Ngày 16 tháng 3 năm 1926, sau khi toàn bộ sự kiện xảy ra trong “Hồi Môn” kết thúc, cả Kiều Dư An lẫn Kiều Dung đều an toàn quay về nhà với sự giúp đỡ của Lục Hào. Trong lúc ngồi bàn về nghi lễ hiến tế 7 tân nương, cả ba nhận ra ngoại trừ Kiều Dung thì 6 cô gái còn lại đều đến từ những gia đình nông dân bình thường. Lạ ở chỗ, nếu phủ Thượng úy muốn bắt đủ 7 người để làm lễ hiến tế, vậy tại sao Kiều Dung bỏ trốn thành công, quay về nhà được hơn mười mấy ngày, ông ta vẫn không có động tĩnh gì?
Để giải đáp thắc mắc, Lục Hào quyết định đích thân đi điều tra, Kiều Dữ An và Kiều Dung cũng xung phong giúp một tay, bắt đầu chia ra hành động.
Nhớ đến Hoàng Tiểu Mễ không chỉ biết về nghi thức vấn mễ, còn biết về thành Uổng Tử, anh em nhà họ Kiều tin chắc rằng, cô ta hoặc người nhà cũng có kiến thức về nghi lễ hiến tế 7 tân nương, nên quyết định đến tiệm gạo nhà họ Hoàng để điều tra.
Nhưng khi ghé cửa nhìn vào, Dữ An lại thấy Tiểu Mễ vốn phải chết lại đang mặc đồ tân nương, đứng trong chung gạo lẩm bẩm gì đó.
Cảnh này là Dư An sợ hết hồn, nhưng khi nhìn lại thì Tiểu Mễ đã biến đâu mất. Nghĩ rằng bản thân bị hoa mắt, cả hai đánh bạo đi vào bên trong kiểm tra rồi bất ngờ tìm thấy lá thư do giáo sĩ Athevie ở bệnh viện Thánh Âm gửi cho mễ bà, cảm ơn vì bà đã dùng phương pháp vấn mễ giúp ông ta tìm ra cách chữa một căn bệnh quái ác.
Tuy trong “Hồi Môn”, Kiều Dư An đã phá tan thận cảnh tạo ra từ oán hận của những bé gái bị phá bỏ, nhưng oan hồn vẫn còn vất vưởng ở nơi này, cản trở quá trình điều tra của hai anh em họ Kiều.
Nhưng nhờ thế, Kiều Dư An mới tìm được một lá thư, phát hiện người cha mà mình luôn sùng bái thật ra chính là người đã đẩy Kiều Dung vào chỗ nguy hiểm. Kiều lão gia vốn muốn lấy lòng Thượng úy, biết ông ta thích dùng thịt người làm thuốc bổ, mà dược dẫn cần thiết cho món thịt người vừa hay lại chính là cậu con trai độc nhất Kiều Dư An. Vừa muốn bảo vệ hương khói nhà họ Kiều, lại vừa muốn lấy lòng Thượng úy, Kiều lão gia đã chẳng tiếc tiền nhận nuôi Kiều Dung, rồi đẩy cô ra chết thay cho con trai mình.
Kiều Dư An biết mọi chuyện thì vô cùng tức giận, nhưng anh không muốn để Kiều Dung phát hiện sự thật đau lòng này nên đã quyết định đốt bỏ lá thư đó. Lúc này, giọng nói của ông bà Kiều vốn đã chết bỗng xuất hiện, vây lấy Kiều Dư An. Trong lúc nguy cấp, anh đã vội vàng nắm tay Kiều Dung, kéo cô chạy ra khỏi bệnh viện Thánh Âm.
Khi cả hai đã an toàn, Kiều Dư An bất lực nói rằng, nếu anh có thể sớm trưởng thành và chú ý đến nhiều thứ xung quanh hơn thì chị cả, chị hai, cha mẹ và cả Kiều Dung sẽ không phải chịu tội nhiều như thế. Nhưng thật ra không phải chỉ mỗi Dư An là kẻ có tội trong sự việc này, thứ thật sự giết chết họ là những tư tưởng, lề lối cổ hủ, trọng nam khinh nữ vẫn thường tồn tại trong xã hội này.
Dưới những ngọn đèn của ngày hội hoa đăng, Kiều Dung không biết nên an ủi Kiều Dư An thế nào, chỉ đành im lặng nắm tay, tiếp thêm hơi ấm cho anh. Câu chuyện về anh em nhà họ Kiều kéo dài từ “Hồi Môn”, đến giờ mới chính thức kết thúc.
Vén màn bí ẩn
Nhưng, tại sao Thượng úy lại có sở thích dùng thịt người làm thuốc bổ? Câu chuyện lại phải kể đến quá khứ của Yến Hoài Khâm, nhị sư huynh của Lục Hào.
Vào năm Quang Tự, có một gã kép hát tên là Yến Sinh, đem lòng yêu sư muội Kim Tiểu Lan cùng đoàn hát với mình. Sau một thời gian dài lén lút bên nhau, Tiểu Lan cuối cùng cũng mang thai. Tuy nhiên, Yến Sinh vốn không định chịu trách nhiệm, nhưng sư muội lại chỉ mặt gọi tên gã trước đoàn hát, không còn cách nào khác, gã chỉ đành bấm bụng mang kiệu hoa đến rước vợ về.
Tiếc thay khi đó giặc ngoại xâm tiến vào xâm lược, hôn lễ không thể tổ chức chỉ đành phải hủy bỏ. Yến Sinh cũng tự thấy thẹn, hứa khi nào mọi chuyện yên ổn sẽ tổ chức lễ cưới xin đàng hoàng. Nhưng chưa được bao lâu, gã sở khanh này lại bỏ vợ con đến phủ nhà họ giàu họ Tiết ở rể.
Yến Sinh suy đi nghĩ lại, cuối cùng vẫn còn chút lương tâm, quyết định xin Tiết thị cho nạp Kim Tiểu Lan về làm thiếp, rước cô và con trai là Yến Hoài Khâm về phủ. Tiết tiểu thư ngoài mặt thì đồng ý, nhưng chờ đến khi Kim thị được gả vào thì đối xử với mẹ cô chẳng khác gì người ở.
Sau đó chiến tranh nổ ra, dân chúng loạn lạc lầm than, đến cả nhà giàu như họ Tiết cũng không đủ ăn chứ nói gì phận vợ lẻlẽ như mẹ con Kim Tiểu Lan. Trong một lần, bị đám trẻ khác bắt nạt, Yến Hoài Khâm may mắn gặp được Lục Hào rồi trở thành bạn thân. Mẹ của Hoài Khâm biết chuyện thì đến tìm gặp mẹ của Lục Hào là Lục Thu Ngưng. Bà nói rằng tổ phụ của mình họ Lục, trong người Yến Hoài Khâm cũng có một nửa dòng máu nhà họ Lục, nên mong Lục Thu Ngưng nhận Hoài Khâm làm đồ đệ, bà nguyện làm trâu làm ngựa cả đời cho cô. Bởi vì chỉ có sống với gia đình thủ hộ nhân nổi tiếng ở trấn Di Xuyên, con bà mới không lo chết đói, tránh được tai họa chiến tranh.
Lục Thu Ngưng ban đầu không đồng ý, nhưng đứng trước sự cầu xin tha thiết của Kim Tiểu Lan, thêm việc Yến Hoài Khâm có một nửa dòng máu nhà họ Lục nên cuối cùng cũng gật đầu. Vậy là từ đó, Yến Hoài Khâm rời khỏi phủ họ Tiết, đến sống ở miếu Đông Nhạc với nhà họ Lục, bởi vì tuổi lớn nhất nên trở thành sư huynh.
Dưới Yến Hoài Khâm ngoài Lục Hào còn có một sư tỷ tên là Lục Tích Vân, cả ba cùng nhau lớn lên dưới sự dạy dỗ của Lục Thu Ngưng. Nhưng Yến Hoài Khâm chỉ sở hữu một nửa dòng máu họ Lục nên không thể trở thành thủ phố nhân chân chính. Bởi vì, thủ phố nhân biết trước mệnh trời, tuổi thọ vốn không thể kéo dài, nên họ xem việc có người trong nhà phải mất là việc hiển nhiên.
Nhưng Yến Hoài Khâm không hiểu điều đó, anh là một con người có máu thịt, biết lòng người nóng lạnh, nên đối diện với thái độ càng lúc càng lạnh lùng, coi nhẹ sống chết của Lục Hào dần nảy sinh sự bất mãn.
Rồi vào một ngày tuyết lớn, cha mẹ của Yến Hoài Khâm vì tham gia cách mạng nên bỏ mình, cha của gã cả đời là một kẻ sở khanh, đến phút cuối cùng cũng có thể xem là một anh hùng, cùng sống cùng chết với người vợ mình từng phụ tình.
Yến Hoài Khâm sau khi biết chuyện thì đau khổ không thôi. Chính vào lúc này, Lục Hào mà anh nghĩ không có tình cảm đã đích thân đi vào thành Uổng Tử, góp nhặt những kỷ vật còn sót lại của ông bà Yến cho anh. Điều này làm Hoài Khâm nhận ra, Lục Hào thật ra không phải một kẻ không có tình cảm.
Nhưng, Hoài Khâm không ngờ, chính thứ tình cảm đó lại trở thành mầm mống của tai họa sau này. Không lâu sau, chiến tranh càng làm người ta đói khổ, Lục Thu Ngưng vì muốn trấn an những ác linh nên đã lấy thân hiến tế, ngăn chúng quẩy nhiễu trấn Di Xuyên. Mà miếu Đông Nhạc cũng cố gắng phát cháo tiếp tế người dân, nhưng cung không đủ cầu. Dân chúng vì quá khổ nên bắt đầu tức giận, không những không nhớ ơn xưa mà còn sinh ra oán hận, cuối cùng lại bắt đầu trách ngược lại các thủ phố nhân.
Nhưng Tích Vân và Lục Hào không những không tức giận, ngược lại còn cố biện giải cho đám dân làng tham lam đó. Tuy đấy là việc một thủ phố nhân nên làm, nhưng Yến Hoài Khâm không hiểu, vì cớ gì người nhà họ Lục phải nhún nhường, dùng cả tính mạng của mình để lấp đầy dục vọng của đám người phàm chỉ biết đòi hỏi vô độ. Tại sao phải dùng dương hồn của mình để phổ độ ác ma?
Cuối cùng, trong cơn tức giận, Yến Hoài Khâm anh quyết định rời khỏi sư môn, cắt đứt toàn bộ quan hệ với Lục Hào và Lục Tích Vân.
Rồi đến hiện tại, khi cả hai chạm mặt ở phủ Thượng úy, Yến Hoài Khâm mới tiết lộ, anh ta biết với tình hình loạn lạc hiện tại, người chết nhiều hơn người sống, thành Uổng Tử sẽ không chịu nổi, cả trấn Di Xuyên sớm muộn cũng bị chôn cùng. Với tính tình của Lục Hào, kiểu gì cũng sẽ hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ người dân ở trấn Di Xuyên. Vì lo cho Lục Hào nên anh mới quay về đây.
Hoài Khâm thật ra không phải người dụ Thượng úy ăn thịt người, mà chính là người đã cố gắng trấn an những oan hồn người chết do bị ăn thịt ở nghĩa trang, đỡ đi một phần gánh nặng cho sư đệ. Hoài Khâm từ đầu đến cuối diễn vai phản diện, nhưng thật ra lại không thể bỏ đi nhân tính và tình cảm huynh đệ sớm chiều ở chung với Lục Hào
Mà thịt người nói là để Thượng úy bồi bổ cơ thể, nhưng thật ra là để bồi bổ cho đứa con trai chết vì khó sinh của ông ta. Con quỷ khổng lồ đã ăn thịt Hoàng Tiểu Mai ta thấy ở đầu trò chơi, thật ra chính là hồn ma đứa con trai được thịt người bồi bổ của Thượng úy.
Nhưng thấy con trai nhiều năm ăn thịt người vẫn không thể sống lại, trong một lần tình cờ, ông ta nhìn thấy bản thảo của bác sĩ đã liên hệ với Mễ bà ở bệnh viện Thánh Âm. Biết được thủ hộ nhân có khả năng diệt trừ ma quỷ, cho rằng ăn thịt họ thì con trai sẽ sống lại, nên mới có chuyện dùng “thủ phố nhân” làm thuốc dẫn mà ta thấy trong trò chơi.
Sau khi mọi chuyện được sáng tỏ, Lục Hào và Yến Hoài Khâm bắt đầu cùng tiêu diệt con quỷ ăn thịt người khổng lồ đang gây họa cho dân chúng. Phủ Thượng úy gây ra nhiều tội ác cuối cùng cũng trở thành tro bụi, chấm dứt thời đại tàn khốc ở trấn Di Xuyên. Mà những người từng thân thiết với nhau, cuối cùng cũng quay về đoàn tụ bên dưới miếu Đông Nhạc.
Có thể nói, thay vì một tựa game lấy đề tài kinh dị như phần 1 “Hồi Môn”, “Quá Âm” lại dùng chính chất liệu kinh dị để nói về thời kì chiến tranh giữa Nhật và Trung Quốc. Trong đó, hình tượng người Nhật và người phương tây được khắc họa là một kẻ ăn thịt người, buôn bácbán thuốc giả, khiến dân chúng lầm than như các bác sĩ ở bệnh viện Thánh Âm, Thượng úy và con trai ông ta. Riêng những nhân vật xuất hiện trong trò chơi đều tượng trưng cho quân khởi nghĩa, đến cả Yến Sinh là một tên sở khanh, về cuối cũng được tẩy thành một người cách mạng yêu nước.
Cá nhân tôi thì không muốn bàn nhiều về vấn đề chiến tranh chính trị, nên well… tôi sẽ không nói nhiều về nó, dù thú thật là tôi cảm thấy hơi khó chịu với cách nhà làm game lồng ghép đề tài chính trị vào một tựa game giải trí, nó là trò chơi có chút gì đó kiểu hơi hơi… nâng bilạ đời? Nhưng thôi, game nhà người ta mà, mình nói gì được. Ngoài ra, trong video có một số tình tiết hơi thay đổi so với cốt truyện Hồi Môn, nên nếu có xem lại video về Hồi Môn thì… cốt truyện chỉ mang tính tham khảo thôi nhé. Cuối cùng, nếu bỏ qua yếu tố chính trị thì tôi thấy Quá Âm là một tựa game khá hay, có điều cốt truyện về cuối hơi hụt hơi, nhưng tổng quan là đáng chơi, nếu bạn là người không quan tâm đến chính trị thì có thể thử nhé.
Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~