Dựa trên bài phân tích của biên tập viên David Lynch, trang Inverse.
Thật khó hình dung thế giới điện ảnh ngày nay sẽ ra sao nếu như không có sự tồn tại của MCU. Trải qua gần 15 năm phát triển, “đứa con cưng” của Marvel Studios và Disney đã trở thành 1 đế chế đồ sộ với hàng triệu người hâm mộ, 1 cỗ máy in tiền với hiệu suất khủng khiếp, và 1 người tiên phong cho mô hình vũ trụ điện ảnh vốn đang được rất nhiều studio khác theo đuổi.
Đến thời điểm hiện tại, Marvel vẫn chưa hề có dấu hiệu ngừng lại mà thậm chí còn tiếp tục “lấn sân” sang cả thị trường truyền hình, với nhiều tác phẩm táo bạo hơn về mặt nội dung, ý tưởng. What If…?, series mới nhất của họ trên Disney+, đã chính thức đưa khán giả khám phá đa vũ trụ rộng lớn với nhiều thực tại khác nhau, nhiều câu chuyện khác nhau của những nhân vật vốn dĩ đã rất quen thuộc. Điều này khiến cho MCU lại càng trở nên đa dạng và khó lường hơn bao giờ hết, với quá nhiều ý tưởng mà họ có thể khai thác trong tương lai gần.
Hình thành từ năm 2008, giờ đây MCU đã trở thành 1 đế chế hùng mạnh với số lượng sản phẩm đồ sộ.
Theo đúng tinh thần của What If…?, chuyên trang Inverse đã tiến hành 1 bài phân tích nho nhỏ: Sẽ ra sao nếu như MCU không tồn tại, hoặc không thành công rực rỡ như ngày nay? Sẽ ra sao nếu Iron Man không tạo ra cơn địa chấn trong làng điện ảnh vào năm 2008? Sẽ ra sao nếu hơn 8,5 tỷ USD doanh thu phòng vé chỉ là 1 con số trong mơ chưa thực chất chưa bao giờ tồn tại? Và sẽ ra sao nếu cụm từ viết tắt M-C-U không bao giờ trở thành ba âm tiết nổi tiếng bậc nhất trong nền văn hóa đại chúng?
Không MCU, Hollywood sớm hay muộn cũng sẽ có những vũ trụ điện ảnh đồ sộ không kém
Để hình dung ra được Hollywood sẽ thay đổi thế nào nếu MCU không tồn tại, chúng ta cần phải xem xét hướng phát triển của thị trường điện ảnh này vào năm 2008, thời điểm Iron Man ra mắt. Trong đó, có một sự thật không thể phủ nhận là dù sớm hay muộn, 1 đế chế với quy mô như MCU cũng sẽ hình thành. Đó là nhận định của J.D. Connor, Giáo sư trong lĩnh vực Nghệ thuật điện ảnh tại Đại học Nam California (USC).
Giáo sư Connor cho biết: “Hollywood sẽ không khác biệt cho lắm nếu MCU không tồn tại”. Tiếp đó, ông chỉ ra 2 xu hướng phát triển chính: Đầu tiên, các công ty lớn sẽ tìm cách thâu tóm những thương hiệu nhỏ hơn để gia tăng vị thế của mình. Và thứ hai, các nhà sản xuất phim tại Hollywood sẽ thường phát triển những tác phẩm an toàn, dễ được khán giả đón nhận thay vì liều mình với những ý tưởng sáng tạo táo bạo.
Nếu MCU không tồn tại, sớm muộn gì cũng sẽ có 1 vũ trụ điện ảnh khác hình thành.
Đạo luật viễn thông năm 1996 đã nới lỏng đáng kể các hạn chế trong việc sáp nhập thương hiệu cũng như quyền sở hữu phương tiện truyền thông. Điều này đã sinh ra một môi trường phát triển hoàn toàn mới, tạo điều kiện cho những ý tưởng đầy tham vọng, như vũ trụ điện ảnh, được phát triển với độ rủi ro thấp hơn.
Connor tiếp tục: “Sau khi đạo luật này được ban hành, sân chơi đã gần như chỉ thuộc về các ông lớn, những tập đoàn lớn với tham vọng lớn về lợi nhuận cũng như tính ổn định lâu dài trong các tác phẩm điện ảnh. Chính điều đó đã nâng cao nhu cầu của khán giả, khiến họ ngày càng kỳ vọng vào những bộ phim có quy mô lớn hơn”.
Hay nói cách khác, các franchise phim với nhiều phần liên kết với nhau chính là điều mà khán giả hướng đến. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển, cho dù Iron Man có thành công hay không.
Tại sao phát triển franchise lại là xu thế tất yếu của Hollywood chứ không phải phim độc lập?
Một trong những lý do giúp MCU thành công như hiện nay chính là chủ tịch Marvel Studios, Kevin Feige, cùng đội ngũ sáng tạo của mình đã cùng hướng đến 1 mục tiêu chung thống nhất. Tuy nhiên, nếu vũ trụ điện ảnh này không tồn tại, liệu các siêu anh hùng có bị xé lẻ ra để trở thành những câu chuyện mới độc lập hay không?
Spencer Harrison, đồng tác giả của nghiên cứu Marvel’s Blockbuster Machine (Cỗ máy sinh bom tấn của Marvel) tại đại học Harvard, cho biết khả năng này rất khó xảy ra, và một franchise khác về Marvel sẽ thay thế cho MCU: “Tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, Hollywood vẫn muốn đầu tư vào việc tạo ra những tài sản sở hữu trí tuệ khác nhau, rồi khai thác chúng để làm nên những câu chuyện lớn hơn”.
Franchise là xu hướng phát triển tất yếu của Hollywood dù có MCU hay không.
Theo quan điểm của Harrison, lối suy nghĩ chủ đạo của Hollywood là tối đa hóa tiềm năng tài chính bằng cách khai thác những nhân vật quen thuộc trong 1 cốt truyện xuyên suốt, được chia thành nhiều phần khác nhau. Minh chứng rõ ràng nhất chính là loạt phim Spider-Man của đạo diễn Sam Raimi, The Lord of the Rings của Peter Jackson hay The Matrix của Wachowski. Hollywood muốn tạo ra những phần hậu truyện đúng nghĩa trong 1 kịch bản chung, thay vì chỉ tạo ra các tác phẩm đơn lẻ như những bộ phim James Bond đầu tiên.
Chính vì vậy, nếu như không phải Marvel, một franchise khác vẫn sẽ nổi lên thay thế mà thôi. Ví dụ như vũ trụ điện ảnh DC mở rộng (DCEU) của Warner Bros., vốn là dự án để cạnh tranh với MCU nhưng lại sớm gặp nhiều vấn đề vì sự thiếu đầu tư, thiếu kiên nhẫn như những gì Kevin Feige và các cộng sự đã làm được. Tuy nhiên, trong vũ trụ mà MCU không tồn tại, áp lực cạnh tranh không còn, thì liệu có cơ hội thành công nào cho DCEU hay không?
Harrington cho biết: “DCEU sẽ không xuống dốc nhanh như vậy. Họ sẽ không vội vàng, hấp tấp trong việc xây dựng Justice League. Và Zack Snyder có thể khai thác ý tưởng của mình thành nhiều bộ phim khác nhau, tùy ý xào nấu và tạo ra những món ăn chỉn chu nhất”.
Disney sẽ đầu tư cho 1 franchise khác thay thế MCU
Chính mô hình hoạt động và sự thành công của MCU đã thúc đẩy nhiều franchise phim, nhiều vũ trụ điện ảnh khác phát triển bùng nổ như hiện nay. Sự thăng hoa của Iron Man cũng là 1 trong những nguyên nhân chính giúp Marvel Studios lọt vào mắt xanh của gã khổng lồ Disney, qua đó bước vào 1 kỷ nguyên thành công mới. Tuy nhiên, giáo sư Connor cho rằng nếu như Iron Man thất bại, Disney có thể sẽ bỏ qua Marvel Studios, nhưng vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch thâu tóm nhiều studio nhỏ khác, điển hình là Lucas Films, thương vụ từng khiến họ tiêu tốn đến 4 tỷ USD.
Disney cần những franchise đủ hot để hỗ trợ cho chuỗi công viên theo chủ đề của mình.
Connor cho biết: “Disney sở hữu 1 thế mạnh mà các đối thủ khác không có: Đó chính là chuỗi công viên giải trí theo chủ đề. Họ cần những nhân vật, những franchise mới để giúp chuỗi công viên này trở nên hấp dẫn và thu hút hơn (giống như công viên Avengers Campus mà họ mới mở cửa vào đầu tháng 6 vừa qua). Và với những công viên trị giá hàng triệu USD như vậy, họ cần lựa chọn những chủ đề, những nhân vật vốn đã có nhiều người hâm mộ nhất”.
Điều này lý giải vì sao Disney chắc chắn sẽ phải gây dựng nên 1 vũ trụ điện ảnh mới nếu như MCU không tồn tại hoặc không thành công. Hơn nữa, nhu cầu của khán giả đang có nhiều biến đổi và trở nên phân mảnh rõ ràng hơn. Điều này khiến cho các đạo diễn, các nhà sản xuất phải dè chừng trong việc đầu tư mạnh tay cho những bộ phim mà dàn nhân vật trong đó hoàn toàn mới toanh. Việc bám vào những gương mặt vốn đã quen thuộc với khán giả rõ ràng là 1 lựa chọn an toàn và đảm bảo về doanh thu hơn rất nhiều.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của MCU với Hollywood và điện ảnh thế giới
Hollywood vốn đã phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn từ trước khi MCU đạt được thành công như hiện nay, đặc biệt là trước sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ streaming và gaming - 2 lĩnh vực đều cực kỳ bùng nổ trong thập kỷ vừa qua. Jeff Bock, chuyên gia phân tích truyền thông tại Exhibitor Relations, nhận định: Nếu như không có MCU, vị thế của phim điện ảnh thậm chí có thể sẽ bị lung lay dữ dội hơn trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của những loại hình giải trí khác như streaming hay gaming.
Đã có những ý kiến cho rằng thành công về mặt doanh thu phòng vé của các bộ phim MCU không chỉ khiến phân tầng khán giả hơn mà còn làm giảm cơ hội bứt lên của các hãng phim nhỏ lẻ khác. Jeff Bock không đồng ý với nhận định này, bởi anh cho rằng nếu như không có MCU, cơ hội để những hãng phim nhỏ đó đột phá thậm chí còn thấp hơn nữa.
MCU và dòng phim siêu anh hùng góp phần thúc đẩy khán giả ra rạp nhiều hơn.
Bock cho biết: “Có 1 sự thật là dòng phim siêu anh hùng ra đời đã giúp đỡ cho cả ngành công nghiệp điện ảnh nói chung. Nó tạo ra động lực, nó thôi thúc khán giả tạm thời rời mắt khỏi những nội dung truyền hình, streaming để ra rạp xem phim. Nếu không có các dự án siêu anh hùng, khả năng cao là lượng người xem rạp sẽ giảm đi đáng kể, và số lượng phim nhỏ lẻ được sản xuất ra cũng không còn nhiều như hiện nay”.
Trong trường hợp MCU thực sự không tồn tại, Bock nhận định thị trường điện ảnh sẽ ngập tràn những tác phẩm có chủ đề phiêu lưu vũ trụ, và “rất nhiều phần hậu truyện của những bộ phim mà đáng lẽ ra không cần đến hậu truyện”. Ngoài ra khi đó, Hollywood sẽ tái sử dụng công thức cũ mà họ đã áp dụng thành công trong những năm 80 và 90: Đó là giao vai chính của những bom tấn lớn cho các diễn viên mà khán giả đã quen mặt, ví dụ như Will Smith, Arnold Schwarzenegger và Sylvester Stallone.
Bock giải thích: “Hồi xưa, chiến lược của Hollywood là cứ lựa chọn những diễn viên nào hút người xem nhất, mang về nhiều tiền nhất và đặt họ vào 1 bối cảnh mới, 1 câu chuyện mới. Điều đó không khác gì với việc đưa Batman, Superman hay Thor vào những kịch bản, thế giới mới. Đó thực sự là những điều họ đang làm ngay cả ở thời điểm hiện tại”.
Tương lai của MCU
Hiện tại, MCU đã trải qua hơn 13 năm phát triển với 25 bộ phim điện ảnh khác nhau. Tuy nhiên, Bock cho rằng trong tương lai, vũ trụ này sẽ phát triển đến mức các nhân vật sẽ không còn gắn bó chặt chẽ với diễn viên, cách Tony Stark gắn liền với Robert Downey Jr., như hiện nay nữa.
Với Bock, câu hỏi đặt ra thực sự phải là: Sẽ ra sao nếu MCU không bao giờ ngừng tồn tại? Anh cho biết: “Họ hoàn toàn có thể làm lại (reboot) Iron Man bao nhiêu lần cũng được, trong bao lâu cũng được. Để mà nói về “tuổi thọ” của dòng phim siêu anh hùng, thì chúng ta vẫn đang ở giai đoạn non trẻ mà thôi. Giống như thể loại kinh dị, dòng phim này sẽ không bao giờ biến mất”.
Theo Inverse