Có thể cho rằng việc chọn một chiếc màn hình để đặt nó lên bàn mang tính nghệ thuật nhiều hơn cả các yếu tố về khoa học, vì dẫu sao, nó cũng là thứ mà người dùng luôn phải nhìn vào mỗi lần sử dụng máy tính. Tuy nhiên các công nghệ đằng sau một chiếc màn hình cũng phải được đặt lên hàng đầu mỗi khi bạn muốn mua sắm, nó hoàn toàn được ví như "khoảng thời gian" giữa chiếc mới này và chiếc mới tiếp theo của bạn.
Một chiếc màn hình không chỉ là một chiếc màn hình, đơn giản bởi nó có hàng tá các thông số đi kèm. Lấy ví dụ cơ bản nhất là mức độ tương phản của ánh sáng, cho đến tốc độ khung hình (FPS), thời gian phản hồi GTG, độ trễ đầu vào, các bit độ sâu của màu, v.v. Ngoài ra có rất nhiều các loại màn hình khác nhau, cái thì dùng cho gaming, chiếc thì lại phù hợp để thiết kế đồ họa, thậm chí có những màn hình cao cấp có độ phân giải cực cao, cực chi tiết nhưng hầu hết lại chỉ dành cho "đại gia". Nói tóm lại, bài viết này sẽ tổng hợp toàn bộ các cách chọn một chiếc màn hình chơi game tốt nhất.
Đầu tiên, hãy chọn độ phân giải phù hợp
Hầu hết mọi người ngày nay khi mua màn hình đều có xu hướng chọn những sản phẩm có số lượng điểm ảnh nhiều nhất có thể, và đôi lúc thì đây là một thói quen không khôn ngoan chút nào. Độ phân giải cao hơn đúng là cho chúng ta hình ảnh chi tiết hơn, nhưng cũng kéo theo việc card đồ họa cần phải "cày kéo" cật lực trong thời gian dài tùy vào từng trò chơi. Ngoài ra, tỷ lệ căng hình DPI của Window chưa thực sự hoàn hảo, do đó, bạn cần phải hiểu về sức mạnh của PC mà mình đã sở hữu, từ đó mới chọn độ phân giải và kích thước màn hình lý tưởng nhất.
Để cho dễ hiểu, lấy ví dụ về màn hình LCD, khi căng hình ảnh ra toàn màn hình, độ phân giải sẽ bị giảm đi so với độ phân giải gốc, từ đó chất lượng hình ảnh bị hạ xuống cực kỳ nhiều. Thậm chí việc chọn các mức đồ họa thấp hơn cũng không tốt bằng chọn màn hình có độ phân giải thấp ngay từ đầu.
Ngày nay, độ phân giải 1080p (1920x1080) đã trở thành một chuẩn mực cho hầu hết các cỗ PC trên thế giới. Nếu có bất kỳ deal hời nào về một chiếc màn hình hoặc máy tính xách tay có độ phân giải thấp hơn 1080p thì tốt nhất là nên bỏ qua. 1080p đã quá hoàn hảo và tối ưu để mọi người có thể trải nghiệm từ game cho đến phim, thậm chí cả các công việc tác vụ của văn phòng, đặc biệt là đối với màn hình kích cỡ 24inch trở xuống và yêu cầu về hiệu suất phần cứng cũng không quá khắt khe. Ngược lại, đối với những màn hình trên 24inch mà có 1080p, mật độ điểm ảnh bắt đầu thưa dần, đem lại các chi tiết không quá sắc nét.
Tất nhiên công nghệ thì càng ngày càng đi lên chứ không thể ở mãi một chỗ được. Dần dà ta thấy được sự hiện diện càng ngày càng nhiều của màn hình 1440p kích cỡ 27 inch. Vì có mật độ pixel nhiều hơn 24inch 1080p đến 77% thì đương nhiên các hình ảnh cũng đẹp hơn, đồng thời nó cũng hoàn toàn phù hợp để chạy với thế hệ card đồ họa mạnh mẽ hiện tại rồi.
Cho đến thời điểm hiện tại, còn có cả màn hình 4K, rồi 5K, rồi cả 8K, nhưng hầu hết chúng thật vô ích cho mục đích chơi game và chỉ dùng để thể hiện được cái "thiết kế" mà nhà sản xuất muốn gửi gắm. Để cày kéo riêng chỉ màn 4K đến mức chấp nhận được thôi cũng đã phải cần đến một dàn trâu bò như GTX 1080 Ti, hay là RTX 2080, RTX 2080 Ti nữa thì bạn phải biết đến cảnh mất tiền mua màn phải mất tiền mua thêm card rồi.
Các lựa chọn cho màn hình Ultrawide, Doublewide, hay đa màn hình
Nếu tỷ lệ khung hình 16:9 vẫn chưa đủ cho bạn, sẽ có 3 lựa chọn khác có thể giải quyết vấn đề này. Trong đó, các thiết lập cài đặt đa màn hình hầu hết bao giờ cũng sẽ là lựa chọn tiết kiệm nhất, tức là bạn sẽ mua từ 2 cho đến 3 chiếc màn hình (tốt nhất là cùng một loại sản phẩm) và sau đó có thể dùng chúng cho nhiều tác vụ khác nhau. Thường giải pháp này hướng tới đối tượng là những nhà phát triển phần mềm, tạo content để có thể tối ưu hóa năng suất làm việc của họ. Ngày nay, hầu hết mọi loại card đồ họa tầm trung đều có thể kéo được dễ dàng cả 3 chiếc màn hình cùng lúc.
Nhược điểm của việc sử dụng nhiều màn hình một lúc là nếu bạn muốn hợp nhất tất cả lại thành một màn hình lớn thì không thể tránh khỏi việc các cạnh viền sẽ làm phiền không ít thì nhiều.
Câu trả lời cho cả 2 vấn đề nêu trên là một chiếc doublewide tỷ lệ 32:9 như chiếc Samsung C49HG90 tuyệt đẹp chẳng hạn. Tuy nhiên nó sẽ ngốn gấp đôi số tiền mà bạn có thể mua được 2 chiếc màn fullHD 1080p cao cấp.
Màn hình ultrawide 2560x1080 và 3440x1440 thường là lựa chọn tối ưu nhất vì nó cân bằng giữa độ rộng mà không lo viền màn hình như multi-monitor và giá cả cũng thấp hơn so với doublewide. Hầu hết các bộ phim ngày nay thường được ghi hình với tỉ lệ 21:9, và khi xem chúng ở màn 16:9 thì kết quả là xuất hiện 2 thanh màu đen ở trên và dưới. Ultrawide với kích thước rộng rãi hơn hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề này, thậm chí còn đem lại trải nghiệm tốt hơn cho những tựa game có đồ họa 3D.
Tất nhiên là chả cái gì là hoàn hảo cả, ngay cả ultrawide cũng có nhược điểm. Ví dụ để có thể chơi game ở độ phân giải 3440x1440, tức là lớn hơn cả 1440p thì lại phải cần card đồ họa mạnh mẽ hơn, thậm chí một số game còn không hỗ trợ độ phân giải cao như thế. Một số tiện ích có thể sử dụng ví dụ như Flawless Widescreen giúp thu nhỏ cửa sổ ứng dụng trên màn hình lớn, nhưng hãy cẩn thận, bởi Overwatch sẽ phạt những ai chơi trên màn hình ultrawide mà lại giới hạn tầm nhìn trong trò chơi, hoặc một số trò chơi khác nữa
Công nghệ tấm nền (panel)
Phần lớn các màn hình máy tính, cho đến cả laptop và máy tính bảng đều sử dụng công nghệ TFT-LCD (Thin Film Transistor – Liquid Crystal Display), trong đó lại được chia ra nhiều loại khác nhau, mỗi loại có thế mạnh và nhược điểm riêng, và dưới đây thường là những loại phổ thông nhất.
TN – Twisted Nematic
Các màn hình LCD phổ biến và ít tốn kém nhất bây giờ chủ yếu được dựa trên thiết kế TN, vốn đã được sản xuất trên quy mô rộng từ rất lâu. Các nhà bán lẻ hoàn toàn có thể cung cấp một chiếc màn 27inch 1080p kèm theo một vài tính năng bổ sung chỉ với 3-4 triệu đồng. Nhưng tiền nào thì của nấy mà thôi, mật độ điểm ảnh và chất lượng màu sắc đến góc nhìn đều không phải là điểm mạnh của TN.
Tuy nhiên TN có một lợi thế: thời gian phản hồi. Khả năng phản hồi của màn hình được đo bằng mili giây và là khoảng thời gian để pixel thay đổi từ trạng thái màu này sang trạng thái màu khác, hay còn gọi là GTG (grey-to-grey). TN có tốc độ phản hồi cực nhanh, khoảng 1ms hoặc 2ms, kết hợp với tốc độ làm mới 144Hz, thậm chí là cả 240Hz cho ra nhiều mẫu TN LCD hiện đại mới đều đủ đáp ứng để mang đến trải nghiệm sắc nét, không bị lag giật, rất phù hợp với các dòng game hành động.
IPS – Sự lựa chọn của các chuyên gia
Viết tắt của In-Plane-Switching, được thiết kế để khắc phục hầu hết mọi thiếu sót của TN và trở thành một công nghệ tấm nền mới. Màn hình IPS cũng sử dụng tinh thể lỏng, bộ lọc phân cực, bộ phát tín hiệu nhưng được sắp xếp theo sơ đồ khác so với TN, với các tinh thể được căn chỉnh để hiển thị màu sắc tốt hơn, ánh sáng đi qua cũng ít bị biến dạng hơn. Ngoài ra, IPS thưởng sử dụng độ sâu 8-bit cho màu thay vì chỉ 6-bit như TN, kết quả đem lại tới 256 khối màu khác nhau cho cùng một màu.
Cũng vì cấu trúc phức tạp mà nó có giá cao hơn cả. Rất may là trong vài năm qua, sự phổ biến của chúng đã khiến các ông lớn như Apple mất đi tính độc quyền, và buộc phải giảm giá các sản phẩm có sử dụng màn IPS của mình đi sao cho thật hợp lý. Hệ quả của việc phức tạp còn dẫn đến thời gian phản hồi chậm, chỉ số GTG được đo dao động khoảng 5-8ms.
Tấm nền IPS có màu sắc phong phú, tươi sáng, không bị phai màu khi dịch chuyển góc nhìn về các cạnh của màn hình. Hơn nữa, nếu nhấn một ngón tay trên màn hình IPS thì nó còn không để lại các dấu vết như TN, điều này đặc biệt hữu ích trong việc ứng dụng vào các màn hình cảm ứng. Các màn hình IPS hiện nay thường sử dụng tốc độ làm mới là 60Hz và 144Hz, và giá cả cũng rất phù hợp cho người mua.
Các biến thể của IPS: PLS, AHVA, eIPS, và nhiều hơn nữa
Cũng có rất nhiều các nhiên cứu xoay quanh IPS và cho ra nhiều tấm nền khác nhau, bao gồm PLS rất phổ biến của Samsung, hay AHVA của AU Optronics (góc nhìn siêu nâng cao). Hầu hết các kết quả này thường được tao ra với mục đích lấy bằng sáng chế hơn là hiệu năng, nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi trong thực tế.
VA - Cân bằng trong mọi thứ
Đây là giải pháp nếu bạn muốn tìm thấy một thứ gì đó có thể nằm giữa tốc độ phản hồi cực nhanh của TN và sự phong phú, đẹp mắt về màu sắc của IPS, thì VA, hay Vertically Aligned và các biến thể của nó như PVA, MVA sẽ là một câu trả lời thích đáng. Tấm nền VA về mặt lý thuyết thì có nhiều màu sắc gần như IPS và nhanh gần như TN.
VA có một số đặc điểm khác nữa, cả tốt lẫn xấu. Chúng có độ tương phản vượt trội so với cả 2 "bố" và "mẹ", thường đạt tỷ lệ tĩnh 5000:1 và tạo ra các màu sắc tối tốt hơn. Thậm chí đến biến thể MVA được Eizo sử dụng trong Foris FG2421 còn có thể đứng ngang hàng với cả IPS ở chỉ số độ trễ pixel.
Vấn đề của VA là sự thay đổi màu sắc khi thay đổi góc nhìn, không may rằng còn tệ hơn cả TN. Đối với một game thủ, VA khi chuyển đổi các pixel từ sáng sang tối ở tốc độ nhanh sẽ không kịp xử lý, khiến cho khung hình của họ bị mờ.
Giá của tấm nền VA cũng không phải là rẻ, tuy nhiên nếu vẫn muốn sử dụng, thì biến thể MVA được khuyên dùng nhiều nhất, điển hình là chiếc màn Acer G276HL với giá cực kỳ phải chăng trong khoảng 3-4 triệu đồng.
OLED – Tương lai của màn hình
Các làn sóng mới ồ ập vào thị trường màn hình chưa bao giờ có dấu hiệu giảm, không chỉ màn hình máy tính, mà còn phải kể đến nào là TV rồi điện thoại. Yêu cầu thị hiếu của khách hàng càng ngày càng cao, từ đó OLED ra đời để có thể đáp ứng được tốc độ, độ tương phản, màu sắc phải vượt xa hoàn toàn những thứ cũ kỹ trong quá khứ.
Lợi ích chính của công nghệ OLED là mỗi pixel có thể được điều khiển một cách riêng biệt mà không liên quan với nhau. Nói một cách đơn giản, màn hình có thể đạt được màu đen hoàn toàn, chứ không còn thuật ngữ xấp xỉ ở đây nữa. Mỗi pixel sẽ hiển thị một màu của riêng nó, chứ không còn nhóm lại để hiển thị màu.
Hiện tại thì công nghệ OLED vẫn còn đang quá đắt đỏ và hi vọng sẽ giảm nhiệt trong vài năm tới. Màn hình máy tính vẫn chưa có thể áp dụng được công nghệ này, mặc dù Dell hay Asus đã nhá hàng vào các năm trước đó, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một sản phẩm nào được chính thức mở bán. OLED mới chỉ chạm đến mảng TV, điển hình là LG và áp dụng vào trong các kính VR, còn màn hình chơi game thì mong rằng 2020 sẽ là tương lai gần nhất có thể.
Tốc độ làm mới, bóng chuyển động (motion blur) và đèn nền
Hầu hết các màn LCD hiện giờ đều đạt tiêu chuẩn tốc độ làm mới là 60Hz, có nghĩa là hình ảnh trên màn hình được vẽ lại 60 lần mỗi giây. Nói chúng là đủ để sử dụng máy tính, cũng đúng, nhưng với tốc độ làm mới cao hơn đồng nghĩa với việc mang lại trải nghiệm mượt mà hơn, và đây cũng là hầu hết nhu cầu của người dùng hiện nay với xem video, làm việc và đặc biệt là chơi game.
Tuy nhiên tốc độ làm mới cao thậm chí 120Hz hay 144Hz không phải là thứ duy nhất để giúp cho chơi game mà hình ảnh không bị giật cục. Cũng có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện để có thể tạo ra các tính năng bổ sung sao cho giảm bóng chuyển động càng nhiều càng tốt.
Một phương pháp phổ biến nhất được áp dụng trong màn hình chơi game để giảm các bóng mờ trong chuyển động trên màn hình mà mắt người có thể nhìn thấy là cắt đền nền ngay lập tức, đồng thời tạo ra hình ảnh ổn định giống như CRT. Tuy nhiên việc nhấp nháy đèn nền liên tục sẽ làm giảm đáng kể độ sáng màn hình, chưa kể người có đôi mắt nhạy cảm cũng nhanh chóng bị mỏi mắt và đôi khi là đau đầu nữa.
Xé hình và đồng bộ hóa
Một vấn đề khác rất hay làm phiền game thủ đó là hình ảnh bị vỡ, xé rách theo đúng nghĩa đen. Vấn đề này thường đến từ GPU, khi chúng gửi khung hình đến màn hình trước khi nó hiển thị xong khung hình hiện tại. Vì thế mà người ta thường nhìn thấy các khung hình khác nhau trên cùng một màn hình, chính những đường rãnh giao thoa của hai khung hình là cái mà ta gọi là vết xé hình. Kích hoạt V-Sync hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này, buộc card đồ họa phải chờ cho đến khi hiển thị xong khung hình hiện tại mới tiếp tục làm việc. Hệ quả là tăng độ trễ đầu vào và yêu cầu một tốc độ khung hình cố định cho GPU.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, các nhà sản xuất GPU đã giới thiệu một công nghệ tự động đồng bộ hóa màn hình với tốc độ khung hình của GPU, loại bỏ hiện tượng xé rách mà không bị lag hay quá tải nặng nề như V-Sync. Nếu sử dụng sản phẩm của NVIDIA từ GTX 650 Ti trở lên, có thể nhiều người đã biết đến G-Sync, cũng là tên của giải pháp trên. Đối với AMD, ta biết đến nó với cái tên FreeSync. Giải pháp đến từ ngay màn hình bằng việc thêm vào Adaptive-Sync ở mục DisplayPort 1.2a, nhưng nó mới chỉ được áp dụng cho các card đồ họa mới của hãng (GCN từ 1.1 trở lên).
Độ trễ đầu vào
Đây là yếu tố cuối cùng, thường thì nó sẽ bị ẩn đi và chủ yếu là ảnh hưởng tới độ phản hồi hiển thị. Độ trễ đầu vào là khoảng thời gian màn hình gửi tín hiệu đến GPU và khung hình từ GPU đến trước khi được hiển thị lên màn hình. Rất ít nhà sản xuất nào thực sự liệt kê con số này, vì thực sự chả ai quan tâm và nếu có thì đây là chỉ số khá tiêu cực. Độ trễ đầu vào có thể gây được khác biệt dù là rất nhỏ trong các tựa game hành động. Để giải quyết vấn đề này thì ta có thể nhờ đến các đầu chuyển hiệu suất cao cho màn hình, nó giúp giữ được độ trễ thấp mà vẫn đảm bảo được màn hình có đủ các cổng đầu ra để sử dụng.