Tower of Fantasy đạo nhái Genshin Impact: Thực hư thế nào?

Tower of Fantasy bị chỉ trích là đạo nhái tựa game Genshin Impact của nhà phát hành miHoYo, liệu điều này có thật sự là đúng?
Tower of Fantasy đạo nhái Genshin Impact, liệu điều này có thật sự là đúng? Nếu đã chơi qua cả 2 tựa game chúng ta cũng dễ dàng nhận ra ngay giữa chúng có rất nhiều nét tương đồng với nhau. Hãy cùng xem qua bài viết bên dưới để xem liệu điều đó có đúng hay không nhé.
Tower of Fantasy
Nói Tower of Fantasy đạo nhái Genshin Impact cũng không phải là sai, đương nhiên điều này có dính dáng một phần đến thương vụ mua lại miHoYo của Tencent và nó đã thất bại. Nhận thấy Genshin Impact của miHoYo thành công vượt ngoài sức tưởng tượng, ngay lập tức Tencent đã có ý định thâu tóm nhưng bất thành, kết quả là công ty game này đã nhanh chóng tạo ra một sản phẩm mới với tham vọng hạ bệ Genshin Impact.

Đồ hoạ là điểm đầu tiên không có quá nhiều khác biệt

Phong cách đồ hoạ của Genshin Impact và Tower of Fantasy phải nói là không khác nhau quá nhiều. Đều mang nét 2D cùng tạo hình có phong cách Anime hoá đã khiến cho cả 2 tựa game nhanh chóng tạo được ấn tượng ngay từ khi ra mắt. Môi trường trong game gần như giống nhau hoàn toàn về màu sắc, cảnh vật, chi tiết vật thể, tuy nhiên ở Tower of Fantasy có nhiều thứ để người chơi tương tác hơn so với Genshin Impact, có thể là vì ra sau nên nhà phát hành đã chăm chút và cải thiện được nhiều thứ hơn.
Tower of Fantasy
Tower of Fantasy
Về tạo hình nhân vật, vũ khí, trang phục thì ở Tower of Fantasy có nhiều điểm nhỉnh hơn, đặc biệt là hiệu ứng chiêu thức có phần đẹp mắt hơn. Đây cũng chính là điểm cộng lớn giúp cho Tower of Fantasy dễ dàng vượt mặt Genshin Impact trong thời gian tới. Chi tiết trên trang phục cũng đa dạng hơn, trong khi các nhân vật của Genshin Impact đã cố định nhân vật và không có quá nhiều phụ kiện để làm đẹp cho nhân vật của bạn, chỉ có thể săn tìm các trang phục theo từng sự kiện, lễ hội còn nếu không bạn sẽ khó mà làm đẹp cho nhân vật của mình.

Cùng là thế giới mở và có nhiều thứ để làm

Genshin Impact ra mắt đầu tiên, mang đến cho người chơi một thế giới mở hoàn toàn rộng lớn để bạn có thể khám phá và trải nghiệm tự do khiến cho game nhanh chóng gây được ấn tượng với cộng đồng game thủ. Tuy vậy thì nó không phải là tựa game duy nhất có thể làm được điều này, Tower of Fantasy cũng nhanh chóng thể hiện còn tốt hơn những gì mà đàn anh này làm được. Trong thế giới của game bạn sẽ có muôn vàn thứ để khám phá, thực hiện trong suốt quá trình chạy map. Vì thế, việc nói Tower of Fantasy đạo nhái Genshin Impact cần phải bao quát rộng hơn.

Tower of Fantasy

Cảm giác đôi khi bạn như đang phiêu lưu trong thế giới của Assassin’s Creed do ông lớn Ubisoft phát triển. Sẽ có đến hai bản đồ lớn ngay từ khi bắt đầu game, mỗi bản đồ sẽ có 4 đến 5 khu vực lớn khác nhau được phân chia rõ ràng. Mỗi khu vực như vậy sẽ có hàng trăm thứ để khám phá từ nhiệm vụ chính, phụ cho đến nhiệm vụ khám phá trong game được thể hiện thông qua cơ chế Exploration Point.
Cơ chế này có phần còn hấp dẫn hơn Genshin Impact nếu như người chơi khám phá được đủ phần trăm bản đồ yêu cầu, bạn sẽ có cơ hội mở ra nhiều phần thưởng hấp dẫn cho chính mình. Chính điều này đã thôi thúc người chơi không ngừng mày mò, khám phá các bản đồ trong game cứ mỗi khi đến được khu vực mới. Về sau này ngoài các nhiệm vụ chính, bạn sẽ còn bắt gặp những nhiệm vụ phụ ngẫu nhiên xảy ra trên bản đồ mà không hề được báo trước, điều đó cũng cải thiện phần nào mức độ hấp dẫn trong quá trình trải nghiệm của người chơi so với những gì mà Genshin Impact có thể làm được.

3. Hệ thống combat ăn đứt Genshin Impact

Lối chơi của game có phần nhỉnh hơn đàn anh Genshin Impact khi cải tiến nhịp độ combat lên nhanh nhất có thể. Đòi hỏi người chơi phải phối hợp nhịp nhàng giữa những đòn đánh thường, chiêu thức và thậm chí là cả kỹ năng di chuyển. Genshin Impact đã từng thể hiện tốt ngay khi mới ra mắt, tuy nhiên về lâu dài lối combat không có tính đột phá và đổi mới do đó mà đôi khi bạn sẽ cảm thấy game vẫn chậm chạp. Nhịp độ ra đòn nhanh và dứt khoát đôi khi khiến bạn sẽ nghĩ ngay tới hệ thống stylish combo trong Devil May Cry của ông lớn Capcom.
Tower of Fantasy
Lấy ví dụ bạn có thể chuyển đổi giữa vũ khí Cung và Thương ngay trong trận đấu bất kỳ lúc nào để nối đòn thành chuỗi combo, vừa có thể sử dụng kỹ năng né đòn đúng thời điểm để tạo ra hiệu ứng làm chậm thời gian (giống Witch Time trong Bayonetta) và gây combo liên tục để rồi kết liễu đối thủ bằng 1 chiêu thức dứt điểm nhảy bật cao lên trời và phóng cây thương sấm của bạn xuống kẻ địch. Nếu làm đúng và chuẩn, combo này của bạn thừa sức kết liễu một con mini-boss trong tích tắc, cảm giác từng chiêu thức tung ra hoàn toàn rất nhanh gọn và không kém phần đẹp mắt. Do đó mà các trận đánh trong game sẽ không gây nhàm chán mỗi khi người chơi chiến đấu, đây là điểm cộng vượt xa người đàn anh Genshin Impact.
Tower of Fantasy
Đó là toàn bộ những sự khác biệt mà chúng ta có thể thấy giữa 2 tựa game, nếu nói đạo nhái Genshin Impact thì chưa hẳn là đúng. Bởi vì tựa game này có nhiều thứ mới mẻ, thậm chí còn có phần làm tốt hơn Genshin Impact. Tuy nhiên, mỗi tựa game đều có điểm hay riêng biệt, dù bạn là fan của tựa game nào thì cũng hãy nên chơi tựa game còn lại với tâm thế cởi mở hơn đặc biệt là với tân binh Tower of Fantasy, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy trải nghiệm mà game đưa ra hoàn toàn xứng đáng.