lại không làm cho người xem cảm thấy quan tâm về chủ đề môi trường, đồng thời có lẽ đó cũng chẳng phải mục đích chính của các bộ phim này.
Bộ phim về người - bạch tuộc của Netflix cũng truyền tải những ý nghĩ khó hiểu
Thế nhưng làm phim nghiêm túc về môi trường thì ai xem? Khán giả thế giới gần đây cũng phát khiếp với một bộ phim tài liệu của Netflix kể về câu chuyện chẳng khác nào yêu đương giữa một người đàn ông và con bạch tuộc sống gần nhà. Bộ phim có tên Cô Giáo Bạch Tuộc (tựa gốc: My Octopus Teacher) và sở hữu những phân cảnh “mơn trớn”, vuốt ve đầy tình tứ giữa người - bạch tuộc khiến khán giả hết cả hồn. Thế nhưng, cũng phải công nhận rằng đã từ lâu, một bộ phim tài liệu về thiên nhiên mới thu hút được nhiều người chú ý đến thế.
Vẫn có những tác phẩm nghiêm túc về thay đổi khí hậu, các nhà làm phim nên nhìn vào mà lấy làm gương!
Điện ảnh là một trong số những công cụ tuyên truyền phổ biến nhất trên thế giới này. Chính vì vậy, nếu các chủ đề liên quan tới thay đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường không được xuất hiện một cách nghiêm túc, gần gũi trong phim ảnh thì có lẽ khả năng cao, chúng sẽ bị công chúng bỏ quên, hay chỉ coi rằng đó là một điều “không phải trách nhiệm của tôi”. May mắn thay, vẫn có một vài bộ phim lôi chủ đề biến đổi khí hậu ra để bàn luận trực tiếp, đa phần đều là các cái tên được đánh giá cao.
"Con bé lo lắng về ngày tàn của thế giới" - Câu thoại từ bộ phim Những Lời Nói Dối Tai Hại
Khi mới ra mắt vào năm 2019, tập Ngày Tàn Của Thế Giới của bộ phim Những Lời Nói Dối Tai Hại (tựa gốc: Big Little Lies) đã ngay lập tức khiến khán giả phải chú ý. Cô bé Amabella đã bị khủng hoảng tinh thần ở lớp ngay sau khi được học về sự bền vững của môi trường, và bà mẹ Retana của cô bé đã yêu cầu nhà trường ngừng việc bơm vào não tụi nhỏ những thông tin kinh hoàng về biến đổi khí hậu.
Hình ảnh vận động biến đổi khí hậu trong phim The Politician
Trong mùa thứ 2 của series hài Chính Trị Gia (tựa gốc: The Politician), bộ phim lấy ngay việc biến đổi khí hậu thành mũi nhọn cho cuộc vận động tranh cử của nam chính Payton Hobart. Mặc dù luôn miệng ra rả rằng mình quan tâm đến môi trường, cậu cũng phải thú nhận rằng vấn đề này sẽ chẳng phải ưu tiên của mình nếu cậu không cần vận động mọi người bầu cử. Bộ phim thẳng thắn “lật mặt” những trò truyền thông bẩn, mưu kế đánh bóng tên tuổi dưới danh nghĩa “bảo vệ môi trường” của nhiều cá nhân, tổ chức và khiến nhiều khán giả ủng hộ, đồng thời đả động đến chủ đề “zero-waste” (sống không rác thải) mà nhiều người tôn thờ.
Phân đoạn tương lai trong hoạt hình BoJack Horseman, với mực nước biển dâng sát mép Hollywood
Tiến xa về tương lai hơn, chúng ta có series hoạt hình người lớn BoJack Horseman được đánh giá cao bởi giới chuyên môn. Trong tập phim Ruthie nói về tương lai, nhà sản xuất cũng dành thời gian tìm hiểu và đưa ra những tiên đoán của mình về thế giới trong 100 năm tới. Cụ thể trong tập phim này, nhân vật Princess Carolyn tưởng tượng ra cháu gái của mình đang phát biểu ở lớp học, với tấm biển Hollywoo (phiên bản chế lại của Hollywood) đang lấp lánh ngay mặt biển. Đây là một chi tiết nói về mực nước biển đang ngày càng dâng cao khiến nhiều người chú ý.
"Người Nhện" Tom Holland cũng từng tham gia bộ phim The Impossible năm 2012 nói về thảm họa sóng thần
Bên cạnh đó, ta cũng có Thảm Họa Sóng Thần (The Impossible) quy tụ dàn sao nổi tiếng như Naomi Watts, Ewan McGregor hay Tom Holland. Phim lấy cảm hứng từ câu chuyện của María Belón và gia đình của cô trong trận động đất ở Ấn Độ Dương. Tuy không sở hữu phần kỹ xảo hoành tráng hay những màn phô diễn thảm họa tự nhiên ghê rợn nhưng phim lại thành công làm người xem run rẩy vì những tình tiết lao đao bám chặt "chiếc phao" sống còn của dàn nhân vật chính.
Mọi thứ nghe có vẻ xa xôi, nhưng tờ New York Times vào năm 2019 cũng đã đưa tin rằng miền Nam Việt Nam có thể sẽ bị ngập dưới nước biển chỉ trong 50 năm tới. Những bộ phim trên là một vài cái tên tiêu biểu dám mạnh mẽ nhắc tới vấn đề biến đổi khí hậu mà vẫn có nội dung rất hấp dẫn, duyên dáng và hơn hết thảy, khiến khán giả nhận ra được vấn đề lớn đang tồn tại của thiên nhiên.
Tạm kết
Nhiều người có thể phản biện rằng, vấn đề môi trường là một trong những chủ đề khó, và các bom tấn điện ảnh làm sao có thể khiến nó trở nên hấp dẫn mà vẫn thu hút phần đông khán giả đại trà? Điều này cũng đúng và có cơ sở. Phần lớn các phương tiện giải trí đại chúng cho đến bây giờ vẫn được xem như một phương thức để trốn thoát khỏi hiện tại, chứ không phải là những lời nhắc nhở, răn đe đầy mệt mỏi.
Bộ phim The Impossible cũng nói về thảm họa sóng thần, ngập lụt rất thành công, khiến khán giả ngỡ ngàng nhận ra sự cấp bách của vấn đề môi trường
Thế nhưng nếu chúng ta không mạnh mẽ nhắc tới và tăng cường sự nhận diện của vấn đề này trên điện ảnh nói riêng (và truyền thông đại chúng nói chung), thì tức là sẽ có ít người biết và hiểu về chúng, và những trận lụt, cháy rừng, thời tiết hà khắc sẽ chỉ tiếp tục xảy ra ngày một nghiêm trọng hơn. Như những ví dụ kể trên, sự biến đổi khí hậu hoàn toàn có thể trở thành một trong những chi tiết nhẹ nhàng mà thâm sâu, giúp bộ phim không những hấp dẫn hơn mà còn thức thời, ý nghĩa hơn. Cái giá phải trả để bảo vệ môi trường khi này dường như là quá rẻ.
Nguồn ảnh: Tổng hợp