Đánh giá Samurai Shodown – Với một 9X đời đầu như tác giả thì có thể nói thập niên 90 chính là thời hoàng kim của các tựa game song đấu (chính xác phải gọi là game đối kháng) với hàng loạt những cái tên kinh điển như Quyền Vương (The King Of Fighters), Võ sĩ đường phố (Street Fighters), Rồng Đen (Mortal Kombat) Hoàng Phi Hồng (The Last Blade) và tất nhiên không thể không nhắc tới Samurai Shodown hay Samurai, trò chơi gần như bắt buộc phải có tại tất cả các quán điện tử từ game thùng arcade cho tới Playstation tại Việt Nam trong giai đoạn này.
Được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1993 bởi SNK, Samurai Shodown gây ấn tượng với các game thủ của thể loại đối kháng bởi lối chơi nặng về phần tính toán chiêu thức vô cùng độc đáo so với những người đồng nghiệp khác như Street Fighter hay Fatal Fury. Không chỉ vậy, dòng game còn ghi điểm với người chơi với dàn nhân vật vô cùng “chất” dựa trên những nhân vật lịch sử có thật cũng như thần thoại của Nhật Bản cùng với phần hình ảnh bạo lực, đẫm máu không thua kém huyền thoại Mortal Kombat là mấy.
Tuy nhiên, sau phiên bản chính thức cuối cùng là Samurai Shodown VI được phát hành vào năm 2005 cùng phần game kỷ niệm Samurai Shodown Anthology trong năm 2009, series đối kháng trên bỗng dưng “im thin thít và lặng mất tăm” trong một thời gian dài. Mãi cho đến năm 2019, thương hiệu này bất ngờ “tái xuất giang hồ” với phiên bản reboot mang tên Samurai Shodown. Tựa game khi ra mắt nhận được phản hồi rất tích cực từ các fan cũng như giới chuyên môn. Vậy sau gần 15 năm vắng mặt, Samurai Shodown mang lại những gì cho người hâm mộ?
Phụ lục
Cốt truyện phong cách cũ, chỉ vừa “đủ xài”
Mặc dù mang vai trò là phần reboot cho cả series nhưng câu chuyện trong Samurai Shodown lại xảy ra giữa Samurai Shodown V (bản đầu tiên nếu tính theo dòng thời gian trong game) và phần game gốc của năm 1993. Cốt truyện của trò chơi cũng khá là đơn giản và súc tích khi nó kể về cuộc chiến của các võ sĩ trên toàn thế giới tại xứ sở Mặt Trời mọc nhằm chống lại sự bành trướng của Shizuka Gozen, một linh hồn ác quỷ được hồi sinh từ cõi chết.
Các fan lâu năm hẳn sẽ cảm thấy rất hài lòng khi thấy hàng loạt các anh tài trong các phiên bản trước được quay trở lại trong phiên bản kì này như samurai Haohmaru, “Hiệp sĩ mù” Ukyo, “Hai Lúa” Genjuro, “Ninja chó” Galford, “Nhẫn giả nghĩa địa” Hanzo Hattori, nữ Bá tước Charlotte hay các phản diện quen thuộc như gã mập Earthquake, bà trùm Amakusa… Đương nhiên những ai đã gắn bó với series từ bản đầu tiên sẽ không khó để nhận ra lối dẫn truyện đặc trưng của series. Cũng cái kiểu bắt đầu bằng một đoạn cutscene giới thiệu nhân vật cùng lí do tại sao họ tham gia vào cuộc chiến, sau đó chuyển đến đoạn boss cuối bắt đầu ném các thử thách vào mặt các nhân vật, xen kẽ trong đó là các đoạn cắt cảnh đào sâu vào mối quan hệ của các đấu sĩ và kết thúc sau khi trùm cuối bị hạ gục.
Nếu muốn thì game thủ có thể mở thêm một đoạn cutscene ẩn bằng cách hạ Gozen mà không dùng continue nhưng tác giả xin nói trước là con trùm này rất imba đúng chuẩn boss cuối thường thấy trong các tựa game của SNK đấy nhé. Nhìn chung, phần story của Samurai Shodown không có gì quá nổi trội nhưng theo tác giả thì nó cũng đã hoàn thành tốt vai trò dẫn nhập người chơi vào thế giới của game.
Gameplay “lấy thủ làm công” vô cùng khác lạ
Bỏ phần cốt truyện khá là nhạt nhòa (nhưng vẫn làm thỏa mãn các fan hâm mộ kỳ cựu của dòng game) qua một bên thì “món chính” trong Samurai Shodown chính là lối chơi vô cùng đặc sắc và có phần hơi khác người. Thay vì đi theo hướng kết hợp các đòn đánh thành chuỗi combo như các tựa game fighting khác, Samurai Shodown lại lấy phòng thủ làm chủ đạo với nhiều kĩ năng phòng ngự khác nhau tùy theo nhân vật mà game thủ đang sử dụng.
Kiên nhẫn, suy nghĩ và lựa chọn kỹ càng trước khi ra từng đòn thế cũng như đọc vị đối thủ là những điều tất yếu mà người chơi phải làm nếu người chơi muốn đạt được chiến thắng. Ví dụ điển hình nhất là khi bạn tung một đòn heavy với khả năng lấy đi 1/3 cây máu của địch thì đồng thời cũng chính đòn đánh này sẽ khiến bạn bị hở sườn rất nhiều khiến cho địch thủ dễ dàng lợi dụng để counter lại. Hay như khi bị đánh bay mất vũ khí, bạn có thể chọn một là bỏ chạy nhặt lại đồ chơi của mình hoặc hai là liều mạng dùng tay chụp kiếm của đối phương và vô hiệu hóa hắn.
Như đã nói ở trên, theo ý kiến cá nhân người viết thì Samurai Shodown không quá chú trọng vào việc thực hiện combo cho nên phần lớn các đòn đánh đều có thể thực hiện được khá dễ dàng với các nút đánh nhẹ, trung bình, mạnh và nút đá và điều đặc biệt ở đây là chúng lại có sát thương cao hơn hẳn các đòn combo đặc biệt. Không chỉ dễ trong việc ra đòn, các kỹ năng khác như đỡ, phản đòn, vô hiệu hóa vũ khí đối phương và thực hiện các đòn tất sát cũng không quá là phức tạp bởi cách thực hiện chúng đều giống nhau với mỗi nhân vật chứ không như các tựa game khác là mỗi nhân vật thì lại có một tổ hợp nút bấm dành riêng cho mình.
Giống như các phiên bản trước, nhân vật càng ăn đòn nhiều thì các đòn đánh của đấu sĩ đó sẽ càng trở nên mạnh hơn thông qua việc cơ thể của họ bắt đầu đỏ bừng lên. Và truyền thống trên tiếp tục được kế thừa trong phần reboot kì này với thanh Rage Gauge. Một khi được làm đầy thông qua việc bị bón hành, người chơi sẽ được “buff” sức mạng và đồng thời có thêm một số lựa chọn tấn công khác, trong đó nổi bật nhất là kỹ năng Flipping Technique với khả nằng gây sát thương lớn và vô hiệu hóa vũ khí của đối phương (ngày xưa hay gọi là thuyệt chiêu “gãy kiếm”) nhưng cũng đồng thời rút cạn luôn thanh Rage của người sử dụng.
Về tổng thể như bạn đọc có thể thấy, Samurai Shodown không đòi hỏi người chơi phải ghi nhớ quá nhiều nút bấm như các game song đấu khác, và đây có thể nói là điểm cộng lớn nhất của game, khiến cho game cực kì dễ làm quen với những người mới lần đầu tiếp xúc với thể loại game đối kháng.
Hình âm mang đậm phong cách xứ Phù Tang
Là một tựa game song đấu lấy hình ảnh của các samurai làm chủ đạo nên tất nhiên đồ họa trong Samurai Shodown thể hiện rất rõ những đặc trưng của đề tài này (tất nhiên là theo hướng cường điệu hóa). Mọi thứ trong game từ trang phục, tóc tai, combo của các nhân vật, môi trường của các màn chơi cho đến các đoạn cắt cảnh dù là tĩnh hay CGI đều được chăm chút rất tỉ mỉ và được dựng hình y hệt như những bức tranh được vẽ theo phong cách hội họa Nhật Bản. Điều này giúp cho game có được một dấu ấn rất riêng và không đụng hàng với các sản phẩm khác.
Và nói về các nhân vật trong game thì có lẽ không cần phải bàn luận nhiều bởi Samurai Shodown có cho mình một dàn cast vô cùng đa dạng và cá tính. Ngoài những nhân vật quen thuộc như đã nói ở phần đầu thì game giới thiệu đến người chơi rất nhiều đấu sĩ mới với background vô cùng phong phú.
Không chỉ vậy, nhà phát triển còn rất tinh tế khi mang trở lại những yếu tố đã làm nên tên tuổi cho series như các đòn đánh khiến máu đối phương phun như suối không kém gì các bộ phim của đạo diễn Quentin Tarantino, hay đặc biệt hơn là các đòn tất sát khiến kẻ địch bị chẻ làm hai.
Ngoài đồ họa đỉnh cao, mảng nghe của game cũng rất tuyệt vời với các hiệu ứng âm thanh vô cùng chân thực và đã tai như tiếng gươm đao chém vào nhau, tiếng của các đòn đánh tác động vào da thịt đối thủ hay tiếng động phát ra từ background của trận đấu. Tất cả được điểm xuyến bởi những bài nhạc nền đậm chất samurai khiến cho những trận đấu trong game tuy cực kì bạo lực những cũng không kém phần lãng mạn và đậm chất thơ.
Và cuối cùng để có được một màn trình diễn trọn vẹn thì tất nhiên không thể thiếu sự góp mặt của các seiyū (tiếng Nhật: diễn viên lồng tiếng), những người đã thổi hồn vào các nhân vật trong game. Chắc chắn những người hâm mộ lâu năm sẽ cảm thấy rất hài lòng khi thấy hầu như các nhân vật kì cựu mà mình ưa thích vẫn được đảm nhận bởi các seiyū khi xưa. Thậm chí ngay đến cả nhân vật người dẫn truyện kiêm luôn trọng tài của các trận đấu cũng là “người cũ” luôn khiến cho người chơi, đặc biệt các fan ruột sẽ cảm thấy hoài niệm vô cùng.
Những khuyết điểm không đáng có
Sở hữu một gameplay có chiều sâu cùng phần hình ảnh và âm thanh đỉnh cao thế nhưng Samurai Shodown không phải là không có khuyết điểm. Thứ nhất đó là game có khá ít nội dung để trải nghiệm ngoài những mode cơ bản như Practice, Story, Battle (dùng để đấu với AI hoặc người chơi thứ hai trên cùng 1 máy), Time Attack, Survival và Dojo.
Nói riêng về phần Dojo thì đây vừa là một điểm hay vừa là một điểm dở của game bởi trong chế độ này game sẽ tạo ra một bản sao đấu sĩ dựa trên dữ liệu chiến đấu của bạn để từ đó bạn có thể tập luyện với bản sao này để rút ra kinh nghiệm cho mình. Ý tưởng nghe thì rất hay nhưng thực tế thì phiên bản copy của chính bản thân người chơi hiếm khi phản ánh đúng những gì đã diễn ra trong các trận đấu trước của họ.
Và cuối cùng, điều đáng tiếc nhất ở Samurai Shodown đó là cộng đồng online của game không thực sự đông đảo như các tựa game đối kháng khác. Mặc dù hệ thống Netcode của game được xây dựng rất xuất sắc giúp cho người chơi hầu như không gặp tình trạng lag hay delay khi chơi mạng thế nhưng thực sự rất khó để tìm trận bởi số lượng người chơi online không nhiều.
Samurai Shodown có đáng để trải nghiệm?
Trong một thế giới mà hầu như các tựa game song đấu đều theo đuổi lối chơi phức tạp với những chuỗi combo khó nhằn đòi hỏi nhiều kỹ năng từ người chơi thì những sản phẩm đi theo phong cách đơn giản như Samurai Shodown lại là điều hiếm thấy. Với một gameplay dễ chơi, dễ tiếp cận cùng dàn cast phong phú, đa dạng, chắn chắc tựa game sẽ làm hài lòng cả các fan lâu năm lẫn những game thủ đang muốn làm quen với thể loại fighting.
Tuy vẫn còn một số khuyết điểm như thiếu nội dung, chế độ tập luyện nửa vời cộng với việc cộng đồng online của game thực sự không lớn mạnh thế nhưng những gì Samurai Shodown đã thể hiện sau gần 14 năm vắng bóng có thể nói là vượt xa mong đợi của người hâm mộ. Samurai Shodown hiện tại đang được phát hành trên nhiều nền tảng khác nhau như PS4, Xbox 1, Nintendo Switch, PC và mới đây nhất là Xbox Series X/S.
Điểm mạnh:
- Gameplay vẫn “chất” như xưa
- Dàn nhân vật đồ sộ, cả cũ lẫn mới
- Chế độ Dojo giúp người chơi nhận ra khuyết điểm của mình
- Chơi online siêu mượt
Điểm yếu:
- Cốt truyện bình thường
- Hơi ít nội dung để trải nghiệm
- Chế độ Dojo hiếm khi phản ánh đúng những gì xảy ra trong trận đấu trước đó của người chơi
- Cộng đồng game không mạnh bằng các tựa game song đấu khác
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.