Mass Effect 3 và sự ra đi của những công thần
Ngày 06/03/2012, chương cuối trong cuộc phiêu lưu của Commander Shepard chính thức ra mắt người hâm mộ trên Microsoft Windows, Xbox 360 và Playstation 3. Khỏi phải nói tựa game được kì vọng như thế nào sau một Mass Effect 2 gần như hoàn hảo trên mọi phương diện. Những số điểm cao chót vót từ các bài đánh giá sớm chỉ làm tăng thêm sự háo hức của game thủ toàn thế giới. Và con số 890 nghìn bản bán ra trong 24 giờ đầu tiên là ước mơ của mọi tựa game, nhưng khi người ta bắt đầu xoáy sâu vào Mass Effect 3, một vấn đề không hề nhỏ nổi lên.
Kết thúc của tựa game, hay của cả series này, chỉ bao gồm ba lựa chọn. Và đó chính xác là những gì bạn có thể tưởng tượng ra. Năm năm trời đầu tư thời gian và tâm trí vào nhân vật, trang bị và các quyết định để rồi Mass Effect 3 quăng tất cả mọi thứ ra ngoài cửa sổ, thay thế bằng ba cái kết có thể miêu tả đơn giản bằng hai từ ‘lười biếng’. Game thủ thất vọng. Và họ bắt đầu chỉ trích. Có người còn lôi BioWare và Mass Effect 3 ra tòa về tội lừa đảo.
BioWare nhận thức được rằng người chơi đang thất vọng. Nhưng tất cả những gì họ có thể làm là cho ra mắt một DLC miễn phí mang tên Extended Cut với mục đích giải thích rõ ràng hơn ba cái kết gây tranh cãi kia. Nhưng sự đã rồi và game thủ không hẳn là những con người dễ quên. Và dù rằng về tổng thể Mass Effect 3 và những bản mở rộng của nó, đặc biệt là Citadel là những sản phẩm hay, nhưng người ta đã bắt đầu chú ý hơn đến cái cách mà EA điều hành BioWare. Nhất là khi một game thủ phát hiện ra rằng một phần nội dung của Mass Effect 3 đã bị cắt đi để rồi phát hành lại với tư cách là DLC nhằm hút máu game thủ.
Tin xấu tiếp tục đeo bám BioWare. Ngày 18/09/2012, chỉ sáu tháng sau ngày ra mắt của Mass Effect 3, Ray Muzyka và Greg Zeschuk – hai nhà sáng lập BioWare, tuyên bố sẽ nghỉ hưu khỏi ngành công nghiệp game. BioWare như rắn mất đầu trong một năm kế tiếp, cái khoảng thời gian khi mà mọi người đã gần như mất niềm tin vào nhà phát triển Canada.
Khi Dragon Age trỗi dậy và Mass Effect chạm đáy
Dragon Age: Inquisition (2014) đơn giản là một tựa game hay. Học tập được những ưu điểm và sai lầm của hai phần game đi trước, Inquisition là một cú chuyển mình ngoạn mục của BioWare. Trò chơi nhận được hơn 150 các giải thưởng danh giá bao gồm nhiều giải Game của năm cùng với mà ra mắt thành công nhất trong lịch sử của BioWare ở thời điểm đó. Inquisition là khi BioWare lấy laị được lòng tin nơi game thủ với gameplay nhập vai hiện đại, cốt truyện hấp dẫn và đồ họa tuyệt đẹp dựng trên Frostbite 3 của DICE. Inquisition cũng là kẻ tiên phong cho làn sóng những game nhập vai chất lượng giữa thập kỉ này như The Witcher 3: Wild Hunt hoặc Fallout 4.
Và rồi Mass Effect: Andromeda đến.
Một phần spin-off kể về một thiên hà khác của series nổi tiếng là ý tưởng hay không chỉ trên giấy tờ. Nhưng ý tưởng là một chuyện, và xử lí ý tưởng đó là chuyện khác. Mass Effect: Andromeda cất tiếng khóc chào đời vào ngày 21/03/2017 trên ba hệ máy Xbox One, Playstation 4 và Microsoft Windows, và ngay lập tức game thủ đã biết là có chuyện gì đó không ổn.
Andromeda không phải là một tựa game hay; nó có trong mình nhiều yếu tố hơn đứt người tiền nhiệm như đồ họa hay cơ chế combat, nhưng đồng thời là hàng tá những lỗi thiết kế sai lầm và ngớ ngẩn. Gameplay lặp lại nhàm chán, biểu cảm gương mặt nhân vật tệ hại cùng hàng đống bug và glitch khiến cho Andromeda gặp rất nhiều chỉ trích. Cả thế giới trông đợi màn tái xuất hoành tráng của Mass Effect và tất cả những gì họ nhận được là một sản phẩm tầm trung.
Lỗi lầm một lần nữa thuộc về BioWare và EA. Thời gian phát triển kéo dài đến năm năm, số tiền đầu tư 100 triệu đô cùng đội ngũ hơn 200 người, Andromeda có thể đã là một thứ gì đó khác. Nhưng những vấn đề nội bộ của BioWare như việc người cũ rời đi, người mới thêm vào, môi trường làm việc không tương thích hoặc công ty mẹ EA thúc ép ngày phát hành chỉ là một phần rất nhỏ trong quá trình phát triển đầy gian truân của Mass Effect: Andromeda.
Andromeda là một cú ngã đau đến nỗi BioWare thông báo rằng sẽ tạm hoãn mọi kế hoạch liên quan đến thương hiệu Mass Effect. Họ nhận về rất nhiều chỉ trích, nhưng đa phần biết rằng EA mới là kẻ đáng trách hơn.
EA không hẳn là một công ty nổi tiếng vì sự thân thiện; phần nhiều đến từ sự tham tiền của những cấp cao ngồi trên. Từ những DLC hút máu cho đến lootbox, giờ đây người ta nhắc đến EA như cửa tử của nhiều công ty con. Từ Visceral Games, Maxis cho đến Bullfrog Productions đều bị đóng cửa do sản phẩm của họ không đáp ứng đủ kì vọng, mà mỉa mai thay phần nhiều tại vì chính phương châm lợi nhuận của EA. Và liệu một ngày nào đó, có đến lượt BioWare?
Kết
Hơn hai thập kỉ tung hoành cùng với game thủ toàn thế giới, BioWare được nhiều và cũng mất nhiều. Giờ đây trong mắt những người chịu khó quan sát, BioWare đơn giản chỉ là một công cụ kiếm tiền cho EA. Nhưng hãng không phải là chưa từng đi xuống, và bằng cách nào đó họ vẫn vượt lên rực rỡ. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng Anthem, tựa game sắp ra mắt ngày 22/02/2019 của hãng sẽ vượt qua những kì vọng mà game thủ đặt ra.