Phim Việt càng dài càng đuối

“Phim Việt tăng số tập” đã dần không còn là khái niệm khiến khán giả cảm thấy hào hứng.

Phim truyền hình Việt những năm gần đây thịnh hành xu hướng làm phim “cuốn chiếu”, ghi hình song song với phát sóng. Đây là kiểu làm phim không mới, đặc biệt được sử dụng nhiều ở ngành phim truyền hình Hàn Quốc. Chính nhờ cách thức ghi hình này mà các nhà làm phim có cơ hội để tiếp thu ý kiến khán giả và khắc phục những vấn đề chưa phù hợp với đại chúng. Nhưng cũng vì vậy mà kéo theo việc nhà sản xuất có thể thay đổi kịch bản, nối dài câu chuyện bất cứ lúc nào, hoặc chỉ đơn giản là chiếu cho trót những cảnh đã quay (dù nó không thực sự quan trọng), khi mà phim đang “ăn nên làm ra” hơn cả dự tính ban đầu.

Tăng tập có thực sự vì nội dung?

Dĩ nhiên đi kèm với mỗi lời thông báo về việc tăng số tập của các ekip làm phim luôn là lời giãi bày, hứa hẹn về việc chất lượng nội dung được đảm bảo và cái kết sẽ hợp lý hơn. Đương nhiên, cũng có không ít lần, lời hứa hẹn này thành sự thật. Điển hình như trường hợp của Thương Ngày Nắng Về. Thay vì 45 thì phần 2 của phim kéo dài tới 54 tập. Dù nội dung có phần hơi lê thê nhưng nhìn chung, quyết định tăng tập đã giúp phim giải quyết được trọn vẹn các vấn đề tồn đọng và hơn hết là mang đến cho khán giả một cái kết viên mãn hơn so với bản gốc. Hay một trường hợp khác là Đừng Làm Mẹ Cáu, việc tăng thêm 1 tập so với dự kiến ban đầu đã giúp phim có một kết thúc vừa vặn, viên mãn và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho khán giả.

Phim Việt càng dài càng đuối? - Ảnh 1.

Thương Ngày Nắng Về

Phim Việt càng dài càng đuối? - Ảnh 2.

Đừng Làm Mẹ Cáu

Nhưng bên cạnh những trường hợp tốt đẹp đó lại có quá nhiều lần phim Việt khiến khán giả mất niềm tin vì chính thứ khái niệm gọi là tăng số tập. Thông thường những bộ phim tăng tập đều là những dự án có phần mở đầu ấn tượng, nhận về nhiều phản hồi tích cực từ người xem. Chính vì vậy, nhà làm phim quyết định kéo dài câu chuyện, và vô tình tạo ra phản ứng ngược khi mang tới những trải nghiệm có phần dư thừa cho người xem. Chẳng nói đâu xa, như trường hợp của hai bộ phim đang lên sóng Gia Đình Mình Vui Bất Thình LìnhCuộc Đời Vẫn Đẹp Sao. Cả hai bộ phim lẽ ra đều đã đi đến hồi kết nhưng câu chuyện lại đang được nối dài. Trong khi Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao tăng lên 45 tập thì tác phẩm còn lại cũng kéo dài tới con số 40. Dĩ nhiên cả hai phim đều còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng việc tăng thêm tới mười mấy tập so với dự kiến ban đầu khiến khán giả phải đặt ra câu hỏi lớn, rằng biên kịch sẽ còn “bôi” thêm bao nhiêu vấn đề nữa.

Phim Việt càng dài càng đuối? - Ảnh 3.

Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình

Phim Việt càng dài càng đuối? - Ảnh 4.

Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao

Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình là dạng phim tâm lý gia đình, xoay quanh duy nhất một căn nhà nhưng có nhiều tuyến nhân vật khác nhau với nhiều kiểu vấn đề khác nhau. Việc nối dài không khó, khi phim không có một vấn đề xuyên suốt nào cả, mỗi khoảng 2 - 3 tập phim dùng để giải quyết một câu chuyện. Thế nhưng việc phim đang đánh mất tinh thần “vui bất thình lình”, chuyển qua những câu chuyện drama khá vô lý, thậm chí đôi khi là… vô nghĩa khiến khán giả không thể hào hứng với việc tăng số tập nữa. Còn Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao, việc tăng (rất nhiều) số tập khiến phim đang đi vào lối mòn của những bộ phim bi kịch khác. Người xem bắt đầu cảm thấy “bội thực” khi thấy các nhân vật quá khốn khổ, chưa có lấy một ngày “đẹp sao” như tựa phim.

Phim Việt càng dài càng đuối? - Ảnh 5.

Dĩ nhiên, hai bộ phim kể trên mới đi được hơn một nửa chặng đường (do tăng số tập), trước mắt khán giả mới thấy nội dung bị kéo dài lê thê thôi, chứ việc phim có lâm vào tình cảnh đầu voi đuôi chuột hay không thì còn phải chờ hạ hồi phân giải. Để thấy rõ “tác dụng phụ” không mong muốn của việc tăng số tập, chúng ta có thể nhìn vào loạt phim đã hoàn thiện việc lên sóng. Một trong số những minh hoạ nổi bật phải kể đến như bộ phim “quốc dân” Về Nhà Đi Con. Đây là tác phẩm được xếp vào hàng ngũ kinh điển của truyền hình Việt thập niên 2010, cùng với Sống Chung Với Mẹ ChồngNgười Phán Xử thành công kéo khán giả trở về với màn ảnh nhỏ sau nhiều năm phim truyền hình bị người xem nguội lạnh. Với sức hút khủng khiếp, ekip làm phim quyết định tăng số tập từ 68 lên 82, và kéo theo đó là quá nhiều drama chất đống, khiến bộ phim quốc dân trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.

Phim Việt càng dài càng đuối? - Ảnh 6.

Gạo Nếp Gạo Tẻ là một tác phẩm tương tự, phim vốn khiến khán giả mất kiên nhẫn khi dài tới 80 tập, đã vậy ekip còn quyết định kéo dài nó tới con số 99 rồi sau đó là 109. Không còn hào hứng như dạo đầu, khán giả thực sự mất kiên nhẫn với tác phẩm này, nhất là khi kịch bản vẽ thêm những chi tiết, nhân vật hoàn toàn không có trong bản gốc. Bộ phim quá nặng nề với người xem và chính việc kéo dài số tập đã khiến Gạo Nếp Gạo Tẻ được xếp vào hàng những phim “đầu voi đuôi chuột” kinh điển của truyền hình Việt.

Quay lại với câu hỏi “tăng tập có vì nội dung phim hay không?”, dĩ nhiên câu trả lời là có. Nhưng không phải lúc nào nó cũng mang đến hiệu quả tích cực, thậm chí số lần tích cực còn tương đối ít. Khán giả phải chờ quá lâu để thấy được hồi kết, kinh qua quá nhiều “kiếp nạn”, hoặc đôi khi số “kiếp nạn” không tăng, chỉ là nó được bôi vẽ thêm nhiều tiểu tiết, để trở nên dài dòng, lê thê tới mức chẳng cần thiết.

Phim Việt càng dài càng đuối? - Ảnh 7.

Lợi nhuận khủng từ việc tăng số tập nhưng khán giả được gì?

Đối với khán giả, phim truyền hình như một “món ngon” miễn phí khi họ gần như không hề hoặc phải trả rất ít tiền để được thưởng thức nó. Còn với các nhà làm phim, thứ giúp họ thu về lợi nhuận là việc phát quảng cáo xen kẽ thời gian lên sóng. Ở phim truyền hình Việt, việc đưa trực tiếp sản phẩm vào nội dung phim còn khá vụng, nên gần như trong phim không được lồng ghép việc quảng bá sản phẩm. Dĩ nhiên dù là cách thức nào đi chăng nữa thì việc tăng số tập của những bộ phim đang hot cũng giúp ích rất lớn trong việc tăng doanh thu từ quảng cáo.

Phim Việt càng dài càng đuối? - Ảnh 8.

Trung bình mỗi tập phim trên sóng VTV sẽ quảng cáo khoảng 2 - 3 lần, mỗi lần khoảng 4 phút và lợi nhuận thì được tính bằng giây. Quỳnh Búp Bê từng là một hiện tượng của truyền hình Việt vì nội dung “chưa từng có” trên sóng truyền hình. Theo bảng giá của Trung tâm Dịch vụ và Quảng cáo truyền hình của VTV, tác phẩm này có giá quảng cáo lên đến 140 triệu/30 giây. Về Nhà Đi Con cũng được ước tính có thể thu đến hơn 150 tỷ đồng nhờ việc quảng cáo. Tương tự như vậy những phim truyền hình khác cũng được tính toán để thu thêm lợi nhuận nhờ việc tăng tập. Nhưng lợi nhuận của nhà sản xuất lại không thực sự tỷ lệ thuận với những gì khán giả nhận được. Như đã nói ở trên, việc kéo dài số tập gần như chỉ toàn mang đến tình trạng nội dung lê thê và những chi tiết không thực sự hợp lý. Mặc dù khán giả truyền hình chỉ phải trả một khoản phí không đáng kể đến xem phim nhưng không thể vì vậy mà họ phải chấp nhận những trải nghiệm không tốt. Bởi rõ ràng, một bộ phim thành công tới đâu mà bị người xem quay lưng, dù chỉ là một tập, cũng đã là một kiểu thất bại đáng buồn.

Phim Việt càng dài càng đuối? - Ảnh 9.

Quỳnh Búp Bê

Tạm kết

Những bộ phim ăn khách của quốc tế, trước những thành công vang dội và sự đón nhận tích cực, họ có thói quen đáp lại tình cảm của khán giả và tiếp tục thu lợi bằng cách sản xuất thêm mùa mới, với câu chuyện mới, gãy gọn và vừa vặn. Dĩ nhiên việc so sánh là không nên nhưng chuyện một số nhà làm phim Việt đang biến việc tăng tập thành nỗi ám ảnh của khán giả thì quả thật là điều vô cùng đáng buồn!

Nguồn: VTV, HTV