Kamado Tanjiro, nam chính của Kimetsu no Yaiba nhưng không chỉ là một nam chính đơn thuần. Bằng sự dịu dàng và tấm lòng bao dung của cậu, Tanjiro trở thành một hình mẫu hiếm có trong dòng truyện tranh dành cho thiếu niên. Thế nhưng có lẽ ít ai biết được rằng, trước khi quyết định để cậu thiếu niên giản dị ấy dẫn dắt toàn bộ câu chuyện thì tác giả Gotouge đã dự định một hình mẫu khác rất "bá đạo vô nhân đạo".
1. Từ truyện ngắn tiền thân Ka Gari Gari
Mang vết sẹo lớn ở mặt và bị cụt một tay, cậu vốn là một đứa trẻ mồ côi được một võ sĩ già nhận về đào tạo. Thương tật nặng nề ấy là từ cuộc tuyển chọn do cậu đã một mình hạ 6 con quỷ một lúc.
Nam chính vô danh của Ka Gari Gari, tiền thân của Kimetsu no Yaiba.
Nam chính của Ka Gari Gari bị câm, ra tay diệt quỷ không nghĩ ngợi bất cứ điều gì. Ai nhìn cách cậu ta chém rời tứ chi của đối thủ trước khi chặt đầu kết liễu cũng phải giật mình khi so sánh với Tanjiro của Kimetsu no Yaiba. Vì chỉ là truyện ngắn một chương nên độc giả không được biết nhiều về tính cách cậu ta, nhưng qua cách hạ đối thủ dã man như vậy, có thể thấy rằng đây là hình mẫu nam chính hoàn toàn trái ngược với Tanjiro.
Chặt tay, chặt chân rồi chặt đầu, hạ đối thủ không chút thương xót
2. Phiên bản đầu tiên: Kisatsu no Nagare
Nam chính của Kisatsu no Nagare, phiên bản đầu tiên của Kimetsu no Yaiba.
Đây lại một hình tượng nam chính nói ít làm nhiều tương tự với Ka Gari Gari. Thậm chí thảm hơn nam chính vô danh của Ka Gari Gari, cậu thiếu niên cụt một tay, cụt cả 2 chân và phải dùng chân giả rất thô sơ để đi lại. Có thể thấy rõ tác giả Gotouge giữ lại hầu hết tạo hình của nam chính Ka Gari Gari sang Kisatsu no Nagare: Vết sẹo lớn ở mặt, cánh tay cụt và tính cách trầm mặc. Tàn ác hơn khi còn cố tình chặt nốt 2 chân của cậu ta.
Khí chất của thiếu niên phần nào đó giống với Thủy trụ Giyu của Kimetsu no Yaiba. Không khí của Kisatsu no Nagare nặng nề và tàn khốc hơn rất nhiều. Truyện gần như thiếu đi các yếu tố giải trí và cảnh chém giết đẫm máu đến mức khiến người ta liên tưởng đến những bộ manga kinh dị truyền thống của Nhật.
3. Phác thảo 2 hình tượng ban đầu của nam chính Tanjiro
Hai bản phác thảo nam chính Tanjiro giai đoạn đầu, trước khi bắt đầu vẽ Kimetsu no Yaiba
Bên trái khi chưa ổn định tạo hình nên chưa có sẹo và bông tai. Biên tập viên Katayama yêu cầu thêm điểm nhấn làm biểu tượng cho nam chính, tác giả Gotouge tiếp thu ý kiến và quyết định thêm những chi tiết trên. Ông Katayama ban đầu chưa quá hài lòng vì cho rằng nam chính đeo bông tai hơi ẻo lả (nữ tính). Sau này chúng lại trở thành một trong những biểu tượng của bộ truyện.
Khác biệt khí chất rất rõ ràng từ bản thảo đến chính truyện
Nếu so sánh 2 bản phác thảo này với hình tượng Tanjiro trong chính truyện, ta có thể phát hiện ra rõ khí chất khác biệt. Gương mặt đều toát lên vẻ lạnh lùng, cách biệt. Gần như không thấy chút dịu dàng nào từ nhân vật trong bản phác thảo. Thật may mắn rằng cuối cùng tác giả Gotouge đã đổi ý và tạo nên một Tanjiro dịu dàng rất đỗi gần gũi như hiện nay. Bởi nét tính cách ấy đã giúp truyền tải những thông điệp rất mực cảm động đến người đọc.