Vậy là một năm nữa lại sắp qua đi. Song song với những bộn bề của game thủ nước nhà, làng game thế giới cũng chuyển động không ngừng nghỉ. Năm nay, với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, rất nhiều công ty đã quyết định lùi lịch phát hành sang những tháng cuối năm, hoặc thậm chí là sang tận năm 2021. Chất lượng và số lượng của những dự án game vì thế cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, không vì thế mà 2020 thiếu đi những khoảnh khắc đáng nhớ đối với game thủ. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng nhìn lại 5 khoảnh khắc tiêu biểu của làng game thế giới trong năm 2020 này.
Trước khi đến với danh sách cụ thể, chúng ta hãy xét qua một chút về các tiêu chí đánh giá. Đầu tiên, một sự kiện hay một khoảnh khắc tiêu biểu, đại diện cho bộ mặt của làng game thế giới trong cả một năm chắc chắn phải có tầm phủ sóng rộng lớn. Có thể là qua truyền hình, báo chí, youtube, vân vân và vân vân. Nhưng nó phải đảm bảo được nhiều người biết tới và nhớ tới. Tiếp theo phải xét tới sức ảnh hưởng của nó tới cộng đồng game thủ. Một tựa game với gameplay đột phá, nội dung xuất sắc, và là cảm hứng cho nhiều nhà làm game khác noi theo. Một sự kiện có quy mô hoành tráng, được chuẩn bị kỹ lưỡng và mang tới nhiều thông tin hấp dẫn cũng sẽ được tính vào danh sách này. Không dài dòng nữa, hãy cùng đến với cái tên đầu tiên.
Sự kiện E3 bị hủy bỏ
Những lúc như thế này thì chúng ta mới thấy sức ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là lớn đến nhường nào. Electronic Etertainment Expo, hay còn được biết đến với cái E3, từ lâu đã là một sân chơi chất lượng dành cho game thủ. Sau hơn 2 thập kỷ phát triển, E3 đã trở thành một trong những sự kiện về game có quy mô hoành tráng nhất. Nếu Giáng Sinh hay Năm Mới là những ngày lễ lớn của các nước phương Tây, thì E3 chính là ngày lễ của game thủ trên toàn thế giới.
Sự kiện này là dịp để các ông lớn của ngành công nghiệp game phô diễn những công nghệ phần cứng tân tiến và mang đến những thông tin hấp dẫn nhất về những dự án game trong tương lai. Hòa cùng không khí này, game thủ từ khắp nơi đổ về thành phố Los Angeles của Mỹ để tham gia vào các hoạt động bên lề. Tại đây, bạn sẽ tìm thấy các cuộc thi cosplay đặc sắc, những sân khấu hoành tráng không thua kém gì các sự kiện âm nhạc hay những bài phỏng vấn độc quyền với những nhà làm game gạo cội.
Phần lớn game thủ nước nhà sẽ theo dõi sự kiện này qua màn ảnh nhỏ. Nhưng không vì thế mà sức hút của E3 bị suy giảm. Bởi các nhà làm game luôn biết cách giữ chân các khán giả theo dõi qua sóng truyền hình. EA hay Ubisoft luôn có những sân khấu lộng lẫy và các màn trình diễn vô cùng thú vị. Còn Bethesda thì gây ấn tượng khi mời hẳn một band nhạc rock trong buổi lễ giới thiệu Rage 2 và Doom Eternal. Devolver Digital tuy chỉ là một nhà phát hành nhỏ nhưng cũng khiến người ta nhớ tới với những buổi giới thiệu được đầu tư bài bản và vô cùng sáng tạo. Có thể thấy, khâu tổ chức chuyên nghiệp cũng là một nguyên nhân khiến E3 nổi bật hơn hẳn những sự kiện về game khác như Tokyo Gameshow hay Gamescom.
Sau mỗi mùa sự kiện, các trang tin trong và ngoài nước không quên đăng tải những thông tin nóng hổi nhất đến cho người hâm mộ. Các diễn đàn và hội nhóm của game thủ cũng xôn xao bàn tán vô cùng sôi nổi. Tất cả tạo nên một bầu không khí đặc biệt mà ít có sự kiện về game nào trên thế giới có được.
Để đảm bảo an toàn, ban tổ chức của E3 đã quyết định hủy bỏ sự kiện này trong năm 2020. Cũng vì thế mà làng game thế giới đã có một mùa hè khá uể oải. Phải đến tận đầu tháng 8 thì các hãng game mới rục rịch hé lộ thông tin về các dự án game mới. Và đa số đều chọn các nền tảng trực tuyến như Youtube hay Twitch để tương tác với người hâm mộ. Thế nhưng, có thể dễ dàng nhận thấy rằng chúng thiếu đi sự đầu tư và không thể tạo ra được không khí hứng khởi mà E3 mang đến cho game thủ.
Sự trỗi dậy của Fall Guys và Among Us
Năm 2017, PUBG bùng nổ về số lượng người chơi và trở thành một hiện tượng của làng game. Chỉ tính riêng nền tảng PC và Console, PUBG đã tiêu thụ được hơn 70 triệu bản và mang về cho nhà phát hành hàng tỷ đô la lợi nhuận. Đã có những thời điểm, lượng người chơi cùng lúc của trò chơi này vượt qua con số 3.2 triệu. Lấn át cả những cái tên đình đám như GTA V hay Minecraft trên phương diện truyền thông.
Thành công của PUBG đã tạo ra một cơn sốt mới mang tên Battle Royale. Tiếp theo đó là hàng loạt cái tên gắn mác thể loại này mọc ra như nấm sau mưa. Fortnite, Apex Legends, Rules of Survival hay Realm Royale bắt đầu thò tay vào miếng bánh béo bở này. Thậm chí, các dòng game vốn vẫn nổi tiếng với phần chơi đơn như Call of Duty, Fallout hay Tetris cũng bắt đầu lân la sang thể loại này. Năm 2017, lợi nhuận mà Battle Royale mang về là 1.2 tỷ đô. Sang đến năm 2019, con số này là hơn 20 tỷ.
Trong quá trình phát triển, các nhà làm game cũng luôn tìm cách để làm mới thể loại này. Ví dụ như Fortnite cho game thủ khả năng xây dựng công trình, Apex Legends thì có bối cảnh và lối thiết kế mang hơi hướng tương lai, còn Spellbreak thì đưa phép thuật làm yếu tố chủ đạo trong combat. Nhưng dù thế nào thì chúng vẫn khó tránh khỏi việc tạo ra nhịp game không đồng đều. Sau hơn 3 năm “tung hoành” trên thị trường, có vẻ như Battle Royale đang đánh mất dần phong độ của mình.
Tháng 8 năm 2020, nhà sản xuất Mediatonic thông báo sẽ phát hành trò chơi mới có tên Fall Guys: Ultimate Knockout. Vẫn sử dụng mô-tuýp của các tựa game Battle Royale. Thế nhưng thay vì súng ống hay phép thuật, Fall Guys ném người chơi vào một đấu trường hỗn loạn, nơi hàng chục con người cố gắng vượt qua những mini-game vô cùng thách thức. Điều đáng nói là ý tưởng của trò chơi chỉ được đưa ra trong một cuộc họp kín vào hồi đầu năm, lấy cảm hứng từ gameshow Takeshi’s Castle của Nhật được phát sóng vào những năm 90. Sử dụng tông màu tươi sáng, lối thiết kế nhân vật ngộ nghĩnh kết hợp với hệ thống vật lý vô cùng khùng khoằm, trò chơi hướng tới những trải nghiệm hài hước và vui vẻ. Fall Guys giống như một làn gió tươi mới thổi vào thể loại Battle Royale vốn đã quá chật chội này. Trò chơi lập tức nổi lên và trở thành một hiện tượng lạ của làng game.
Trong khi đó, Among Us là một tựa game multiplayer đặt nặng yếu tố tương tác giữa người chơi với nhau. Lối chơi của Among Us có phần giống với boardgame nổi tiếng Werewoft. Mỗi vòng chơi của Among Us cho phép tối đa 10 người tham gia. Nhiệm vụ của mỗi người là tìm ra các Imposter được chọn ngẫu nhiên ở mỗi vòng chơi, song song với đó là làm những công việc vặt mà hệ thống giao cho bạn. Còn nhiệm vụ của Kẻ lừa đảo là trà trộn và tiêu diệt những người chơi khác trong khi vẫn phải đảm bảo không ai phát hiện ra danh tính thật của mình. Mỗi khi phát hiện ra người chơi bị hạ gục, bạn có thể báo cáo cho những người khác để “họp hội đồng” tìm ra Kẻ lừa đảo. Từ đây, những tình huống dở khóc dở cười bắt đầu nảy sinh khi mọi người tìm cách đưa ra những “bằng chứng ngoại phạm”, cũng như lập luận để tìm ra Kẻ lừa đảo đang ẩn mình…
Chắc tôi không cần nhắc thêm về thành công của Fall Guys và Among Us. Sự trỗi dậy của 2 tựa game này như một lời nhắc nhở cho chúng ta về ý nghĩa thực sự của trò chơi điện tử: Đó là mang tới những phút giây vui vẻ và sảng khoái bên những người bạn.
Thế hệ console mới chính thức bắt đầu
Khoảnh khắc chuyển giao giữa 2 thế hệ console luôn mang đến cho game thủ những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu tiên được chạm vào chiếc PS4 của Sony. Từ cấu hình, hiêu năng, cảm giác trải nghiệm cho tới thiết kế của chiếc controller đều là một sự nâng cấp toàn diện so với cỗ máy PS3 cũ kỹ. Killzone: Shadow Fall là cái tên được Sony “chọn mặt gửi vàng” để phô diễn sức mạnh phần cứng của PS4. Thiết kế môi trường tỉ mỉ, hiệu ứng ánh sáng tân tiến, những đoạn cắt cảnh hoành tráng, controller rung lên theo từng cử động của nhân vật. PS4 đã dạy cho tôi biết thế nào mới là trải nghiệm next-gen đích thực. Trong suốt vòng đời của chiếc console này, Sony luôn biết cách chiều lòng fan hâm mộ với những tựa game độc quyền chất lượng. Uncharted 4, God of War, Ghost of Tsushima, The Last of Us, vân vân và vân vân. Thành quả cho những nỗ lực này là hơn 100 triêu máy được bán ra trên toàn thế giới.
Chiếc máy PS5 ra mắt vào giữa tháng 11 được kỳ vọng sẽ tiếp nối những thành công mà người đàn anh gây dựng trước đó. Trong những bài phỏng vấn với Sony, ông lớn này tỏ ra rất tự tin với đứa con tinh thần của mình. Sử dụng công nghệ Ray-tracing tân tiến, khả năng dựng hình ở độ phân giải 4K, tốc độ khung hình 60 hay thậm chí là 120 FPS vô cùng mượt mà. Cùng với đó, là khả năng tương thích ngược với hầu hết các tựa game trên PS4. Tôi may mắn có cơ hội trải nghiệm chiếc console này tại nhà của một người bạn. Và thú thật, điều khiến tôi ấn tượng nhất không phải là những công nghệ đồ họa tân tiến, mà là tốc độ load game cực nhanh nhờ vào ổ đĩa SSD, cùng với đó là trải nghiệm tuyệt vời mà chiếc tay cầm DualSense mang lại. Với một doanh sách game độc quyền đa dạng và hấp dẫn, tôi tin rằng PS5 sẽ tiếp tục mang tới những phút giây giải trí tuyệt vời cho game thủ.
Còn về phía nhà Microsoft, nếu nhìn thoáng qua thì có vẻ như ông lớn này đang hụt hơi trong cuộc đua với Sony. Nhưng đừng vì thế mà phủ nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của hãng này với dòng máy Xbox One. Ông lớn này luôn nỗ lực để mang tới những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Xbox One X là một sự nâng cấp hiệu năng đáng giá. Project X-Cloud là một dự án gaming trên nền tảng đám mây vô cùng triển vọng. Tính đến tháng 9 năm nay, Xbox Game Pass đã thu hút được hơn 15 triêu người dùng trên toàn thế giới.
Ngoài ra, việc Microsoft mua lại hàng loạt studio game lớn nhỏ, mà mới đây nhất là Zenimax với Bethesda, như một lời khẳng định: ông lớn này sẽ cạnh tranh sòng phẳng với Sony. Xbox Series X sở hữu những tính năng và hiệu năng không hề thua kém PS5. Thậm chí, Xbox Series S còn là một lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn trải nghiệm những tựa game đỉnh cao với giá thành phải chăng. Một điều khiến tôi phải khâm phục Microsoft là việc ông lớn này đã dũng cảm lùi ngày phát hành Halo: Infinite sang mùa Thu năm sau sau những phàn nàn về chất lượng đồ họa của trò chơi. Mong rằng, Sony và Microsoft sẽ tạo ra một cuộc đua kịch tính. Khi đó thì người hưởng lợi chắc chắn sẽ là cộng đồng game thủ trên toàn thế giới.
Cyberpunk 2077 và những lùm xùm sau ngày ra mắt
Một trong những tựa game nhận được sự quan tâm lớn trong năm nay chính là Cyberpunk 2077 của nhà phát triển CD Projekt Red. Đây là một game thuộc thể loại nhập vai góc nhìn thứ nhất, lấy bối cảnh tại thành phố giả tưởng Night City năm 2077. Điểm đặc sắc của tựa game là việc lựa chọn thể loại Cyberpunk bụi bặm, gai góc nhưng không kém phần quyến rũ. Trong phim ảnh, Cyberpunk được biết tới như một nhánh nhỏ của thể loại Khoa học – Viễn tưởng. Một số cái tên tiêu biểu của thể loại này có thể kể đến như The Matrix, Blade Runner hay 2 bộ anime nổi tiếng là Akira và Ghost in the Shell.
Cyberpunk 2077 hứa hẹn sẽ kế thừa những ưu điểm sáng giá của “người đàn anh” The Witcher 3, cũng như tạo ra những nét riêng của mình với thể loại Cyberpunk hấp dẫn. Là một trong những dự án tham vọng nhất của ông lớn CD Projekt Red, sau gần 8 năm trời phát triển, cùng với đó là bao thăng trầm trong quá trình sản xuất, cuối cùng thì trò chơi cũng đã ra mắt người hâm mộ vào ngày 10 tháng 12 vừa qua.
Vậy trò này có xứng đáng với những kỳ vọng của người hâm mộ. Theo cá nhân tôi thì không. Cyberpunk 2077 thành công trong việc xây dựng một thế giới game hấp dẫn và có chiều sâu, bám sát với nguyên tác của tác giả Mike Pondsmith. Đồ họa của trò chơi được hoàn thiện rất tốt, nhưng nó không khiến tôi phải trầm trồ như lần đầu tiên trải nghiệm God of War phiên bản năm 2018 hay Red Dead Redemption 2. Gameplay và nhất là những trường đoạn đấu súng chỉ dừng lại ở mức khá. Ngoài ra thì hệ thống AI yếu kém cũng khiến cho trải nghiệm nhập vai của tôi bị giảm đi đáng kể. Ấy là còn chưa kể đến những bug xuất hiện với tần xuất dày đặc trong quá trình trải nghiệm.
Nhưng điều khiến tôi thất vọng nhất chính là việc CD Projekt Red đã cắt bỏ hàng loạt nội dung hấp dẫn khỏi trò chơi để có thể kịp tiến độ ra mắt. Hệ thống AI tân tiến, combat hấp dẫn hơn, hệ thống RPG có chiều sâu, lựa chọn của người chơi ảnh hưởng trực tiếp tới số phận các nhân vật, thế giới hoạt động theo chu kỳ ngày đêm thú vị, hệ thống tùy chọn nhân vật đa dạng và chi tiết, các tập đoàn đóng một vai trò quan trọng hơn trong mạch truyện chính, vân vân và vân vân. Trò chơi đã có thể hấp dẫn hơn rất nhiều nếu CD Projekt Red không rút ngắn tiến độ và vội vã phát hành.
Theo thông tin từ CD Projekt Red, đã có hơn 8 triệu game thủ đặt trước trò chơi này trên tất cả các nền tảng. Điều này phần nào cũng cho thấy kỳ vọng lớn lao mà người hâm mộ đặt vào Cyberpunk 2077. Trên Metacritic, trò chơi nhận được điểm số 53 cho phiên bản trên PS4 và Xbox One, cùng với đó là số điểm user score thảm hại 3.4. Bên cạnh đó, một số lượng lớn game thủ cũng đã tiến hành hoàn tiền do không hài lòng với chất lượng của trò chơi.
Sau 8 năm phát triển, cùng với đó là vô số lời hứa hẹn về một tựa game với chất lượng vượt trội, có lẽ CDPR nợ cộng đồng game thủ một lời xin lỗi chân thành. Mong rằng, nhà phát triển này có thể khắc phục những khuyết điểm kể trên để chúng không còn là trở ngại đối với những người đang có ý định thử qua tựa game này.
Honorable Mentions – Những khoảnh khắc đáng được vinh danh
Trước khi đến với cái tên đứng đầu trong danh sách này, chúng ta hãy điểm qua một số cột mốc đáng nhớ khác trong năm nay.
Tựa game Animal Crossing: New Horizons được ra mắt trên Nintendo Switch vào ngày 20 tháng 3 đã nhanh chóng tẩu tán được hơn 26 triệu bản trên toàn thế giới. Với lối chơi nhẹ nhàng và thư giãn, trò chơi đã chinh phục được game thủ ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Tại Việt Nam, Animal Crossing: New Horizons cũng tạo ra một hiệu ứng chưa từng đối với fan hâm mộ của nhà Nintendo.
Vào hồi giữa tháng 9 thì Sony đã tung ra đoạn trailer đầu tiên cho God of War: Ragnarok. Biểu tượng của chiến thần xuất hiện trên màn hình, theo sau là dòng chữ “Ragnarok is coming” đã khiến cho hàng triệu fan hâm mộ tỏ ra phấn khích. Được biết, trò chơi sẽ được ra mắt vào năm 2021. Hãy cùng chờ xem, liệu Santa Monica sẽ tận dụng phần cứng mạnh mẽ của chiếc PS5 thế nào trong trò chơi này.
Genshin Impact – tựa game vốn vẫn đươc cho là phiên bản “đạo nhái” của The Legend of Zelda: Breath of the Wild có màn ra mắt vô cùng hoành tráng. Thu về hơn 100 triệu đô la Mỹ chỉ sau 2 tuần xuất hiện trên thị trường, từ đó đánh tan mọi hoài nghi trước đó dành cho tựa game.
Liên Minh Tốc Chiến là phiên bản di động của tựa game nổi tiếng Liên Minh Huyền Thoại vốn vẫn thống trị các quán nét Việt nhiều năm nay. Vì đặc thù của nền tảng di động, Liên Minh Tốc Chiến phải thay đổi nhiều cơ chế từ bản PC. Độ dài trung bình của một trận đấu trong Tốc Chiến được rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 18-20 phút. Đó cũng chính là nguồn gốc của tên gọi Tốc Chiến. Riot muốn mang tới một trải nghiệm Liên Minh Huyền Thoại trọn vẹn nhất nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với thói quen của người dùng di động. Cùng thì trò chơi cũng đã ra mắt game thủ nước nhà vào ngày 8/12 sau một thời gian dài chờ đợi.
The Last of Us Part II giành giải Game of the Year
The Game Awards là một sự kiện thường niên nhằm vinh danh những tựa game có thành tích nổi bật trong năm đó. Được tổ lần đầu tiên vào năm 2014, giải thưởng này đã phát triển và trở thành một trong những biểu tượng của làng game thế giới. Thành công của The Game Awards một phần cũng nhờ vào khâu tổ chuyên nghiệp và liên tục đổi mới từ phía ban tổ chức.
Dàn khách mời nổi tiếng là truyền thống từ nhiều năm nay của The Game Awards. Dù dịch Covid-19 có ảnh hưởng đôi chút tới khâu tổ chức sự kiện, nhưng nhìn chung thì chất lượng truyền tải tới khán giả vẫn được đảm bảo. Trong quá khứ, chúng ta đã từng thấy Christoph Waltz hay Vin Diesel xuất hiện trên sân khấu trao giải, thì sự kiện lần này cũng có sự góp mặt của nam tài tử Keanu Reeves, người thổi hồn cho nhân vật Johnny Silverhand trong Cyberpunk 2077. Ngoài ra, đạo diễn tài hoa Christopher Nolan và diễn viên Tom Holland cũng kịp gửi lời chào tới khan giả. Một nhân vật rất được game thủ yêu mến là Reggie Fils-Alimé – cựu giám đốc của Nintendo xuất hiện với vai trò khách mời với giải thưởng Innovation in Accessibility.
Nhìn chung, cộng đồng game thủ tỏ ra khá hài lòng với chất lượng của chương trình năm nay. Tuy vẫn còn một số điểm đáng chê trách, nhưng đây vẫn là một năm thành công với đội ngũ chuẩn bị chương trình. Như mọi năm, phần âm nhạc vẫn được nhiều người khen ngợi với những bản nhạc chất lượng từ tựa game mà họ yêu thích. Đa phần đều tỏ ra nuối tiếc cho Ghost of Tsushima khi mà tựa game này chỉ mang về giải thưởng Best Art Direction.
The Last of Us 2 vẫn là tâm điểm của dư luận khi mà tựa game gây tranh cãi này đại thắng với 7 hạng mục lớn là Best Narrative, Best Action/Adventure, Innovation in Accessibility, Best Game Design, Best Audio Design, Best Performance và Game of the Year.
Trước đó, đứa con tinh thần của Naughty Dog đã từng tạo ra một làn sóng phản đối vô cùng từ cộng đồng game thủ. Vài tháng trước ngày ra mắt, toàn bộ kịch bản của trò chơi đã bị một cựu nhân viên phán tán rộng rãi trên mạng. Nguyên nhân là do mâu thuẫn tiền bạc. Nhà phát triển này đã can thiệp ngay lập tức can thiệp. Thế nhưng mọi chuyện đã trở nên quá muộn, tất cả những gì mà Naughty Dog có thể làm lúc này đó liên tục trấn an tinh thần người hâm mộ.
Sau ngày ra mắt, trò chơi phải hứng chịu những đợt review bom khủng khiếp tới từ người hâm mộ. Trái ngược với những điểm số hoàn hảo từ giới chuyên môn, đã có những lúc, user score của The Last of Us Part II chỉ dừng lại ở con số 3.3. Thậm chí, Metacritic còn phải thay đổi chính sách chấm điểm của mình để phần nào vớt vát lại tình thế. Sau lễ trao giải năm nay, cộng đồng game thủ lại có dịp đấu đá nhau nảy lửa trên các trang mạng xã hội. Tạm gác lại yếu tốt cốt truyện hay chất lượng của trò chơi, có thể khẳng định rằng The Last of Us Part II chắc chắn sẽ còn được nhắc tới, không chỉ trong năm nay mà còn là nhiều năm sau đó.
Kết
Còn bạn, điều gì khiến bạn ấn tượng nhất trong năm 2020 này? Đừng quên để lại ý kiến ở phần bình luận bên dưới.