Chuyện cày đồ và con buôn, khi những kẻ kiếm lời bất chấp trở thành ung nhọt phá game

Cày đồ kiếm tiền từ game đã luôn là chủ đề được rất nhiều người quan tâm, thế nhưng kiếm thế nào để không ảnh hưởng đến người khác, không đưa trò chơi yêu thích tới bờ vực phá sản thì chẳng mấy ai biết.

Có thể đến bây giờ vẫn còn khá nhiều người nhầm lẫn là game mở ra để tạo môi trường, sân chơi giải trí cho game thủ là chính. Trên thực tế đúng là có điều đó, tuy nhiên mục tiêu quan trọng nhất của việc phát hành một tựa game vẫn là doanh thu. Còn nhà phát hành đứng ở góc độ kinh doanh là người vận hành sản phẩm để đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, cho nhà sản xuất và trả lương cho nhân viên.

Chuyện cày đồ và con buôn, khi những kẻ kiếm lời bất chấp trở thành ung nhọt phá game - Ảnh 1.

Mọi trò chơi phát hành đều có mục tiêu thu lợi nhuận cho doanh nghiệp sản xuất

Chẳng có trò chơi nào làm ra mà không mang một mục đích nào cả, đặc biệt là dạng game nhập vai online thì việc thu phí bằng nhiều hình thức là bắt buộc phải có khi đã miễn phí giờ chơi. Điều này giúp trò chơi tái đầu tư vào các tính năng mới để update và duy trì sản phẩm qua từng tháng, từng năm. Thế những tất cả có thể sụp đổ bởi chính những vị khách hàng mang tên "game thủ".

Cày đồ trong game có thể kiếm rất nhiều tiền, đây là sự thật

Kể từ cái thời MU Online, Võ Lâm, Chinh Đồ việc game thủ buôn bán, săn Boss, cày đồ mà có thể mua được SH, xe hơi đã là chuyện không quá hiếm. Có thể nói đây là thời kì hoàng kim của game nhập vai với nhiều sản phẩm thành công và thu hút được lượng người dùng lớn.

Chuyện cày đồ và con buôn, khi những kẻ kiếm lời bất chấp trở thành ung nhọt phá game - Ảnh 2.

Thời kì hoàng kim của game nhập vai, dân cày đồ chỉ "nhặt rác" cũng mua được SH

Thời điểm hiện tại dù game nhập vai phần lớn đã dịch chuyển sang game mobile, giá trị item cũng dần giảm đi rất nhiều so với trước kia. Tuy nhiên giá các item dịch vụ như bạc, đồng, nguyên liệu… thì lại tăng đáng kể do du cầu của người dùng tăng cao từ việc khó AFK trên thiết bị di động. Những dịch vụ cày đồ, cày nguyên liệu cũng vì thế mà nở rộ như nấm sau mưa và kiếm được nhiều khoản tiền không nhỏ.

Chuyện cày đồ và con buôn, khi những kẻ kiếm lời bất chấp trở thành ung nhọt phá game - Ảnh 3.

Item trong game mobile không còn đắt giá như trước nhưng nguyên liệu lại rất được giá

Lấy ví dụ như trong Thục Sơn Kỳ Hiệp Mobile, tựa game nhập vai phổ biến bậc nhất hiện nay ở Việt Nam có thể thấy lượng người cày thuê, cày đồ, farm bạc là cực kì lớn. Nhu cầu khát bạc từ lượng người chơi game khổng lồ đã thu hút hàng ngàn game thủ cày cuốc, tạo nên một thị trường nhộn nhịp ước tính hàng trăm triệu bạc được giao dịch mỗi ngày để bán cho những người có tiền và ít thời gian.

Chuyện cày đồ và con buôn, khi những kẻ kiếm lời bất chấp trở thành ung nhọt phá game - Ảnh 4.

Do đặc thù là một game nhập vai có số lượng người chơi cực lớn, nhiều hoạt động nên các nguyên liệu trong Thục Sơn Kỳ Hiệp Mobile rất có giá trị

Khi những kẻ dán mác "nông dân" trở thành hacker trục lợi

Có thể khẳng định mọi game nhập vai từ trước tới nay muốn thành công thì chắc chắn phải có "nông dân". Họ là những người chiếm đa số trong mọi trò chơi và là tầng lớp trung bình đến cuối cùng trong các xếp hạng. Nhờ có họ mà những người Top trên mới có nền tảng để xưng hùng xưng bá, nếu mất đi "thần dân", thì Top cũng chẳng còn ý nghĩa gì cả.

Chuyện cày đồ và con buôn, khi những kẻ kiếm lời bất chấp trở thành ung nhọt phá game - Ảnh 5.

Một trò chơi thành công chính là biết duy trì sự cân bằng giữa game thủ trả phí và miễn phí

Thế nhưng, khi những "nông dân" ấy trở nên biến chất vì lòng tham, họ dần trở thành hacker, cheater và lũng đoạn cả một thị trường. Thay vì cày cuốc, đánh phụ bản, AFK như bình thường, họ sử dụng phần mềm thứ 3 như tools auto, hack speed, lợi dụng lỗ hổng hệ thống để farm đồ liên tục… cuối cùng khiến cả thị trường lạm phát, giá đồ rớt thê thảm, con buôn ôm hàng chết đứng.

Chuyện cày đồ và con buôn, khi những kẻ kiếm lời bất chấp trở thành ung nhọt phá game - Ảnh 6.

Hack, cheat hoành hành không sớm bị trừng trị sẽ phá nát cả thị trường game

Có lẽ bài học kinh điển nhất đến từ MU Online do FPT phát hành cách đây rất lâu rồi. Đây từng là một trong những trò chơi có giá trị item cao nhất khi mỗi thanh Thiên Tử Kiếm có thể giao dịch tới 15 triệu VND, mỗi viên Ngọc Ước Nguyện có giá tới 200.000 VNĐ. Thế nhưng chỉ vì bị lợi dụng lỗ hổng "đúp đồ", và các phần mềm hack "1hit", "hack speed"… mà Ngọc Ước Nguyện rớt giá tới mức 200.000 VNĐ đổi được… 1000 viên. Đồ hoàn hảo, đồ rồng… chỉ còn vài trăm ngàn khi việc giết Boss khủng nhất game chỉ mất có… 1 giây thay vì 2, 3 ngày như trước.

Chuyện cày đồ và con buôn, khi những kẻ kiếm lời bất chấp trở thành ung nhọt phá game - Ảnh 7.

MU Online có lẽ là bài học đau lòng nhất của thị trường game Việt khi bị lạm phát bởi chính những con người đã sống cùng trò chơi ấy

Những kẻ kiếm lời bất chấp góp phần đẩy trò chơi đến bờ vực phá sản

Lạm phát là tình trạng giá trị đồ trở nên rẻ mạt, người chơi sẽ không còn động lực đi săn Boss kiếm đồ nữa vì tranh sao được với hacker "1 hit"? Trò chơi cũng vì thế mà toàn "siêu nhân" chơi với nhau, những người bình thường đánh không lại và cuối cùng là nghỉ game. Bản thân NPH nếu không tỉnh táo, phát hiện sớm để xử lý, cân bằng một cách hợp lý cũng sẽ đẩy trò chơi vào cửa tử.

Chuyện cày đồ và con buôn, khi những kẻ kiếm lời bất chấp trở thành ung nhọt phá game - Ảnh 8.

Công Thành Chiến mà gặp hack "1 hit" thì đánh kiểu gì?

Chưa kể việc sử dụng auto ngoài còn góp phần khiến doanh nghiệp phát hành game thất thoát doanh thu. Họ không thu phí được thông qua việc bán bùa tăng EXP, hay thông qua các gói item hỗ trợ. Doanh thu NPH sụt giảm khiến họ cuối cùng phải đóng cửa vì không đủ doanh thu, lợi nhuận đã kí kết trong hợp đồng với nhà sản xuất.

Chuyện cày đồ và con buôn, khi những kẻ kiếm lời bất chấp trở thành ung nhọt phá game - Ảnh 9.

Auto lậu không chỉ tiềm ẩn nguy cơ dính mã độc mà còn góp phần phá hoại game

Xét cho cùng, việc cày đồ và việc NPH chào đón những "nông dân" cày đồ là điều hoàn toàn có lợi cho cả 3 bên: Nông dân, đại gia và NPH. Tuy nhiên khi cày đồ biến tướng thành những "tập đoàn" sử dụng hack, tools vì mục tiêu kiếm tiền bất chấp, thì mọi trò chơi đều cũng sẽ đi xuống. Đây là lý do những hành vi này cần phải ngăn chặn để duy trì sự cân bằng với mọi tầng lớp người chơi và giúp kiềm chế lạm phát trong game.

Chuyện cày đồ và con buôn, khi những kẻ kiếm lời bất chấp trở thành ung nhọt phá game - Ảnh 10.

Hãy chơi game một cách văn minh để chung tay bảo vệ chính trò chơi mà bạn yêu quý

Hiểu một cách dễ dàng hơn, NPH không cấm cày đồ trong game nhập vai, càng không cấm buôn bán trong game. Thế nhưng khi người chơi cày đồ bằng cách sử dụng các phần mềm trái phép, lợi dụng lỗ hổng trò chơi để cày đồ số lượng lớn thì việc này cần phải ngăn cấm bằng nhiều hình thức. Bởi nếu không làm thế cả thị trường sẽ lạm phát, khiến chính trò chơi đó sụt giảm người chơi, sụt giảm doanh thu và cuối cùng là đóng cửa. Vậy nên hãy chơi game một cách văn minh, đừng ảnh hưởng đến người khác chỉ vì lòng tham của bản thân.