Mulan phiên bản người đóng do Disney cho ra rạp vào năm 2020 thực sự là một bước lùi so với bản hoạt hình ra mắt khán giả từ 22 năm trước. Bản người đóng có thêm nhiều chi tiết mới và vài điều đã bị lược bỏ so với bản cũ. Điều này lại vô tình làm mất đi những chi tiết khá hay ở bản hoạt hình ra mắt năm 1998.
Trailer chính thức của Mulan
Ở cả hai phiên bản, Mulan đều kể về câu chuyện của cô gái Hoa Mộc Lan. Bởi vì cha đã già yếu, lại có tật ở chân nên Mộc Lan phải giả nam trang, lên đường đánh giặc thay cha. Cô phải sống với hàng chục gã đàn ông, tham gia vào chiến trường và lập công lớn, đem lại danh dự cho gia đình. Nhưng thông điệp ở hai bản hoạt hình và người đóng lại khác hẳn nhau. Bản hoạt hình năm 1998 của nhà Chuột nhấn mạnh rằng chúng ta nên sống chân thật với bản thân, còn phiên bản năm 2020 của Lưu Diệc Phi lại mang nặng tính "nữ quyền", rằng phụ nữ cũng làm được những điều tưởng như chỉ có nam nhân làm được.
Hai phiên bản hoạt hình - người đóng tuy giống nhau nhưng lại có nhiều điểm khác biệt. Nguồn: Pinterest
Lý do cho những khác biệt về thông điệp nói trên là do đạo diễn Niki Caro đã đưa ra vài thay đổi trong phim. Một số tình tiết từng tồn tại ở bản hoạt hình nay đã bị thay bằng chi tiết khác. Với tính liên kết của kịch bản, những chi tiết nhỏ bị thay đổi đã gây ra sự khác biệt lớn ở phiên bản Mulan (2020) nhưng không hẳn là hay hơn bản hoạt hình 1998.
1. Không còn cặp đôi Rồng - Dế siêu đáng yêu, thay vào đó là chim Phượng Hoàng bay lượn như diều nhưng chẳng có tác dụng gì
Trong bản hoạt hình, tháp tùng theo Mộc Lan trên đường ra trận là cặp Rồng Mộc Châu và chú dế Cri-kee. Hai nhân vật này tưởng chỉ "giúp vui" cho Mộc Lan nhưng lại có vai trò khá đặc biệt. Với rồng Mộc Châu, chú giống như tiếng nói lý trí của Mộc Lan, luôn thúc đẩy cô làm điều cô cho là phải làm. Ngược lại, chú dế may mắn Cri-kee tượng trưng cho bản chất thật bị Mộc Lan kìm nén. Chú chỉ phát ra được những âm thanh nhỏ, còn luôn bị Mộc Châu lấn át. Nhưng không phải vì vậy mà Cri-kee chịu im lặng, chú luôn lên tiếng chỉ trích rồng đỏ, giống như con người thật của Mộc Lan luôn gào thét đòi tự do. Sự mâu thuẫn giữa hai nhân vật này đại diện cho nội tâm của Mộc Lan, đồng thời chúng cũng giúp chủ nhân của mình luôn đi được đúng hướng mỗi khi cần đưa ra quyết định. Mộc Châu còn là sự dũng cảm, liều lĩnh còn Cri-kee lại đại diện cho sự e dè, nghi ngại môi trường xung quanh.
Rồng Mộc Châu và dế Cri-kee đại diện cho nội tâm của Mộc Lan
Cả hai luôn giúp cô gái đi đúng hướng với mục đích đặt ra
Trong bản hoạt hình, Mộc Châu và dế Crickee được thay bằng hình ảnh chim Phượng Hoàng khá vô nghĩa. Ngoài bay lượn trong tâm trí của Mộc Lan (Lưu Diệc Phi) ra, chú chim thần này không hề có một tác động nào đến câu chuyện lẫn quyết định của Mộc Lan mà chỉ bay hời hợt như một cánh diều. Biết rằng chim Phượng đóng vai trò thể hiện nội tâm của Mộc Lan, nhưng chú đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ như rồng đỏ Mộc Châu và dế Crickee.
Con Phượng Hoàng trong bản người đóng chẳng có ý nghĩa gì rõ ràng
2. Khả năng điều khiển "khí" vô lý khiến Mộc Lan trở thành... phù thủy?
Ở bản hoạt hình, Mộc Lan chỉ là cô gái bình thường. Cô chỉ hơi hậu đậu, vụng về nhưng vẫn là một thiếu nữ chân yếu tay mềm. Khi ra chiến trường, Mộc Lan thua xa so với cánh đàn ông. Chính vì thế, cô phải nỗ lực hơn rất nhiều và đồng thời phải vận dụng cả trí tuệ để thực hiện được nhiệm vụ của một người lính. Đây vô tình lại thể hiện thông điệp nữ quyền còn hiệu quả hơn những gì bản 2020 đang cố thể hiện. Một cô gái chân yếu tay mềm, nhưng bằng việc nỗ lực gấp đôi người khác, không việc gì Mộc Lan của năm 1998 không làm được. Ngược lại, việc cho Lưu Diệc Phi (Mộc Lan bản 2020) khả năng điều khiển khí hơn người đã vô tình biến cô thành một loại siêu anh hùng. Trong phim, võ công của Mộc Lan còn nổi bật hơn cả một đội quân. Mộc Lan đã trở thành siêu anh hùng gì rồi, vì thế quá trình nỗ lực của cô trở nên vô nghĩa. Với tài năng thiến phú, Mộc Lan của Lưu Diệc Phi vốn dĩ đã hơn hẳn bất cứ ai.
Mộc Lan vốn là cô gái chân yếu tay mềm
Chính vì vậy, sự nỗ lực, kiên trì và tài trí của Mộc Lan mới đáng được ghi nhận
Một vấn đề nữa của khả năng điều khiển "khí" của Mộc Lan chính là nó vô tình khiến cô trở nên "cùng loài" với phù thủy Tiên Nương (Củng Lợi). Đầu phim, Tiên Nương đội lốt một binh lính triều đình đã khẳng định rằng mình có khả năng điều khiển khí hơn người. Mộc Lan cũng được cha và các vị tướng sĩ chỉ huy khẳng định điều tương tự. Hai người phụ nữ đều có thể điều khiển một lượng "khí" rất lớn. Trong khi đó, Tiên Nương dùng yêu thuật biến hóa khôn lường. Lúc cô đội lốt người, lúc lại hóa thành chim ưng bay lượn trên trời. Vậy nếu cả hai cùng sở hữu một nguồn sức mạnh giống nhau, chẳng hóa ra Mộc Lan cũng là... phù thủy và có phép thuật?
Đầu phim, Tiên Nương đội lốt binh lính tự khẳng định mình có khối "khí" mạnh mẽ hơn người
Mộc Lan cũng được tướng quân huấn luyện khẳng định điều tương tự
3. Bạn trai chuyển từ cấp trên xuống thành "đồng nghiệp" khiến phản ứng hóa học giảm đi hẳn
Tướng quân Lý Tường trong bản hoạt hình là người chịu trách nhiệm huấn luyện Hoa Mộc Lan và toàn bộ tân binh vừa nhập ngũ. Vì vậy, anh có lý do để tiếp xúc với Mộc Lan nhiều hơn để phát sinh tình cảm. Đầu phim, Lý Tường không có thiện cảm gì với anh chàng lính mới ẻo ượt nhưng càng ngày, tài trí và sự kiên trì của Mộc Lan đã khiến chàng tướng quân rung động.
Tướng quân Lý Tường và Mộc Lan có tuyến tình cảm
Trái ngược với bản hoạt hình là bản điện ảnh. Tướng quân Lý Tường bị biến thành Trần Hồng Huy (Yoson An) - một đồng môn với Mộc Lan trên thao trường. Hai người chẳng có cơ hội giao tiếp gì nhiều ngoài mấy lần ngồi bên lửa trại cùng đồng đội. Khi ra thao trường, Hồng Huy và Mộc Lan cũng nhận nhiệm vụ khác nhau và chia làm hai hướng. Vậy hai người này hoàn toàn không có cơ hội phát triển tình cảm. Kiểu phát triển nhân vật này dẫn đến hậu quả là hai người không còn tuyến tình cảm với nhau trên phim nữa mà chỉ đơn thuần là bạn bè trên sa trường. Bỏ lỡ tuyến tình cảm, bản người đóng của Lưu Diệc Phi lỡ mất một khía cạnh thú vị có thể khai thác của nhân vật. Đó là Mộc Lan tuy phải vào vai người đàn ông mạnh mẽ, nhưng cô không thể giấu được bản chất đáng yêu của mình khi yêu. Và tình yêu nở rộ trên chiến tuyến đẫm máu cũng là viễn cảnh đối lập khá đậm chất điện ảnh.
Trong bản người đóng, tuyến tình cảm này bị bỏ qua
4. Phù thủy chim ưng: Một thay đổi vô nghĩa trong Mulan bản người đóng
Có thể ý đồ của đạo diễn là một thêm đất diễn cho chú chim ưng của thủ lĩnh phe xâm lược. Nhưng về bản chất, chú chim ưng này chẳng có vai trò quan trọng gì đối với kịch bản ngoài việc làm do thám tuyến đầu cho quân xâm lược. Sang bản người đóng, chú chim ưng được ban cho... phép thuật, có thể thay hình đổi dạng thành phù thủy chim ưng -Tiên Nương. Song vai trò của Tiên Nương cũng không có thêm gì to tát ngoài mở đường và do thám cho quân địch.
Nhiệm vụ của chim ưng là mở đường và do thám cho quân địch
Bày ra hẳn một tuyến nhân vật Tiên Nương nhưng không có gì đặc biệt
Ở một góc nhìn khác, Tiên Nương có thể được đánh giá là phiên bản "đen tối hóa" của Mộc Lan. Phù thủy chim ưng này cũng là người có thiên khiếu bẩm sinh, nhưng cô vì bị xã hội xa lánh bởi năng lực của mình mà trở nên thù hận. Tiên Nương là phiên bản đã bị sa ngã của Mộc Lan, là tương lai của cô nếu Mộc Lan chọn đi theo con đường thù hận.
Có điều, bày ra một phiên bản đen tối đối lập cho Mộc Lan cũng chẳng để làm gì. Mulan đang tập trung thể hiện thông điệp nữ quyền, một phiên bản đen tối cho Mộc Lan xuất hiện thêm không hỗ trợ cho nhiệm vụ chính của nữ chính mà chỉ làm rối ren thêm chặng đường phát triển nhân vật. Vừa ôm đồm chuyện đấu tranh cho phái yếu, vừa khám phá bản thân và vừa thêm vấn đề đối đầu với sa ngã là quá nhiều thứ để truyền tải trong một sản phẩm điện ảnh.
Tiên Nương có thể "miễn cưỡng" xem như phiên bản của Mộc Lan nếu cô sa đọa, rơi vào thù hận
Đa phần những "sáng tạo" ở bản người đóng đều khá thừa thãi và phản tác dụng. Phiên bản hoạt hình năm 1998 do Disney phát hành vẫn đứng vững là tượng đài về truyền thuyết Hoa Mộc Lan. Bản hoạt hình không quá sa đà vào thông điệp to lớn mà chỉ trung thành với lời nhắn giản dị mà Disney gửi đến trẻ em khắp nơi. Đó là đừng sợ hãi chính con người mình mà hãy trung thành với bản chất. Rồi từ đó cộng hưởng với môi trường, đứng vững giữa mong đợi của xã hội - cái tôi riêng để trưởng thành.
Ảnh: Tổng hợp