Đó chính là câu chuyện của Quan Jiang - 30 tuổi, cựu sinh viên kỹ thuật một trường cao đẳng cộng đồng ở Albany, Oregon. Không hiểu vì lý do gì mà người đàn ông này lại lựa chọn Apple làm đối tượng lừa đảo, nhưng có lẽ đây cũng là một bài học đắt giá dành cho tổ chức này, khi chưa bao giờ người ta cảm thấy công nghệ chống và kiểm tra hàng giả của Apple lại lởm tới vậy.
Cụ thể, trong vòng hai năm, người đàn ông này đã giao hàng, hoặc gửi chuyển phát tới các cửa hàng Apple ở Oregon khoảng 3.000 điện thoại iPhone để yêu cầu đổi trả máy mới do chúng không thể khởi động được. Sau một thời gian kiểm tra, Apple đã gửi trả anh chàng 1.500 máy mới, trị giá khoảng $600 mỗi sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là số hàng mà Jiang gửi tới lại là những chiếc iPhone không chính hãng, hay nói đơn giản hơn là hàng nhái.
Chính sách bảo hành của Apple đang tạo ra những lỗ hổng lớn để các loại hình lừa đảo như Jiang có thể khai thác
Có thể thấy đây là một lỗ hổng cực mạnh trong chính sách bảo hành của Apple. Dẫn lời hồ sơ của vụ án, lý do khiến cho Jiang có thể trót lọt nhiều thương vụ tới vậy là vì "Điện thoại iPhone không bật được nguồn có thể bị lợi dụng để gian lận bảo hành, vì kỹ thuật viên khong thể kiểm tra hoặc sửa chữa ngay lập tức, khiến họ kích hoạt quy trình đổi máy mới của Apple là một phần trong chính sách bảo hành" Adrian Punderson, đại diện bảo vệ thương hiệu của Apple cho biết.
Và cũng từ đây, đường dây làm ăn của Jiang đã bại lộ. Theo chia sẻ từ các công tố viên, anh chàng này nhập khẩu số máy lậu, nhái kia từ Hong Kong, sử dụng nhiều danh tính giả để gửi chúng cho Apple. Để rồi khi trót lọt và nhận được điện thoại mới, Jiang sẽ gửi về Trung Quốc nhờ người tiêu thụ. Lợi nhuận từ các phi vụ này sẽ được gửi cho mẹ của hắn, trước khi được gửi trả về ngân hàng cho Jiang bên Mỹ.
Jiang gian lận từ tháng 1/2016 tới tháng 2/2018. Apple nhận ra bất thường hồi cuối tháng 6/2017 khi gửi thư tới địa chỉ của Jiang ở Corvaliis, nơi chuyển đi 150 máy yêu cầu bảo hành. Luật sư cho hay hãng biết Jiang đang nhập khẩu sản phẩm nhái Apple nhưng y không hồi âm và luật sư đã gửi tiếp lá thư thứ hai.
Mặc dù đã từ chối tới khoảng hơn 1.500 yêu cầu được bảo hành của Jiang, thế nhưng công ty này vẫn lỗ tới $895.000 sau khi đã tiến hành đổi 1493 máy cho anh chàng. Sau khi nhận tội buôn bán hàng giả tại tòa án liên bang ở Portland, Mỹ vào 22/5 vừa qua, Jiang hiện đang đối mặt với bản án tối đa 10 năm tù, phạt tiền hai triệu USD và sẽ bị luận tội vào ngày 28/8 tới đây.