Trong Tam quốc diễn nghĩa, hình tượng Quan Vũ mặt đỏ, râu dài, tay cầm Thanh long yển nguyệt đao, cưỡi ngựa Xích Thố, đã giết không ít võ tướng, do đó người đời sau đã gọi Thanh long yển nguyệt đao là Quan đao. Sau khi Quan Vũ chết, Thanh long yển nguyệt đao đã bị Phan Chương, tướng lĩnh của Đông Ngô chiếm đoạt. Cuối cùng Quan Hưng, con của Quan Vân Trường đã giết Phan Chương để trả thù cho cha và lấy lại cây Thanh long yển nguyệt đao này. Do đó Thanh long yển nguyệt đao và Quan Vũ đã trở thành một biểu tượng không thể tách rời.
Quan Vũ mặt đỏ, râu dài, tay cầm Thanh long yển nguyệt đao, cưỡi ngựa Xích Thố.
Theo mô tả trong Tam quốc diễn nghĩa, Thanh long yển nguyệt đao do Quan Vũ đặt rèn khi chuẩn bị đánh quân Khăn Vàng từ hồi một trong tiểu thuyết. Tương truyền thanh long đao của Quan Vũ nặng 82 cân (khoảng 49 kg ngày nay).
Thanh long yển nguyệt là loại binh khí có mũi nhọn, cán dài, lưỡi có hình tựa bán nguyệt, trên đao có khắc hình con rồng. Yển nguyệt có nghĩa là cong như nửa đường cung của mặt trăng. Khi Quan Vũ xuất trận, người ta vẫn hay gọi nó là Thanh long đao do màu xanh của sắc đao mỗi khi chém vào kẻ địch.
Nhưng trong thực tế lịch sử, Quan Vũ không hề sử dụng Thanh long yển nguyệt đao mà lại sử dụng một loại binh khí khác. Khắp trong chính sử, thời Tam quốc chưa từng có ai đã sử dụng Thanh long yển nguyệt đao. Thực tế, thì loại vũ khí Thanh long yển nguyệt đao này mãi đến cuối thời Đường – đầu Tống (những năm 900) mới bắt đầu xuất hiện. Tức hơn 700 năm sau khi Quan Vũ bị quân Đông Ngô bắt sống và hành quyết năm 220.
Các sử gia Trung Quốc đều thống nhất với nhau rằng, vào thời đại Tam quốc, công nghệ chế tạo binh khí chưa đạt tới độ tinh xảo để có thể làm ra loại đại đao lưỡi lớn như Thanh long yển nguyệt đao mà La Quán Trung mô tả.
Thời Tam quốc chưa làm ra loại đại đao lưỡi lớn như Thanh long yển nguyệt đao.
Thời Tam quốc, đúng là đã có một số loại đao đã được chế tạo thành công và sử dụng trong các trận chiến. Trong sách Vũ kinh tổng yếu thời Tống có tranh vẽ mô tả loại đao này. Đao thời Tam quốc có dạng lưỡi thẳng, dài trên dưới một mét, đao của nhà Đông Ngô có độ dài khoảng 60cm, đao của nhà Thục dài chừng 1,2 mét trở lên, sống đao dày và cứng cáp, lưỡi mài sắc một cạnh bên, đầu mũi đao không sắc nhọn mà lại có một đầu tròn được buộc một dải vải để quấn chắc vào cổ tay để phòng cây đao có thể bị rớt khỏi tay khi tả xung, hữu đột.
Tuy rằng thời Tam quốc chưa xuất hiện Thanh long yển nguyệt đao, nhưng loại đao dài (trường đao) cán gỗ có khả năng đã được sử dụng. Song binh khí mà các tướng lĩnh thời Tam quốc như Lã Bố, Triệu Vân, Trương Phi, Mã Siêu… sử dụng chủ yếu là kích, thương, mâu gây sát thương bằng đâm.
Trong các tư liệu lịch sử cũng không ghi Quan Vũ dùng loại vũ khí gì. Cuốn sách cổ xưa nhất nói về vũ khí của Quan Vũ là Cổ kim đao kiếm lục được viết vào thế kỷ thứ 5, ghi rằng Quan Vũ lấy sắt từ núi Võ Đô rèn nên 2 thanh kiếm. Những ghi chép trong Tam quốc chí về sự kiện Vũ giết Nhan Lương ghi lại như thế này: "Vũ trông thấy cờ chỉ huy chữ Lương, giục ngựa đâm Lương trong vạn người, chém đầu hắn". Tuy nhiên, không rõ ông dùng vũ khí gì để đâm.
Từ tình tiết này nhiều người nhận định, trong lúc này có hai động tác, một là đâm, hai là chém, rất nhiều người chỉ nhớ rõ phần trước là "đâm" mà không để ý đến phần "chém" sau đó. Còn có người trông mặt mà bắt hình dong, cho rằng Quan Vũ đâm chết Nhan Lương rồi xuống ngựa dùng đao cắt đầu ông ta.
Đây là cách nói không hợp lý, khi hai quân đối chọi mà chủ tướng bị thương hoặc thất thế cung tiễn thủ sẽ bắn tên, còn binh sĩ ở đầu trận tuyến sẽ liều chết cứu viện, há lại cho bạn xuống ngựa rút đao chặt đầu hắn?
Vì vậy, phân tích từ một đâm hai chém thì lợi khí trong tay Quan Vũ nếu không phải kích, thương hay mâu thì không có cách nào thực hiện được việc trên.
Và nhiều nhà nghiên cứu đồng tình, có thể Quan Vũ đã từng rèn kiếm để sử dụng, nhưng khi xông pha trên chiến trường vị tướng này thực chất dùng mâu, kích… mỗi khi ra trận chứ không phải kiếm hay Thanh long yển nguyệt đao.
Tuy nhiên, câu hỏi liệu có phải Quan Vũ sử dụng binh khí đến từ... tương lai hay không vẫn là đề tài còn nhiều tranh luận. Dẫu sao hình ảnh Quan Vũ gắn với Thanh long yển nguyệt đao vẫn được đông đảo mọi người chấp nhận và nó vẫn có ảnh hưởng lớn tới văn hóa, thể thao ngày nay.