Cách đây không lâu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên đưa chứng nghiện trò chơi điện tử vào danh sách các rối loạn tâm thần. Và mới đây, trong một thông báo mới nhất thì WHO đã chính thức xác nhận rằng nghiện game là một căn bệnh. Căn bệnh này được đặc trưng bởi việc game thủ tự ép mình chơi các trò chơi điện tử dẫn đến suy thoái về cuộc sống, bỏ bê các sở thích và hoạt động khác. Nghiện game chỉ được coi là rối loạn nếu nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân, gia đình, xã hội, giáo dục, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực khác trong ít nhất 12 tháng.
Các nghiên cứu cho thấy chứng rối loạn chơi game chỉ ảnh hưởng đến một tỷ lệ nhỏ dân số tham gia vào các hoạt động chơi game hoạt kỹ thuật số. Tuy nhiên “những người chơi game nên cảnh giác với lượng thời gian họ dành cho các hoạt động chơi game của mình. Đặc biệt là khi có những thay đổi về sức khỏe thể chất hoặc tâm lý và chức năng xã hội của họ.” Tổ chức này cho biết có thể liên quan đến kiểu hành vi chơi game của người chơi.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi gây nghiện và sự xuất hiện đồng thời của các tình trạng sức khỏe hoặc tâm thần khác, chứng nghiện game có thể được điều trị nội trú hoặc ngoại trú .
Một nghiên cứu của Frontiers in Psychology đã tìm thấy mối liên hệ vừa phải giữa việc nghiện trò chơi điện tử ảnh hưởng đến hoạt động tâm lý kém, nảy sinh tiêu cực trong các mối quan hệ tình cảm, lòng tự trọng thấp và thích cô đơn, cũng như kết quả học tập giảm sút.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng chơi game có thể giúp các cá nhân thoát khỏi những phức tạp trong cuộc sống hàng ngày và có thể dẫn đến ảnh hưởng tích cực khi chơi và cảm giác được kết nối với những người cùng chí hướng, tất cả đều là những yếu tố có giá trị củng cố ngay lập tức. “Tuy nhiên, về lâu dài, việc dành nhiều giờ mỗi ngày trước màn hình máy tính có thể ngăn cản một người phát triển về thể chất và tâm lý, tìm kiếm bạn bè và các mối quan hệ xã hội cũng như không thể có được thành tích học tập và làm việc tốt. Ngoài ra, nó cũng có thể bị ràng buộc với lối sống ít vận động, tránh phát triển bản thân, tăng cường gây gổ, bạo lực hoặc chấn thương tâm lý do căng thẳng.”