Tại sao manga bạn đang đọc không tô màu mà chỉ để hai màu đen trắng? Bạn đã bao giờ cân nhắc việc đọc truyện tranh màu thay vì truyện tranh đen trắng chưa?
Khi còn học tiểu học, tôi đã thích đọc truyện tranh (thật ra đọc không hiểu gì lắm mà để có hình vẽ theo là chủ yếu). Nhưng đôi khi cầm cuốn manga trên tay, tôi đã suy nghĩ như sau: “Tại sao cuốn truyện tranh này không có màu? Sao họ không in màu ra? Để trắng đen thế này trông có hơi dơ dơ!” Chưa kể sau đó các nhà xuất bản Việt Nam cũng bắt đầu chuyển cách đọc truyền thống sang đọc từ phải sang trái theo chuẩn nguyên tác bên Nhật. Với một tôi ngáo ngơ lúc đó, những điều này thật sự khó hiểu!
Hôm nay, chúng ta hãy tản mạn về lý do tại sao manga chỉ có hai màu đen và trắng; sự khác biệt của nó so với comic và webtoon,… Những lợi ích, hạn chế của việc sử dụng hai màu đen trắng; quy tắc trong xuất bản, in ấn,…
♦ Bài viết có tổng hợp tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau.
Tại sao nói MAPPA đã giữ lại ‘vị ngọt’ cho anime trong năm 2020?
1. Truyền thống từ Thế Chiến 2
Lý do tại sao manga có màu đen và trắng là vì truyền thống của Nhật Bản và sự ảnh hưởng của Thế Chiến 2. Trong cuộc chiến tranh, các họa sĩ manga chọn vẽ bằng màu mực đen và không tô màu để phù hợp với báo giấy. Đồng thời với hai màu trắng đen, các số báo cũng được phát hành nhanh chóng.
Đúng vậy! Những người lính Nhật Bản là những độc giả đầu tiên của manga. Vào khoảng thời gian đó, manga lần đầu bùng nổ trong xã hội Nhật. Các học viên đọc manga, binh trưởng đọc manga và thậm chí cả các tướng lĩnh cấp cao của họ cũng tham gia vào cuộc vui. Bởi vì rẻ và được phát hành dễ dàng (không có biên tập viên kiểm tra nội dung và chất lượng trong thời kỳ chiến tranh) nên manga đã được xuất bản một cách tràn lan và rầm rộ.
Như vậy, một phần để giữ cho truyền thống này tồn tại, các mangaka ngày nay sử dụng màu đen và trắng trên truyện tranh của họ. Lý do quan trọng khác khiến màu đen trắng được sử dụng trong manga là in ấn không màu rẻ hơn và tiết kiệm nhiều thời gian hơn in màu. Sự tương quan giữa đen và trắng trong mắt người làm nghệ thuật cũng toát lên vẻ thanh lịch và giản dị hơn.
2. Những hạn chế trong truyền tải nội dung và cách khắc phục
Một thế giới không có màu sắc có phải là thế giới vô hồn? Bất chấp hạn chế này, việc giới hạn các họa sĩ manga vẽ chỉ với hai màu sẽ khuếch đại sự sáng tạo của họ.
2.1. Mô tả cảm xúc và môi trường
Để tạo cảm giác chiều sâu cho môi trường, các mangaka có thể sử dụng độ dày nét vẽ và độ đậm nhạt khác nhau. Khung thoại cũng là một cách nâng cao giá trị của câu chuyện hoặc để phóng đại cảm xúc của nhân vật khi họ chỉ có hai màu trắng đen. Ví dụ như khung thoại hình dạng như hoa hồng, bong bóng,… thường miêu tả cảm xúc tích cực; hình dạng sao nhiều cạnh thường biểu đạt sự ngạc nhiên,… Mặc dù màu đen và trắng, chúng không truyền tải tốt tâm trạng của nhân vật và môi trường xung quanh họ, nhưng luôn có cách để bù trừ cho hạn chế đó.
Đọc truyện với màu đen và trắng cũng khiến bạn khó phân biệt được thời gian trong ngày. Có thể dễ dàng nhận biết bầu trời đêm, nơi có thể nhìn rõ mặt trăng và các vì sao, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu đó là ban ngày? Các đoạn hội thoại của nhân vật hoặc lời tường thuật của câu chuyện buộc phải bù đắp điều này để người đọc có thể xác định thời điểm diễn ra trong một cảnh của manga. Cho dù đó là lúc bình minh, giữa trưa hay hoàng hôn. Luôn có một block dành riêng cho việc xác định thời gian.
Các họa sĩ comic hay webtoon lại không bị hạn chế bản thân trong việc truyền đạt bối cảnh nền cho truyện tranh vì họ sử dụng màu sắc để nói lên câu chuyện. Đó là lợi thế của comic và webtoon. Nhưng điều này đồng nghĩa rằng các họa sĩ phải chi quỹ thời gian của họ cho việc tô màu.
2.2. Mô tả nhân vật
Bạn có thể xác định một nhân vật anime vì nhớ màu tóc xanh, đỏ, tím, vàng hoặc dựa vào trang phục sặc sỡ của họ. Nhưng cùng một nhân vật đó nằm trong manga thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Vì vậy, các họa sĩ phải sử dụng các cấp độ đậm nhạt khác nhau của mực đen để chỉ ra các tông màu sáng tối khác nhau.
Vậy các mangaka không có cách nào để nói lên rằng nhân vật của họ có màu gì sao? Vấn đề được giải quyết khá đơn giản. Đây là lúc các trang bìa thể hiện vai trò của chúng. Họa sĩ manga sẽ tô màu hoàn chỉnh cho nhân vật tại 1 hoặc 2 trang bìa mỗi cuốn sách được xuất bản. Điều này giúp người đọc có thể xác định chính xác màu mắt, màu tóc, trang phục và nhiều đặc điểm khác nữa. Nó sẽ in vào tiềm thức người đọc về ngoại hình của nhân vật và từ đó tuy nhìn trắng đen nhưng người đọc tự nhận thức rằng tác giả đang dùng sự đơn điệu đó để mô tả cho màu sắc gì.
Chọn một bảng màu cụ thể để thiết kế màu tóc, trang phục và màu da của nhân vật là một phần niềm vui khi sáng tác truyện tranh. Không thể loại bỏ điều đó dù là manga hay comic.
Trên đây không phải là toàn bộ khó khăn và giải pháp cho mỗi khó khăn đó nhưng về cơ bản thì các mangaka và biên tập hay làm như vậy!
Tại sao hầu hết nhân vật chính của isekai đều từ một khuôn?
2.3. Cảnh hành động thường rối mắt
Đôi khi, tôi nhìn chằm chằm vào một trang manga mà tôi vừa đọc xong trước đó, trong vài giây, thậm chí cả phút. Điều này là do não của tôi cần thời gian để xử lý hình ảnh để có thể phân biệt các sự kiện vừa xảy ra. Tôi khá chắc rằng các độc giả ở đây cũng đôi lần bị như vậy. Vì các trang đều không màu, nên khó phân biệt giữa các chi tiết. Do đó, những người đọc manga kiểu lướt xem hình thường có xu hướng quên nhân vật. Rốt cuộc, các bức vẽ nhân vật đều có màu tóc và trang phục đơn điệu giống nhau nên không đủ gây ấn tượng.
Mặt khác, comic và webtoon có vô số cách phối màu rực rỡ như thể chúng được lấy từ phim ảnh! Có thể nói rằng nhiều người đọc truyện thích xem các bộ truyện của họ được thể hiện trực quan bởi màu sắc hơn là đọc đen trắng truyền thống. Vì vậy, những người xem anime nói rằng họ thích anime hơn manga vì màu sắc và tính điện ảnh, nên sẽ không đụng đến manga. Thay vào đó, họ sẽ đợi mùa anime tiếp theo; hãy tôn trọng điều đó. Rốt cuộc đó là sở thích cá nhân và nó không hẳn là một vấn đề để tranh cãi.
Nói rằng các Mangaka đã tìm ra cách khắc phục nhược điểm của truyện tranh không màu nhưng nó không đúng hoàn toàn. Một ví dụ là khi manga đi vào trường đoạn hành động. Mặc dù đúng là các đường kẻ đen trắng làm tăng tốc độ chuyển động của nhân vật và tốc độ của cảnh chiến đấu, nhưng nói thật, người đọc hầu như chẳng nhìn ra hình dạng gì.
Mặt khác, màu sắc thể hiện trên truyện tranh màu nói lên một câu chuyện tráng lệ khác hoàn toàn. Người đọc chuyển từ truyện màu sang truyện không màu thường phàn nàn về cái “hồn” của các cảnh chiến đấu. Bản chất của manga không đủ tốt để thể hiện 100% ý tưởng và mức độ của tác giả ở các cảnh chiến đấu.
3. Tiết kiệm thời gian tô màu nhưng mất đi sự sống động
Đối với những họa sĩ truyện tranh, những người có thể cầm bút vẽ một cách nhanh chóng và dễ dàng, giúp họ tiết kiệm thời gian mà vẫn hiệu quả với màu đen và trắng. Ví dụ, trang điểm của một nhân vật nữ trong manga có thể được vẽ dễ dàng chỉ với hai màu đơn điệu. Chỉ cần đôi mắt với lông mi đen dài, mái tóc dày gợn sóng và đôi môi gợi cảm là… bạn biết đấy! Mlem mlem!
Độc giả luôn manga đặt tầm mắt vào những nhân vật xinh đẹp và nữ tính nhất có thể có trong truyện mặc dù đó chỉ là những trang đen trắng. Tuy nhiên, thủ thuật này vẫn không bù đắp được cho cùng một kiểu nhân vật ở những truyện đầy màu sắc hay chính bản thân nhân vật đó khi được lên màu.
Các công ty xuất bản comic của Mỹ và webtoon của Hàn chuyên về tô màu luôn làm tốt hơn trong việc gây ấn tượng thị giác cho người đọc. Nhưng như tôi đã nói ở trên, mực in tiêu tốn rất nhiều tiền bạc của nhà xuất bản và thời gian quý báu của nghệ sĩ. Bởi vì các họa sĩ truyện tranh nói chung tô màu 30 đến 60, thậm chí cả trăm khung hình trong 2 đến 4 ngày để đảm bảo tiến độ là một công việc cực kì áp lực.
4. Vẫn đề quy chuẩn trong xuất bản
Một vấn đề khác là quy chuẩn bố cục khác nhau giữa manga và các thể loại truyện tranh ngoài Nhật Bản. Các mangaka không những phải tiết kiệm tài nguyên của họ, mà họ cũng quan tâm đến mật độ khung truyện quy chuẩn trên một trang, số lượng trang trong một cuốn, độ dày của giấy in,… Nếu một số khung chồng lên nhau, họ phải phân biệt chúng bằng cách vẽ những đường dày để tách sự kiện này với sự kiện khác. Điều này để đảm bảo tính rõ ràng trong tiến trình của cốt truyện.
Các công ty xuất bản manga có luật hạn chế số trang trên các số báo hàng quý, hàng tháng và hàng tuần. Vì vậy, các họa sĩ manga phải khôn ngoan sử dụng quy chuẩn đó nhằm mang lại tác động lật trang cho độc giả với khoảng 20 khung trong một trang truyện. Bản sách in ấn của manga thường có số trang nhiều nhưng giấy lại mỏng cũng vì nó chỉ sử dụng mực đen đã được tối giản hóa.
Mật độ khung truyện thưa hơn nhiều đối với webtoon. Hầu hết webtoon ngày nay đều được phát hành qua mobile-platform. Tức là tận dụng chiều dài của màn hình điện thoại để thể hiện hình ảnh. Vì lí đó mà khung truyện của webtoon bị kéo dài hơn, dẫn đến mật độ thưa hơn so với manga.
Truyện tranh ở phương Tây như DC và Marvel được phát hành với mật độ khung truyện khá tương đồng với manga nhưng số lượng trang trung bình thấp hơn và mỗi trang cũng dày hơn vì in màu. Điều này cũng tương tự cho các bản in vật lí của webtoon hay manhwa.
Tóm lại, một cuốn truyện tranh đen trắng thường dày nhưng giấy mỏng và chứa nhiều nội dung nhiều hơn một cuốn truyện màu.
5. Tổng kết
Bạn có thể nói rằng mình thích manga hơn hoặc comic hơn hoặc webtoon hơn,… Comic không phải là sở thích của tôi nhưng nói về truyện màu, tôi biết webtoon nổi bật vì chúng luôn được tô màu. Tuy nhiên, bất chấp cốt truyện tuyệt vời của webtoon, hầu hết chúng được thực hiện một cách “vội vàng” (webtoon không hay vẽ chi tiết như manga). Đây là lý do tại sao khi nói đến mặt cầu kì, webtoon thường không được đánh giá cao nếu so với manga.
Mặc dù điều này là ý kiến chủ quan, nhưng tôi vẫn cảm thấy thoải mái khi đọc những trang đen trắng của manga. Không quá quan trọng ở màu sắc hay không màu sắc, nghệ thuật luôn có cách biểu đạt riêng ở mọi hình thức.