Đến vớiBố Già, nhiều khán giả sẽ phải bất ngờ không chỉ với Trấn Thành mà còn là bởi cậu con trai tên Quắn ngỗ nghịch, xốc nổi nhưng cũng giàu tình yêu thương gia đình. Quắn là trung tâm, là mấu chốt cho nhiều biến cố của Bố Già, và cũng là vai diễn bứt phá của Tuấn Trần trên màn ảnh Việt. Chàng trai sinh năm 1992 vác trên vai trọng trách để trở thành "con hư" của Trấn Thành, để khiến người xem phải rơi nước mắt khi nhân vật giằng xé giữa những cảm xúc của một đứa con thương cha nhưng không thể nói ra được một lời tử tế.
Ở ngoài, Tuấn Trần khác biệt so với Quắn trên phim. Không nghênh ngang hay bướng bỉnh, Tuấn có phần điềm đạm, háo hức nhưng cũng lo lắng cho vai diễn của mình ở bộ phim điện ảnh lớn nhất đầu năm 2021. Để tạo ra được Quắn, Tuấn Trần đã đầu tư không chỉ tâm lý, sức lực mà còn cả nước mắt, thương tổn khi gặp tai nạn trên trường quay.
Tôi bị anh Trấn Thành nói “ngu như bò”
Vai diễn Quắn là một thử thách khá lớn với Tuấn Trần?
Đây là nhân vật nói rất nhiều, mà bản thân tôi là người ít nói. Nhân vật Quắn còn láu cá, chứ tôi lại rất hiền.
Trong thời gian đóng phim, tôi phải thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Đóng phim đã mệt mà ăn uống lại không được thoải mái. Ngày nào cũng bò, gà, tôm đến mức bị stress.
Tôi phải học phong cách của YouTuber: phong thái như nào, tướng đi, điệu bộ, ăn mặc ra sao. Rồi phải tập những thói quen như hút thuốc, uống cà phê đen. Mặt mũi tôi lúc nào cũng hốc hác, rồi đồ đạc không còn tươm tất nữa. Má tôi nhìn không ra luôn. Tôi phải tập cả thói quen thức khuya để có 2 bọng mắt. Ngoại hình của mình phải làm sao để “bèo” nhất có thể nhưng cũng trong mức độ thôi, chứ xấu quá là bị cắt vai. Đây là bộ phim mà tôi đầu tư về nhân vật nhiều nhất.
Khó nữa là lần tôi diễn bị chấn thương nên ngày đó phải chạy đua với châm cứu. Tay của tôi nếu chữa không kịp thời sẽ mất thời gian mổ 6 tháng. May mắn là anh Xìn kêu thầy về chữa cho tôi ngay tại hiện trường. Anh Thành chửi kiểu thương: “Diễn cái gì mà ngu như bò!”, mắng tôi diễn máu quá, không biết lo cho bản thân. Bây giờ tay bình thường rồi nhưng cử động không như trước được.
Khoảng thời gian khi đóng phim xong, chắc tôi mất mấy tháng để thoát nhân vật. Có nhiều cái tôi mãi mà không “thoát” được. Cái tôi vui nhất là sau khi đóng phim, mọi người quên luôn cái tên Tuấn Trần mà gọi là Quắn luôn rồi.
Tới lúc nào bạn mới thôi thấy ánh mắt lo lắng của mọi người cho mình?
Khi đi được 1/3 chặng đường. Tôi bị cái tật là sợ ảnh hưởng tới mọi người. Ban đầu áp lực, mình diễn không ra và tinh thần bị căng cứng.
Nhưng ngay tại thời điểm đó, các diễn viên hay ekip không phàn nàn gì tôi hết. Tất cả áp lực là tôi tạo ra thôi. Anh Xìn gọi tôi lại: “Bình tĩnh đi Tuấn ơi, cứ diễn đi”. Thời điểm đó có rất nhiều câu nói ảnh hưởng tới tôi. Có lúc tôi bị lớn tiếng, bị căng, làm mọi người khó chịu, tôi cảm thấy được ánh mắt mọi người nhìn mình.
Tôi bị háo thắng, nhưng tâm lý của mình càng cố thì càng rối, làm không được. Anh Vũ Ngọc Đãng cũng quay ra nói tôi “Không sao Tuấn ơi, chắc em chưa tìm được ‘long mạch’ cho nhân vật đó. Khi tìm được rồi thì đi rất dễ nên không sao đâu! Em cứ coi như đó là một trò chơi đi, enjoy nó đi chứ đừng áp lực hay gì hết.”
Đây là phim của anh Thành, trễ 1 tí là ảnh hưởng tiến độ. Phải đến khi tự nhìn nhận lại thì tất cả áp lực đều do mình mà ra. Tôi thả lỏng, tận hưởng mọi thứ rồi cố gắng làm xong phim để bù đắp cho mọi người.
Mọi người đều thấy là Trấn Thành cực kỳ nâng đỡ bạn. Vì lý do gì mà Trấn thành thương và chăm sóc bạn như vậy?
Đúng là có cưng, mà ra hiện trường là Thành ấy chửi tôi thôi rồi. Tôi bị chửi nhiều tới mức 1/3 đoạn đường đầu tiên bị căng vì áp lực, bị quê. Anh Thành xử lý thông tin quá nhanh, mình làm không kịp nên bị chửi. Để rồi khi coi lại playback thì thấy chửi đúng. 2/3 đoạn đường về sau ổng cứ chửi là tôi cười hề hề.
Khi đóng phim xong, không nghe chửi cái bị buồn. Anh Thành là người ở ngoài rất vui vẻ, dễ thương, thương anh em nhưng khi bắt đầu công việc thì cực kỳ nghiêm túc và cầu toàn. Có những tiểu tiết cực nhỏ mà ổng là “quái vật bắt lỗi”: Mọi thứ phải ngăn nắp, không được có sạn. Làm việc với anh Thành sẽ rèn được tư duy về sự bình tĩnh, không sợ gì nữa.
Tôi may mắn nhất là có chị Hari, anh Thành và chị em trong nghề coi tôi như anh chị em trong nhà, luôn chỉ dạy mình. Thêm nữa thì đây là phim anh Thành đầu tư, nên ảnh không thể để phim dở được. Buổi tập dợt đầu tiên, tôi là người không vô nhân vật nhất. Vai của tôi là vai chính xuyên suốt, là đường dây câu chuyện nên nếu vai bị gãy 1 cái là kéo theo đôi bên gãy hết. Chính vì điều đó mà anh Thành dành thời gian cho nhân vật của tôi nhiều hơn.
Đối với tôi, trong nghề này, anh Thành như bậc thầy về tâm lý. Ảnh có những góc nhìn mà người thường không nhìn được.
Có câu chửi nào mà bạn nghe nặng nề nhất từ anh Thành không?
Thường anh Thành không nặng lời nhưng ảnh sẽ bị lớn tiếng! “Có đoạn mà diễn hoài không xong, sao vậy Tuấn?” Ổng chửi xong mua lại yaourt cho tôi, nên không giận ổng được.
“Nhân vật Quắn mất dạy nhưng người ta phải thương nha!”
Bạn nghĩ thế nào về nhân vật Quắn? Đó có phải là hình mẫu của những người con bất mãn với bố mẹ không?
Bây giờ nhiều người bạn của tôi rất thương gia đình mà không biết thể hiện ra. Không thể nói ngọt ngào, ấm áp nhưng lại bắt buộc người khác phải hiểu mình. Khi người ta nói mình “mất dạy” thì lại nhảy dựng lên. Mọi người luôn bị ngại khi thể hiện tình cảm với người thân nhất - đó là điểm tôi thích nhất ở nhân vật.
Anh Thành bảo “Làm sao để nhân vật này mất dạy mà người ta phải thương nha!”, vì ranh giới giữa sự cảm thông và sự ghét mỏng lắm. Nếu tôi làm lố tí xíu thôi, người ta sẽ nghĩ nhân vật này mất dạy từ đầu tới cuối. Còn nếu dễ thương quá thì nhân vật này không có màu.
Tuấn Trần thường ghi chú những cảnh phim là nhân vật của mình đã “giận” bao nhiêu %, ý tưởng này từ đâu vậy?
Mình không thể lặp khuôn tâm lý hoài được. Ví dụ như mình bị chửi so với mình bị mất con mèo mà tâm lý như nhau thì khán giả sẽ không có gì mà coi. Việc ghi chú lại mỗi cảnh phim là cảnh này nhân vật giận bao nhiêu % giúp tôi nắm được tâm lý xuyên suốt từ đầu đến cuối, điều tiết từng hơi thở đến ánh nhìn, cách giận.
Khi cảnh quay bị cắt giữa chừng thì phải chạy lại từ đầu tôi mới diễn được, đây cũng là mặt hạn chế. Khi làm bất cứ điều gì, tôi phải thật sự nhập tâm thì mới làm được.
Sự thành công của vai Quắn có lẽ sẽ là thời điểm mà Tuấn Trần có thể tự tin nói rằng bản thân không dựa hơi Trấn Thành?
Khoảng thời gian mới vào nghề, người ta không nhớ tên Tuấn Trần mà chỉ nhớ là “thằng này đóng vai này, đóng vai kia”. Nhưng từ trước đến nay, chuyện tôi tham gia dự án của chị Hari hay anh Trấn Thành đều do được mời, nên không nghĩ mình được dựa hơi. Đúng là nếu không có anh Thành thì tôi sẽ không làm tốt vai diễn này, nhưng ít nhiều qua vai, mọi người sẽ thấy được thực lực của tôi.
Có điều gì ở Quắn mà Tuấn Trần muốn giữ lại cho bản thân sau vai diễn này không?
Nhân vật Quắn giúp tôi nhận ra mình nên tôn trọng người thân của mình, đừng để đến lúc mất đi thì mới hối hận. Quắn luôn nhìn nhận vấn đề một cách rất thẳng thắn, nhưng lại ngông cuồng. Tôi học được ở Quắn thái độ chấp nhận mọi chuyện rất dễ dàng và rất tích cực. Nếu Quắn bị người khác chửi, bị người khác nghĩ tiêu cực thì anh ta vẫn tiếp nhận một cách rất thoải mái để sửa sai và làm tốt hơn.
Tôi không muốn đóng vai “đẹp trai hoặc nhà giàu”, vì nhan sắc mình có hạn
Bài học mà Tuấn Trần đã trải qua để có thể trưởng thành như hiện tại?
Tôi đã bớt cảm giác sợ hãi khi đối mặt với mọi vấn đề lớn nhỏ trong cuộc sống. Năm 2020 này, thứ tiêu cực nhất đã xảy đến với tôi: người thân qua đời, làm nghề và tự cảm thấy mình tệ. Điều đó khiến tôi trưởng thành lên, tôi còn học được cách chấp nhận. Sống bớt nghĩ tiêu cực là điều trưởng thành nhất của tôi. Suy nghĩ tiêu cực là dạng năng lượng vô hình chỉ kìm hãm mình xuống thôi.
Tuấn Trần gắn liền với vai độc thân và có con (không phải con ruột) chứ chưa bao giờ đóng kiểu người đàn ông của gia đình?
Tôi cũng mong lắm, vì thấm thoát nay đã gần 30 rồi. Thật ra trước đây tôi có vai kiểu này rồi, nhưng vợ mới chỉ chớm có bầu rồi chết liền sau đó. Mặc dù thích, nhưng tôi chưa bao giờ vào vai người đàn ông có gia đình.
2 năm trước bạn từng chia sẻ là thứ mình cần là tạo ra giá trị nào đó của riêng mình. Giờ nhìn lại câu nói của mình, bạn thấy như nào?
Tôi vẫn trung thành với câu nói đó. Tôi không sợ cố gắng, mà chỉ sợ là không có mục tiêu để cố gắng thôi. Bây giờ tôi muốn mình có điểm nhìn hơn, mình biết mình làm về cái gì nhiều hơn.
Sau Bố Già, Tuấn Trần có kế hoạch cho sự xuất hiện lần tiếp theo của mình ở đâu?
Cuối năm, tôi luôn nhìn lại mình đã làm được gì, đưa ra định hướng cho năm tới. Nếu có bất kỳ một sản phẩm nào phù hợp với hình ảnh mình đang theo đuổi thì tôi sẽ theo, không quan trọng web drama, điện ảnh hay truyền hình. Nhưng khi làm bất kỳ một dự án nào thì tôi cũng mất rất nhiều thời gian để bàn kỹ với chị Vũ quản lý, sản phẩm có thể bị chê hay dở tùy ý, nhưng phải có sự đầu tư và chỉn chu nhất có thể.
Tôi muốn đóng một cái vai nào đó mà đóng xong người ta quên tôi luôn. Tôi không muốn đóng vai đẹp trai hoặc nhà giàu, vì tôi biết nhan sắc mình có hạn.
Cảm ơn bạn vì những chia sẻ!