Hàn Quốc là quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển bậc nhất châu Á với vô số những tác phẩm xứng tầm bom tấn. Chính bởi vậy không ít kịch bản xứ Hàn đã được các quốc gia châu Á nhiệt tình remake. Phim Hàn luôn có một công thức bất di bất dịch cho sự thành công của mình: kịch bản hay + diễn viên đẹp + hình ảnh đẹp + nhạc hay = thành công. Vậy khi các quốc gia khác vận dụng công thức này thì họ có thực sự toàn thắng? Hãy cùng điểm danh 5 bộ phim remake của 5 quốc gia khác nhau để có được cái nhìn khách quan và đa chiều hơn về trào lưu này.
1. She Was Pretty (Remake bởi Trung Quốc)
Hai năm sau khi 2 diễn viên Park Seo Joon và Hwang Jeung Eum làm mưa làm gió với She Was Pretty tại Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác khắp châu Á thì Trung Quốc đã quyết định làm lại bản remake của bộ phim này. Địch Lệ Nhiệt Ba vào vai cô gái xinh đẹp Lý Huệ Trân nhưng chỉ là đẹp khi lúc nhỏ. Mọi chuyện đã thay đổi khi cô bước vào tuổi dậy thì. Tuy nhiên, duyên số đã đưa đẩy cô gặp lại người bạn cũ năm xưa của mình, đáng tiếc thay mối tình đầu lại không nhận ra cô.
Phiên bản remake này cũng được đánh giá với con số 6/10 và khá thành công tại Trung Quốc nhưng đối với các mọt phim thì nó vẫn không thể vượt qua được bản gốc của Hàn Quốc. Diễn xuất của Địch Lệ Nhiệt Ba bị giới chuyên môn đánh giá là chưa thể bằng Hwang Jung Eum, cả tạo hình lẫn tính cách nhân vật đều không hợp lý. Không chỉ Trung Quốc, bản thân Việt Nam cũng đã làm lại bộ phim này với sự tham gia của một loạt gương mặt trẻ triển vọng như Ninh Dương Lan Ngọc, Chi Pu, Bê Trần, Bình An nhưng cũng không thực sự tạo được dấu ấn như kỳ vọng.
2. Signal (Remake bởi Nhật Bản)
Năm 2016, Signal được viết bởi nhà biên kịch Kim Eun Hee và trở thành bộ phim truyền hình Hàn Quốc có tỷ suất người xem cao thứ 10 trên truyền hình cáp. Nhật Bản đã quyết định làm lại bộ phim này vào năm 2018.
Bản Hàn bên trái và bản Nhật bên phải.
Bộ phim kể về một sĩ quan cảnh sát trong quá khứ cố gắng liên lạc với một cảnh sát ở hiện tại thông qua một bộ đàm cũ. Đây vốn là một phim trinh thám có yếu tố kỳ ảo nhưng không khiến người xem ngờ vực hay khó chịu mà cảm thấy rất logic, cuốn hút. Tuy nhiên phiên bản này lại không thực sự gây tiếng vang tại Nhật Bản bởi sở dĩ những bộ phim có yếu tố kỳ ảo ở xứ sở mặt trời mọc không hề thiếu. Bản thân điện ảnh Nhật cũng đã làm quá tốt trong những tác phẩm ngược dòng thời gian như Signal nên không có quá nhiều điều mới mẻ và mong chờ ở bản remake này.
3. Oh My Ghost (Remake bởi Thái Lan)
Thái Lan có lẽ là quốc gia thực hiện nhiều bộ phim remake nhất của Hàn Quốc từ Full House, Trái Tim Mùa Thu, Hoàng Cung đến Secret Garden,... nhưng Oh My Ghost có lẽ là sản phẩm “toang” nhất nhì trong vũ trụ remake này.
Câu chuyện vốn dĩ đã kỳ lạ giữa một chàng đầu bếp với một cô gái nửa người nửa ma không đủ thu hút khán giả Thái Lan nhất là khi diễn xuất của Jo Jung Suk – Park Bo Young đã quá đáng yêu và ăn ý.
Vai bếp trưởng Kang Sun Woo được giao cho nam diễn viên sinh nam 1984 của xứ sở Chùa Vàng Pae Arak Amornsupasiri. Còn vai diễn của Park Bo Young do Noona Nuengtida đảm nhiệm. Tuy nhiên, có lẽ cái bóng của bản gốc là quá lớn, hoặc cũng vì nguyên nhân trào lưu remake đã bị bão hòa nên khán giả Thái Lan không quá mặn mà với tác phẩm này.
4. Discovery of Love (Remake bởi Việt Nam)
Việt Nam cũng không nằm ngoài trào lưu remake lại những bộ phim Hàn ăn khách, tiêu biểu như Ngày Ấy Mình Đã Yêu (Nhã Phương - Nhan Phúc Vinh - Lương Thế Thành) với bản gốc đã gây tiếng vang mạnh mẽ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, fan Việt lại chẳng mấy hào hứng với tác phẩm này tại quê nhà.
Ngày Ấy Mình Đã Yêu cũng bị đánh giá là remake “bom xịt”.
Nếu như Discovery of Love được xếp hạng drama ăn khách nhất nhì năm 2014 thì Ngày Ấy Mình Đã Yêu cũng giúp cho Nhan Phúc Vinh trở thành nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Truyền hình Quốc gia lần thứ 38 năm 2018. Thế nhưng trên thực tế, khán giả Việt Nam lại quay lưng với tác phẩm remake này. Đây không phải là bộ phim remake đầu tiên của Hàn Quốc tại Việt Nam song hành trình làm phim remake của Việt Nam còn rất nhiều hạt sạn. Việc chuyển đổi kịch bản sao cho phù hợp với văn hóa người Việt cũng như lối diễn xuất có phần “cường điệu quá” của Hàn Quốc thực sự là một thử thách lớn với các ekip. Dĩ nhiên cũng có một số tác phẩm remake thành công, tiêu biểu phải kể đến hai quả bom tấn phòng vé là Tháng Năm Rực Rỡ (remake từ Sunny) và Em Là Bà Nội Của Anh.
5. Tunnel (Remake bởi Indonesia)
Tunnel là tác phẩm xuất sắc năm 2017, dựa trên một sự kiện có thật là vụ giết người hàng loạt tại Hwaseong. Và khác với những bộ phim trên, tác phẩm này lại thực sự gây được tiếng vang tại Indonesia khi những người dân tại đây cực kỳ đón nhận, thậm chí còn thích nó hơn hẳn những bộ phim có đề tài hình sự - xã hội tại chính quốc gia của họ.
Remake không còn là một thứ gì quá mới mẻ nhưng remake thành công được như bản gốc hay không thì luôn là điều mà bất cứ mọt phim Hàn nào cũng quan tâm. Làm nên một tác phẩm remake thành công tốn rất nhiều công sức và trí lực của cả ekip, thậm chí còn gấp đôi với việc xây dựng một bộ phim hoàn toàn mới bởi nó không cần vượt qua cái bóng nào trước đó cả. Tuy nhiên, thách thức nhiều thì thành công càng lớn. Hy vọng rằng Việt Nam cũng sẽ có nhiều bộ phim thành công, các kịch bản xuất sắc để các quốc gia khác mua bản quyền và remake lại trong tương lai không xa.