Áo cưới giấy hợp tác với Hoa Diệc Sơn Tâm Chi Nguyệt: Game cho nữ giới lên ngôi?

Mới đây nhất, nhà HeartBeat Plus đã hợp tác với một tựa game mobile dành cho nữ giới trong sự kiện lấy chủ đề “Âm Dương Hợp Hoan”. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu những hình ảnh trong trailer event không quá “hot”, trailer đã dấy nên một câu hỏi, liệu “NPH game mobile có đang thiên vị nữ giới hay không?”. Hãy cùng nhà Mọt tìm hiểu nhé.

Nếu là fan của tựa game Áo Cưới giấy và thường xuyên cập nhật tin tức trên trang weibo của nhà phát hành, bạn chắc hẳn sẽ biết, ngoài phần 5 vừa ra mắt ngày 21 tháng 7, Áo Cưới Giấy còn hợp tác với một tựa game khác mang tên Hoa Diệc Sơn Tâm Chi Nguyệt trong thời gian gần đây.

Nói qua một chút thì Hoa Diệc Sơn Tâm Chi Nguyệt là một tựa game RPG hướng nữ trên thiết bị di động, nhấn mạnh là hướng nữ, không phải otome, do Nurverse Games phát hành vào ngày 26 tháng 11 năm 2021. Câu chuyện trong game xoay quanh nhân vật chính là thiếu chủ nhà họ Hoa và hành trình mang theo Hoa Chiếu Lục truyền thừa nhiều đời đến thư viện Minh Ung nhập học, bước lên con đường chấn hưng gia tộc, đồng thời vén lên bức màn bí ẩn về những cuộc đấu đá của thiên hạ.

Trong thời gian học tập ở Minh Ung, thiếu chủ nhà họ Hoa sẽ được tiếp xúc với các nhân vật khác trong trò chơi được gọi là danh sĩ, mà tiêu biểu phải kể đến 5 nhân vật chính là Quý Nguyên Khải - gia chủ nhà họ Quý, tư giám của thư viện Minh Ung - Ngọc Trạch, thủ phụ nội các Lăng Yến Như, Thần thân vương - Tuyên Vọng Quân và hội trưởng thương hội Đồng Văn - Văn Tư Hựu.

Đây không chỉ là các nhân vật đóng vai trò lớn trong cốt truyện của Hoa Diệc Sơn Tâm Chi Nguyệt, mà còn là những nhân vật góp mặt sự kiện hợp tác “Âm Dương Hợp Hoan” của hai nhà Nurverse và HeartBeat Plus. Sự hợp tác này phải nói là hiếm thấy, vì với kinh nghiệm đu game mobile Trung kỳ cựu của tôi, thì gần như chưa có trường hợp nào game online hợp tác với game offline giải đố như thế.

Thiết kế chưa có tên (13).jpg

Đa phần các tựa game online bên xứ gấu trúc thường hợp tác theo hai dạng. Dạng đầu tiên là hợp tác online theo hình thức mở bán các trang phục chủ đề sự kiện, hoặc tổ chức các hoạt động trong game theo chủ đề hợp tác. Đối tượng chính của dạng hợp tác này thường là các bộ phim, tựa game nhập vai online, đôi lúc có thể là các nhãn hàng thời trang nổi tiếng. Và với xu hướng cố gắng làm hài lòng phía kiểm duyệt thì đôi lúc, những nhà phát hành game xứ gấu còn xây dựng cả chủ đề lịch sử, phỏng theo các di tích hoặc di sản văn hóa được nhà nước cấp phép.

Tóm gọn lại là ở dạng hợp tác đầu tiên, nhà làm game sẽ trả tiền cho bên hợp tác để mua thương hiệu, và đưa thương hiệu đó vào game để bào tiền của game thủ. Còn dạng hợp tác thứ hai thì ngược lại.

Dạng này là kiểu hợp tác offline, các nhà làm game sẽ bắt tay với những công ty sản xuất thương hiệu để tổ chức các buổi offline quy mô lớn nhỏ khác nhau, mở nhà hàng, quán cafe, cho ra các sản phẩm như nước uống, bánh snack, hoặc cũng có thể là xe hơi, váy cưới, nhẫn, nói chung là chỉ cần bạn dám nghĩ, nhà làm game dám làm. Về cơ bản thì ở dạng này, họ sẽ bán thương hiệu, hoặc kích cầu giúp phía nhà sản xuất, doanh thu thu về được phía sản xuất chiếm phần lớn.

Và như các bạn thấy thì Nurverse Games và HeartBeat Plus hợp tác theo diện đầu tiên. 5 nhân vật chính xuất hiện trong event này với dạng thẻ UR, mang màu sắc đặc trưng, ma mị của Áo Cưới Giấy với chủ đề minh hôn, hoa bỉ ngạn và cánh bướm. Thậm chí nếu là fan kỳ cựu của dòng game, chỉ cần xem thử PV bạn cũng sẽ nghe thấy những âm thanh vô cùng quen thuộc từng xuất hiện trong các phần game trước series.

Thiết kế chưa có tên (14).jpg

Nhưng, tại sao một game online RPG lại quyết định collab với một game giải đố? À thì… cái này tôi cũng chẳng hiểu staff bên nhà Hoa Diệc Sơn Tâm Chi Nguyệt nghĩ gì. Nói chung nhà phát hành của con game này nó lạ lắm. Cơ mà, với một con game đang khá nổi trội bên xứ gấu trúc như Áo Cưới Giấy, thì việc hợp tác như thế cũng dễ hiểu thôi, đấy là còn chưa nói đến, chủ đề của hai game cũng có sự tương đồng, nên có hợp tác cũng không làm người ta thấy cấn.

Game hướng nữ hot ra sao?

Và nếu đã tình cờ xem thử PV của event Âm Dương Hợp Hoan thì chắc bạn sẽ để ý đến sự cực hở của chiếc video này. Dù game được setting dành cho lứa tuổi 17+ thật đấy, nhưng tôi vẫn khá là bất ngờ khi Nurverse dám đi một nước táo bạo như thế. Vì bạn biết đấy, việc thiết kế một nhân vật quá sexy hoặc nóng bỏng thường bị quy là fanservice quá đà, dễ gây nhiều tranh cãi.

Tiêu biểu ta có câu chuyện về tạo hình của nhân vật Shenhe trong Genshin Impact. Tạo hình ban đầu của Shenhe được đánh giá là quá hở, quá sexy, thậm chí là “phản cảm”. Michos đã phải lập tức đổi bản thiết kế của cô nàng chỉ sau vài ngày. Nhưng, nếu đó là một nhân vật nam thì câu chuyện lại khác và dễ thở hơn nhiều.

Đương nhiên đó là ví dụ cho dễ hình dung, chứ là tôi không đánh đồng tất cả, vì rõ ràng, Genshin được xếp vào hàng game cho lứa tuổi từ 12 trở lên, còn Hoa Nguyệt thì trên 17 tuổi. Về cảnh báo độ tuổi đã khác thì không thể nào ta đem hai tựa game này ra so sánh với nhau được.

Thiết kế chưa có tên (15).jpg

Nhưng, bạn có công nhận với tôi rằng, hầu hết các game dành cho lứa tuổi trưởng thành trên di động thường hướng về đối tượng nữ giới hơn là nam giới không?

Không tính các game offline, đếm thử những game online nổi tiếng, hoặc đáng chơi trên thiết bị di động, ta sẽ có Genshin Impact, PUBG, Honkai Star Rail, Onmyoji, các dạng game MOBA như Liên Quân, Tốc Chiến, Arknights, Fate Grand Order, Goddess of Victory là những cái tên có lượng người chơi nam đông đảo. Tuy nhiên, xét về mặt khách quan thì các tựa game này hướng tới cả hai phổ đối tượng là nam lẫn nữ, chứ không chỉ riêng nam giới, và hầu hết những game này đều được gắn cảnh báo độ tuổi từ 12 cộng trở lên

Đương nhiên, nếu là người chơi hệ web DMM thì chắc bạn sẽ biết về các tựa game online 18+ không che như Flower Knight Girl. Nhưng nó không nổi trong cộng đồng game thủ Việt như những tựa game tôi vừa kể trên nên thôi bỏ qua. Các tình tiết được xem là “hở” hoặc “fanservice” của các nhân vât trên game mobile thường chỉ dừng ở mức lộ ngực, đùi hoặc một tí ti pantsu, chung quy vẫn dừng ở mức chấp nhận được.

Nhưng, game cho phái nữ trên thiết bị di động lại là một phạm trù hoàn toàn khác.

Có một list dài các cái tên tôi cần liệt kê, nhưng để gói gọn, tôi nghĩ chúng ta chỉ nên nêu những cái tên tiêu biểu trên thị trường gấu trúc - nơi đang nắm phần lớn những game mobile nổi tiếng. Cái tên đầu tiên là Life Makeover, một tựa game được gắn mác hướng nữ, dù không sở hữu nhiều yếu tố chếch chi hay chiến đấu cao độ, nhưng Life Makeover là một con chiến mã với doanh số khủng.

Thiết kế chưa có tên (16).jpg

Bằng chứng là chỉ tính nửa đầu tháng 7 năm nay, tựa game này đã thu về 1052,45 vạn tệ, khoảng 34 tỷ tiền Việt nếu tôi tính không nhầm, đạt top 8 bảng doanh thu game 2D trên thị trường Trung Quốc. Những cái tên khác cũng khá nổi tiếng trong dòng game hướng nữ phải kể đến Tear of Themis của Mihoyo đạt top 7 doanh số, Love and Producer, For All Time và Quang Dữ Dạ Chi Luyến cùng xếp top 14, 13 và 12. Nếu để ý ta sẽ thấy, độ tuổi khuyến cáo của những tựa game này đều từ 16 tuổi trở lên, khác hẳn với những game nổi tiếng cho nam tôi liệt kê ở trên.

Và nếu bỏ qua những tựa game “kích nạp” thì trong bản danh sách, ta sẽ thấy các game hướng nữ dù doanh số không vượt bậc như game có lượng người chơi nam lớn, nhưng nó đều ở mức khá cao và ổn định, cũng chiếm phần lớn bảng top doanh thu hàng tháng của các tựa game trên nền tảng di động.

Đấy là chưa nói đến, trong danh sách các game mobile sẽ ra mắt vào cuối năm nay, tôi thấy phần lớn đều là game hướng nữ và đương nhiên độ tuổi giới hạn của chúng cũng từ 16 17 trở lên. Trong khi đó, các game hướng đến thị trường nam giới lại có giới hạn độ tuổi thấp hơn và ít nổi bật hơn, nguyên nhân là do đâu?

Tại sao game hướng nữ lại hot?

Đầu tiên là về nhu cầu thị trường giữa nam và nữ khác nhau. Với cánh mày râu, đa phần chúng ta thường có xu hướng tập trung vào thị trường game PC, thích build những con máy khủng và tận hưởng thế giới mở đầy màu sắc với đồ họa 3D mãn nhãn hơn là các game sở hữu đồ họa 2D và 2.5D trên thiết bị di động.

Thiết kế chưa có tên (17).jpg

Chính vì lẽ đó, yêu cầu của chúng ta đối với game trên nền tảng mobile sẽ khá cao và khó đáp ứng hơn phái nữ. Vì máu chiến trong người nên cánh đàn ông thường thích những game combat căng não, yêu cầu thao tác tay nhanh. Chúng ta tập trung vào trải nghiệm gameplay cũng như đồ họa hơn là cốt truyện game, vì khai thật đi, chơi game mobile kiểu gì mấy ông chả toàn ấn skip cốt truyện, đúng không?

Mà nhu cầu chơi game của phái nữ thì hoàn toàn ngược lại. Đa phần phái nữ không hay tìm hiểu sâu về công nghệ, nên đối với họ, một thứ nhỏ gọn, tiện lợi như điện thoại là phương tiện chơi game tốt hơn nhiều so với máy tính. Và vì não bộ giữa nam và nữ có sự khác nhau, cái này theo khoa học chứ không phải tôi phân biệt nhé, nên khả năng phản xạ và thao tác trong game của nữ thường không bằng nam giới.

Đấy là chưa kể đến, phái nữ thường chơi game để giải trí chứ không có mục đích hơn thua như cánh mày râu, họ không có nhu cầu nghe đồng đội giao hợp mẫu thân nhau hay chửi như hát. Nên thay vì chọn các game yêu cầu phản xạ nhanh, độ khó cao, họ thường có xu hướng nhắm đến những game gacha sưu tầm, gameplay đơn giản, nhẹ nhàng và có tính giải trí cao.

Và con gái thường sẽ chọn game trên 3 tiêu chí, đầu tiên là đồ họa đẹp, đa phần con gái thích đồ họa 2D hơn là 3D, thứ hai là cốt truyện hay, và thứ ba là gameplay đơn giản, dễ treo máy. Nếu để ý, thì gần như các game được xếp vào thể loại game hướng nữ và otome đều hội tụ cả ba yếu tố này.

Thiết kế chưa có tên (18).jpg

Trong đó, yếu tố cốt truyện và đồ họa chiếm vai trò quan trọng nhất, vì nó giúp vớt lại phần gameplay có phần đơn điệu. Theo thống kê từ một nguồn không chính thống nhưng đáng tin cậy, đa phần game thủ nữ ít skip cốt truyện hơn là game thủ nam. Các game thuộc thể loại visual novel với cốt truyện được đầu tư cũng được phái nữ ủng hộ nhiều hơn. Vì bạn biết đấy, đa phần con gái đều thích đọc sách, đặc biệt là tiểu thuyết, mà chơi game cốt truyện thì cũng giống đọc một quyển tiểu thuyết nhưng mình là nhân vật chính vậy

Nếu đặt lên bàn cân so sánh, bạn cảm thấy giữa việc đầu tư cho gameplay và đồ họa 3D với đầu tư cho cốt truyện và đồ họa 2D, cái nào ít tốn chi phí hơn? Với tôi thì là vế sau, vì rõ ràng, nhà làm game sẽ phải chi số tiền ít hơn hẳn, đó là một phần dẫn đến việc, tại sao dạo gần đây game cho phái nữ xuất hiện nhiều hơn cho nam giới.

Đương nhiên là đến đây có bạn sẽ phản bác rằng, dù giảm chi, nhưng chắc gì đã tăng thu. Thật ra đó là quan niệm khá sai lầm, hoặc đấy là bạn chưa có bồ nên không biết các chị, các cô chịu chi đến mức nào. Bạn nghĩ tiền mua mỹ phẩm, trang sức, quần áo của con gái một tháng khoảng bao nhiêu? Bèo bèo thì vài trăm, mà sang thì vài chục củ cũng có. Nên không phải phụ nữ chi tiền ít hơn đàn ông, ngược lại, họ cực kỳ chịu chơi và sẵn sàng chi mạnh tay nếu thích, nhưng vấn đề là, game có đủ sức hấp dẫn để bào ví của họ hay không.

Và với những anh em lương tháng nào cũng đưa vợ giữ thì chắc bạn biết chuyện moi tiền từ tay chị em nó khó thế nào rồi đấy. Thật ra chị em cũng dễ hiểu rồi, cốt truyện hay, đồ họa đẹp là yếu tố quan trọng. Trong 36 kế của binh pháp Tôn Tử có “Mỹ nhân kế”, thì giờ để moi tiền từ túi chị em, các nhà phát hành game đã quyết định áp dụng triệt để “mỹ nam kế”, tăng nhan sắc, giảm vải của nhân vật, bổ sung thêm lời thoại mùi mẫn. Vậy là tiền sẽ dễ dàng vào túi nhà làm game.

Thiết kế chưa có tên (19).jpg

Đương nhiên nói thì đơn giản, chứ làm thì khó. Bởi vì anh em biết tính của các chị em rồi, sáng nắng chiều mưa, tối lai rai, khuya lất phất mà 2 giờ sáng thì bão số 1 đổ bộ biển Đông, không có dễ chiều chút nào đâu nhá.

Như tôi đã nói, game cho phái nữ chú trọng cốt truyện và đồ họa hơn là gameplay, nên yêu cầu của chị em đối với cốt truyện rất cao, nhất là khi họ đã kinh qua quá nhiều tiểu thuyết tình cảm. Bạn nghĩ chỉ cần nhét trai đẹp vào là đủ rồi ư? Nô nô nô, trai đẹp mà cốt truyện mất não thì cũng chẳng khác gì bình bông di động, được mỗi cái mã ngoài. Để các chị em chịu xì tiền ra thì nhà phát hành phải vắt não để làm ra một cốt truyện hay, có điểm nhấn riêng, và các nhân vật cũng phải có nét đặc trưng để các chị em nhận bias, husbando, nếu không thì chẳng có chuyện họ chịu chi tiền đâu.

Nghe khó là thế, nhưng nếu đặt lên bàn cân trong bài toán kinh tế, thì việc làm ra một cốt truyện hay với đồ họa 2D đẹp mắt, nó vẫn lời hơn là tạo ra 1 gameplay hấp dẫn, đồ họa 3D đỉnh cao. Phí tổn thấp, tiền lời cao, dễ nổi, dễ bán thêm những sản phẩm ngoài lề, những lý do này đã khiến các nhà làm game trên thị trường mobile quyết định đầu tư vào hạng mục game cho nữ. Tiêu biểu ta có các cái tên nổi trội trong làng game như Tencent, Netease, Mihoyo, đều đang đổ tiên đều đặn vào thị trường này và thu về lượng doanh thu hết sức khả quan.

Lại nói, chuyện muôn thuở ai cũng biết là con người ta thích cái đẹp, thích hở bạo. Ước tính, những banner hở bạo, mùi mẫn doanh thu lúc nào cũng sẽ cao hơn các banner che chắn bình thường. Và việc cho nam phanh ngực, lộ múi thì kiểu gì nó cũng dễ lách kiểm duyệt hơn là nữ. Tôi biết các anh em cũng muốn đứng lên đòi quyền bình đẳng lắm, nhưng chịu thôi, ai bảo nhân vật nữ cần che trên lẫn dưới, còn nhân vật nam chỉ cần che mỗi chỗ hiểm làm gì.

Thiết kế chưa có tên (20).jpg

Mà, game mà có nhân vật nam hở thì chắc gì cánh mày râu đã chịu xì tiền, nên còn chẳng bằng làm hẳn game otome, đánh thẳng vào thị trường nữ giới, chẳng phải hợp lý hơn sao? Các nhà làm game nắm bắt được điều đó, nên có thể hở thì hở, để lách kiểm duyệt thì nâng cảnh báo độ tuổi lên cao, sau đó chơi xả láng. 

Đó là lí do mà hầu hết game cho nữ giới đều có rating cao, thậm chí còn có vài con game hot rating 18+ sắp ra mắt cho nữ trong năm nay nữa, còn anh em chúng ta thì… thôi. Tôi nghĩ đây là một đặc quyền của cánh chị em rồi, ta chẳng tranh lại đâu.

Nên tóm gọn lại là, chẳng phải tự nhiên mà dạo gần đây game dành cho nữ đang lên ngôi, và cũng chẳng phải tự nhiên nó lại hở một cách lộ liễu như thế. Dù trước mắt, game mobile cho nữ chưa thể đọ lại những gã khổng lồ trong làng game, nhưng nó đã có một chỗ đứng riêng với lượng doanh thu ổn định, có tiềm năng phát triển lâu dài, và ngày càng được chú ý theo thời gian. Nên thật ra, chẳng phải nhà phát hành thị trường di động thiên vị phái nữ đâu, đó chỉ là một bài toán kinh tế bình thường, chỗ nào có tiềm năng ta khai thác chỗ đó thôi. Có lời là được, quan trọng nam nữ làm gì.

Và đó là tất cả những gì tôi muốn nói về xu hướng làm game mobile cho nữ của xứ gấu trúc trong năm nay. Các thống kê được tôi tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, còn lập luận giả thuyết thì theo đánh giá chủ quan của tôi, vì vậy nó có thể đúng, mà cũng không đúng hoàn toàn. Nên hoan hỉ hoan hỉ nhé. Mọt tôi sẽ rất vui khi được nghe thêm những suy nghĩ của các bạn về vấn đề này đấy.

Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết về game nhé~