Đây là chiếc ốp lưng kỳ dị đang được trường Đại học Bristol, Đại học Sorbonne và Trường Bách khoa Paris cùng nhau phối hợp nghiên cứu. Điểm đáng chú ý là chiếc ốp này được làm từ da nhân tạo, có thể mang lại cảm giác như bạn đang chạm vào da thật sự và thậm chí là nếu bạn “cù lét" nó thì điện thoại cũng sẽ nhận tín hiệu và chèn biểu tượng emoji nụ cuời vào tin nhắn.
Trong bài báo vừa được công bố, các nhà nghiên cứu đào sâu vào cái gọi là "Skin-On Interfaces" theo bốn hướng chính: cách tái tạo diện mạo và cảm giác da người; cách các cử chỉ được thực hiện trên da có thể được sử dụng; cách các thiết bị có thể nhận ra cử chỉ trên da; và làm thế nào những công ty khác có thể tái tạo và đưa nghiên cứu vào sản phẩm thực tế.
Đây là một phần của nghiên cứu nhằm tăng cách con người tương tác với thiết bị điện tử. Mục tiêu của họ là làm cho giao tiếp điện tử dễ tiếp cận hơn bằng cách sử dụng phản hồi xúc giác mà mọi người quen thuộc qua trải nghiệm cảm giác của chính họ.
Ví dụ, mặt sau của smartphone có thể được bọc trong da nhân tạo để cảm nhận các cử chỉ độc đáo của người dùng như nắm, vặn và cào để cung cấp phản hồi xúc giác. Các nhà nghiên cứu nói rằng điều này có thể làm tăng khả năng biểu cảm của người dùng.
Để làm cho làn da trông như thật, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một màng silicon đa lớp như mô phỏng từng lớp của da người thật. Lớp bên ngoài cực kỳ chi tiết và còn có các lỗ nhỏ mô phỏng lỗ chân lông của da chúng ta, một lớp điện cực của "mô" dẫn điện, mô phỏng hạ bì và một lớp kinesthetic mô phỏng lớp hypodermis ( bao gồm chủ yếu là chất béo, mạch máu và thần kinh, đóng vai trò như một tấm đệm và bảo vệ cho cơ thể).
Các nhà nghiên cứu cho biết loại ốp này mang lại cảm giác tự nhiên hơn, có thể "cảm nhận" lực nắm và vị trí của bàn tay người dùng và thậm chí cảm nhận được hành động cụ thể như cù lét.
Do smartphone chủ yếu được sử dụng để liên lạc qua trung gian thông qua văn bản, giọng nói và video, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một ứng dụng nhắn tin nơi người dùng có thể thể hiện cảm xúc xúc giác thông qua da nhân tạo. Vì vậy, nếu người dùng “cù lét" ốp lưng, nó sẽ tạo ra một khuôn mặt cười. Cù càng mạnh, biểu tượng cảm xúc càng lớn, hoặc tạo ra một biểu tượng cảm xúc ngạc nhiên bằng cách nhấn vào da.
Phương thức này có thể áp dụng lên ốp lưng điện thoại, bàn rê chuột dây đeo của đồng hồ thông minh và cả robot.
Vậy bước tiếp theo cho nghiên cứu da đáng sợ nhưng hấp dẫn là gì? Nhóm nghiên cứu muốn làm cho làn da của họ thực tế hơn nữa và đang xem xét việc thêm cả lông và cảm giác nhiệt độ. Nghe thôi là thấy nổi da gà rồi.
Tham khảo: Popularmechanics