“Bình cũ – rượu mới” là công thức thành công của Bloodstained: Ritual of the Night - PC/Console

Dựa trên sườn các tựa game huyền thoại, Bloodstained: Ritual of the Night là điển hình của trường hợp “Bình cũ – rượu mới” thành công.

Những năm gần đây chúng ta đã thấy rất nhiều tựa game được remake hay thay đổi đáng kể lối chơi, nhằm mục đích chính là thu hút game thủ cũng như hồi sinh thời hoàng kim của mình. Trường hợp gần nhất chính là Bloodstained: Ritual of the Nightvừa phát hành hoặc Resident Evil 2 Remake, cũng như có thể kể thêm God of War trong năm ngoái.

Những tựa game này đều có điểm chung là phát triển dựa trên sườn những seri huyền thoại, nhưng đều gặp tình trạng như đang bị lãng quên, bị đánh giá thấp hoặc bị chửi như phỉ. Có điều mọi thứ đều có thể sửa được, nhất là khi bạn biết kết hợp giữa lối chơi cũ và mới.

Đánh giá Bloodstained: Ritual of the Night - Trở lại thời hoàng kim Castlevania
Bloodstained: Ritual of the Night là tất cả những gì mà một game thủ yêu mến Castlevania mong muốn, với các cải tiến đáng giá tới từng chi tiết nhỏ.

Có một điều quan trọng cần phải làm rõ, đó là mặc dù các nhà phát hành đều luôn miệng khẳng định họ muốn tựa game của mình sẽ nối tiếp truyền thống của các seri huyền thoại, nhưng trong thời điểm hiện tại thì điều đó sẽ là bất khả thi. Lấy ví dụ như Bloodstained: Ritual of the Night vừa ra mắt, mặc dù nó được phát triển dựa theo phong cách của Castlevania: Symphony of the Night nhưng lối chơi của nó đã được cải biên hẳn.

Điều dễ nhận thấy nhất là Bloodstained: Ritual of the Night có thời lượng ngắn hơn, các bí mật ẩn cũng dễ kiếm hơn và nhất là nhịp độ chiến đấu dễ làm quen hơn. Nếu vẫn giữ nguyên phong cách có phần “từ tốn” của các bản Castlevania truyền thống, thì tựa game này sẽ khó lòng thu hút những người chơi mới chưa từng tiếp cận với seri này. Chúng ta có thể thấy rõ việc hệ thống Shards và rèn đồ đã thay đổi Bloodstained: Ritual of the Night ra sao, nó khiến game được kéo dài theo kiểu “cày cuốc” – thứ dễ tiếp cận hơn rất nhiều thay vì phải chạy vòng vòng trên bản đồ tìm bí mật.

Bloodstained: Ritual of the Night chính là đại diện cho những tựa game kiểu “bình cũ rượu mới”, tức là vẫn dựa trên những seri huyền thoại nhưng được thay đổi lối chơi cho phù hợp thị hiếu. Tất nhiên thay đổi này vẫn phải bám sát phong cách cũ, chứ không phải xoáy một phát đi mất tiêu luôn thì nó lại là vấn đề khác.

“Bình cũ – rượu mới” - công thức thành công của Bloodstained: Ritual of the Night

Ngoài Bloodstained: Ritual of the Night ra thì Resident Evil 2 Remake cũng là điển hình cho công thức này, hãy nhớ lúc chuẩn bị ra mắt tựa game này đã bị nghi ngờ ra sao và nghi ngờ lại là một thứ gì đó để vắt sữa từ Capcom. Cuối cùng thì Resident Evil 2 Remake đạt được thành công rực rỡ, thậm chí còn được đánh giá là một trong những tựa game xuất sắc nhất seri, lý do của việc này rất dễ hiểu đó là Resident Evil 2 Remake đã mang lại về cái chất kinh dị chứ không còn là kiểu game “bắn súng đi càn” như các phiên bản 5 hay 6 nữa.

Những thứ mà Resident Evil 2 Remake đem trở lại thực ra cũng không phải cái gì đó quá ghê gớm, nó đơn giản chỉ là các góc quay góc kẹt, khung cảnh tối tăm và những con Zombie trâu chó đi cùng số lượng đạn ít ỏi. Tức là cái chất quen thuộc vẫn phải là “kinh dị” chứ không phải “hành động”, nó cho chúng ta thấy tuy mang mác Remake nhưng cuối cùng nó lại còn thành công ngang ngửa phần gốc vì đơn giản các fan cũ thấy nó quen thuộc.

Trường hợp của Resident Evil 2 Remake về cơ bản giống hệt như Bloodstained: Ritual of the Night, đó là cái khung sường cơ bản phải được giữ nguyên bất kể bạn muốn phát triển thứ gì. Thay đổi nó một chút và cái mác “phỏng theo seri huyền thoại” nào đó sẽ tan thành cám ngay lập tức, khi mà người chơi không nhận thấy sự quen thuộc thì họ sẽ quay lưng rất nhanh và cái game cũng bị đánh giá thấp thảm hại (Mighty No. 9 là ví dụ điển hình).

“Bình cũ – rượu mới” là công thức thành công của Bloodstained: Ritual of the Night

Một cách remake khác đó là thay đổi hoàn toàn cốt truyện trong khi vẫn giữ lại cốt lõi lối chơi, đó là trường hợp của phần mới nhất God of War. Với việc chấm dứt hành trình của Kratos ở Hi Lạp và mở ra một phần mới tại thần thoại Bắc Âu, seri này coi như đã hồi sinh toàn phần với cách tiếp cận khác hẳn so với những phiên bản cũ. Cải tiến cốt truyện là một thứ khá hay ho để hướng tới việc thu hút thêm nhiều fan, nhất là khi bạn chuyển hẳn một nhân vật từ bạo lực như đồ tể thành ông bố có trách nhiệm với gia đình.

Bloodstained: Ritual of the Night khéo léo kết hợp những thứ này mỗi cái một chút, đó là để màn chơi theo phong cách Castlevania nhưng thêm thắt các yếu tố nhập vai cùng cày cuốc vào, tiếp đó tạo dựng thêm rất nhiều yếu tố ẩn có liên quan tới Symphony of the Night để những fan cũ cảm thấy quen thuộc. Như vậy nó đảm bảo 2 yếu tố là chiều lòng các game thủ trung thành, nhưng vẫn thu hút được một số lượng người chơi mới vào mà không sợ bỡ ngỡ.

Tất nhiên đổi mới và biết lắng nghe đóng góp của game thủ cũng là yếu tố rất quan trọng, Bloodstained: Ritual of the Night cũng từng bị chửi như đúng rồi trong giai đoạn phát triển, nhất là khi tung các đoạn trailer bị đánh giá là xấu thảm hại thời kỳ đầu tiên. Resident Evil 2 Remake sẽ không thể thành công tới vậy nếu Capcom không kiên trì giữ lại kiểu bắn súng tự do, thay đổi là một chuyện nhưng bạn phải có lòng tin với những thứ mình tạo ra nữa.

“Bình cũ – rượu mới” - công thức thành công của Bloodstained: Ritual of the Night

Trong thời đại mà những bom tấn lớn liên tục ra mắt, thì việc tự đổi mới và biết dựa vào nền tảng có sẵn là một điều cơ bản mà các nhà phát hành phải làm nếu muốn tồn tại. Chúng ta không còn thấy lạ khi những ông lớn liên tục remake lại các tựa game nổi tiếng của họ, bằng cách này hay cách khác để níu giữ những fan trung thành. Trường hợp của Bloodstained: Ritual of the Night là ví dụ điển hình của việc bạn dung hòa các yếu tố cũ và mới, cũng như biết chiều lòng và lắng nghe fan.