The Legend of Zelda: The Wind Waker
Sau những thành công to lớn của Ocarina of Time và Major’s Mask, các fan của The Legend of Zelda rất trông chờ tựa game tiếp theo. Nhưng khi Nintendo công bố The Wind Waker cho Gamecube, phản ứng của các fan khá là trái chiều. Phong cách đồ họa cel-shaded khác xa với các phần game khác và phần lớn các fan tỏ ra khá thất vọng.
Sự nghi ngờ dành cho The Wind Waker cứ kéo dài, đến tận khi game ra mắt và ảnh hưởng phần nào đến việc phát hành game. Mặc dù nhận được khá nhiều lời đánh giá tích cực, doanh số của The Wind Waker kém xa các phần game trước. Tuy nhiên, qua thời gian, The Wind Waker dần được các fan chấp nhận và họ bắt đầu nhận ra những giá trị của game. Hóa ra The Wind Waker không chỉ là một trong những game Zelda hay nhất, mà nó còn là một trong những game Nintendo hay nhất!
Hitman (2016)
Đối với các fan của Hitman, mọi niềm tin vào sát thủ với mật danh 47 gần như đã tan biến sau phiên bản Hitman: Absolution. Các fan vẫn luôn coi Hitman: Blood Money ra mắt năm 2006 là phiên bản xuất sắc nhất và Hitman: Absolution đã đánh mất cái chất của dòng game. Và khi Hitman 2016 được công bố, không nhiều người tin tưởng vào thành công của game, thêm việc game sẽ phát hành theo từng tập cũng không thật sự được lòng các fan.
Sau khi tập đầu tiên được ra mắt, những lời đánh giá tích cực đã tăng lên, nhưng nghi ngờ của các fan vẫn còn đó. Nhưng khi tập thứ hai, Sapienza được ra mắt, người chơi đã bắt đầu nhận ra tiềm năng của game. Mỗi level của game là một màn chơi với kích cỡ lớn với vô số hoạt động có thể làm và rất nhiều phương án hoàn thành nhiệm vụ có thể được game thủ lựa chọn. Và khi những tập tiếp theo được ra mắt, mọi người cuối cùng đã thấy được sự xuất sắc và sáng tạo của Hitman 2016.
Metroid Prime
Khi một hậu bản của một series nổi tiếng và được yêu thích quyết định thay đổi phong cách và lối chơi, thường sẽ kéo theo nghi ngờ và lo lắng hơn là đón nhận nồng nhiệt. Metroid Prime, tựa game dành cho Gamecube ra mắt năm 2002 cũng chịu số phận như vậy. Từ một series game side-scrolling chuyển thành một game bắn súng FPS xem ra là một sự thay đổi theo xu hướng và nó khiến các fan của Metroid lo lắng. Tuy nhiên, nhà phát triển của Metroid Prime – Retro Studios đã không khiến các fan thất vọng khi Metroid Prime là một game FPS xuất sắc với một thế giới nhiều bí ẩn để khám phá, những màn đấu trùm hoành tráng cũng như đem đến không khí đặc trưng của series. Phần giải đố trong game cũng rất xuất sắc và kẻ địch trong game đủ thử thách và độ đa dạng trong mỗi khu vực.
Final Fantasy XV
Final Fantasy XV gặp rất nhiều trục trặc trong quá trình phát triển, hoãn ngày ra mắt – ban đầu FFXV được dự kiến ra mắt cho PS3 năm 2006, thay đổi đạo diễn khi Tetsuya Nomura rời khỏi dự án năm 2014 để tập trung phát triển Kingdom Hearts 3 và thay cho ông là Hajime Tabata. Và quan trọng nhất, ban đầu tựa game dự kiến là một phần game lấy chung thế giới của Final Fantasy XIII với tên ban đầu là Final Fantasy Versus XIII nhưng cuối cùng lại quyết định trở thành phần game chính và xây dựng thế giới của riêng mình. Thay đổi hoàn toàn cơ chế gameplay cũng là một lý do cho sự chậm trễ. Bao nhiêu vấn đề đã kéo theo là Final Fantasy XV mất đến 10 năm để phát triển.
Và rồi khi ra mắt năm 2016 cho PS4, vượt qua bao sự nghi ngờ, FFXV nhận được vô số lời đánh giá tích cực về cốt truyện, đồ họa, thế giới của game cũng như hệ thống chiến đấu thời gian thực đã đem lại sự mới mẻ cho game. Phiên bản PC ra mắt 2 năm sau đó thậm chí còn làm game trông đẹp và tốt hơn. Final Fantasy XV có thể không có gameplay theo lượt quen thuộc, nhưng nó vẫn đem lại một cảm giác quen thuộc với cả các fan lâu năm lần người mới chơi. Không chỉ vượt mọi kỳ vọng, FFXV còn là một trong những trải nghiệm đáng giá nhất những năm gần đây.
The Last Guardian
Giữa quá trình phát triển của The Last Guardian, cha đẻ của game – Fumito Ueda quyết định rời Sony và đó không phải một dấu hiệu tốt, dù Ueda vẫn đồng ý tiếp tục tư vấn cho quá trình phát triển game. The Last Guardian cũng chịu chung số phận bị trì hoãn bởi nhiều lý do, đầu tiên game được dự kiến ra mắt cho PS3 năm 2009, rồi sau đó quyết định chuyển lên PS4 để có được nền tảng đồ họa tốt hơn. Thường những game bị trì hoãn không có được thành công tốt, nhưng The Last Guardian là một trong số ít game vượt qua được khó khăn và tỏa sáng.
Khi được ra mắt năm 2016, The Last Guardian nhanh chóng nhận được vô số lời khen ngợi và điểm số cao chót vót. Chuyến phiêu lưu với sinh vật khổng lồ Trico là một trải nghiệm vô cùng khó quên với bất cứ ai đã chơi The Last Guardian. Và hơn thế nữa, game đem lại những cảm giác cực kỳ thân thuộc đến từ ICO và Shadow of the Colossus, những người đàn anh xuất sắc cùng chung nhà phát triển.
Wolfenstein: The New Order
Wolfenstein, ông tổ của game FPS là một series rất được yêu thích. Tuy nhiên, sau khi phiên bản Wolfenstein 2009 nhận được nhiều ý kiến tiêu cực cũng như doanh số ảm đạm, không nhiều người kỳ vọng vào Wolfenstein: The New Order lắm. Vì vậy, nhà phát triển của game – Machine Games quyết định thay đổi bối cảnh và câu chuyện, game sẽ lấy bối cảnh những năm 1960 ở Mỹ dưới sự cai trị của phát xít Đức, nghĩa là game sẽ là một bản reboot chứ không phải một sequel
Tuy nhận được nhiều nghi ngờ, game cũng nhận được các phản hồi tích cực sau khi trailer đầu tiên ra mắt. Và khi game chính thức ra lò, tất cả nhanh chóng bị tựa game gây ấn tượng mạnh mẽ. Gameplay đậm chất cổ điển của Wolfenstein, bắn và bắn, nhanh mạnh không rườm rà, cốt truyện thú vị với bối cảnh lịch sử giả tưởng. Wolfenstein: The New Order có một màn chơi đơn quá xuất sắc và là minh chứng cho việc một game bắn súng cổ điển vẫn có thể mới mẻ và thú vị đến thế nào.
Sonic Mania
Trong nhiều năm, các tựa game Sonic đã phải vất vả theo đuổi và tìm kiếm sự thành công khi phải ở dưới cái bóng quá lớn của những game Sonic cổ điển. Cho dù có đầu tư nhiều vào cốt truyện hay tập trung vào tốc độ cao của Sonic thay vì tập trung thiết kế level, các game Sonic mới vẫn không đem lại được sự thành công hay cảm giác của những game Sonic cổ điển.
Và mọi thứ đã thay đổi khi Sonic Mania được ra mắt, tựa game đã đem lại chính xác những gì mọi người đã từng thích và yêu mến ở những game Sonic cổ điển. Tất cả mọi thứ, từ đồ họa, âm nhạc, thiết kế trong level đều đem lại cảm giác thân quen. Tuy nhiên, Sonic Mania không chỉ có những cái cũ, mà còn sáng tạo những cái mới trong thiết kế từng level. Sonic Mania là một game được thiết kế rất thông minh và ấn tượng, và nhiều người cho rằng Sonic Mania không chỉ là một trong những game Sonic hay nhất, mà còn là một trong những game platform hay nhất.
Sleeping Dogs
Vấn đề mà Sleeping Dogs gặp phải cũng là về khó khăn trong quá trình phát triển. Được bắt đầu phát triển từ năm 2008, ban đầu có tên là True Crime: Hong Kong và có bối cảnh tăm tối, đề tài tội phạm như những bộ phim tội phạm trên HBO. Nhưng quá trình phát triển gặp khó khăn dẫn đến việc game bị trì hoãn nhiều lần. Hơn nữa, việc có phong cách tương tự với Grand Theft Auto và Red Dead Redemption cũng tạo sự nghi ngờ: liệu game có tạo được chất riêng hay chỉ là một bản sao kém chất lượng của hai tựa game trên?
Sau nhiều lần trì hoãn, thậm chí hủy lịch phát hành cũ năm 2011, cuối cùng game ra mắt vào năm 2012 với cái tên Sleeping Dogs. Game nhận được nhiều đánh giá tích cực và điểm số cao, đa phần người chơi rất ấn tượng với Hong Kong trong game, phong cách chiến đấu đậm chất Trung Hoa, hệ thống nhiệm vụ thú vị và hấp dẫn. Mặc dù doanh số không được như kỳ vọng, chất lượng của Sleeping Dogs vẫn rất tốt và là một game thế giới mở đáng chơi.