Chiếc điện thoại Android đầu tiên - HTC Dream (T-Mobile G1) - đã gây ấn tượng mạnh với tiềm năng cực kỳ to lớn. Vào thời điểm nó ra mắt, năm 2008, nhiều người còn dự đoán nền tảng của Google sẽ đánh bại iPhone của Apple, và quả thực hiện nay, 85% điện thoại trên thế giới đang chạy hệ điều hành Android.
Nhưng thậm chí đã đạt được thành tích đáng nể đó, Android của một thập kỷ sau vẫn có những vấn đề xuất phát từ bên trong hệ điều hành mà Google vẫn chưa tìm ra cách khắc phục.
1. Giải quyết vấn đề phân mảnh
Một vấn đề hết sức quen thuộc, đã được noi đi nói lại rất nhiều lần. Google công bố phiên bản Android mới, và sau 6 tháng chờ đợi mòn mỏi, chiếc điện thoại của bạn vẫn chưa được cập nhật.
Phân mảnh, khi người dùng điện thoại phải sống chung với các phiên bản hệ điều hành đã lỗi thời, là kẻ thù của Android bởi điều đó có nghĩa là các tính năng mới nhất của Android sẽ không thể đến tay mọi người dùng. Phân mảnh gây ra tính không nhất quán trong trải nghiệm Android, trì hoãn một số điện thoại trong việc nhận các bản vá bảo mật kịp thời.
Có 3 lý do chính dẫn đến sự phân mảnh:
Đầu tiên, việc cho phép các hãng sản xuất điện thoại tùy biến giao diện phần mềm trên các thiết bị Android do họ sản xuất là một thế mạnh chỉ Android mới có, nhưng điều này buộc các hãng và các nhà mạng phải tiến hành các bài test kỹ càng mỗi khi một phiên bản Android mới ra mắt nhằm đảm bảo mọi thứ hoạt động mượt mà và không gặp vấn đề nghiêm trọng nào. Quá trình test này tốn kém về mặt tiền bạc lẫn thời gian. Chỉ có các thiết bị Pixel (và trước kia là Nexus) của Google mới nhận được các bản cập nhật Android ngay khi vừa ra mắt.
Thứ hai, các điện thoại cao cấp thường được cập nhật trước tiên. Các thiết bị tầm trung sẽ phải chấp nhận được cập nhật chậm hơn, theo thứ tự mà nhà sản xuất quy định, có thể là vài tháng sau những chiếc điện thoại cao cấp, hoặc có thể là...không bao giờ.
Cuối cùng, một số điện thoại tầm thấp trước đây có phần cứng quá yếu, không thể hỗ trợ nhiều tính năng phần mềm trên các bản Android mới. Do đó, Google đã tạo nên Android Go, một phiên bản giản lược của Android thông thường, nhằm đối phó với vấn đề này. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết được liệu Android Go có giúp giải quyết được tình trạng phân mảnh trên phân khúc tầm thấp hay không.
Google rõ ràng đã có những bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống phân mạnh. Năm ngoái, công ty đã thay đổi kiến trúc bên dưới hệ điều hành Android trên phiên bản Android 8.0 Oreo. Những thay đổi này được gọi là Project Treble mà Google kỳ vọng có thể xóa bỏ những rào cản trong việc nhận cập nhật trên các thiết bị Android nó hỗ trợ.
2. Hợp nhất các ứng dụng tin nhắn
Google có thể dẫn đầu trong lĩnh vực trợ lý giọng nói, nhưng Apple lại đang là ông trùm về ứng dụng tin nhắn. Rất nhiều người dùng iPhone cho biết, tính năng iMessages quá hoàn hảo của iPhone là lý do chính khiến họ không thể chuyển sang dùng Android được.
Ứng dụng Messages của Apple đáp ứng mọi tiêu chí cơ bản phải có của một ứng dụng tin nhắn, và mang đến nhiều "đồ chơi" thú vị khác như hình GIF hoạt họa (Animoji, Memoji), đồng thời cho phép người dùng iPhone nhắn tin miễn phí với bạn bè và gia đình họ ngay trong ứng dụng này thông qua kết nối Wi-Fi (iMessages).
Apple còn cho bạn thấy khi ai đó đang phản hồi lại tin nhắn trong thời gian thực. Nhưng tính năng được nhiều người yêu thích hơn cả là nó có thể đồng bộ tin nhắn giữa iPhone và ứng dụng Messages trên MacBook. Quá trình đồng bộ này diễn ra nhanh gọn, giúp bạn xem và trả lời tin nhắn ngay trên laptop mà không cần phải đụng vào chiếc iPhone của mình.
Trên Android thì sao? Nền tảng của Google có đến 4 ứng dụng tin nhắn khác nhau. Đầu tiên là Messages, chỉ dùng để nhắn tin SMS và MMS. Tiếp theo là bộ đôi Allo để nhắn tin miễn phí qua Wi-Fi, 3G, Duo để gọi video. Thứ ba là ứng dụng Hangouts sắp "về vườn". Và cuối cùng là Gmail.
Thực ra đây không phải là vấn đề đáng chú ý, nhưng sự hỗn loạn của ứng dụng nhắn tin nói trên là một hình thức khác của phân mảnh trên Android, và chẳng ứng dụng nào sánh được với một ứng dụng duy nhất của Apple. Thay vì tạo ra một ứng dụng tin nhắn duy nhất, Google yêu cầu bạn phải thường xuyên kiểm tra đến 4 ứng dụng, đó là chưa kể nhiều chương trình bên thứ ba phổ biến khác như Facebook Messenger hay WhatsApp.
Ít nhất, Google cũng đã cố mang lại trải nghiệm nhắn tin đa nền tảng như iPhone với Messenger for Web ra mắt cách đây chưa lâu. Nhưng giải pháp này lại có tốc độ đồng bộ hóa khá chậm và không đáng tin cậy.
3. Thiết kế giao diện trực quan hơn
Ngay từ chiếc điện thoại Android đầu tiên, chúng ta đã thấy được một sự thật là giao diện tổng thể của Android không được trực quan khi so với sự đơn giản của iPhone. Google đã vô tình tạo thêm một lớp mới vào giao diện vốn đã khá phức tạp của mình: một ngăn chứa ứng dụng để đặt mọi ứng dụng vào đó, cho phép bạn sắp xếp các màn hình chính (homescreen) theo cách mình mong muốn.
Thậm chí ngay từ những ngày đầu, người dùng Android đã có thể nhấn giữ trên màn hình để đổi hình nền và thêm widget. Dù linh hoạt, nhưng lại có nhiều tính năng bị giấu đi như vậy đã khiến Android khó tiếp cận và làm quen hơn đối với những người lần đầu sử dụng (hệ điều hành iOS của Apple cũng đã ngày một trở nên phức tạp hơn).
Hiện nay, những lời than phiền của người dùng chủ yếu tập trung ở khả năng hỗ trợ thao tác cử chỉ và giao diện của Android Pie. Hiệu ứng chuyển cảnh trên phiên bản hệ điều hành này vẫn chưa hoàn toàn trực quan, trong khi một số hình ảnh giao diện lại trông khá mất cân bằng: bạn có thể nhấn nút bấm hình con nhộng để thoát ra màn hình chính, vuốt sang phải để bật giao diện đa nhiệm, nhưng lại không thể vuốt sang trái mà phải nhấn nút Back để trở lại màn hình trước đó. Khá lạ đúng không? Khá nhiều hãng sản xuất điện thoại (như Xiaomi chẳng hạn) đã tìm ra những cách hợp lý để mang đến hệ thống điều hướng bằng thao tác vuốt rất tốt. Google với tư cách là người tạo ra Android chắc chắn có thể làm tốt hơn!
4. Mở rộng lãnh địa của Android ra các thiết bị khác ngoài điện thoại
Là một hệ điều hành cực kỳ phổ biến trên toàn cầu, quả là ngạc nhiên khi Android thất bại thảm hại trên chiến trường tablet, smartwatch và TV. Sự hiện diện của Android trên các lãnh địa khác ngoài điện thoại là rất quan trọng, bởi các thiết bị khác sẽ là sự bổ sung, bù đắp cho những gì bạn có thể làm trên điện thoại. Một chiếc laptop Android, TV Android, và cả đồng hồ Android nếu có chất lượng đủ tốt sẽ nâng cao giá trị của chiếc điện thoại Android - hãy tưởng tượng về viễn cảnh chia sẻ nội dung hay dữ liệu từ một thiết bị này sang thiết bị khác mà xem?
Việc thiếu vắng những ứng dụng Android thực sự tốt dành cho tablet là một trong những lý do khiến người dùng không mấy mặn mà với tablet Android. Theo các chuyên gia phân tích thì doanh số dòng thiết bị này tụt dốc không phanh trong năm 2018.
Doanh số tablet Android đang sụt giảm mạnh
Thị trường wearable (thiết bị đeo thông minh) hiện đang dần khởi sắc, nhưng người tiêu dùng hoặc sẽ chọn mua Apple Watch, hoặc sẽ mua các loại vòng tay thể thao rẻ và có các tính năng cơ bản hơn đến từ Xiaomi, Fitbit và Garmin, chứ không phải các smartwatch chạy Android - theo các nhà nghiên cứu tại IDC.
Google và Android có một cơ hội khác để chứng tỏ bản thân. Chúng ta đã thấy một số mẫu smartwatch mới xuất hiện chạy hệ điều hành Wear OS của Google. Qualcomm còn tiếp thêm sinh lực cho dòng sản phẩm smartwatch Android với một con chip mới hứa hẹn sẽ mang lại thời lượng pin tốt hơn. Tuy nhiên, trong khi người tiêu dùng đang khá hào hứng xung quanh thông tin sẽ có một chiếc smartwatch mang thương hiệu Pixel chạy Wear OS phiên bản mới xuất hiện tại sự kiện Google vào ngày 9/10 tới đây, thì có lẽ họ sẽ lại phải thất vọng khi chiếc đồng hồ này có thể sẽ không được công bố, ít nhất là trong năm nay.
Trong khi đó, chiếc Apple Watch Series 4 tập trung vào các tính năng sức khỏe vừa được Apple ra mắt đã nhanh chóng chiếm thế thượng phong, đón đầu mọi thứ mà Google và các đối tác đã từng giới thiệu (ít nhất là sẽ như vậy một khi Apple kích hoạt tính năng EKG của Apple Watch vào cuối năm nay).
Đối với Android TV, phần mềm này có nhiều cơ hội ở thị trường nước ngoài hơn là thị trường Mỹ vốn đã quá đông đúc với nhiều đối thủ "hạng nặng" như Amazon Roku, Fire TV, Apple TV, và các hệ máy console. Google có thể sẽ tung ra một quân bài bí mật đầy bất ngờ: một thiết bị stream độc lập, có giá khá rẻ chỉ 50 USD, sử dụng chính thương hiệu của hãng.
Google vẫn chưa thực hiện một nước đi nào tương tự như vậy kể từ thời Nexus Player - thiết bị stream Android TV đầu tiên. Nhưng cũng có khả năng Google sẽ tiếp tục sử dụng nhãn hiệu Chromecast, vốn được xem như một món phụ kiện cho điện thoại Android hơn là một thiết bị stream chính hiệu, và cũng đang có dấu hiệu đi xuống.
5. Đồng bộ tốt hơn giữa điện thoại với các thiết bị khác
Đối với nhừng người dùng hay các gia đình sử dụng cùng một tài khoản trên nhiều thiết bị Android khác nhau, quá trình đồng bộ vẫn chưa được mượt mà lắm. Khi bạn bỏ qua một thông báo trên điện thoại, bạn có thể sẽ vẫn thấy nó trên tablet.
Tương tự, nếu bạn xóa một thông báo trên smartwatch chạy Wear OS, bạn sẽ thấy nó biến mất trên điện thoại, nhưng trên một thiết bị thứ hai như tablet hay Chromebook thì không.
Một điều phiền toái nữa là cho dù bạn đã mở một trong các thiết bị đó lên trong bao lâu đi nữa, một khi bạn khởi động lại chúng, mọi thông báo cũ sẽ lại xuất hiện, mặc dù bạn đã xóa sạch chúng trên thiết bị Android chính của mình.
Liệu Android 10 sẽ là câu trả lời cho mọi vấn đề?
Có lẽ là không.
Google sẽ phải làm gì để giải quyết mọi vấn đề chưa hoàn hảo trên Android? Có lẽ điều đó sẽ chưa được giải quyết trong phiên bản Android tiếp theo, dù nó là Android Q, Android R, hay Android 10.
Những vấn đề của Google hiện tại phức tạp hơn nhiều so với vẻ ngoài của chúng. Như nhiều công ty siêu lớn khác, các nhóm trong Google hoạt động độc lập với nhau, do đó các nhánh Android và các nhánh của ứng dụng tin nhắn sẽ thuộc nhiều nhóm khác biệt, và các nhóm này lại không biết chính xác nhóm khác đang làm gì. Nhưng chúng ta có thể hi vọng rằng họ sẽ tập trung lại để cùng nhau tạo ra một hệ thống nhắn tin có tính liên kết cao cạnh tranh được với iMessage, mang lại cho Android khả năng đồng bộ hóa hoàn hảo giữa các thiết bị, khả năng cập nhật hệ điều hành nhanh hơn, và đơn giản hóa được giao diện người dùng, đặc biệt là cơ chế điều hướng bằng cử chỉ.
Thành công trong 10 năm tiếp theo của Android phụ thuộc hoàn toàn vào điều đó.
Tham khảo: CNET