Thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh gặp 9981 kiếp nạn, tứ phía là hiểm nguy. Dù có Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại cùng các đồ đệ pháp lực cao cường khác hộ tống nhưng trên hành trình vạn dặm ấy vẫn có rất nhiều những thử thách quá sức, những lần thất bại hay thậm chí là suýt mất mạng.
Những lần như vậy, Tôn Ngộ Không nói riêng và 4 thầy trò Đường Tăng nói chung đều phải nhờ đến sự giúp sức của các vị Thần Tiên mới có thể vượt qua kiếp nạn, tiếp tục hành trình. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, được gọi lên ở 1 kiếp nạn đặc thù thì cũng có không ít Thần Tiên đến... phát mệt với Tôn Ngộ Không khi phải xuất hiện khá nhiều lần.
Thổ Địa
Câu nói mà ông bà ta từ xa xưa đã lưu lại: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá” chính là nói đến Thổ Địa - vị thần cai quản đất đai, trạch thổ. Trong Tây Du Ký, đây chính là nhân vật được Tôn Ngộ Không nhờ cậy nhiều nhất, từ hỏi thăm miền đất đang đặt chân đến, dò hỏi chuyện yêu quái phương nào, tra xét vị trí xào huyệt của yêu quái, vân vân và mây mây.
Thổ Địa luôn bị gọi lên bất thình lình, đảm nhiệm vai trò trả lời "10 vạn câu hỏi vì sao" đến từ Tôn Ngộ Không
Xét về địa vị, Thổ Công thuộc nhóm Thần ở dưới Đất. Mỗi miền đất mà Tây Du Ký đi qua sẽ có Thổ Công cai quản khác nhau: Thổ Địa Túy Vân sơn, Thổ địa Hỏa Diệm sơn, Thổ Địa Vạn Thọ sơn, Thổ Địa Bàn Tơ Lĩnh, Thổ Địa Thanh Hoa động, Thổ Địa quận Phụng Tiên, Thổ địa châu Ngọc Hoa, Thổ địa Mao Đỉnh...
Thái Bạch Kim Tinh
Vị thần này vốn là một quan văn ở điện Linh Tiêu của Ngọc Hoàng, như mô tả của bản Tây Du Ký 1986 thì đây là một ông già râu tóc trắng phơ, gương mặt nhân hậu, hồng hào và luôn mang cây phất trần màu trắng. Đặc điểm của Thái Bạch Kim Tinh là ôn hòa, ông luôn cố gắng xử lý mâu thuẫn một cách mềm dẻo và thâm sâu.
Ở tập 2 Tây Du Ký, sau khi Diêm Vương tố Tôn Ngộ Không xóa trắng sổ sinh tử làm nhiễu loạn Tam giới, Ngọc Hoàng muốn xuất binh đánh dẹp Tôn Ngộ Không, chính Thái Bạch Kim Tinh đã ra mặt nói đỡ, đề nghị phong cho Ngộ Không chức Bạch Mã Ôn và một mình thân chinh tới Hoa Quả Sơn để nói chuyện phải trái với Lão Tôn. Sau khi lên thiên đình, Tôn Ngộ Không sau đó tiếp tục làm trái ý Ngọc Hoàng, Thái Bạch Kim Tinh lại đứng ra thuyết phục cho y canh giữ Hội bàn đào.
Theo sát thầy trò Đường Tăng từ những ngày đầu, Thái Bạch Kim Tinh luôn xuất thủ giúp đỡ, trợ giúp Đường Tăng thoát hiểm, từng "tư vấn" cho Ngộ Không nhiều lần, điển hình là trong tập cứu sư phụ khỏi Chuột Tinh ở Động Không Đáy hay giúp Ngộ Không trừ Đại Bào Quái, Hùng Sơn Quân...
Na Tra Thái Tử
Đây vốn là một nhân vật có mặt trong dân gian cũng như một số tiểu thuyết cổ của Trung Hoa như Phong Thần Diễn Nghĩa hay Tây Du Ký. Dưới hình hài một đứa trẻ, Na Tra sở hữu một sức mạnh vô biên của một tướng tiên phong của Thiên binh với rất nhiều bảo bối trong tay như Hỏa Tiêm Thương, Vòng Càn Khôn, dải lụa Hỗn Thiên Lăng, Phong Hỏa Luân...
Pháp lực của Na Tra thuộc hàng mạnh nhất trong tiên giới, Na Tra có thể biến thành ba đầu sáu tay, mỗi tay đều cầm một vũ khí để chiến đấu. Phải nói là Na Tra đã ra tay giúp Tôn Ngôn Không khá nhiều và cũng "khổ" bậc nhất. Trong tập Kim Giác, Ngân Giác, Na Tra đã dùng lá cờ của mình lấy tay che trời. Đến tập về Độc Giác tỷ thì Na Tra cũng nể lời Hành Giả để đọ sức với yêu quái để rồi mất hết binh khí.
Khó khăn nhất là tập "Bốn lần mượn quạt Ba Tiêu" khi Ngộ Không và Bát Giới đấu với Ngưu Ma Vương. Ngưu Ma Vương pháp lực nhỉnh hơn hẳn Ngộ Không, nhất là khi hiện nguyên hình thành con trâu khổng lồ, lúc này phải nhờ đến Vòng Càn khôn của Na Tra mới có thể hạ được lão yêu. Quả thật là Na Tra đã tốn công sức khá nhiều để hỗ trợ thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh.
Quan Âm Bồ Tát
Chính Quan Âm Bồ Tát đã sắp xếp 81 nạn nhằm thử thách 5 thầy trò trên đường đi lấy kinh để rồi cuối cùng ai cũng thành chính quả. Lúc nguy nan nhất của Ngộ Không thì hắn cũng chỉ nghĩ đến Bồ Tát mà thôi. Bồ Tát quả là vị Phật ưu ái Tôn Ngộ Không nhất trong số các vị Thần, Phật.
Tuy nhiên cũng chính vì vậy mà Bồ Tát cũng không ít lần phiền lòng với Tôn Ngộ Không, nhất là thời điểm hầu tử chưa ngộ ra chân lý, còn định tìm Bồ Tát để "nện cho một trận". Không ít lần kiếp nạn quá cam go, Tôn Ngộ Không lại mắt lên trời ca thán Quan Âm, cớ sao đày xuống nhiều khốn khó đến như vậy.
Ngộ Không từng rất giận Bồ Tát khi bắt mình đeo vòng Kim Cô
Tuy nhiên chính Bồ Tát là người giải quyết hậu quả, trợ giúp thầy trò Đường Tăng trong những kiếp nạn nghiệt ngã bậc nhất. Đơn cử như khi Tôn Ngộ Không phá nát gốc Nhân Sâm của Trấn Nguyên Đại Tiên, khi hầu tử quằn quại trong Tam Muội Chân Hỏa của Hồng Hài Nhi... cũng đều 1 tay Quan Âm thu xếp. Nói cách khác thì Quan Âm Bồ Tát chính là chốt chặn cuối cùng mà Tôn Ngộ Không tìm đến, khi gần như đã thất bại thảm hại và không còn cách nào hơn nữa.