Số phận 2 “game Esports của năm” ra mắt cùng lúc, hất cẳng Liên Quân lẫn Free Fire trên BXH giờ ra sao?

Đã từng có thời điểm, hai tựa game Esports này cùng ra mắt một thời điểm, hất cẳng Liên Quân trên BXH.

Vào thời điểm năm 2019, làng game Việt chứng kiến một sự biến động khá lớn của dòng game Esports. Cụ thể, sân chơi lúc đó vốn là cuộc đấu tay đôi giữa VNG và Garena thì bỗng nhiên một công ty chuyên các sản phẩm MMORPG nhảy vào với hai cái tên AOG – Đấu Trường Vinh Quang và Survival Heroes.

Số phận 2 “game Esports của năm” ra mắt cùng lúc, hất cẳng Liên Quân lẫn Free Fire trên BXH giờ ra sao? - Ảnh 1.

Trong đó, AOG – Đấu Trường Vinh Quang là game MOBA còn Survival Heroes thì là game battle royale xen lẫn yếu tố MOBA, một tựa game được xem là “của hiếm” vào thời điểm đó. Lúc bấy giờ, hai tựa game này được quảng bá là “nếu không chơi thì phí cả một đời”, thậm chí có thời điểm, hai trò chơi này xếp vị trí thứ nhất và thứ hai trên BXH App Store, đưa Liên Quân xuống vị trí thứ 5.

Thế nhưng, đó giống như là ánh hào quang rực rỡ duy nhất mà hai tựa game Esports này làm được. AOG thì đóng cửa sau gần một năm, Survival Heroes thì khá khẩm hơn nhưng cũng không thể duy trì được thời gian tồn tại được quá lâu khi mà lượng người chơi đã tụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí có thời gian, các sàn đấu rank chỉ còn là cuộc đấu của người và rất nhiều bot.

Số phận 2 “game Esports của năm” ra mắt cùng lúc, hất cẳng Liên Quân lẫn Free Fire trên BXH giờ ra sao? - Ảnh 2.

Điều đó cho thấy là, sân chơi Esports vốn không bao giờ là dễ dàng đối với các NPH tại Việt Nam. Đó giống như là một cuộc đấu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” khi mà nguồn lợi mang lại cho NPH không đến ngay lập tức giống như các sản phẩm nhập vai. Nếu không chịu lỗ để xây dựng cộng đồng mà muốn “xoay vòng vốn” nhanh, có lãi sớm thì Esports khó có thể là sự lựa chọn sáng suốt.

Minh chứng là AOG và Survival Heroes đều có mức giá tướng và skin thuộc dạng “cắt cổ” so với mặt bằng chung các game Esports. Đó là lý do mà tại sao game thủ không mặn mà chi tiền khi mà chất lượng vận hành game còn kém nhưng số tiền bỏ ra là quá lớn. Khi đó sẽ tạo nên mâu thuẫn giữa NPH và game thủ bởi một bên muốn “có lãi”, bên còn lại thì không chịu “bỏ tiền”, dẫn đến hệ quả tất yếu là game sẽ không được đầu tư. Số phận của hai tựa game kể trên là minh chứng rõ nhất cho mối quan hệ này. Cũng từ đó, sân chơi Esports lại trở về cuộc đấu “solo” giữa Garena và VNG, không biết đến bao giờ mới có thêm một NPH nữa nhảy vào để tạo nên thế chân vạc đây.