Thực tế là để lắp được các loại CPU ngon, cao cấp thì chiếc bo mạch chủ đi kèm cũng khá đắt và đôi khi được các NSX nhồi cho cả đống tính năng vô cùng xịn xò, nhưng game thủ có khi lại chẳng bao giờ cần. Chính vì vậy mà việc tìm được một loại mainboard giá thành phải chăng, lại đủ ngon cho chiếc máy tính chiến game đôi khi lại tương đối khó.
Và Asus Prime Z390-P chính là một trong những chiếc bo mạch chủ rất vừa tầm cho game thủ từ giá thành cho tới các tính năng mà nó hỗ trợ, có thể nói là 'tiết kiệm' trong một hệ thống máy tính cao cấp. Sản phẩm này hội tụ đủ những gì mà game thủ cần để cắm được một chiếc CPU khủng, VGA hiệu năng cao, SSD tốc độ ánh sáng... nhưng không quá hào nhoáng.
Sau đây là những hình ảnh 'đập hộp' chiếc bo mạch chủ Asus Prime Z390-P này:
Vỏ hộp tương đối đơn giản.
Bên trong là các phụ kiện thường thấy, gồm sách hướng dẫn, đĩa driver, dây SATA, chặn main và ốc để bắt SSD cắm cổng M.2.
Và đây là nhân vật chính của chúng ta, chiếc bo mạch chủ Asus Prime Z390-P.
Có thể thấy rằng chiếc bo mạch chủ Asus Prime Z390-P trông khá đẹp với tạo hình rất thú vị của các hình in. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng nó trông hơi 'còm' so với nhiều sản phẩm khác dùng chipset Z390 từ tản nhiệt cho tới 'giáp'. Tuy vậy khi soi kỹ các kết nối thì vẫn rất ổn, chẳng thiếu thứ gì.
Asus Prime Z390-P có thiết kế 6 + 3 phase điện, đảm bảo cung cấp năng lượng hoàn hảo cho các loại CPU cao cấp cắm trên socket 1151 nó hỗ trợ. Game thủ sẽ rất yên tâm khi sử dụng gặp phải vấn đề gì về mặt thiếu hụt điện nếu load game khủng hay dùng ứng dụng nặng nề. Tuy nhiên do dàn tản nhiệt khá 'hẻo' nên khả năng OC khá hạn chế, đây cũng là tính năng ít khi được game thủ phổ thông sử dụng nên thực tế không phải là vấn đề gì quá lớn.
Tất nhiệt mosfet hơi 'hẻo' nhưng vẫn đủ dùng.
Asus Prime Z390-P có 4 khe cắm RAM, hỗ trợ tối đa 64GB và tốc độ 4266Mhz - khá ngon.
Đi xuống phía dưới, Asus Prime Z390-P cũng chỉ có mỗi tản nhiệt chipset, chẳng có cái tản nhiệt SSD M.2 nào.
Nhìn rộng hơn một chút ở phía dưới.
Asus Prime Z390-P trang bị 2 khe PCI-E x 16 và 4 khe PCI-E x 1, cộng thêm 1 khe M.2 hỗ trợ kép SATA và PCI-E 3.0 x 4, 1 khe còn lại chậm hơn chỉ là PCI-E 3.0 x 2 mà thôi. Ngoài ra có 4 cổng SATA 3 truyền thống ở dưới nữa.
Nhìn chung với các cổng kết nối này thì game thủ hoàn toàn có thể cắm được VGA xịn xò chạy tẹt cùng với SSD tốc độ cao để load dữ liệu siêu nhanh, vào game không cần chớp mắt đã xong.
Tuy vậy, Asus Prime Z390-P có điểm yếu ở phẩn âm thanh chỉ ở mức trung bình thấp, với chip xử lý không xịn và tụ rất ít thì nhạc nhẽo đầu ra không được hay cho lắm và cũng không hỗ trợ nhiều. Tất nhiên game thủ có thể khắc phục dễ dàng bằng card âm thanh rời nếu có nhu cầu ở tầm cao cấp.
Cổng kết nối phía sau của Asus Prime Z390-P, khá đủ nhu cầu phổ thông, tuy vậy vẫn hơi ít cổng USB nếu có nhiều thiết bị cần kết nối.
Nhìn tí lưng cho vui... Nơi đây có in một số chuẩn mà chiếc mainboard này đạt được/hỗ trợ.
Về tổng thể, Asus Prime Z390-P là một chiếc mainboard phổ thông trong tầm cao cấp có giá khoảng 4 triệu đồng khá ngọt. Nó sở hữu đầy đủ những gì mà game thủ thường cần đến và là sự lựa chọn khá ổn nếu bạn không cần những sản phẩm hầm hố lung linh tuyệt sắc.