Đội ngũ studio Game Science – những người phát triển Hắc Thần Thoại: Ngộ Không (tên tiếng Anh Black Myth: Wukong) – vừa thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn với kênh tin tức Mang Quả Băng Online của Trung Quốc, và trong cuộc phỏng vấn này, họ đã tiết lộ khá nhiều thông tin đáng chú ý. Đây cũng có thể là cuộc phỏng vấn duy nhất mà họ nhận lời tham dự trong một thời gian dài sắp tới, nên đây sẽ là một nguồn thông tin khá hữu ích cho những ai đang tò mò về trò chơi. Từ cuộc phỏng vấn này cộng thêm những gì được tiết lộ lâu nay, Mọt tui có được một số thông tin khá thú vị về trò chơi để giới thiệu với bạn đọc.
" alt=""
Chút thông tin thú vị từ trailer
Con boss đầu tiên mà game thủ nhìn thấy trong game là Lang Yêu Giáo Đầu, nhưng nó lại chỉ nói toàn phật hiệu và nhắc tới chuyện “thanh tu,” trong khi cách nó sử dụng món vũ khí Xích Triều cũng trông rất giống cách các nhà sư dùng thiền trượng khiến Mọt khá bất ngờ. Trong khi đó, vị thổ địa xuất hiện sau trận đấu boss tự giới thiệu mình là thổ địa núi Hắc Phong, gợi cho chúng ta nhớ đến hồi 16 của truyện, khi Đường Tăng ghé qua Quan Âm thiền viện của Kim Trì Trưởng Lão và gặp bộ ba yêu tinh Hắc Hùng, Bạch Xà, Thương Lang.
Con sói lực lưỡng mà nhân vật (tạm gọi là Ngộ Không) gặp được trong video có tên là “Linh Hư Tử,” cũng chính là Thương Lang trong bộ ba yêu quái. Các động tác mà con trùm này thể hiện cho thấy nó có AI khá cao, chẳng hạn tỏ ra sợ hãi khi Ngộ Không chuyển sang dùng Xích Triều với thuộc tính lửa, biết dùng AOE khi bị bao vây bởi đám khỉ mà Ngộ Không biến hóa ra,… Quá trình chiến đấu giữa Ngộ Không với Thương Lang chỉ có chút tương đồng với dòng game Dark Souls, bởi nó được điều chỉnh thiên về phía thể hiện cảm giác hành động. Dù sao thì Ngộ Không hàng authentic cũng là một nhân vật được xem là “OP” trong thế giới Tây Du Ký chứ chẳng phải là kẻ yếu.
Điều thú vị nhất nằm ở cuối đoạn trailer của Black Myth: Wukong, khi nhân vật chính định kết liễu Thương Lang. Cây gậy ngăn chặn đòn kết liễu có dòng chữ “Như Ý Kim Cô Bổng” rực sáng, với ngoại hình hoa lệ hơn và người cầm nó lại là một Ngộ Không khác trong bộ giáp vàng chói lọi. Điều này khiến người xem lập tức dấy lên những bàn luận về chuyện giữa hai con khỉ này, đâu mới là Ngộ Không thật tức Linh Minh Thạch Hầu, và con khỉ kia là ai trong số Xích Khào Mã Hầu (khỉ đít đỏ), Thông Tí Viên Hầu (tí là cánh tay, không phải túy như nhiều người thường viết), Lục Nhĩ Mi Hầu (chữ mi cũng có thể đọc là di).
Một số thông tin thú vị khác không được thể hiện trong video gameplay bên trên bao gồm việc hai con boss Hắc Hùng, Bạch Xà cũng sẽ xuất hiện tại Hắc Phong Sơn. Ngộ Không mà chúng ta thấy trong video thật ra đang… chơi ăn gian bởi độ khó của game rất cao và nhà phát triển không muốn game thủ thấy cảnh họ liên tục thua cuộc. Các cheat được bật bao gồm bất tử và kéo dài thời gian biến hình. Con quái khổng lồ xuất hiện sau khi Ngộ Không đánh bại Lang Yêu Giáo Đầu thực sự có thể bị đánh bại chứ không cần phải né tránh, và game thủ nào làm được điều này sẽ được tưởng thưởng bằng động tác hành quyết rất đẹp mắt.
Cuối cùng, một loạt hình ảnh cắt nối trên nền nhạc của phiên bản kinh điển được remix thể hiện cảnh Ngộ Không đối mặt với hàng loạt kẻ địch, bao gồm cả tứ đại thiên vương và thiên binh thiên tướng. Dòng chữ cuối cùng hiện lên là “Bạch Cốt chi hậu, trọng tẩu Tây Du” (sau Bạch Cốt Tinh, lại đi Tây Du).
Quá trình phát triển trò chơi
Những gì mà game thủ được thấy trong đoạn video gameplay dài 13 phút của Black Myth: Wukong là thành quả của quá trình phát triển dài 2 năm trong âm thầm, và người ta chỉ được biết chút ít về trò chơi qua một vài thông tin nhỏ giọt. Hồi cuối năm 2019, ông Vưu Tạp, giám đốc điều hành của Game Science từng tiết lộ rằng studio của họ tại Hàng Châu đang thực hiện một tựa game action RPG chơi đơn với “tiêu chuẩn quốc tế”. Giờ thì ai cũng biết tựa game AAA đấy tên gì và ít nhiều hình dung được nó sẽ nói về cái gì rồi!
Ở thời điểm đó, thông tin này đã làm nức lòng rất nhiều game thủ bởi đội ngũ Game Science vốn là những người đã làm ra Đấu Chiến Thần, một tựa game online rất được ưa thích tại thị trường Trung Quốc. Sau đó không lâu, vào tháng 4/2020 đến lượt chủ nhiệm mỹ thuật của Đấu Chiến Thần là Dương Kỳ đăng tải một video trong đó có cảnh vật trông rất giống núi Hắc Phong, khiến các game thủ Trung Quốc càng tin tưởng rằng dự án mới của đội ngũ này sẽ là một game về Tây Du Ký.
Trở lại thời điểm hiện tại hẳn game thủ nào cũng muốn biết bao giờ thì được chơi Black Myth: Wukong? Nhà phát triển nói rằng đây là một vấn đề khó trả lời. Trò chơi được phát triển bởi một đội ngũ khoảng 30 người (không tính các phần việc được thuê gia công bên ngoài) và đã vượt qua các thử thách về công nghệ, hệ thống chiến đấu và kịch bản cũng đã được hoàn thiện. Các vấn đề nảy sinh khi thực hiện động tác của các quái vật bốn chân, chướng ngại khi tạo ra cảm giác “đã tay” cho từng đòn đánh hay quang cảnh các đàn quái vật đánh nhau đều đã được khắc phục. Đội ngũ phát triển hiện đang thực hiện công đoạn làm nội dung cho game, nhưng vấn đề mà họ phải đối mặt là thiếu nhân sự.
Bản thân giám đốc điều hành Vưu Tạp cũng phải làm rất nhiều việc, từ thiết kế màn chơi, phân cảnh, lời thoại, thậm chí là cắt nối biên tập đoạn video 13 phút mà chúng ta vừa xem. “Đối với một dự án ở tầm vóc này, quy mô hiện tại của studio là không đủ,” Vưu Tạp cho biết. Ông nói rằng ngay cả những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy trong đoạn demo 13 phút cũng chỉ ở mức đạt tiêu chuẩn, và còn có rất nhiều điều phải cải tiến. Nếu bảo trì biên chế như hiện tại, thì dù có tăng ca liên tục trong 2-3 năm nữa cũng rất khó hoàn thành trò chơi như mong đợi. Vì vậy, Game Science đang có ý định mở rộng tuyển dụng nhân sự với mục tiêu tăng tốc độ phát triển trò chơi.
Đây cũng chính là lý do mà Game Science đem Black Myth: Wukong ra giới thiệu với công chúng vào thời điểm này. Dù những người sáng lập Game Science đã có thành tích nhất định với Đấu Chiến Thần, Game Science vẫn là một studio nhỏ và nếu đăng tuyển dụng nhân sự một tựa game offline chất lượng cao, người ta sẽ khá ngần ngại bởi không biết studio đang làm gì và có thực sự làm đúng như lời giới thiệu hay không. “Game Science hi vọng rằng đoạn demo này có thể nói cho mọi người rằng ‘đây là thật, chúng tôi thực sự đã làm được đến mức này,’” ông Vưu Tạp cho biết. Ông muốn thu hút những người yêu thích thể loại action RPG gia nhập Game Science để cùng nhau hoàn thành dự án khổng lồ này.
Tại sao lại là Tây Du Ký?
Cũng theo ông Vưu Tạp, ngay từ đầu những người sáng lập Game Science đã mong muốn thực hiện một tựa game offline thuộc thể loại action RPG chất lượng cao. Sau khi tung ra hai tựa game online ăn khách là Bách Tương Hành và Chiến Tranh Nghệ Thuật: Xích Triều để giải quyết vấn đề sinh tồn của studio, họ đã bắt tay vào việc nghiên cứu kỹ thuật và mĩ thuật cho trò chơi trong mộng. Các đề tài được cân nhắc ban đầu là tiên hiệp, võ hiệp, thần thoại, nhưng trong quá trình bàn bạc, Tây Du Ký luôn là thứ khiến họ nảy ra nhiều cảm xúc và ý tưởng nhất. Không khó để lý giải bởi đơn giản bởi mỗi người trong studio đều đã trải qua 6-7 năm làm đề tài Tây Du Ký với tựa game Đấu Chiến Thần, nhưng vẫn còn tiếc nuối vì nhiều điều chưa làm được. Vì vậy, đề tài Tây Du Ký được ấn định với mục tiêu làm ra một tựa game đủ sức thỏa mãn tham vọng của tất cả mọi người.
Thật ra, Black Myth: Wukong chỉ là phần đầu tiên và kế hoạch của Game Science là làm ba bản game khác nhau để hợp thành một trilogy! Dù Black Myth: Wukong được làm ra để thỏa mãn những tiếc nuối của đội ngũ phát triển sau khi kết thúc Đấu Chiến Thần nhưng về mặt nội dung thì hai tựa game này hoàn toàn không có sự liên kết. “Tôi đã trải qua ba giai đoạn lý giải Tây Du Ký,” ông Vưu Tạp nói. Từ thích thú xem cảnh Ngộ Không đập yêu quái, rồi hâm mộ tinh thần bất khuất của Hầu Vương, và giờ là đặt mình ra ngoài thị giác của nhân vật chính để nhìn thấy các nhân vật phụ muôn màu muôn vẻ, từ đầy trời thần phật đến đầy đất yêu ma.“Bọn họ cũng là những sinh linh đáng được tìm hiểu và chạm khắc một cách tinh tế, chứ không phải chỉ là bối cảnh cho cuộc độ kiếp của nhóm nhân vật chính,” ông Vưu Tạp cho biết.
Thật ra điều này đã từng xuất hiện trong Đấu Chiến Thần, khi một số yêu tinh có được bối cảnh riêng của mình. Tuy nhiên bởi đây là một tựa game online, chúng có rất nhiều hạn chế và không kết hợp chặt chẽ với thế giới xung quanh, mà chỉ đóng vai trò làm đầy đặn thêm cho nhân vật. Game Science hi vọng sẽ thay đổi được điều này và đem lại cho game thủ cái nhìn chi tiết hơn về các “nhân vật phản diện” của trò chơi, đồng thời tạo ra một thế giới thần thoại phương Đông chân thật, đáng tin hơn nữa. Chúng sẽ tuân theo nguyên tắc “cải biên chứ không bịa đặt” và những gì nhà phát triển tạo ra đều có thể tìm được căn cứ lý giải trong nguyên tác.
Đường thỉnh kinh của Black Myth: Wukong
Việc Black Myth: Wukong có nét giống Dark Souls như nhận xét của nhiều game thủ không phải là ngẫu nhiên, bởi ông Vưu Tạp nói rằng mình từng bỏ rất nhiều thời gian tham khảo hệ thống bản đồ của Dark Souls, với mục tiêu làm cho các bản đồ của game liên kết với nhau một cách tinh tế. Tuy nhiên mục tiêu chính của trò chơi vẫn là tạo ra được cảm giác về quãng đường mà đội ngũ Đường Tăng đã trải qua trên đường lấy kinh. Game thủ sẽ được nhìn thấy nhiều vùng đất khác nhau với địa hình và cảnh vật khác biệt cực lớn, đem lại cho họ cảm giác như đang thực sự trải qua chặng đường mà Đường Tăng đã trải qua. Mỗi một màn chơi trong game đều ngốn của đội ngũ phát triển vài mươi triệu nhân dân tệ, cho thấy sự công phu trong quá trình thiết kế các màn chơi này.
Sự chú trọng chi tiết còn được thể hiện qua việc đội ngũ phát triển tính đến chuyện tái hiện lại vị trí của hang ổ yêu quái theo đúng mô tả trong nguyên tác, trong khi tham khảo vị trí địa lý và hoàn cảnh tự nhiên ngoài đời thực để dựng lên địa hình xung quanh. Khả năng đỡ đòn của Ngộ Không cũng xuất hiện trong nguyên tác với tên gọi “Đồng Đầu Thiết Tí” (đầu đồng tay sắt), các kỹ năng cũng đến từ 72 biến mà Ngộ Không học được… Họ cũng chú ý đến những việc như Ngộ Không phải tương tác được với các vật phẩm trong môi trường, bao gồm cả việc dùng chúng để tiêu diệt quái. Cái tên của trò chơi cũng là một cách chơi chữ thú vị. Trong tiếng Anh chúng ta chỉ biết rằng Wukong là tên của con khỉ, nhưng Ngộ Không trong bản tiếng Trung được nhà phát triển dùng với ngụ ý “ngộ ra không tính, đánh vỡ gian ngoan” chứ không phải chỉ đại diện cho nhân vật chính Tôn Ngộ Không.
Xin chút yên bình
Dù tung ra đoạn gameplay demo 13 phút với mục tiêu thu hút nhân tài nhưng điều buồn cười là nó lại khiến người ta tìm đến Game Science để… chiêu mộ nhân tài. Ông Vưu Tạp nói rằng chỉ trong vòng một ngày, người của Game Science đã nhận được hàng loạt lời mời chuyển chỗ làm từ các công ty khác, phần nào quấy rầy kế hoạch phát triển trò chơi. “Hiện tại nhóm phát triển đã quyết định chặn hết tất cả các kênh giao tiếp với bên ngoài để chuyên tâm phát triển game, cho đến khi làm ra một phiên bản tương đối hài lòng thì mới cho ra mắt” ông Vưu Tạp chia sẻ. “Tôi hi vọng game thủ và các công ty lớn có thể thông cảm cho sự khó khăn này và cho chúng tôi có chút yên bình để phát triển trò chơi.”