Observer: System Redux là một game trinh thám, kinh dị tâm lý được phát triển bởi Bloober Team và xuất bản bởi Aspyr ra mắt vào ttháng 11 năm 2020. Được biết đây là một phiên bản nâng cấp đồ hoạ và mở rộng cốt truyện của tựa game Observer, ra mắt vào năm 2017.
Trò chơi gây được sự chú ý từ trước khi ra mắt bởi sự góp mặt của diễn viên quá cố Rutger Hauer (từng xuất hiện trong những bộ phim nổi tiếng như Blind Fury, The Hitcher, Notradamus và gần đây nhất là The Sonata) với vai trò là nhân vật chính. Cùng với đó là nhạc sĩ Arkadiusz Reiskowski, người từng phối nhạc cho những tựa game kinh dị nổi tiếng như Layers of Fear 1 và 2 và KHOLAT.
Phụ lục
Bối cảnh tương lai tăm tối của Observer
Observer lấy bối cảnh năm 2084 ở thành phố Krakow, tại Ba Lan, sau vụ nổ nanophage, một “bệnh dịch kỹ thuật số” cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh và nạn sử dụng ma túy bắt đầu tràn lan. Sau khi Chiron, một siêu tập đoàn lên nắm quyền kiểm soát Ba Lan và thành lập nền cộng hòa thứ 5, một đơn vị cảnh sát mới đã được thành lập, với tên gọi là Observer (tạm dịch: người quan sát).
Các thám tử ‘đặc biệt’ này đươc cấp giấy phép để kiểm soát tiềm thức và tâm trí của người dân, với mục đích điều tra lẫn thẩm vấn khi cần thiết. Vào năm 2084 khi bối cảnh xã hội rối loạn những con nghiện ma túy thường lẫn ma túy điện tử được xếp vào hạng C, sau đó trục xuất đến ở chung với nhau trong một căn chung cư ở Krakow.
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày ảm đạm, tay thám tử Observer là Daniel Lazarski nhận được cuộc gọi từ Adam, con trai của mình. Sau đó, ông định vị vị trí ID của cậu con trai và được dẫn đến một tòa nhà chung cư. Khi đến căn hộ của Adam, ông phát hiện ra một thi thể mất đầu. Bằng các thiết bị nghiệp vụ chuyên môn của mình, vị thám tử bắt đầu quét thiết bị ComPass gắn trong xác chết và xác nhận được một cuộc gọi nhỡ từ một người có tên viết tắt là “H.N.”
Sau khi kiểm tra danh sách dân cư, Lazarski biết được ‘H.N’ là viết tắt của Helena Nowak, một người phụ nữ sống trong căn hộ 104. Tại thời điểm này, bỗng dưng xảy ra một đợt phong tỏa, tất cả các cánh cửa của khu chung cư đều bị đóng lại. Không những thế, tất cả các loại sóng vô tuyến đều bị ngắt khỏi máy chủ, khiến tay thám tử không thể gọi tiếp viện cũng như các đơn vị y tế được.
Tại căn hộ 104, ông tìm thấy một người đàn ông bị thương nặng và đang hấp hối. Lazarski nhanh chóng ‘hack não’ anh ta để tìm cho ra kẻ đã làm trọng thương người lạ mặt này. Manh mối tiếp theo nằm ở trong một tiệm xăm, ngay giữa khuôn viên của khu chung cư.
Trong tiệm xăm, thi thể của Helena được tìm thấy, một lần nữa tay thám tử này lại tiến hành ‘hack não’ của cô gái đáng thương. Các bằng chứng cho thấy Helena đã từng làm việc cho anh chàng Adam xấu số, cô đảm nhận công việc rò rỉ dữ liệu và các thông tin mật của tập đoàn Chiron. Sau đó, Lazarski bắt đầu đi tìm Jack Karnas (chủ tiệm xăm) để thẩm vấn.
Tại căn hộ số 210, thám tử Lazarski phát hiện Jack đã bị sát hại. Nhưng lần này khả thi hơn, bởi vì tên sát nhân đã để lại dấu máu, và thám tử bắt đầu lần theo. Các dấu vết dẫn lên gác mái, sau khi leo lên, Lazarski đã bị tấn công bất ngờ, khiến ông bất tỉnh. Sau khi tỉnh lại, thì kẻ giết người đã chết từ lúc nào không hay, và lại một lần nữa, ông lại tiếp tục ‘hack não’ của xác chết để có thể tìm thêm thông tin.
Lần này, các manh mối dẫn chuyên viên điều tra này xuống khu vực cống rãnh, đến nơi ẩn náu của kẻ giết người xấu số kia. Ông phát hiện ra cái đầu bị đứt lìa của Adam đang nằm trên bàn. Trong sự đau khổ tột cùng của mình, ông nhớ lại giọng nói của con trai mình, nhắc về một nơi tên là Sanctuary (tạm dịch: Thánh địa).
Lazarski lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm những câu trả lời cho mình. Tại ‘Thánh địa’, vị thám tử này đã gặp lại cậu con trai trong thế giới ảo và được biết tiềm thức của anh đã được chuyển đến với thế giới kỹ thuật số, với hi vọng không còn bị Chiron kiểm soát nữa.
Adam nói rằng tập đoàn Chiron đã triển khai một loại virus để phá vỡ hệ thống phòng thủ của của mình nhưng ngay sau đó lại yêu cầu cha của mình chạy đè tín hiệu để mở khóa cho cả khu chung cư, với mục đích giải phóng cho anh khỏi mạng lưới thông tin nội bộ của tòa nhà này.
Hóa ra, đây không phải thực sự là Adam, nói cho dễ hiểu hơn, đây là những gì còn sót lại trong tiềm thức của anh. Gọi là ‘những gì còn sót lại’ bởi vì anh đã cố gắng dùng virus để tiêu diệt chính mình, và cố tình kích hoạt hệ thống cách ly của toàn khu chung cư.
Sau đó, Adam buộc vị thám tử già phải lựa chọn giữa việc chấp nhận cho mình sống trong tiềm thức của Observer (tự do, cách ly khỏi mạng lưới của Chiron) nếu muốn cứu sống tiềm thức của anh.
Một khi Lazarski đồng ý, Adam sẽ kiểm soát toàn bộ cơ thể của ông. Nếu Lazarski từ chối, Adam sẽ tải tiềm thức của vị thám tử vào một con rô bốt dọn dẹp và đánh cắp cả cơ thể của ông. Quyết định cuối cùng hoàn toàn thuộc về người chơi.
Observer có lối chơi dễ hiểu, dễ tiếp cận
Observer: System Redux thay đổi khá ít so với bản game ra mắt năm 2017, vẫn chỉ đơn giản là lối chơi ‘đi bộ-chỉ điểm-và-nhấp chuột’. Mục đích yêu cầu người chơi phải kiểm tra môi trường xung quanh để tìm ra các manh mối có ích cho cuộc điều tra.
Bởi vì bản thân nhân vật chính là ‘nửa người nửa máy’, nên sẽ được kèm theo rất nhiều tính năng để hỗ trợ cho việc điều tra. Một trong số đó là những trợ năng thị giác, bao gồm: Electromagnetic scanner, Biological scanner và Night vision. Việc chuyển đổi giữa 2 chế độ Electromagnetic và Bio, sẽ giúp game thủ dễ dàng đánh giá các thiết bị điện tử và phân tích các dung dịch sinh học hơn. Cũng giống như bản gốc, người chơi còn có thể ‘hack’ vào tiềm thức của nghi phạm và nhân chứng để tra khảo họ ngay cả khi họ đã chết.
Một thay đổi lớn nhất mà Endnight Game đã đem vào bản game mới, là việc loại bỏ con quái vật tồn tại trong ác mộng của Lazarski. Đây được xem là một tính năng gây ức chế cho game thủ, chỉ cần bị sinh vật này ám thôi là ‘game over’, người chơi phải bắt đầu lại từ đầu.
Những sửa đổi này cho phép người chơi tập trung vào cốt truyện chính và đắm chìm trong thế giới Observer hơn, không bị phân tâm với lối chơi ‘mọ mẫm’ đôi khi mang lại cảm giác tẻ nhạt.
Đồ họa đẹp nhưng ma mị và ghê rợn
Theo Mọt nhận xét, tựa game này sở hữu hiệu ứng đồ họa rất đẹp, tuyệt đẹp là đằng khác. Nét đẹp đó không chỉ đơn giản được thể hiện qua bề mặt kỹ thuật, mà nó còn được phô diễn bởi phong cách riêng mà Observer: System Redux mang lại.
Có những khoảnh khắc cực kỳ khó quên về cách sử dụng màu sắc và ánh sáng mà Mọt nhận thấy trong quá trình trải nghiệm của mình. Đôi lúc Mọt suy nghĩ ‘tại sao họ có thể tạo ra được những cảnh game cùng với các tông màu hiệu quả đến vậy?’
Từ những đóm lửa cháy lấp lánh, ánh đèn hành lang, đèn đường, màu sắc những sợi dây điện dưới làn mưa như trút nước, đến những mảng đất bám dính trên sàn nhà và các khung cửa ra vào. Tất cả đều như vẽ nên một bức tranh u ám, đáng sợ cho thành phố Krakow. Cho chúng ta thấy một xã hội buồn, không có nhiều sự lựa chọn trong cuộc sống.
Âm thanh và môi trường tuyệt vời
Đối với hiệu ứng âm thanh, Mọt nghĩ đây sẽ là vị trí ghi điểm cao nhất trong đánh giá của mình. Cách thiết kế âm thanh mà NSX đem lại thật đáng kinh ngạc. Những tiếng tạch tạch từ các thiết bị điện đang gặp sự cố, tiếng rít của gió… Tất cả đều được thực hiện một cách cực kỳ kỹ lưỡng và xuất sắc.
Cá nhân Mọt thường đánh giá rất kỹ về việc chỉ đạo âm thanh trong môi trường không gian. Như khi Lazarski từ trong một căn phòng yên tĩnh, mở cửa bước chân ra ngoài khuôn viên đang mưa xối xả, âm thanh lúc đó cũng thay đổi theo môi trường một cách tuyệt vời. Từ tiếng mưa đến tiếng sấm chớp, tất cả đều cho thấy rằng đội ngũ phát triển thực sự đã rất nghiêm túc thực hiện cho Observer: System Redux này.
Những điều cần chú ý và cải thiện
Có khen cũng phải có chê, cũng bởi vì là một nhân vật ‘nửa máy’ nên thường xuyên xảy ra rất nhiều hiệu ứng chớp giật xuất hiện khắp trên màn hình. ‘Mỏi mắt’ nhất là khi kết nối tiềm thức với nạn nhân, người chơi sẽ trải qua một loạt ký ức đầy màu sắc chói lóa trông rất khó chịu.
Tất nhiên là nhà phát triển Bloober Team cũng khuyến cáo rằng sẽ có rất nhiều cảnh như vậy. Chúng ta không thể nào trách họ được. Suy cho cùng, đây là bài đánh giá mà Mọt muốn hướng theo một cái nhìn khách quan nhất. Bên cạnh đó, có một yếu tố mà Mọt nghĩ có lẽ nên được điều chỉnh lại, đó là FOV (Field of view – góc nhìn rộng-hẹp của nhân vật) còn quá ‘kỳ cục’.
Nói cho dễ hiểu, Mọt là một người rất thích chơi game góc nhìn thứ nhất, và thường xuyên điều chỉnh cho FOV thực sự phù hợp với mình sau đó mới bắt đầu trải nghiệm. Thì trong Observer: System Redux, nếu chỉnh FOV lên cao (tầm 100-120) thì khi ra lệnh cho nhân vật quỳ xuống, FOV sẽ tự động phóng to lại mức mặc định (tầm 65-70). Điều này thực sự mà nói làm cho người chơi cực kỳ chóng mặt và rất mỏi mắt, vì mắt cần phải liên tục điều tiết với sự thay đổi trong không gian của game.
Tổng kết
Ưu điểm:
- Đồ họa, hình ảnh và màu sắc tuyệt đẹp.
- Thiết kế âm thanh tuyệt vời, lọt tai.
- Cốt truyện hấp dẫn, có chiều sâu, nâng cao sự căng thẳng xuyên suốt quá trình chơi.
- Phiên bản làm lại này đã giải quyết triệt để nhiều vấn đề mà Observer cũ đã gặp phải.
Nhược điểm:
- Lối chơi điều tra hiện trường khá đơn điệu, dễ mang đến cảm giác nhàm chán, không thú vị.
- Không có nhiều lối chơi đa dạng để khám phá, khá thiên về hướng tường thuật, dẫn truyện.
Observer: System Redux đáng chơi?
Đối với Mọt, với tư cách là một fan khá cứng với các dòng game kinh dị và hồi hộp, Mọt đánh giá rằng đây là một tựa game đáng chơi. Không chỉ đơn giản ở chỗ trải nghiệm chất lượng đồ họa u ám đượm buồn, có một chút ma mị hay phần âm thanh được thiết kế rất tốt. Quan trọng nhất là sự trải nghiệm chính mình, qua những câu chuyện ngắn của các cư dân trong Krakow. Giúp chúng ta hiểu thêm về thế giới Observer.