Trong “Tây Du Ký”, Tôn Ngộ Không hiện lên như một kẻ bất trị, không sợ trời không sợ đất, khiêu chiến Thiên giới, đại náo Long cung, quậy tung hội Bàn Đào, khiến chúng thần tiên nghe thấy tên đều mất vía.
Tôn Ngộ Không không sợ Ngọc Đế cũng chẳng sợ Như Lai. Chủ nhân động Thuỷ Liêm từng ngông cuồng xưng “Lão Tôn” trước mặt Phật Tổ khi đòi làm Ngọc Hoàng cai quản tam giới: “Ngọc Đế mặc dù tu hành nhiều năm, nhưng cũng không nên ngồi ở vị trí này lâu như vậy. Theo luân thường đạo lý, Hoàng Đế phải thay phiên nhau làm, năm sau nên đến lượt lão Tôn. Chỉ cần bảo ông ta chuyển ra ngoài, để Thiên Cung lại cho ta là được. Nếu không thì ta nhất định sẽ làm loạn, mãi mãi không yên bình”.
Thậm chí, lúc bị nhốt dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm hay bị nấu trong vạc dầu sôi cửu đỉnh mấy ngày liên tục, Tôn Hành Giả còn chẳng hề nhíu mày lấy một cái. Ấy thế mà, trên đường thỉnh kinh, Mỹ Hầu Vương lại sụt sùi nước mắt và quỳ gối dập đầu lạy một con yêu quái.
Trong kiếp nạn thầy trò Đường Tăng gặp Kim Giác và Ngân Giác đại vương tại núi Bình Đính, hai tên đại vương này nhận Cửu Vĩ Hồ là nghĩa mẫu, đồng thời tặng cho yêu hồ chín đuôi này bảo bối Hoàng Kim Thừng. Cửu Vĩ Hồ sống ở động Áp Long, chỉ có vài tiểu yêu nữ hầu hạ bên cạnh, rất được Kim Giác và Ngân Giác kính hiếu.
Khi Ngân Giác sai lâu la đi mời mẹ đến ăn thịt Đường Tăng, Tôn Ngộ Không đã đánh chết hai tên lâu la, sau đó dùng chân thân và một cọng lông biến thành hai yêu quái đến động Áp Long mời Cửu Vĩ Hồ.
Đến cửa động, Tôn Hành Giả ngẩng đầu nhìn vào trong, chỉ thấy một bà cụ già ngồi chính giữa nhà.
“Tóc bạc trắng, rối tơ vò,
Mắt như chảo chớp thò lò long lanh
Má xề xệ lắm vết nhăn,
Răng tuy có rụng tinh thần vẫn tươi
Mặt như hoa cúc sương phơi,
Người gầy như thể thông trời sau mưa”
Tôn Đại Thánh trông thấy thế thì không dám tiến vào, chỉ đứng ngoài cửa mặt rầu rĩ, sụt sùi nước mắt suy nghĩ: “Ta đã trổ tài nghệ, biến thành tiểu yêu, đến mời nữ quái, không có lý gì cứ đứng sừng sững mà nói, nhất định phải dập đầu lạy mụ mới xong. Một quyển kinh có giá trị gì mà hôm nay bắt ta phải lạy mụ yêu quái này nhỉ? Mà nếu không lạy, tất sẽ lộ chuyện. Khổ quá! Chỉ tại sư phụ bị khốn, nên ta mới nhục nhã thế này”.
Ngộ Không bất đắc dĩ đi vào, ngoảnh về phía mụ quỳ xuống: “Xin cúi đầu chào đức bà”.
Có thể nói, những giọt nước mắt của Ngộ Không thể hiện tình thương dành cho sư phụ: “Vì thầy mà gan ruột ta tan nát, ăn ở đến hết lòng”. Một cái lạy, một lần rơi nước mắt cũng chẳng là gì, miễn là cứu được sư phụ.
Đối với Tôn Ngộ Không, gặp Kim Giác và Ngân Giác là kiếp nạn nhọc nhằn nhất trong 81 kiếp nạn trên đường thỉnh kinh. Không chỉ phải lao tâm khổ trí, biến thân thành Đạo Sĩ lừa lấy bảo bối, giả dạng Cửu Vỹ Hồ, còn bị ba ngọn núi Tu Di, Thái Sơn, Nga Mi đè lên hai vai. Dẫu tinh thông 72 phép thần thông, nhưng Tôn Ngộ Không vẫn phải nhờ đến sự giúp đỡ của Na Tra Thái Tử và Thái Thượng Lão Quân mới có thể thu phục được yêu quái, giải trừ kiếp nạn.