Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, Crysis Remastered sẽ ra mắt game thủ thế giới. Không ít các xạ thủ gạo cội từng trải qua thời huy hoàng của dòng game này với meme “can it run Crysis”, và trong đó có Mọt tui. Việc được trở lại với phiên bản đầu tiên của series là một điều tuyệt vời, bởi dù dòng game Crysis đã có một dấu chấm tròn sau Crysis 3, hai phiên bản sau cùng của nó để lại nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ. Trong bài viết này, Mọt tui muốn kể lại cho các bạn nghe về việc Crysis đã ra đời như thế nào.
CryEngine
Mọi thứ khởi đầu vào khoảng giữa năm 1999, khi ba anh em nhà Yerli là Cevat, Avni và Faruk muốn đổi đời. Họ quyết định sẽ lập một công ty game gọi là Crytek và bắt tay vào thực hiện một tựa game với tên gọi X-Isle: Dinosaur Island dựa trên engine do chính mình viết ra. Nó giống với một bản demo hơn là một game hoàn chỉnh, đóng vai trò giới thiệu khả năng của engine mà họ tạo dựng.
Dù vậy, X-Isle: Dinosaur Island vẫn gây ấn tượng với nhà phát hành NVIDIA nhờ những điều mà không một engine nào khác có thể làm được, bao gồm khả năng dựng hình một khu vực rộng lớn. NVIDIA quyết định dùng X-Isle làm một bài benchmark cho các card đồ họa của mình.
Với số tiền có được từ hợp đồng với NVIDIA, anh em nhà Yerli bắt tay vào làm một tựa game thực sự có tên Engalus. Trò chơi được trình chiếu tại E3 2000 và nhận được sự chú ý từ phía game thủ và cả Ubisoft. Đây là bước ngoặt với anh em nhà Yerli: dù Engalus không được hoàn thành, Ubisoft vẫn quyết định hợp tác với họ để làm ra một tựa game X-Isle hoàn chỉnh trên nền tảng engine của họ.
Trò chơi này được tung ra vào tháng 3/2004 với tên gọi Far Cry. Game thủ ấn tượng với đồ họa tột đỉnh, làn nước trong xanh và môi trường rộng lớn của trò chơi, nhưng các nhà làm game lại nhìn thấy tiềm năng mà engine của Far Cry có được. Điều này khiến EA liên hệ với Crytek ngay trong năm 2004 để thương lượng việc phát triển một series game dựa trên CryEngine.
Vào thời điểm này, các sếp EA tin rằng nếu có đủ tài nguyên, Crytek có thể đẩy CryEngine lên những tầm cao mới. Tuy nhiên, Ubisoft đang giữ bản quyền thương hiệu Far Cry lẫn phiên bản gốc của CryEngine (sau này được dùng để tạo thành engine Dunia). Vì vậy, Crytek cần tạo ra một bản CryEngine 2.0 và công bố trò chơi mới của mình sẽ mang tên Crysis, với mục tiêu nâng tầm thể loại FPS. Vào thời điểm này, chưa ai hình dung được tựa game mà họ cho ra mắt sẽ gây chấn động ra sao.
Crysis
Sau ba năm phát triển, phiên bản Crysis đầu tiên ra mắt năm 2007 và khiến cả game thủ lẫn những cỗ PC của họ phải choáng váng. Trò chơi có phần hình ảnh tuyệt đẹp mà không một tựa game nào khác thời bấy giờ có thể so sánh được, từ hiệu ứng ánh sáng, cháy nổ đến khả năng dựng hình những vật thể cách xa hàng cây số. Vô số người không thể tin được rằng PC lại có khả năng chạy được một trò chơi như thế này, trong khi số khác cố gắng chinh phục nó. Quả thật trò chơi cũng cực kỳ nặng, nhưng đó một phần là vì Crytek làm Crysis cho tương lai, và họ tin rằng xung nhịp CPU sẽ liên tục tăng lên. Đây là thời điểm mà meme “can it run Crysis” được tạo ra.
Sự thành công của Crysis đem lại cho Crytek hàng núi tiền, nên anh em nhà Yerli quyết định “dời đô” sang Frankfurt để mở rộng sự nghiệp. Họ cũng nhanh chóng mở thêm hai studio mới tại Kiev và Budapest, phát hành bản mở rộng độc lập Crysis Warhead độc quyền cho PC mãi cho đến năm 2011. Đây là thời kỳ mà Crytek phát triển nhanh chóng mặt và cũng tạo tiền đề cho rắc rối tài chính sau này, nhưng đây là bài viết về series game Crysis nên Mọt sẽ không nhắc đến chúng.
Đến năm 2009, Crytek đã thành lập cũng như mua lại một vài studio mới và họ công bố CryEngine 3 tại Game Developers Conference 2009. Hai năm sau đó, Crysis 2 được phát hành trên cả ba nền tảng PC, Xbox 360 và PS3. Tuy nhiên, trò chơi không nhận được sự ưu ái như hai phiên bản đầu tiên bởi nó không còn là một tựa game sáng tạo: bối cảnh “rừng bê tông” New York tỏ ra không thật sự ăn khách, cộng thêm việc đồ họa của game bị kéo thấp khá nhiều để có thể chạy được trên console.
Cũng vào thời điểm này, Crytek quyết định tìm kiếm những thương hiệu mới. Họ phát triển hai tựa game khác nữa là Ryse: Son of Rome và Homefront 2, ngốn khá nhiều tiền của nhưng cả hai đều không thành công vì nhiều lý do khác nhau, nhưng có thể tóm gọn là đồ họa không gánh nổi gameplay. Sang năm 2012, phiên bản CryEngine 3.4 một lần nữa đi trước thời đại khi hỗ trợ DirectX 11 hoàn chỉnh. Nó được dùng làm nền tảng cho Crysis 3 phát hành vào năm 2013, nhưng cũng như Crysis 2, Crysis 3 không được đánh giá cao về gameplay dù có cốt truyện khá hấp dẫn. Những game thủ đã yêu thích series này từ phiên bản đầu tiên chỉ có thể tự an ủi rằng dù gì thì game cũng đã có một cái kết khá vẹn toàn.
Nanosuit
Có lẽ Crysis chính là khởi nguồn của những bộ exoskeleton được sử dụng tràn lan trong những tựa game hành động bắn súng sau này. Bộ Nanosuit của Crysis có nhiều tính năng khác nhau và được gia giảm qua các phiên bản, nhưng những tính năng tàng hình, tăng tốc, tăng thể lực, tăng giáp của nó đem lại cho game thủ rất nhiều lựa chọn khác nhau khi chiến đấu, và những game thủ sáng tạo hoàn toàn có thể chơi Crysis như một tựa game hành động bí mật hoặc ám sát mục tiêu thay vì chỉ biết kéo cò.
Bản thân Crytek cũng biết rằng game thủ yêu thích Nanosuit đến mức nào, nên trong giai đoạn quảng bá Crysis 2 và 3, họ đã dành ra một số trailer (riêng Crysis 3 có khoảng… 10 trailer khác nhau) để giới thiệu các tính năng của Nanosuit. Bạn có thể xem lại một trong số các trailer đó dưới đây:
Nếu tất cả những thông tin này làm bạn hứng thú với Crysis và sự trở lại của nó qua phiên bản Crysis Remastered, Mọt tui sẽ rất vui mừng. Nếu không thể chờ đợi, bạn có thể thưởng thức hai phiên bản Crysis và Crysis Warhead để biết được tại sao các fan của series lại yêu thích nó đến vậy, còn nếu muốn giữ cho trải nghiệm của mình được mới mẻ, hãy chịu khó chờ đợi thêm 2 tháng – nhưng hãy coi chừng, rất có thể sẽ giữ nguyên truyền thống sát phần cứng của mình và khiến các dàn PC khủng hiện tại phải khóc thét khi mở game!