Phim chính sử, dã sử (các thể loại phim khai thác lịch sử) tại Việt Nam không nhiều thế nhưng trong số những tác phẩm khai thác cuộc đời các nhân vật lịch sử có thật, hình tượng mẫu nghi thiên hạ lại thường trở thành trung tâm của các câu chuyện. Thái hậu Dương Vân Nga, Nam Phương Hoàng Hậu, Đức Từ Dụ,... đều là những bậc mẫu nghi đã được tái hiện trên màn ảnh Việt.
1. Thái hậu Dương Vân Nga
Trong sử sách ghi lại, Dương Vân Nga là nữ nhân vô cùng đặc biệt khi có thân phận Lưỡng triều Hoàng hậu (tức Hoàng hậu của hai triều đại). Và sắp tới đây, cuộc đời đặc biệt của bà sẽ được tái hiện phần nào trên màn ảnh rộng qua bộ phim Quỳnh Hoa Nhất Dạ dưới sự thể hiện của diễn viên Thanh Hằng. Dù mới chỉ tung ra poster, first look hé lộ tạo hình năm 16 tuổi của Thái hậu Dương Vân Nga nhưng Thanh Hằng đã gây sốt bởi thần thái sắc lạnh, quyền lực và nhan sắc trẻ trung của mình. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, dự án này lại đang đứng trước tranh cãi vì phần cổ phục được cho là có hơi hướng thời Mãn Thanh. Phim dự kiến ra mắt trong năm 2021.
Poster Quỳnh Hoa Nhất Dạ
Những hình ảnh đầu tiên của Thanh Hằng trong tạo hình Thái hậu Dương Vân Nga
First look của Quỳnh Hoa Nhất Dạ
Cuộc đời của Nam Phương Hoàng hậu - vị Hoàng hậu cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam cũng là một tuyệt sắc giai nhân với những giai thoại lưu danh sử sách - là cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, trong đó có cả điện ảnh. Trước một Nam Phương xinh đẹp với chuyện tình "không thể cùng nhau suốt kiếp" ở MV của Hòa Minzy thì 16 năm trước, màn ảnh Việt cũng có một Nam Phương Hoàng Hậu tài sắc vẹn toàn do nghệ sĩ Yến Chi đảm nhận ở Ngọn Nến Hoàng Cung. Xinh đẹp, khả năng diễn xuất ấn tượng, diễn viên Yến Chi đã mang tới một Nam Phương hoàng hậu thần thái ngút ngàn, ung dung, thanh thoát và có chí lớn hơn cả chồng mình - vua Bảo Đại (Huỳnh Anh Tuấn).
Nam Phương Hoàng hậu
Nam Phương Hoàng hậu phiên bản nghệ sĩ Yến Chi
Và phiên bản Hòa Minzy
3. Tuyên phi Đặng Thị Huệ
Đặng Thị Huệ hay Đặng Tuyên phi, là một cung tần của chúa Trịnh Sâm và là mẹ của chúa Trịnh Cán. Trong hậu phủ chúa Trịnh, bà được đánh giá là một giai nhân xinh đẹp bậc nhất, rất được Trịnh Sâm sủng ái. Trong Đêm hội Long Trì, phát hành năm 1988, nghệ sĩ Lê Vân đã xây dựng khá thành công hình tượng Tuyên phi Đặng Thị Huệ xinh đẹp, sắc sảo nhưng vô cùng mưu mô. Lợi dụng sự sủng ái của chúa Trịnh Sâm, Đặng Thị Huệ đã tìm mọi cách thâu tóm quyền lực và dung túng cho em trai Đặng Lân làm càn.
4. Từ Dụ Hoàng thái hậu
Nghi Thiên Chương Hoàng hậu (1810 - 1902) thường được biết đến với tôn hiệu là Từ Dụ Hoàng thái hậu vốn là Quý phi của Hoàng đế Thiệu Trị, mẹ ruột của Hoàng đế Tự Đức. Sinh thời, Đức Từ Dụ nổi tiếng là một người đôn hậu, hiền hòa được dân chúng yêu quý, kính trọng. Bà tại vị như một bà hoàng đức cao trọng vọng, được quần thần kính nể xem là đức thánh cô của kinh thành Huế. Trên màn ảnh Việt, hình ảnh của Đức Từ Dụ từng được tái hiện trong bộ phim Phượng Khấu, qua sự thể hiện của nghệ sĩ Hồng Đào. Tuy bộ phim đã gây ra không ít tranh cãi về chất lượng nội dung nhưng không thể phủ nhận chuyện nghệ sĩ Hồng Đào đã xây dựng khá thành công cuộc đời một Đức Từ Dụ từ biến cố mất con đến khi có được chỗ đứng vững chắc trong chốn hậu cung.
Hi vọng sắp tới Việt Nam sẽ có nhiều hơn nữa những bộ phim khai thác cuộc đời các nhân vật lịch sử một cách chính xác nhưng vẫn thú vị, hấp dẫn.