Cho máy bốn nút bật suốt 20 năm để không phải chơi lại

Có lẽ ngoài sự kiên trì, điện đóm ổn định, chiếc máy bốn nút của anh chàng này còn phải có độ bền vào hàng siêu cấp kinh dị.

Trở lại với những năm tháng đầu tiên của làng giải trí ảo, sự giới hạn về công nghệ tạo nên không ít khó khăn cho người chơi. Vào thời buổi ấy, hệ thống save bằng tay hay tự động vẫn còn là một điều gì đó khá xa xỉ, gần như khiến game thủ phải gán chặt vào màn hình hàng giờ liền không nghỉ. Một số giải pháp tình thế cho vấn đề này gồm có hệ thống password mở khóa màn chơi hay cơ chế lưu game qua pin trên băng điện tử, tuy nhiên vẫn để lại không ít khó khăn.

Chính vì thế, người chơi ngày ấy chỉ có một giải pháp là chạy marathon từ đầu đến hết game trong đúng một lượt chơi... hay hoàn toàn có thể bắt chước anh chàng người Nhật sau đây. Theo đó, game thủ có nickname trên mạng xã hội Twitter là Wanikun với ý chí không chịu khuất phục, quyết tâm không để mất thành quả trong tựa game Umihara Kawase... đã quyết định giữ cho chiếc SNES (Super Famicom ở Nhật và... "Điện tử bốn nút" ở Việt Nam) bật liên tục trong suốt hơn 180 ngàn giờ. Phải, bạn không hề nghe nhầm đầu. 180 ngàn giờ là vào khoảng 20 năm 6 tháng 2 tuần 3 ngày và lẻ vài giờ.

Chân dung chiếc SNES chạy trong 20 năm liền.

Hai thập kỷ giữ cho một thiết bị điện tử bật liên tục không nghỉ quả thực là một điều phi thường. Khoan vội bàn đến tiếng tăm của người Nhật trong mảng chất lượng đồ điện tử ra sao, thì riêng những yếu tố tác động bên ngoài như mất điện hay vô tình bị bố mẹ rút dây thôi đã thấy việc này hiếm có như thế nào (Trong một vài trường hợp xấu hơn là chiếc máy bị một "thế lực" khác lẳng ra ngoài đường... hay thậm chí cầm búa táng thẳng vào con PS4 mới mua như một đồng hương của Wamikun gặp phải cách đây chưa lâu).

Về tựa game, Umihara Kawase phát hành tại Nhật Bản vào tháng 12 năm 1994 và giành được khá nhiều tiếng tăm tại quê hương. Không may mắn là tựa game sử dụng SRAM (RAM tĩnh) đi đôi với pin lithium-ion. Save game vẫn sẽ lưu trữ dữ liệu nếu pin được sạc đầy đủ, nhưng một khi pin chết sẽ không có cách nào lấy lại thành quả đã mất. Tất nhiên hoàn toàn có cách thay thế những viên pin này trong băng điện tử, nhưng quan trọng nhất là dữ liệu vẫn sẽ không thể thu hồi.

Thế hệ Console ngày nay có một chức năng chạy nền giữ cho máy bật nhiều ngày thậm chí nhiều tháng, nhưng một chiếc máy điện tử 16-bit cổ lỗ có thể "sống" trong 20 năm liền quả thực là điều điên rồ. Với những chiếc máy bốn nút từ Trung Quốc trước đây có lẽ chỉ có thể cầm cự được từ vài tháng cho đến tối đa một hai năm.