Vài ngày trước, cộng động mạng rúng động khi một hacker đã chia sẻ bộ sưu tập tên người dùng và tài khoản khổng lồ, bao gồm 773 triệu tài khoản khác nhau cùng 21 triệu mã mật khẩu. Tin tặc này đã đặt tên cho nó là "Collection #1," tức bộ sưu tập số 1. Giờ đây, ta biết được rằng Collection #1 mới chỉ là sự khởi đầu, và thực chất số lượng dữ liệu bị đánh cắp lớn đến nhường nào.
Một báo cáo mới tiết lộ rằng Collection #2 đến #6 cũng đã xuất hiện trên mạng, phơi bày tới 2,2 tỷ tài khoản cùng password cho cả thế giới. Số thông tin này đang được các hacker truyền tay nhau trên những diễn đàn bằng torrent, và thậm chí nếu muốn sở hữu chúng bạn cũng sẽ chẳng mất một xu nào hết.
Sau khi nhà nghiên cứu bảo mật Troy Hunt phát hiện ra bộ sưu tập số 1, những chuyên gia khác tại viện Hasso Plattner Institute ở Potsdam, Đức đã lần ra toàn bộ cơ sở dữ liệu và đưa ra kết luận rằng bộ hồ sơ hoàn chỉnh đồ sộ gần gấp 3 lần so với Collection #1, tờ Wired cho biết. Hầu hết những thông tin này đều được trích xuất từ các lần rò rỉ từ trước, bao gồm scandal của Yahoo, LinkedIn và Dropbox. Tuy nhiên, Collection #1 đến #6 cũng chứa rất nhiều dữ liệu chưa từng xuất hiện trên Internet.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy 750 triệu tài khoản không có trong cơ sở dữ liệu của họ và 611 triệu tài khoản khác từ Collection #2 đến #5 không trùng lặp với Collection #1. Một số thông tin được thu thập từ các trang web ẩn, điều này đồng nghĩa với việc đây là lần đầu tiên các tổ hợp tên người dùng/mật khẩu này bị phát tán.
Hasso Plattner Institute đã phát triển ra một công cụ giúp bạn kiểm tra xem dữ liệu của mình đã bị rò rỉ hay chưa. Chỉ cần điền email của mình vào website này và kết quả sẽ được gửi cho bạn. Để hạn chế tình trạng bị hacker dò được password, bạn nên đặt mỗi dịch vụ trực tuyến một mật khẩu khác nhau, cũng như sử dụng app quản lý để tạo được những mật khẩu có độ an toàn cao.
Theo BGR