Đánh giá Call of the Sea – Giải mã tiếng gọi từ đại dương sâu thẳm

Ra mắt vào tháng 12 năm 2020, Call of the Sea được đánh giá là món ăn tinh thần không thể bỏ qua đối với các fan của thể loại game phiêu lưu giải đố.

Về cơ bản Call of the Sea là một game puzzle và như những trò chơi phiêu lưu giải đố thường có một đặc điểm chung, đó là ngoài những câu đố lớn nhỏ nằm rải rác trong suốt hành trình của người chơi, chúng còn ẩn chứa những bí mật sâu thẳm liên quan mật thiết tới cốt truyện đòi hỏi sự quan sát kỹ càng cũng như óc suy luận để khám phá.

Bên cạnh đó việc giải mã tất cả các bí mật đó thường sẽ dẫn đến cú “bo cua” hay ending khá là khét lẹt khiến cho game thủ không khỏi bất ngờ. Và đây chính xác là những gì Call of the Sea, tựa game indie đến từ studio non trẻ Out of the Blue đã mang tới cho người chơi. Vậy thực tế trò chơi phiêu lưu-giải đố góc nhìn người thứ nhất này có những bí mật gì mà lại hấp dẫn đến như vậy?

Call of the Sea nói về…?

Không khó để nhận ra nội dung trong Call of the Sea có rất nhiều nét tương đồng với bộ phim The Shape of Water được ra mắt vào năm 2017: lãng mạn, huyền bí và tất nhiên là có rất nhiều….nước. Nếu như The Shape of Water nói về việc một con người có thể làm được những gì để tìm thấy tình yêu đích thực cho mình thì Call of the Sea cũng có chủ đề gần gần như vậy.

Game phiêu lưu ngắm cảnh – khi bạn nằm mơ trong thế giới game
Game phiêu lưu ngắm cảnh – khi bạn nằm mơ trong thế giới game
Game phiêu lưu ngắm cảnh là một thể loại đặc biệt khi chẳng thể gọi là đang chơi game, mà chủ yếu để ngắm nhìn cảnh đẹp và tận hưởng nó mà thôi.

Nội dung câu chuyện của game diễn ra vào năm 1934, xoay quanh hành trình của nhà thám hiểm Norah Everhart đang trên đường tìm kiếm chồng mình là Harry, người đã biến mất một cách đầy bí ẩn khi đang khám phá một hòn đảo tại Nam Thái Bình Dương. Ông đến khu vực này nhằm tìm ra  phương thuốc chữa lành căn bệnh kì lạ của vợ mình.

Trong game người chơi sẽ vào vai nhà nữ thám hiểm Norah tìm kiếm manh mối về sự biến mất của chồng mình

Mặc dù khởi đầu khá là nhẹ nhàng, có phần hơi ngôn tình nhưng theo thời gian, chuyến phiêu lưu của Norah càng về sau sẽ càng nhuốm màu huyền bí và không khí trong một vài trường đoạn của game lúc này sẽ có phần hơi hồi hộp và căng thẳng theo phong cách Lovecraftian.

Tuy không phải là một tựa game kinh dị thế nhưng NSX đã rất khéo léo khi áp dụng phong cách nổi tiếng trên vào phần cuối của game góp phần thúc đẩy nhịp game được gia tăng cao độ khi các bí mật dần dần được hé lộ.

Càng về cuối game sẽ càng nhuốm một màu sắc huyền bí

Do được lấy cảm hứng khá nhiều từ những tựa game đi trước như Firewatch, Myst, Soma và Subnautica cho nên câu chuyện trong Call of the Sea chủ yếu được dẫn dắt thông qua các đoạn tự sự, các mẩu thư tay giữa Norah và Harry cũng như các bức ảnh, hình vẽ trên tường nằm rải rác khắp hòn đảo.

Điều này đòi hỏi game thủ phải thật kiên nhẫn đi thu thập mọi manh mối cũng như sở hữu vốn tiếng Anh kha khá để có thể hiểu hết được những gì đã xảy ra trong game.

Thu thập mọi đồ vật và manh mối là điều cực kì cần thiết để có thể hiểu hết cốt truyện của game

Lối chơi chậm mà chắc

Đã là một tựa game phiêu lưu thì chắc chắn gameplay giải đố sẽ phải là trọng tâm của toàn bộ trò chơi. Và về mặt này các game thủ có thể yên tâm bởi các câu đố trong Call of the Sea dù ít nhưng đều rất chất lượng và có logic lớp lang rõ ràng.

Cấu trúc của game cũng khá đơn giản và súc tích, cứ mỗi chương của game thường sẽ có một thử thách lớn được kết nối bởi nhiều câu đố nhỏ khác nhau và để qua được chương tiếp theo thì người chơi cần phải giải được câu đố lớn của chương đó.

Các câu đố trong Call of the Sea không quá dễ và cũng không quá khó

Nghe qua thì có vẻ khá cơ bản nhưng càng về sau mức độ phức tạp của các thử thách cũng sẽ càng tăng lên. Tuy không đến nỗi quá khó thế nhưng chúng vẫn đòi hỏi người chơi sự phân tích và suy luận kĩ càng bởi mỗi thách thức mới trong game đều sẽ giới thiệu đến cho người chơi một cơ chế giải đố mới.

Cá nhân Mọt rất hứng thú với những câu đố liên quan tới âm nhạc bởi lúc này người chơi sẽ phải chơi đúng trình tự các nốt nhạc để mở một cánh cổng hay cơ quan nào đó.

Giải đố bằng đàn Piano

Các câu đố trong mỗi chương đòi hỏi người chơi sẽ phải di chuyển tới lui nhiều lần giữa các địa điểm trên hòn đảo, tuy nhiên điều này khá phiền toái bởi tốc độ di chuyển của cô nàng Norah khá là chậm và kể cả khi sử dụng chức năng chạy thì mọi chuyện cũng không khá hơn là bao. Đây thực sự là một điểm trừ không đáng có của game.

Nghe nhìn sống động

Đầu tiên hãy nói về mảng âm thanh bởi theo tác giả đây mới chính là điểm nổi bật nhất của Call of the Sea. Câu chuyện trong game được dẫn dắt bởi giọng nói truyền cảm  của nữ diễn viên lồng tiếng Cissy Jones, vốn đã từng góp giọng trong các sản phẩm đình đám như Firewatch, Life is Strange, Grand Theft Auto V.

Thông qua những đoạn tự sự của nhân vật Norah do Jones thủ vai, người chơi sẽ được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ cảm giác lạc lõng cô độc khi mới bước chân lên hòn đảo để rồi sau đó là sự tò mò khi tiếp xúc, khám phá những bí mật tại nơi này để rồi sau cùng là sự bàng hoàng khi biết được sự thật đằng sau việc biến mất của chồng mình.

Song song với đó nhân vật Harry do nam diễn viên trứ danh Yuri Lowenthal (Spider-Man, Castlevania, Prince of Persia, Naruto…) lồng tiếng mặc dù có thời lượng xuất hiện ít ỏi nhưng cũng để lại ấn tượng khá tốt đối với game thủ. Ngoài hai tên tuổi nổi tiếng trên, những diễn viên lồng tiếng khác đảm nhận tuyến nhân vật phụ trong game cũng đã làm rất tốt vai trò của mình khi để lại màn trình diễn tròn trịa.

Yuri Lowenthal và Cissy Jones đều là những diễn viên lồng tiếng có “máu mặt” trong thế giới game

Các hiệu ứng âm thanh trong Call of the Sea cũng là một phần được nhà phát triển hết sức chăm chút. Những ai ưa thích du lịch biển đảo chắc chắn sẽ nhận ra các âm thanh hết sức đặc trưng của khu vực này như tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng hót véo von của bầy chim vào buổi sáng, tiếng nước suối chảy róc rách qua từng khe đá hay cả tiếng cọt kẹt của những cây cầu gỗ cũ kỹ cũng được thực hiện hết sức kỹ lưỡng.

Ngoài ra các loại tiếng động phát ra khi người chơi tương tác với môi trường hoặc vật thể cũng được thực hiện hết sức chỉn chu và chân thực, khi chơi game bạn đừng cố gắng khám phá mọi thứ quá nhanh mà hãy chậm rãi để từ từ trải nghiệm hết cái hay mà NSX muốn trình diễn.

Tất nhiên sẽ thật thiếu sót nếu không nói đến phần soundtrack của game. Âm nhạc trong Call of the Sea giống như một bản giao hưởng tuyệt hảo tổng hòa rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau: hạc cầm, piano, kèn trumpet, sáo, violon… Cá nhân Mọt cực kì thích các đoạn nhạc sử dụng giai điệu của đàn hạc cầm bởi nó làm gợi nhớ rất nhiều đến bộ phim The Shape Of Water vốn đã được đề cập ở phần đầu bài viết.

Bên cạnh phần âm thanh thì đồ họa của game cũng gây ấn tượng  tốt với game thủ.  Sử dụng engine Unreal 4 cùng với hàng loạt các công nghệ thời thượng như HDR và ray-tracing, Call of the Sea khiến người chơi phải “mắt chữ A, mồm chữ O” đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi khám phá các khu vực trên đảo.

Đó có thể là bãi biển trải dài với bờ cát trắng phau cùng hàng dừa xào xạc trong gió, những rặng san hô sặc sỡ dưới đáy biể, hay là những đền thờ mang màu sắc huyền bí… Tất cả những thứ nói trên trên đã góp phần biến thế giới trong game thành một bức tranh tuyệt đẹp và thật không quá lời khi nói Call of the Sea là tựa game phiêu lưu giải đố có đồ họa thuộc hàng tốt nhất hiện nay.

Thiên đường nhiệt đới trong Call of the Sea

Call of the Sea đáng để trải nghiệm?

Tuy Call of the Sea có thời lượng chơi khá ngắn (chỉ vỏn vẹn có 6 giờ chơi) thế nhưng đây thực sự là một tựa game indie thuộc thể loại phiêu lưu giải đố cực kì chất lượng với một cốt truyện li kỳ hấp dẫn cùng hàng loạt các câu đố cũng như bí ẩn thôi thúc người chơi khám phá không ngừng. Nếu như bạn đang tìm kiếm một trò chơi thuộc thể loại phiêu lưu giải đố nhưng không có yếu tố kinh dị thì  Call of the Sea chắc chắn sẽ là một sự lựa chọn cực kì sáng suốt.

Điểm mạnh:

  • Hình âm hài hòa
  • Cốt truyện khá
  • Gameplay giải đố hấp dẫn

Điểm yếu:

  • Mạch game đôi lúc hơi chậm
  • Thời lượng game hơi ngắn
Nội dung