Ra mắt vào năm 2003, Call of Duty là phát súng đầu tiên gầy dựng nến móng giúp Activision trở thành huyền thoại như ngày nay. Ở thời điểm ra mắt Call of Duty không đơn giản chỉ thu hút game thủ bằng lối chơi vừa chạy vừa bắn mà chính cốt truyện Call of Duty dựa trên những sự kiện và chiến dịch lịch sử có thật mới là ma lực thật sự khiến game thủ không thể dừng khám phá.
Để vẽ nên bức tranh toàn cảnh đầy khốc liệt của thế chiến thứ 2, cốt truyện Call of Duty (2003) chủ yếu tập trung vào những chiến dịch của Mỹ, Anh và Liên Xô trong giai đoạn 1942-1945. Và để dễ hình dung, Mọt sẽ tóm tắt cốt truyện và mốc thời gian bám sát theo những chiến dịch của từng quốc gia.
Binh nhì Joey Martin là nhân vật chính bên cạnh các chiến dịch của quân Mỹ trong cốt truyện Call of Duty (2003). Martin thuộc biên chế trung đoàn lính dù 506 được đào tạo tại trung tâm huấn luyện Toccoa, bang Geogria, Hoa Kỳ. 23h30 ngày 5-6-1944 Martin cùng đồng đội nhận nhiệm vụ tấn công thị trấn Saint-Mere-Eglise, Pháp để làm tiền đề cho cuộc đổ bộ D-Day vào sáng 6-6-1944. Tuy nhiên kế hoạch bước đầu không mấy thuận lợi khi quân Đức phát hiện ra cuộc đổ bộ và tiếp đón cả đội bằng hỏa lực cực mạnh. Martin may mắn thoát hiểm nhưng phải tập hợp cùng các binh sĩ sống sót từ các đội khác để đẩy lùi quân Đức khỏi nông trại ngoài thị trấn và tiếp tục nhiệm vụ.
0h20’’ ngày 6-6-1944, sau khi dọn dẹp, ổn định khu vực trang trại, Martin và đồng đội thu được khá nhiều vũ khí của người Đức để tiếp tục nhiệm vụ tấn công thị trấn Saint-Mere-Eglise. Cả đội tiến công như vũ bão và nhanh chóng phá hủy hoàn toàn hệ thống phòng không Flakpanzers (xe tăng được trang bị pháo phòng không) của Đức tạo tiền đề cho chiến dịch D-Day (chiến dịch đổ bộ lớn nhất vào bờ biển Normandy, Pháp).
7h30’’ sáng ngày 6-6-1944: Quân Đức tập trung hỏa lực oanh tạc Martin và đồng đội hòng chiếm lại thị trấn Saint-Mere-Eglise và cản bước quân Mỹ đổ bộ Normandy. Tuy nhiên người Đức lại một lần nữa bất ngờ khi người Mỹ với quân số ít lại có thể phòng thủ thành công, thậm chí Martin còn dùng Panzerfaust đánh bật hàng loạt xe tăng và súng cối của Đức ra xa thị trấn. Cuộc chiến phòng thủ thị trấn Saint-Mere_Eglise này có nhiều điểm tương đồng với siêu phẩm điện ảnh “Giải cứu binh nhì Ryan”
8h15’’ sáng ngày 6-6-1944: Sau khi đẩy lùi quân Đức, Martin, binh nhì Elder và trung sỹ Moody nhận nhiệm vụ chuyển tin tức tình báo quan trọng cho thiếu tá Sheppard. Tuy nhiên căn cứ của Sheppard lại nằm cách thị trấn Saint-Mere-Eglise 6 dặm và cả 3 phải lái xe xuyên phòng tuyến quân Đức đang bao vây thị trấn. Xe của họ không may bị xe tăng định bắn hỏng, cả đội phải chạy vào trong một garage gần đó để lấy một chiếc xe ôtô của Đức tiếp tục hành trình. Cuối cùng họ cũng vượt thoát thành công và mang tin tức về cho tổng bộ.
9h sáng ngày 6-6-1944 Martin tham gia chiến dịch Brecourt Manor (đột kích trang viên Brecourt) để mở đường cho quân Đồng Minh đổ bộ từ phía bờ biển Utah và tiến sâu hơn về biên giới Đức. Cần nói thêm khi quân đội Mỹ đổ bộ thành công thì trang viên Brecourt chính là hòn đá tảng với hỏa lực cực mạnh từ những họng pháo trải dọc đường, đặc biệt để gia cố sức phòng thủ hành lang thép quân Đức còn xây dựng một hệ thống chiến hào chằng chịt để cản bước xe tăng quân Đồng Minh. Trên thực tế cuộc đột kích trang viên Brecourt được chỉ huy bởi trung úy Richard Winters với quân lực và khí tài quân sự thua kém hoàn toàn so với quân Đức. Tuy nhiên bằng việc tận dụng hệ thống chiến hào của quân Phát xít kết hợp đánh du kích, cả trung úy Winters (đời thực) và Martin đều dễ dàng áp sát và chiến thắng quân Phát xít với quân số đông gấp 3 lần. Sau nhiệm vụ đột kích trang viên Brecourt nhờ những chiến công trong chiến dịch đổ bộ D-Day, Martin và đồng đội của anh được chuyển lên sư đoàn không quân 101, đơn vị chiến đấu tinh nhuệ chuyên thực hiện những nhiệm vụ cơ mật đằng sau chiến tuyến.
1h30’’ ngày 7-8-1944 Martin và đơn vị của anh nhận vụ tấn công lâu đài Bavarian ở Áo nhằm giải cứu 2 tù nhân quan trọng là đại úy Price và thiếu tá Ingram của quân đội Anh. Tuy nhiên vượt qua làn đạn của quân Đức và đào sâu vào các cơ quan ẩn, Martin và đại úy Foley chỉ cứu được đại úy Price còn thiếu tá Ingram đã bị đưa đến một trại tập trung khác trước đó. Martin tiếp tục thu thập thêm thông tin để lên kế hoạch giải cứu thiếu tá Ingram.
3h20’’ ngày 18-9-1944, Martin tiếp tục nhiệm vụ giải cứu sau khi biết chính xác thiếu tá Ingram bị giam ở nhà tù Dulag IIIA, Strasshof, Áo. Marin và cả đội chỉ có 10’’ sau khi khai hỏa phát súng đầu tiên để tìm và giải cứu thiếu tá Ingram trước khi quân chi viện Đức tới. Đây cũng là nhiệm vụ cuối cùng của người Mỹ trong Call of Duty (2003).
Cái kết của Martin và những đồng đội không được nhắc đến về sau, nhưng cũng như những người lính khác, Martin vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu đến khi thế chiến thứ 2 kết thúc hoàn toàn vào ngày 2-9-1945. Chiến tranh vốn không nhân từ, nhưng để đi đến chiến thắng cuối cùng, mấy ai nhớ đến máu của những người hùng thầm lặng như như Martin và đồng đội đã đổ nhiều ra sao.
(Còn tiếp)
- Cốt truyện Call of Duty – P.1: Binh nhì Martin và chiến dịch D-Day